Trước năm 1945, thị xã Hải Dương có nhiều cửa hiệu chuyên làm và bán bánh đậu như Hoa Mai, Mai Phương,... nhưng nổi tiếng nhất là Bảo Hiên và Cự Hương. Bánh đậu Bảo Hiên do bà Nguyễn Thị Nhung làm chủ hiệu. Những người thuộc lớp cao tuổi ở Hải Dương hôm nay vẫn nhớ: Bảo Hiên là nhà hàng khởi lập nghề làm bánh đậu xanh tại thành phố Hải Dương. Mỗi lần nhà hàng Bảo Hiên nhập nguyên liệu làm bánh, thị xã sầm uất hơn hẳn ngày thường. Những toa tầu chở đường loại tốt nối nhau từ Tuy Hoà ra tận Hải Dương. Từng thuyền lớn chở đậu xanh từ Lục Nam xuống, hàng tạ mỡ khổ từ lò mổ tấp nập chuyển về kho của hiệu bánh đậu Bảo Hiên. Cửa hiệu hoạt động suốt ngày đêm. Mọi việc từ khâu kiểm tra kỹ thuật, giao dịch, quản lý, kế toán, điều hành công nhân,... cũng chỉ có một phụ nữ với một quyển sổ, một bàn tính cùng đàn con líu ríu quanh mình lo toan, nhưng công việc "vẫn cứ chạy băng băng". Người phụ nữ thạo nghề, yêu nghề và năng động ấy đã đưa bánh đậu xanh Hải Dương trở thành đặc sản nổi tiếng của tỉnh Ðông. Cũng nhờ bà "một tay chèo lái" mà Bảo Hiên trở thành hiệu làm và bánh đậu xanh có quy mô bề thế nhất thành Ðông những năm của thập niên 60, 70 (thế kỷ XX). Cùng thời đó, Cự Hương cũng là nhà hàng làm và bán bánh đậu xanh có tiếng. Sản lượng bánh của hiệu Cự Hương không lớn, nhưng bánh đậu xanh Cự Hương nổi tiếng bởi chất lượng của sản phẩm.
Năm 1986, ông Ðoàn Văn Ðạt sáng lập hiệu bánh đậu Nguyên Hương. Ông lấy hình ảnh chim Phượng Hoàng làm biểu tượng cho thương hiệu bánh đậu Nguyên Hương, lập nên một "dòng bánh đậu" mới bên cạnh "dòng" rồng vàng do cửa hiệu Bảo Hiên sáng lập. Với tên hiệu Nguyên Hương và biểu tượng chim phượng hoàng trên bao bì sản phẩm, ông Ðạt muốn biểu đạt tâm nguyện giữ được chất lượng "nguyên thuỷ" của bánh đậu xanh Hải Dương, để tiếng thơm về loại đặc sản độc đáo của xứ Ðông sẽ bay xa đến mọi miền đất nước. Tại Hội chợ thủ công mỹ nghệ toàn quốc năm 1987, Nguyên Hương được nhận Huy chương bạc về chất lượng sản phẩm. Ngay sau đó, năm 1998, cũng tại hội chợ này, Nguyên Hương đạt huy chương vàng. Sự kiện này đã tạo nên động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của bánh đậu xanh Hải Dương.
Bánh gai thị trấn Ninh Giang (huyện Ninh Giang)
Nhiều cụ già tại thị trấn Ninh Giang cho biết: nghề làm bánh gai ở Ninh Giang đã có từ hơn 700 năm nay. Bánh gai Hải Dương xuất xứ từ một làng thuộc huyện Gia Lộc. Ban đầu, bánh tròn như quả chanh, không có lá bọc. Từ nhu cầu "ăn ngon", người xưa đã tìm ra công thức và tiêu chuẩn hoá kỹ thuật sản xuất bánh gai. Gạo nếp cái hoa vàng, lá gai khô, đậu xanh loại tốt, hạt sen, dừa, vừng,... những sản vật bổ và ngon như vậy được hoà trộn với nhau theo một công thức bí truyền, gói trong những lớp lá chuối khô và đem hấp chín. Ðược "mặc" những lớp áo nâu bình dị, bánh gai là một đặc sản quý. Bởi để làm ra chiếc bánh ngon, đạt tiêu chuẩn, người thợ phải kỹ lưỡng, công phu trong từng công đoạn. Lấy việc chế biến bột bánh làm ví dụ: lá gai phải là thứ lá của các vùng thuộc tỉnh Nam Ðịnh. Lá được rửa sạch, cho vào nồi ninh nhừ. Ninh song đem rửa sạch rồi muối, ủ bằng đường 2 - 3 ngày. Khi lá đã được muối ngấu, người thợ mới dùng chày giã nát lá, lọc lấy bột mịn, rồi đem trộn với bột nếp. Tỷ lệ bột lá/bột nếp sẽ quyết định chất lượng của lớp áo bánh. "Soi" chiếc bánh gai trong ánh sáng mặt, người sành ẩm thực sẽ nhận thấy bánh chuyển từ màu đen tuyền sang sắc xanh và bột lá gai ly ty hiện lên trong sắc trong của bột nếp được xay mịn. Ðó cũng là tiêu chí quyết định "đẳng cấp" giữa các nhà làm bánh. Nhân bánh cũng được chuẩn bị công phu không kém. Mỡ cảnh (mỡ cổ lợn) được muối bằng đường thật khéo, sao cho mỡ không còn ngấy, có độ giòn như mứt bí. Hạt sen phải chế biến sao cho mỗi hạt đều mềm mà không nát, còn nguyên hương vị.
Vải Thuý Lâm (xã Thanh Sơn, Thanh Hà).
Nhiều thế kỷ trước, Thanh Hà nổi tiếng về cau, cam ngọt và thuỷ sản nước lợ như rươi, nhệch, cua, cáy,... Lái buôn Hà Thành quen gọi cau Thanh Hà là cau Ðông, nổi tiếng từ xưa. Ca dao vùng này có câu:
Chim gà, cá nhệch, cảnh cau
"Ăn quả nhớ người trồng cây", nhân dân Thanh Hà dựng miếu thờ và tôn cụ Hoàng Văn Cơm là Ông Tổ vải thiều ngay dưới tán cây Vải tổ. Nhân dân các vùng trồng vải lớn trong cả nước đều ghi nhớ công ơn của người đã trồng cây vải đầu tiên. Trong miếu thờ cụ Hoàng Văn Cơm, bức trướng của người dân vùng vải Lục Ngạn, Bắc Giang được treo ở vị trí trang trọng với dòng chũ: "Nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn biết ơn cụ Hoàng Văn Cơm (Ông Tổ vải thiều)". Ðại diện nông trường Chí Linh viết trong sổ lưu niệm: "Vải thiều đã lên ngợp trời Chí Linh nên càng cảm kích công ơn cụ Hoàng Văn Cơm và cây Vải Tổ". Từ cây Vải tổ, vùng Thanh Hà hôm nay đã rợp bóng cây vải thiều. Hàng vạn người con của đất Việt, từ đoàn cán bộ Nhà thiếu nhi Ninh Bình, các sĩ quan Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Long Thành - Ðồng Nai) đến những cán bộ nông nghiệp Tuyên Quang,... đều về thăm cây Vải tổ để được tìm hiểu về cội nguồn của một đặc sản nổi tiếng cả nước. Sổ lưu niệm cũng ghi lại cảm tưởng từ bao ngôn ngữ của các khách Pháp, Mỹ, Lào,...
Ngoài bánh đậu xanh, bánh gai, vải thiều; đến Hải Dương bạn sẽ được mời bánh dày cùng giò, chả Gia Lộc, nếp cái hoa vàng Kim Thành, na dai và chuối mật Chí Linh, bánh đa Kẻ Sặt - Bình Giang,... Những đặc sản quý mà rất bình dị của Hải Dương không chỉ là nét bản sắc của vùng đất này, mà còn thể hiện tâm hồn thuần hậu, tài khéo, cùng nét đặc sắc trong văn hoá ẩm thực của người xứ Ðông.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét