Dulichbui's Blog - Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Chính vì vậy, du khách đến Huế ngoài thăm thú đền đài lăng tẩm di sản văn hóa thế giới, ai cũng háo hức được một lần thưởng thức nhã nhạc, một nét tinh hoa của âm nhạc dân tộc Việt Nam trong khung cảnh cung đình Huế xưa. Đáp ứng nhu cầu chính đáng ấy, nhà hát Duyệt Thị Đường sau một thời gian dài trùng tu tôn tạo đã mở của đón khách.
Duyệt Thị Đường là một trong bốn nhà hát được xây dựng dưới thời các vua Nguyễn(1802-1945) ở Huế. Gồm: Duyệt Thị Đường xây dựng năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng, đây là nhà hát đầu tiên của nhà Nguyễn. Tiếp sau đó là nhà hát Tịnh Quan Viên xây dựng năm 1843 dưới thời vua Thiệu Trị, tiếp nữa là nhà hát Minh Khiêm Dường xây dựng năm 1865 dưới thời vua Tự Đức và cuối cùng là nhà hát Cữu Tư Đài xây dựng năm 1917, thời vua Khải Định. Như vậy nhà hát Duyệt Thị Đường trong Hoàng Thành Huế đã có gần 200 năm tuổi, được coi là nhà hát cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay của nước ta. Duyệt Thị Đường không chỉ là nơi để tấu nhạc cung đình, mà còn là nơi để trình diễn nhiều loại hình nghệ thuật khác như, tuồng, kịch hát, ca Huế theo yêu cầu và sở thích của nhà vua. Mặc dù sau này còn có thêm ba nhà hát nữa được xây dựng, nhưng Duyệt Thị Đường vẫn được các vua Nguyễn kế tiếp nhau tu bổ tôn tạo nhiều lần làm nơi trình diễn các loại hình nghệ thuật đặc sắc của đất nước, nơi biểu diễn chiêu đãi sứ thần các nước mỗi khi đến Việt Nam. Nhà hát có chiều cao 12m, gồm hai tầng, nội thất được làm bằng gỗ lim. Sân khấu là phần sàn nhà nằm giữa bốn gian, khi diễn thì trải chiếu hoa lên. Trần nhà hát được trang trí hình ảnh các vì tinh tú, những đám mây ngũ sắc, vầng trăng khuyết, nền trời xanh rất đẹp, tạo cho người diễn cũng như người xem có cảm giác như đang ở sân khấu ngoài trời. Hai bên tả hữu khán đài có dãy trường kỷ dành cho vua và các vị quốc khách, quan lại cao quý của triều đình. Trên lầu hai là nơi dành cho những người trong hoàng tộc. Sân khấu có ba mặt, phía sau là hậu trường có hai phòng dành riêng đào kép chuẩn bị việc hoá trang, thay trang phục trước khi ra sân khấu biểu diễn. Không chỉ là sân khấu trình diễn, Duyệt Thị Đường còn là một công trình kiến trúc độc đáo thể hiện trình độ nghệ thuật cao của kiến trúc xây dựng thời nhà Nguyễn. Chính nhờ thế mà trải qua nhiều biến thiên của lịch sử cũng như sự khắc nghiệt của khí hậu thời tiết miền Trung... Duyệt Thị Đường vẫn trụ lại được với thời gian.
Nhà hát đã sưu tầm và khôi phục 8 trong số 11 điệu múa cổ, 40 bài nhã nhạc và nhiều trích đoạn tuồng cổ, trong đó có nhiều tiết mục được dàn dựng công phu như Trống Thái Bình, Tam luân cửu chuyển (đại nhạc), Phú lục địch, Kim tiền (Tiểu nhạc), Vũ phiến, Lục cúng hoa đăng và các trích đoạn tuồng Kỷ Lan Anh, Ôn Đình chém Tá , Lục cúng hoa đăng, Nữ tướng xuất quân, Lân mẫu xuất Lân nhi... các trích đoạn Tuồng Cung đình tiêu biểu trong vở Sơn Hậu, Tam Nữ Đồ Vương ,.. ,.. Nhà hát cũng đã sáng tạo, dàn dựng hàng chục tác phẩm mới trên chất liệu cổ, phù hợp với thị hiếu người xem, trong đó có vở "Người khởi nghiệp đàng trong" được công chúng đánh giá cao.
Sau khi chế độ phong kiến nhà Nguyễn sụp đổ 1945, Duyệt Thị Đường bị rơi vào quên lãng, cho đến những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ XX, Duyệt Thị Đường được chính quyền Sài Gòn trưng dụng tu sửa thành học đường của Trường quốc gia âm nhạc Huế. Nhiều chi tiết công trình của nhà hát cổ phá bỏ, cấu trúc nhà hát cũng bị thay đổi, không còn chỗ cho ngự lãm và biễu diễn. Cho đến những năm dài sau giải phóng công trình văn hóa đặc sắc này cùng không được quan tâm tu tạo kịp thời, sự tàn phá của thời gian và chiến tranh cộng thêm sự vô ý thức của con người đã làm cho Duyệt Thị Đường hầu như trở thành phế tích. Cho đến năm 1995, được sự trợ giúp tích cực của tổ chức CODEV và chính phủ Pháp, sau khi quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là di sản văn hoá thế giới năm 1993, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế mới đầu tư trùng tu với kinh phí ban đầu 10 tỷ đồng và đến cuối tháng 11/2003 công trình mới cơ bản hoàn thành. Tuy không phục hồi được như nguyên trạng ban đầu, nhưng Duyệt Thị Đường đã hồi sinh lộng lẫy vàng son trở lại với mái ngói lưu ly, cột sơn son thiếp vàng, sân khấu, hậu trường, khán phòng mang dáng xưa nhà hát cũ. Hiện nay Duyệt Thị Đường là nơi trình diễn nhã nhạc, ca Huế thường xuyên của Đoàn nghệ thuật cung đình Huế (trực thuộc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô). Bình quân mỗi ngày 4 suất diễn, mỗi tháng có hơn 2.500 lượt khách đến Duyệt Thị Đường để thưởng thức nghệ thuật truyền thống Huế, trong đó đa phần là du khách quốc tế. Đặc biệt trong các kỳ Festival Huế, Duyệt Thị Đường trở thành tâm điểm thu hút du khách quốc tế, các suất diễn luôn không còn chỗ trống. Có thể ngoài sự lôi cuốn hấp dẫn của văn hóa nhã nhạc, du khách đến đây còn bởi sự tò mò muốn biết nhà hát cổ nhất Việt Nam hiện nay tồn tại và phát triển như thế nào? Có lẽ đây cũng chính là nét hấp dẫn đặc sắc của Duyệt Thị Đường đối với du khách trong và ngoài nước hiện nay.
● Giờ biễu diễn trong nhà hát Duyệt Thị Đường :Sáng:
Xuất 1: 9h00 - 9h45
Xuất 2: 10h00 - 10h45
Chiều:
Xuất 1: 14h30 - 15h15
Xuất 2: 15h30 - 16h15
● Giá vé :
Từ 2- 20 khách xem trong 50- 60 phút giá 6.000.000 đồng
Từ 2- 50 khách xem trong 50 -60 phút giá 8.000.000 đồng
Ngô Minh Thuyên (Báo Du lịch)
Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét