Là một trong năm địa điểm của TP. HCM được công nhận di tích lịch sử, Khách sạn Continental tọa lạc ở góc ngã tư Công trường Quốc tế - Đồng Khởi. Cổng chính hướng ra đường Đồng Khởi gồm hai số 132 - 134. Khách sạn được xây dựng vào năm 1880, do kiến trúc sư người Pháp thiết kế, và mang tên Continental ngay từ những ngày đầu. Sau ngày giải phóng miền Nam, có thời gian khách sạn đổi tên thành Hải Âu. Đến 1989, khi được chỉnh trang, nâng cấp khách sạn đã lấy lại tên cũ. Continental có diện tích tổng thể 3.430m2, cao 3 tầng. Tuy số phòng không lớn, song diện tích mỗi phòng ở đây cũng thuộc vào loại "kỷ lục", có phòng rộng 80m2 với chiều cao 4m. Nơi đây từng đón tiếp Tổng thống Pháp J. Chirac, Thống đốc bang California, người mẫu Kate Mode và nhà văn Mỹ nổi tiếng Gramham Green. Chính tại phòng 214 của khách sạn là nơi cho ra đời tác phẩm "Quiet American".
Thảo Cầm Viên, công viên lâu đời nhất TP
Tính đến tháng 3 năm 1998, Thảo Cầm Viên (TCV) đã có 134 năm tuổi. Khởi công xây dựng vào tháng 3/1864, TCV lúc ban đầu là một công viên rộng 12 ha, do Nhà thực vật học nổi tiếng người Pháp J.B.Louis Pierre sáng lập và làm Giám đốc đầu tiên. Đến năm 1865, nơi đây được mở rộng thêm 8 ha nữa, và là vườn ươm nhiều giống cây du nhập có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, ca cao, măng cụt, vú sữa, sầu riêng, xà cừ, dầu rái..., đồng thời người Pháp cũng phát triển ở đây một số vườn thú, vì vậy công viên này được đặt tên là Sở Thú. Đến năm 1924, Sở Thú được mở rộng thêm 13 ha. Năm 1956, chính quyền Sài Gòn cho tu sửa, tái thiết lại và năm 1966 đổi tên thành Thảo Cầm Viên. Từ năm 1989, TCV lại được cải tạo, mở rộng và du nhập thêm nhiều giống mới, trồng thêm một số loài cây quý. Bộ sưu tập thú của TCV hiện có đến 600 đầu thú thuộc 120 loài với tổng diện tích chuồng trại lên đến 21.352m2, ngoài ra còn có 1823 cây gỗ thuộc 260 loài và nhiều loại hoa cây kiểng quý. Năm 1990, TCV là thành viên chính thức của Hiệp hội các vườn thú Đông Nam Á, và đây cũng là một trong những công viên khoa học lớn nhất Đông dương.
Lê Quý Đôn: Ngôi trường cổ nhất
Trường Lê Quý Đôn được xây dựng vào năm 1874 và hoàn tất vào năm 1877. Lúc đầu trường có tên Collège Indigène (Trung học bản xứ) rồi đổi tên thành Collège Chasseloup Laubat. Sau năm 1954, trường mang tên là Jean Jacques Roussean nhưng vẫn do người Pháp quản lý. Đến 1967, trường được trả lại cho người Việt Nam và trở thành Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Từ 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, trường mang tên PTTH Lê Quý Đôn. Trải qua hơn một thế kỷ (123 năm), kiến trúc ban đầu vẫn được giữ như xưa, gồm bốn dãy nhà cao hai tầng ghép lại có hình chữ "khẩu". Khuôn viên nguyên thủy của trường gồm cả diện tích của hai trường PTCS Lê Quý Đôn và PTTH Lê Quý Đôn, có hai cổng chính: một quay ra đường Nguyễn Thị Minh Khai và một hướng về Võ Văn Tần.
Rất nhiều cựu học sinh của trường đã trở thành những nhân vật nổi tiếng như nhà trí thức yêu nước Cao Triều Phát, học giả Nguyễn An Ninh, giáo sư sử học Trần Văn Giàu, nhà nghiên cứu dân tộc học Vương Hồng Sển và nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn.
Nhà hát cổ nhất thành phố
Đó là Nhà hát (NH) Lớn (70 Đồng Khởi, Q.1).
Bắt đầu khởi công xây dựng năm 1989, với nguyên vật liệu chủ yếu từ Pháp đưa sang, phần trang trí bên trong có hoa văn gần giống như các NH lớn ở Pháp cuối TK 19. Ngày 17.1.1990: công diễn buổi đầu tiên và được gọi là Nhà hát Tây. Tại đây đã từng diễn ra buổi diễn thuyết của đại thi hào người Ấn Độ Rabindranath Tagore vào 1929. Năm 1956 được phục hồi làm trụ sở Hạ nghị viện chế độ cũ. Đến 5.1975 trở thành Nhà hát Lớn TP với 750 chỗ ngồi. Là một trong 8 công trình văn hóa chào mừng 300 năm Sài Gòn - TP. HCM, 12.1997 NH được đầu tư trùng tu sửa chữa với kinh phí 25 tỷ 150 triệu. Toàn bộ phần kiến trúc bên ngoài của NH sẽ được phục chế y như cũ, bao gồm các phù điêu, tượng thần âm nhạc, hai người đàn bà đỡ cột bằng đá cẩm thạch cao 4m, mái của NH sẽ được lợp bằng thạch bản pha kẽm. Tuy nhiên để bảo đảm yêu cầu là một NH có chất lượng, NH sẽ chỉ còn hơn 600 ghế với một hệ thống âm thanh, ánh sáng được xử lý bằng máy vi tính. Dự kiến việc trùng tu sửa chữa sẽ hoàn thành cuối 1998.
Nhà Bảo tàng lâu năm nhất TP
Đó chính là Nhà Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên ngày nay. Ngày 24/11/1927, người Pháp cho xây dựng Viện Bảo tàng Blanchard De La Brosse trong khuôn viên Sở Thú theo thiết kế của kiến trúc sư Delaval, với kiểu kiến trúc độc đáo hơi giống tháp cung điện mùa hè Bắc Kinh. Đến năm 1956, chính quyền Sài Gòn đổi tên thành Viện Bảo tàng quốc gia Sài Gòn, trưng bày mỹ thuật của Việt Nam, Chàm, Khmer, Trung Quốc, Nhật Bản và các sắc tộc thiểu số. Năm 1970, bảo tàng được xây dựng mở rộng thêm phần phía sau một dãy nhà hình chữ U do Kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế. Năm 1979, Viện bảo tàng lại được đổi tên thành Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và tồn tại đến ngày nay, với 15 phòng trưng bày nhiều hiện vật cổ, phản ánh nền văn hóa của đại gia đình dân tộc VN suốt 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Ngoài ra, còn có 6 phòng trưng bày chuyên đề giới thiệu các giai đoạn lịch sử văn hóa ở miền Nam.
An Bình: Bệnh viện cổ nhất
Bệnh viện miễn phí An Bình tọa lạc trên một khu đất rộng 17.361m2 ở đường An Bình, quận 5. Khởi thủy, nơi đây là một ngôi chùa của người Trung Hoa, được xây cất từ năm 1829. Tại đây đã có những hoạt động y tế nhân đạo, khám và điều trị miễn phí cho nhân dân dựa vào nền tảng y học cổ truyền. Do nhu cầu về dịch vụ y tế của nhân dân ngày càng tăng, vào năm 1916 Bệnh viện được chính thức xây dựng. Đến 1945 Bệnh viện đưa vào sử dụng và có tên là Bệnh viện Triều Châu. Sau nhiều lần sửa chữa, nâng cấp, Bệnh viện đã có bộ mặt như ngày nay. Năm 1978, Bệnh viện được công lập hóa trở thành bệnh viện đa khoa với tên gọi An Bình.
Ngày 19.5.1994, Bệnh viện An Bình lại nhận một trách nhiệm mới "chăm sóc sức khỏe cho nhân dân lao động nghèo của Thành phố". Và từ đó đến nay bệnh viện mang tên "Bệnh viện miễn phí An Bình".
Theo Báo Lao Động năm 1998
0 nhận xét:
Đăng nhận xét