Họ quên mất mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh” nhanh như thế ư? Giờ dân đói kém, nước ta sắp gia nhập lại nhóm nước kém phát triển, nguyên cớ là từ đâu?
Chúng tôi hoàn toàn thất vọng với bài báo của anh Phú Quý – một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh hoàn toàn không động tới các luận điểm tại sao kinh tế Việt Nam sẽ sụp đổ của chúng tôi. Anh có viết:
…Thị trường chứng khoán trong tuần qua đã sôi động trở lại. VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (ngày 9-9-2011) tăng 6,66 điểm (+1,47%) lên 459,92 điểm…
Sự khởi sắc của chứng khoán báo hiệu những gì khó khăn nhất của nền kinh tế đã đi qua. Điều này trái với nhận định của một số người cho rằng “Kinh tế Việt Nam sắp sập”.
Dưới đây là đồ thị VN Index ngày thứ 6 23-9-2011 tuần vừa qua:
VN-Index: 440.30 -8.96 -1.99%
Hy vọng có dịp, anh Phú Quý sẽ đọc kỹ lại các bài của chúng tôi để viết bài tốt hơn, hiểu được tại sao người dân sẽ tuân theo các quy luật kinh tế thị trường chứ không tuân theo thứ “niềm tin” được ban phát từ nhà nước. Chúng tôi không đánh tan được niềm tin của ai cả, chỉ hướng dẫn họ tuân theo các tín hiệu thị trường, hiểu được tình trạng thực tại của nền kinh tế Việt Nam.
Cuối cùng, tôi thấy rất lạ khi báo Quân đội nhân dân phản bác bài vở của chúng tôi mà không thèm trích nguồn, không biết đó có phải là cách làm báo theo định hướng Xã hội chủ nghĩa không nên tôi nhân tiện đưa thêm các link bài viết liên quan của chúng tôi vào bài báo đăng lại toàn văn này cho bạn đọc dễ tra cứu, tham khảo. Xin đăng lại bài báo dưới đây cho bạn đọc tự đánh giá thêm.
Một cách “đánh” vào niềm tin?
——————————————————————————————————————————————–
Chủ Nhật, 11/09/2011, 23:56 (GMT+7)
QĐND – Tuần qua, trên mạng internet xuất hiện thông tin của một số người tự xưng là “các nhà khoa học trẻ” đưa ra những “Dự đoán về kinh tế Việt Nam” để “cảnh báo, hướng dẫn người dân tránh rủi ro, đưa ra những quyết định quan trọng liên quan tới tài chính cá nhân hợp lý hơn”. Nhận định những người này đưa ra chủ yếu là xuyên tạc sự thật và mang tính võ đoán. Mục đích của họ là “đánh” vào niềm tin của người dân. Có người đặt câu hỏi: Có phải đây là một thủ đoạn “diễn biến hòa bình”mới để chống phá Việt Nam về kinh tế?
Họ đặt những cái “tít” rất hấp dẫn và có vẻ rất khách quan: “Dự đoán về kinh tế Việt Nam”, lôi kéo người đọc vào những nội dung như đầu tư, chứng khoán, bất động sản… Họ dự đoán “Kinh tế Việt Nam đang ngắc ngoải”, “Thị trường chứng khoán Việt Nam sắp sập”, “Lạm phát tại Việt Nam từ đầu năm đến nay tăng dần và sẽ tiếp tục tăng”, “Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam sắp hết”, “Chính phủ Việt Nam sẽ tịch thu vàng của dân”… Họ cảnh báo: “Bạn đọc nào còn giữ đồng tiền Việt Nam hãy chuyển hóa vốn dưới dạng vàng, ngoại tệ để bảo toàn tài sản”, “Hãy rút tiền gửi tại các ngân hàng để mua vàng, ngoại tệ và đầu tư bất động sản”…
Tất nhiên, ý đồ của họ là phê phán trình độ quản lý, điều hành kinh tế của Việt Nam, từ đó làm giảm niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, vào đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Đáng tiếc, vì họ cố tình vẽ ra một bức tranh ảm đạm về nền kinh tế, với những dẫn chứng, phân tích, lập luận thiếu cơ sở thực tế nên nếu đọc kỹ không mấy ai tin. Mọi người đều nhìn thấy, nền kinh tế Việt Nam dù đang phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, nhưng so với đầu năm đã có sự khởi sắc. Thị trường chứng khoán trong tuần qua đã sôi động trở lại. VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (ngày 9-9-2011) tăng 6,66 điểm (+1,47%) lên 459,92 điểm. Như vậy là VN-Index đã có 11 phiên tăng điểm liên tiếp. Điều này chưa từng diễn ra kể từ đầu năm 2009. Về cuối phiên, số mã tăng giá nhiều gấp rưỡi số giảm giá (139 mã tăng/80 mã giảm), trong đó có 49 mã tăng trần. Tổng kết cả tuần, VN-Index đã tăng 24,2 điểm (+5,55%), một mức tăng rất ấn tượng.
Tổng kết tuần qua tại sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng tăng 1,7 điểm (+2,26%). Điều đáng phấn khởi hơn là khối lượng và giá trị giao dịch trên cả hai sàn (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) trong tuần qua đều tăng vọt, cao nhất trong gần 3 tháng trở lại đây.
Sau hơn 11 năm tồn tại, trải qua nhiều bước thăng trầm, nay thị trường chứng khoán đã có những dấu hiệu phục hồi, là tín hiệu vui cho nền kinh tế.
Cũng phải nói thêm rằng, thị trường chứng khoán là thị trường cao cấp nhất trong các loại thị trường (thị trường hàng hóa, thị trường tiền tệ, thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường khoa học-công nghệ…); là nơi các doanh nghiệp thu hút nguồn vốn trung, dài hạn của xã hội để có kế hoạch đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại (thường phục vụ chủ yếu cho nhu cầu ngắn hạn). Đây còn được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế, bởi nó đo lường và báo hiệu xu hướng phát triển của nền kinh tế…
Sự khởi sắc của chứng khoán báo hiệu những gì khó khăn nhất của nền kinh tế đã đi qua. Điều này trái với nhận định của một số người cho rằng “Kinh tế Việt Nam sắp sập”.
Lạm phát ở Việt Nam đang được kiềm chế và giảm dần theo từng tháng, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 là 0,93%, thấp nhất kể từ đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm tăng cao so với chỉ tiêu kế hoạch, nhập siêu giảm mạnh. Thị trường ngoại hối từng bước ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng.
Người dân bình thường cũng có thể so sánh được lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) với lãi suất gửi bằng ngoại tệ và họ đã lựa chọn gửi tiết kiệm bằng VND có lợi hơn.
Thực tế trong tuần qua, số dư tiền gửi tiết kiệm tăng khá mạnh so với tuần trước đó. Một thực tế nữa là, tuần qua, hàng loạt các ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay, điều này sẽ làm cho các doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn.
Không chỉ các chuyên gia kinh tế Việt Nam mà nhiều chuyên gia kinh tế thế giới đã đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục. Tuần qua, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã lắng nghe ý kiến tham vấn của các chuyên gia, đại diện các nhà tài trợ về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2011; dự báo về khả năng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2011 và năm 2012. Các chuyên gia, các nhà tài trợ đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong đối phó với khủng hoảng, lạm phát và suy thoái. Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị quyết 11/CP của Chính phủ Việt Nam về những giải pháp cơ bản kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội đã thực sự phát huy hiệu quả mạnh mẽ, giúp Việt Nam ngày càng đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới dưới tác động của khủng hoảng và suy thoái. Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Victoria Kwakwa cho rằng, việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết này sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kép là duy trì, cân bằng được mục tiêu phát triển, tốc độ tăng trưởng hợp lý, đảm bảo được các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội.
Tất nhiên, nền kinh tế Việt Nam đã, đang và sẽ phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Lạm phát tiếp tục đe dọa, thị trường vàng có những yếu tố bất ổn, lãi suất cho vay còn cao… Chính phủ Việt Nam đã nhận ra vấn đề này và đang tích cực chủ động khắc phục.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2011, dự báo tình hình thế giới và trong nước, căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI, Chính phủ đã xác định mục tiêu tổng quát của năm 2012 là: Tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đạt tốc độ tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Chính phủ cũng đã đưa ra định hướng một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu của năm 2012 là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%; nhập siêu, bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn so với chỉ tiêu đạt được năm 2011; chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%; phấn đấu đạt tỷ lệ giảm nghèo 2%, tập trung vào các huyện nghèo.
Như vậy, những “dự đoán” của những người tự xưng là “các nhà khoa học trẻ” thực chất chỉ là “võ đoán”, xuyên tạc sự thật. Cần cảnh giác với những dự báo như vậy.
Phú Quý
0 nhận xét:
Đăng nhận xét