Dulichbui's Blog - Lễ cúng ông bà (Pithi sen Đôn-ta) được xem là lễ hội lớn thứ hai của người Khmer, được tổ chức trong ba ngày hàng năm, từ ngày 29 tháng 8 đến ngày 1 tháng 9 âm lịch, nhằm mục đích tụng kinh cầu siêu, cầu phước cho linh hồn thân nhân quá văng.
Nguồn gốc Lễ Sen Đôn-ta
Người Khmer ở Nam bộ thường làm nghề nông, trồng lúa nước. Nghề trồng lúa nước bắt đầu khoảng tháng 4 Âm lịch là gieo mạ, tháng 6-7 đầu tháng 8 là nhổ mạ cấy lúa. Đến đây mùa cấy đã sắp xong và mùa này cũng là mùa mưa, nước lũ lại đến.
Sau mùa mưa rảnh rỗi, những người nam nữ con cháu thường hay chống xuồng chèo ghe tìm đến để thăm hỏi ông bà cha mẹ già yếu cộng thêm giữa mùa thiếu hụt và mùa mưa lũ lụt này, có người phải chống xuồng chèo ghe đi xa mới tới được nơi ở của ông bà cha mẹ, nên phải mang theo cơm khô, gạo, trái cây, vật thực... để vừa dâng biếu cho ông bà cha mẹ vừa là cho mình ăn theo dọc đường đi. Có người thì tìm gặp được ông bà cha mẹ, người thì không gặp vì qua mùa nước lũ lụt, tuổi già sức yếu, đã qua đời mà con cháu lo làm lụng không luôn đến thăm hỏi nên không hay biết... Dần dần những người cùng đi, họ hẹn hò gặp nhau ở một chỗ nào đó để làm lễ nhớ ơn chẳng hạn, hoặc cùng chia buồn với bạn bè là người tìm không gặp ông bà cha mẹ... Sau khi có chùa chiền Phật giáo thì họ hẹn hò nhau tụ hội về chùa. Vậy là họ đã qui định với nhau rằng làm lễ Sen Đôn-ta từ ngày 16 cho đến 30 tháng Bhaddapada.
Lâu dần Lễ Sen Đôn-ta được đồng bào Khmer Nam bộ gọi đây là Lễ ông bà.
Đến khi đạo Phật xâm nhập vào đời sống dân cư của đồng bào Khmer Nam bộ, thì cũng có những quan niệm Lễ Sen Đôn-ta bắt nguồn từ sự tích rút ra từ kinh điển Phật giáo. Sự tích kể rằng, một hôm, vào lúc đêm khuya canh vắng, tại hoàng cung của Vua Ping-pis-sara, bỗng vang dội tiếng gào thét, khóc lóc thảm thiết, kèm theo là tiếng van xin: Hãy cho chúng tôi ăn, cho chúng tôi uống với, vì chúng tôi đang đói lắm! Nhà vua bèn truyền lệnh triệu tập các nhà tiên tri đến hỏi, các nhà này cho rằng : "Đây là các ma quỉ chết oan, chết ức, không cha mẹ, không nhà cửa anh em, nay họ đến xin ăn uống. Nếu Hoàng Thượng không lo cúng tế e sợ có chuyện bắt 100 người nam, 100 người nữ và 100 con vật để làm lễ cúng tế. Nghe tin đó, bà hoàng hậu can gián : "Nếu Hoàng Thượng làm như vậy, 200 người này bị chết oan ức, những người thân của họ càng phẫn uất, vậy nó sẽ càng có hại cho mình và vương quốc. Quốc Vương nghe vậy, mới ngự giá tìm đến Chùa thỉnh ý Phật Thích Ca. Phật bảo rằng: Đó là những đầu bếp (do gian lận ăn cắp cơm gạo, thức ăn trong các lễ cúng dường ở thời Quốc Vương Mahinta – cách nay đã 92 kiếp) khi chết đi thành quỷ ở cõi âm và bị phạt phải nhịn ăn, nhịn uống đến nay là 92 kiếp – nay biết Ngài (tức Quốc Vương Ping-pis-sara) là chủ của họ hồi tiến kiếp, nên họ mới đến đòi ăn. Vậy Ngài nên cúng dường, dâng cơm cho các tu sĩ, nhờ ân đức và lời kinh của các vị này chuyền phước đến bọn quỷ đó. Nhưng ma quỉ chúng ta không thể cho vật thực, đồ ăn trực tiếp được, mà phải dâng cúng vật thực đồ ăn đến các vị có giới đức rồi nhờ các vị có giới đức ấy tụng kinh hồi hướng thì các ma quỉ thuộc ân nhân đã quá cố mới thọ hưởng được do phép hồi hướng đó.
Nhà vua vâng lời Đức Phật, bọn quỷ được ăn uống no nê. Ma quỉ được hưởng đầy đủ vật thực nên đêm thứ nhất không có nghe tiếng rên khóc. Qua đêm thứ hai nhà vua lại nghe tiếng rên khóc tiếp. Sáng sớm hôm sau, nhà vua đến chùa chỗ Đức Phật ngự, bạch với Đức Phật. Đức Phật dạy tiếp rằng : "Đêm trước ma quỉ được ăn no đầy đủ nên không rên la. Đêm sau lại rên la tiếp là vì chỉ ăn uống đầy đủ mà chưa có đồ mặc nên lại rên la tiếp vì bị rét lạnh". Nhà vua nghe xong, về cho người chuẩn bị y áo cùng vật thực làm lễ dâng cúng đến chư tăng và nhờ chư tăng hồi hướng tiếp. Nhà vua không còn nghe tiếng rên than của ma quỉ nữa.
Từ đó về sau mỗi năm cứ đến mùa là nhà vua lại cho thỉnh mời chư tăng đến để làm lễ hồi hướng cho ma quỉ và những người đã quá cố. Từ sự tích trong Kinh điển Phật giáo trên, nên người dân tộc Khmer Nam bộ tổ chức Lễ Sen Đôn-ta hằng năm thành phong tục, gắn với nghi thức tôn giáo nhằm nhờ sư sãi tụng kinh cầu phước cho ông bà, cha mẹ, họ tộc quá cố được mau chóng đầu thai kiếp khác sung sướng hơn.
Nghi lễ
Theo phong tục tập quán của dân tộc, người Khmer không có ngày giỗ kỵ hàng năm cho người chết (ngày nay, nếu có gia đình nào tổ chức đám giỗ hàng năm là do ảnh hưởng của người Việt và người Hoa), và đối với họ, việc thờ cúng tổ tiên cũng không quan trọng bởi họ quan niệm không có sự liên hệ giữa người sống và người chết, linh hồn của tổ tiên cũng không phù hộ cho họ được điều gì mong muốn nên họ tổ chức lễ chỉ là nhằm nhờ ơn cầu phước cho vong linh người quá cố chứ không phải để van vái ở người chết một điều gì như người Việt hay một số các dân tộc khác. Do đó hình thức cúng giỗ hàng năm trong từng gia đình đã được tổ chức thành một lễ chung cho toàn dân tộc Khmer gọi là lễ Đôn-ta. Theo truyền thống, lễ Đôn ta được tổ chức làm ba ngày như sau:
- Ngày thứ nhất: Gọi là ngày cúng tiếp đón. Mọi gia đình đều dọn dẹp bàn thơ Phật và Tổ tiên (nếu có), trái chiếu, mùng, mền, gối mới lên giường và sắp đặt một bộ quần áo mới cùng trà rượu, bánh trái ít nhiều tùy gia đình. Xong, họ dọn một mâm cơm ngon, xới bốn chén cơm, đốt đèn cầy, nhang rồi mời họ hàng, bà con lối xóm lại cùng cúng. Họ khấn vái mời linh hồn những người trong họ đã quá vãng về nhà ăn uống nghỉ ngơi. Họ khấn ba lần, mỗi lần đều có rót trà và rượu. Kế đó, họ gắp thức ăn mỗi thứ một ít để vào chén, đổ trà và rượu vào, rồi đem ra sân đổ cạnh hàng rào, cắm một cây nhang, mời các ma quỷ đã đưa ông bà về ăn ở lại vui chơi trong ba ngày lễ rồi lại đưa hồn ông bà về nơi cũ. Theo quan niệm của người Khmer, những ma quỷ này không dám lên mâm ăn chung với ông bà nên phải cho chúng ăn riêng.
Đến chiều, họ lại cúng linh hồn ông bà, rồi mời linh hồn ông bà cùng đi vào chùa, xem sư sãi tụng kinh lấy phước và xem múa hát vui chơi theo ý thích.
- Ngày thứ hai: Sau một đêm và một ngày ở chùa, đến chiều ngày thứ hai, họ lại đưa linh hồn ông bà về nhà. Họ lại làm cơm mời ông bà ăn và xin ông bà ở chơi với con cháu thêm một đêm nữa.
- Ngày thứ ba: là ngày "cúng đưa". Mỗi gai đình lại làm cơm cũng như ngày đầu, xơi cơm bốn chén rồi mời bà con, hàng xóm lại cúng phụ. Khấn đủ ba lần xong, họ cũng xới cơm, múc đồ ăn để vào chén, nhưng lần này họ đổ vào xuồng hoặc tàu buồm mà họ đã làm bằng bẹ chuối, bẹ cau để ông bà đem theo ăn dọc đường cho đến khi về nơi cũ. Trên xuồng, họ có treo cờ phướn hình tam giác, và khắc hình cá sấu, tắc kè ở đầu và đuôi từ bẹ cuối tránh tai nạn dọc đường. Xong xuôi, họ đem xuồng này thả trên sông hoặc mương rạch gần nhà, rồi mời bà con dùng cơm, vui chơi cho đến chiều mới chấm dứt ngày lễ. Trong ngày cúng đưa này, nhiều nhà còn mời sư sãi lại tụng kinh cho thêm phần long trọng.
Lễ Đôn-ta xưa kéo dài ba ngày, nay chỉ còn một ngày hoặc nhập chung với lễ đặt cơm vắt (Tiêng Khmer: Phua Chum Bon hoặc Bon làm bơn - là một lễ đạo phước cho linh hồn những người quá vãng) nhưng vẫn dùng từ ngữ Đôn-ta là chính.
Lễ hội đua bò |
Tại An giang, hàng năm trong dịp lễ Đôn-ta người dân Khmer đều có tổ chức lễ hội đua bò, hoặc ở chùa Thamit (Vĩnh Trung, Tịnh Biên) hoặc ở chùa Tà Miệt (Lương Phi, Tri Tôn) thuộc vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang. Lễ hội đua bò có kéo bừa là nét sinh hoạt văn hoá truyền thống độc đáo của người Khmer ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Ngày nay, đua bò đã được nâng lên thành lễ hội (được công nhận cấp quốc gia) của vùng Bảy Núi vào dịp lễ Đôn-ta.
Theo Văn hóa người Khmer (Viện Văn hóa), Cinet.gov.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét