BIÊN ĐỘ CỦA TRÍ TƯỞNG


Bài này tôi viết từ năm 1997, tức đã gần 20 năm. Hồi ấy Nguyễn Quang Thiều được giao khai sinh ra tờ Văn nghệ TRẺ. Về sáng tác, tuổi tôi không còn trẻ, nhưng với phê bình thì còn là rất trẻ. Hồi ấy tôi đã trình làng bài Đọc Ngày Văn học lên ngôi (phê bình cuốn của Đỗ Minh Tuấn) làm rung rinh cả giới viết lách Bắc Hà khụng khiệng, buộc người ta phải hỏi Đông La là ai? Dù sau này, “Đông La là ai?” còn được lặp lại nhiều lần, kể cả những ngày hôm nay. Vì mỗi lần tôi xông vào lĩnh vực mới nào thì ở nơi ấy người ta buộc phải hỏi vậy. Bài viết về cuốn của Đỗ Minh Tuấn đã được trao tặng thưởng hàng năm của TC Văn nghệ Quân đội (1997). Vì vậy, Nguyễn Quang Thiều ra báo mới bảo tôi viết phê bình là đương nhiên. 
(Tại Tòa soạn Văn nghệ Trẻ)
Như vậy hóa ra tôi là một trong những tác giả khai sinh ra tờ Văn nghệ TRẺ. Hồi đó Văn nghệ TRẺ đúng như một người trẻ: trẻ trung, rạng rỡ, sáng sủa, mới mẻ, sung sức, có cơ làm lu mờ cái tờ Văn nghệ “già”. Rồi không hiểu sao Nguyễn Quang Thiều không làm nữa, hơn chục năm tôi không đọc tờ này, không biết giờ nó như thế nào. Sau đó Thiều lại khai sinh ra tờ An ninh Thế giới cuối tháng cũng đình đám, rồi không hiểu sao cũng lại thôi. Một lần tôi bảo: "Ông chỉ giỏi bầy cỗ cho người ta xơi!"
Giờ đọc lại những chữ mình viết đã gần 20 năm có gì đó thật rưng rưng xúc động. Đúng là vật đổi sao dời. Có vài người "trẻ" tôi nhắc trong bài viết đã chết, có người rất thân với tôi nay đường ai nấy đi. Đây là bài mà ban biên soạn tuyển chọn gửi cho tôi xem lại để in vào công trình gì đấy của Văn chương TPHCM, tôi có quyền sửa, nhưng tôi thấy giữ nguyên hay hơn, để cả tôi và bạn đọc thấy được gương mặt thực của thời quá khứ.
Lại nhớ đến hai câu thơ của Tố Hữu: Tôi muốn viết những dòng thơ tươi xanh/ Vẫn nóng viết những dòng thơ lửa cháy. Ước gì tôi cũng chỉ viết về những  gì đó cao quý, sâu sắc, độc đáo, tinh tế của văn chương như bài viết trên đây. Nhưng tiếc là cuộc đời không chỉ có ánh sáng mà còn có bóng tối. Chính vậy, trong hành trình của nhân loại, nhiều vị thánh đã xuất hiện, mà để thành thánh, bàn tay họ có khi phải nhúng vào máu của những kẻ ác!
24-3-2014
ĐÔNG LA


Biên độ của trí tưởng

Viết về thơ Trẻ ư? Đã bao người viết? Người thì cho là đầy tiềm lực chưa phát tiết; người thì cho là phóng khoáng tiếp cân được với bên ngoài; nhưng cũng có người  cho thơ Trẻ còn chưa có gì. Vậy viết về thơ Trẻ thật khó biết bao! Nó khó vì thực tế thơ Trẻ không phải là chưa có gì, mà là có rất nhiều cái gì, là cái đang chuyển động khó định dạng; khó vì phải viết về những người song hành, còn trẻ, đều thông minh và giầu tri thức cả, lơ ngơ một chút là bị “cãi”  lại ngay.
Tôi đồng ý với một bạn tạm coi thơ Trẻ là thơ của những người viết sau 1975, dù rằng những nhà thơ nổi bật  trong giai đoạn chống Mỹ thời điểm đó cũng mới chỉ trên dưới khoảng 25 – 30 một ít. Nhưng làm nên cái diện mạo tâm hồn họ chính là những ấn tượng về chiến tranh, những ấn tượng đã ngấm vào máu, luôn hằn sâu trong ký ức họ với độ bám của những cái móc câu! Chúng chi phối sự sáng tác, dù  không viết về chiến tranh, nhưng họ vẫn viết bằng cách nhìn và tâm hồn của một người lính.
Trước hết, tôi thấy, cái mà thơ ca cần thiết nhất chính là trí tưởng tượng. Nếu nói: Văn xuôi có nội dung, hội họa có mầu sắc, âm nhạc có âm thanh và nhịp điệu... chưa cần đến trí tưởng tượng, chúng  đã có những ưu thế đối với ấn tượng người thưởng ngoạn. Còn thơ ca, nó cũng có tất cả các yếu tố đó, nhưng chỉ thứ yếu, mà cái cốt yếu của nó chính là sản phẩm của cái trí tưởng tượng kia. Chính trí tưởng tượng đã giúp nhà thơ vốn giàu có nhất về ngôn từ, nhưng lại là kẻ keo kiệt dễ thương nhất, bởi có một quyền năng là, chỉ cần tung ra một dúm chữ thôi, cũng đủ sức gây ra một hiệu ứng xúc cảm mà những nghệ thuật khác không tạo ra được tương tự. Bằng trí tưởng tượng với những biên độ khác nhau, nhà thơ biết cách pha trộn một cách thần diệu giữa tình cảm, ý tưởng và lời nói, tạo nên một loại sản phẩm có hấp lực đặc biệt – đó chính là thi ca.      
Một sự việc không tồn tại biệt lập, hình dạng của nó chỉ hiện rõ một cách biện chứng trong các mối quan hệ với những cái có liên quan. Trong lịch sử phát triển của thơ ca, có một sự phân chia các giai đoạn và sự sáng tạo ra các trường phái. Khi tạo ra các trường phái, các nhà cách mạng thơ luôn có ý thức sáng tạo ra một loại thơ mới, có tính chất khác đi với thơ trước đó.
Nói đến thơ Trẻ hôm nay, một bài thảo luận nhỏ dù không thể nói kỹ được, nhưng không thể không sảo sát trong cái dòng chảy chung ấy.
Tôi rất tin tưởng rằng, các nhà thơ sau 75 hoàn toàn tồn tại bình đẳng bằng giá trị tác phẩm của mình, xứng đáng kế thừa thơ ca của lớp cha anh: Ở nội dung so với nội dung, hình thức so với hình thức, độ tài hoa của ngôn từ so với độ tài hoa ngôn từ...
Điều này tôi biết rất ít người chấp nhận, vì thực sự diện mạo thơ sau 75 chưa được vẽ ra thì làm sao so sánh? Dường như mỗi thế hệ, mỗi tài năng, đều cần có một “bà đỡ” cho mình. Thơ Mới nếu không có Hoài Thanh-Hoài Chân, không biết có thành “một thời đại” được không? Tương tự, thơ chống Mỹ có Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu..., một Hội Nhà văn, các viện, các trường và cả một sự nghiệp giải phóng dân tộc. Còn thơ thế hệ sau 75 có tất cả mà không có gì cả. Nó chỉ được vẽ bằng phương pháp ấn tượng loãng, những nét rất mờ, rất vụn, rất rời rạc. Người ta viết phê bình, giới thiệu theo cảm tình, cảm tính, chứ không phải theo  một  trách nhiệm gì. Thường thì người ta chỉ đọc sáng tác của nhau khi quen biết nhau, trừ những vụ nổi đình nổi đám. Con người thời nay có quá nhiều thứ quan tâm và có quá nhiều thứ quyến rũ. Một nhà phê bình thấy một tác phẩm hay không giới thiệu cũng chẳng sao, trái lại, người phê bình dốt tán dương một tác phẩm dở cũng chẳng bị phạt. Có một thực tế buồn cười là, có tác giả thì người ta khen đến tận mây xanh thì thôi, y như maketing hàng hóa vậy; ngược lại, cũng có những người  sáng y như vậy (có khi còn hơn) nhưng không ai để mắt tới; và cũng không có ai bắt người khác khen mình được. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ: Cái hay luôn có cái hay cao cái hay thấp, trình độ thưởng ngoạn cũng có trình độ thưởng ngoạn cao trình độ thưởng ngoạn thấp; nên sáng tác mà được người thông minh uyên thâm khen thì vẫn tốt hơn; và bị một người dốt chê thì cũng chẳng nên lấy đó làm buồn. Bây giờ người ta cũng ít lệ thuộc vào sự hướng dẫn thưởng ngoạn của người khác. Người ta muốn hiểu bằng chính họ, bằng tri thức. Còn tôi, có sáng tác, có phê bình; tôi luôn tập khó với mình, khó với người, tập thích những điều cao siêu và luôn sợ một điều là: Cái điều mình thích, mình theo, có khi chỉ là những cái tầm thường? Có phải mình đang phấn đấu để đạt được cái tầm thường không?
Tất cả những điều trên đều có ảnh hưởng đến sự nhận diện gương mặt thơ Trẻ hôm nay.
Giá trị của thơ ca, nghệ thuật cũng mênh mông, đa dạng như giá trị của cuộc sống. Ai đọc được bao nhiêu thì biết được bấy nhiêu. Nói về thơ Trẻ tôi chỉ muốn nói đến đôi điều khác biệt rõ nét nhất mà tôi cảm nhận được, chứ không phải định giá thơ Trẻ. Nhưng độc giả nên hiểu cho là sự khác biệt có tính biện chứng, tính kế thừa: Trong cái khác có cái giống, trong cái giống có cái khác. Tôi cũng xin được phép bàn luận với tư cách là người trong cuộc. Vì bàn đến một việc quá khó, tôi chỉ trích những gì  mà mình đã hiểu kỹ.
Điều khác biệt thứ nhất tôi thấy có trong thơ Trẻ đó là sự thiết kế ý tưởng. Nếu thơ cổ người ta vịnh một vật gì đấy (kiểu thơ Hồ Xuân Hương chẳng hạn); giai đoạn kháng chiến  nhà thơ làm thơ từ một chuyện gì đấy (như bài Hơi ấm ổ rơm của Nguyễn Duy chẳng hạn), thì thơ Trẻ hôm nay cũng có dạng như thế, nhưng thơ vịnh vẽ nên một vật để ám chỉ, một khung cảnh để nói lên một tâm trạng, thơ kể chuyện kể lại một câu chuyện để nói lên  ý nghĩa, ý tưởng được diễn tả trong cảm xúc ; còn thơ Trẻ dựng lên các cảnh tượng; ý tưởng của thơ Trẻ có tính thiết kế, tính dụng ý, tính tượng trưng, tức khả năng biểu đạt rộng hơn. Trong bài Bầy chó của tôi, Nguyễn Quang Thiều viết về bầy chó:
Bầy cho gầy, bẩn thỉu, ốm đau
Ngày lùng sục kiếm ăn
Liếm cả vào lưỡi dao sắc ngọt
Lưỡi bị cứa máu trào ra ở đó
Con đến sau lại liếm máu bầy mình
(Tập Sự mất ngủ của lửa)
  Rõ ràng ở đây ta không thể nói Nguyễn Quang Thiều “vịnh” bầy chó được, anh cũng không phải “kể” một câu chuyện, mà anh đã dựng lên những cảnh tượng, vừa thực, vừa hư, đó chính là những biểu tượng của thơ ca, bầy chó không chỉ là bầy chó, mà thực chất chỉ là cái cớ cho tác giả muốn biểu đạt những ý tưởng về sự đấu tranh sinh tồn của cả thế giới sự sống. Đọc bài này của Nguyễn Quang Thiều tôi nhớ đến bài Tấm thảm của tôi. Tuy khác nhau ở chỗ, hiện thực của Nguyễn Quang Thiều được dựng liền mạch, còn tôi dựng bằng những nét có tính ấn tượng. Nhưng có cái giống là, nếu Nguyễn Quang Thiều nói về đàn chó là để người đọc cảm nhận về sự đấu tranh sinh tồn thì tôi dựng lên tấm thảm để nói về nỗi buồn vui của cuộc đời:
Ôi tấm thảm cuộc đời sao cứ ken nhau lẫn lộn!
Cứ mỗi sợi vui lại có lắm sợi buồn
Tôi nâng tấm thảm ba mươi hai rưỡi năm mình vừa dệt
Cũng nhiều sợi buồn và chỉ thấp thoáng những sợi vui
(Tập Đêm thiêng)
 Tôi tìm kiếm trong Thơ hiện đại Việt Nam (tập thơ tuyển của Nxb HNV) để nhặt ra những bài khác biệt, đang bí thì bắt gặp bài Mùa sấu rụng của Nguyễn Quyến. Nguyễn Quyến cũng thiết kế tuổi thơ mình thành một tấm áo, với những mối quan hệ của nó với cuộc sống.
 Điều khác biệt thứ hai tôi thấy, ngôn ngữ trong thơ Trẻ dù không phải hoàn toàn là ngôn ngữ của thơ siêu thực nhưng cũng có tính siêu thực, tính kỳ lạ cao hơn thơ thời trước. Tính siêu thực của thơ Trẻ thể hiện ở chỗ: ý tưởng cảm xúc không liền mạch, ý tưởng bị phân nhánh, ngẫu nhiên, các thao tác ngôn ngữ phóng khoáng, kỳ lạ, ý tưởng không hội tụ.
 Với Nguyễn Quyến, một tác giả còn rất trẻ, những ý tưởng lớn có thể còn chưa định hình rõ nét, bởi những điều này thi sĩ còn phải bị cuộc đời dần cho tơi tả may ra mới có được, nhưng Nguyễn Quyến có ưu thế của sức trẻ ở độ liên tưởng, hình ảnh trong thơ Quyến rất phong phú, lạ lẫm, ngộ nghĩnh và non tơ: “Cây đa dứt hết chòm râu cổ thụ. Và phục sinh râu bằng tiếng hát của bầy trẻ và hương trầm”. Nguyễn Bình Phương: “Đêm trôi từ Tây sang Đông rồi từ  Đông sang Tây. Những chiếc lá biếc xanh bởi giấc ngủ tự tin tràn trề của cây”; Dương Kiều Minh: “Ôi những con đường dốc. Những quả đồi mùa đông phủ phục ôm mặt khóc. Nhất loạt đang qùy trước dòng sông...”; Trần Quang Quý: “Sao heo may run lên trong chiều thẳm”; Nguyễn Linh Khiếu: “Chẳng biết bao lần ta ngước lên bầu trời gặp vầng trăng mỏng thượng tuần. Băn khoăn lầm rầm không biết có phải mỏ vàng của sáo đen thơ ấu”. Nguyễn Ngọc Phú: “Biển vịn chúng mà đi lững thững. Biển tập nói như người líu giọng”; Nguyễn Lương Ngọc: “Tôi tan vào ngày của em. Mắt lá dăm môi cắn chỉ”. Thơ Nguyễn Quang Thiều cũng rất đậm đặc chất siêu thực, nhưng anh vẫn định hướng được ý tưởng: “Sự cấu tạo trăng, sự cấu tạo côn trùng, sự cấu tạo người. Sự  cấu  tạo  nào  nhiều  máu  hơn, sự  cấu  tạo  nào  nhiều bóng tối hơn. Tội ác khe khẽ bế từ thiện ngủ mệt mỏi sang giường người khác”. Tôi cũng có những bài thơ giầu tính siêu thực, nhưng lại là thơ tình : “Khi gặp em/ Anh thấy cơn khát của cánh đồng/ Cánh đồng bị rang trên cái chảo mùa hạ/ Móng tay của nắng để lại những vết xước hình mắt lưới/ Những vết bỏng phồng rộp như bánh đa nướng/ Trên da thịt đất”.
Tính phong phú của ngôn ngữ lớp nhà thơ sau 75 thực ra vẫn là sự tiếp nối sự lạ hóa ngôn ngữ thơ ca từ cổ chí kim. Nguyễn Quyến: “Dẫm chân lên bậc thềm  mười bảy”; Nguyễn Quốc Chánh: “Đêm đêm tôi vắt dòng sông”; Dương Kiều Minh: “Những con thuyền tựa đêm ngủ yên”; Tô Thi Vân: “Chiều sán dần đến mẹ”; Khánh Chi: “Mười ngón tay âm thanh”; Ngay lớp nhà thơ  vừa vào tuổi hai mươi, con gái anh Hoàng Hưng: Ly Hoàng Ly, cũng có những câu dễ thương: “Đêm lồng vào giấc ngủ...Tầu hỏa xuyên qua đêm rồi. Ngoái nhìn, đêm ở lại đằng sau”. Nguyễn Thị Châu Giang cũng vậy: “Dòng sông khóc một đêm không cạn được nước mắt. Cánh đồng than thở suốt một đêm không mờ được nếp nhăn”.
Tôi cũng nhận thấy trong thơ Trẻ còn có những sự thể hiện khác, đó là việc đi tìm cái đẹp trong cái xấu, cái có nghĩa trong cái vô nghĩa, cái nhịp nhàng trong cái ngổn ngang gân guốc, cái ngọt ngào trong cái cay đắng...
Thơ Trẻ là sản phẩm của thời đại nên phải mang dấu ấn của chính thời đại này, của dân tộc này. Đó là: Tính tri thức, tính nhanh mạnh, tính phong phú; tước bỏ những rườm rà của những cái thông thường, những lề luật gò bó trí tưởng tượng... Nhưng các bạn trẻ cũng nên biết rằng, cái gì đã trở thành giá trị đều quý giá cả, chứ không phải chỉ thơ khác đi thì mới là thơ. Cũng như bên hội họa, người ta đã vẽ biết bao kiểu, nhưng đụng vào mấy bức tranh cổ là cháy tay ngay!
Khuôn khổ một bài thảo luận có hạn, mà thơ Trẻ lại rất nhiều và phong phú, tôi rất mong được đọc những bài viết của các bạn, viết về thế hệ mình, khi mà các nhà phê bình mũ cao áo dài còn bận quá nhiều  những chuyện quan trọng khác. Tôi coi đó là một sự tự tin, một tính cách của thế hệ trẻ hôm nay.

ĐÔNG LA
Phú Nhuận 16 - 4 - 1997
Báo Văn Nghệ Trẻ, số 43, 1997

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét