DUYÊN KHỞI ? (Xem phim Hoa trạng nguyên)



ĐÔNG LA
DUYÊN KHỞI ?
(Xem phim Hoa trạng nguyên)

Một lần mở tivi coi thấy đang chiếu phim, tôi ngạc nhiên khi thấy cảnh 2 diễn viên Bùi Bài Bình và Quốc Khánh nói chuyện trong quán cà phê đúng y như trong truyện ngắn BÀI TOÁN của tôi. Tôi không nhớ vì sao không coi tiếp, do bận công việc buộc phải đi hay sao đó, nhưng lần thứ hai bật tivi, tôi lại thấy chiếu phần cuối bộ phim đó, thấy tên đạo diễn là Đỗ Chí Hướng, sau đó thì thấy ghi bộ phim có sử dụng “những chi tiết trong truyện ngắn Bài toán của Nhà văn Đông La”. Cách đây không lâu, anh Nguyễn Ngọc Thu cùng quê cũng gọi điện thoại hỏi: “Cái truyện ngắn Bài toán của chú dựng thành phim HOA TRẠNG NGUYÊN à?”.
Như vậy, như có một sự xếp đặt huyền bí nào đó đã cho tôi biết những gì liên quan đến mình. Nhớ lại tôi cũng thấy có chuyện lạ. Hồi anh chàng Đặng Thiều Quang đến nhà tôi chơi, nhìn tấm ảnh hồi trẻ của tôi dán ở giá sách, ĐTQ hỏi: “Anh dán ảnh Bùi Bài Bình à?”.
 BÙI BÀI BÌNH?
Giống?
Rõ ràng làm sao tôi mà giống BBB được, nhưng riêng cái ảnh ấy quả có nét giống. Rồi trong phim Hoa trạng nguyên, BBB đã nói đúng những câu nói của tôi trong truyện Bài toán: “Ông giàu, ông không cần cơ quan, còn tôi mà thất nghiệp thì bỏ mẹ”, v.v... Lại nữa, vừa rồi tôi đã ra câu đố trên FB và Blog liên quan đến công việc trong truyện Bài toán, một lần nhìn lên tivi lại giật mình thấy VTV4 báo chương trình phim cuối tuần sẽ chiếu HOA TRẠNG NGUYÊN. Vì thế mà lần đầu tiên, 5 giờ sáng nay, tôi đã được coi trọn vẹn bộ phim HOA TRẠNG NGUYÊN.
Vào phim thấy ghi là dựa vào truyện ngắn của Vũ Hải Sơn, tôi giật mình, không lẽ có một bộ phim khác trùng tên? Nhưng vào phim thấy chiếu cảnh máy bay hạ cánh, một anh chàng ở Leningat về, kiểm tra hành lý có toàn sách vở, rồi đến cơ quan nghiên cứu làm việc, nhận đề tài, rủ bạn ra quán nói chuyện, v.v… thì gần như truyện Bài toán và chính bản thân tôi đây (do Bùi Bài Bình đóng) đã được copy lên phim. Bùi Bài Bình trong phim cũng giống như tôi bị người trong cơ quan gọi là hâm. Nhưng tôi không hề ăn mì tôm không nấu rồi uống nước lạnh như vậy. Bản thân tôi cũng không biết tại sao người ta lại gọi mình thế? Một lần tôi hỏi một chị có cái tên ngồ ngộ là Ngò: “Bà Ngò này, tại sao các bà lại nói tôi là hâm?”. Bà ấy bảo: “Ông hỏi tôi như thế nghĩa là hâm đấy!”. Tôi chịu không hiểu.
Quay lại phim Hoa trạng nguyên, xem tiếp thì thấy bộ phim chỉ thể hiện cái không khí của một nơi nghiên cứu, theo một câu chuyện khác chuyện của tôi, được dựng lên để tác giả bộ phim muốn truyền đạt những ý tưởng: cuộc đời một cán bộ nghiên cứu tài năng với một công trình có giá trị bị những người lãnh đạo trực tiếp không coi trọng vì chạy theo những cái thực dụng, rồi bị cướp công khiến cho bị điên, rồi chết, đã để lại tấm gương cao quý cho đời sau học tập. Tóm lại là thế.
Hồi nhỏ vì thích khoa học nên tôi rất thích xem bộ phim Tiền tuyến gọi được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của Nhà văn BS Trần Quán Anh, phản ánh cuộc sống của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Y khoa về chống choáng chấn thương trong chiến tranh. Vì tác giả kịch bản là một BS nên nội dung phim thật sống động. Hai diễn viên lừng danh là Thế Anh và Trần Phương, có lẽ bây giờ và về sau còn lâu mới có như thế, đóng vai chính. Đến tận giờ tôi còn nhớ như in câu nói của vị GS nói với con mình: “Khoa học là của chung chứ không phải là một thứ gia truyền”. Hồi ấy thì say mê vô cùng, không biết bây giờ coi lại thì cảm xúc có còn được như vậy không?
Nói chung, dựng phim về công việc nghiên cứu khoa học cho đúng đã khó, làm cho nó cuốn hút thì còn khó bội phần, nên phải thú thật, bộ phim có lấy những chi tiết và không khí nghiên cứu trong truyện ngắn Bài toán của tôi là HOA TRẠNG NGUYÊN còn sơ lược, xếp đặt còn vụng.
Dù sao tôi cũng cảm ơn Đạo diễn Đỗ chí Hướng có chú ý đến tác phẩm của tôi và cho hiện tên nó trong phần giới thiệu tác giả ở cuối bộ phim.
29-9-2013
ĐÔNG LA

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét