Vào cuối năm 2010, trong một hoàn cảnh cụ thể, như đã trần tình khi mời đối, tôi nảy ra một vế đối : “ Mua chả, chả muốn ăn, đành mang trả cô hàng chả”. Thế rồi tôi cứ mò mẫm tìm vế đối lại. Rất nhiều vế đối được tôi cho ra đời nhưng chẳng có vế nào chỉnh với vế ra cả. Bí quá, tôi nhờ Đỗ Đình Tuân đối giùm. Sau ít phút suy nghĩ , ông Đỗ đã bảo rằng : “Chịu, khó quá, không đối được”. Năm nay, xóm tri ân nhộn nhịp đối đáp, tôi mới mang vế đối đó ra nhờ đối giùm. May mắn làm sao, các thi hữu tham gia đối rất nhiệt tình. Điều đó làm tôi rất vui. Nhân đây, tôi xin gửi lời cám ơn chân thành nhất tới mọi người. Xin kính chúc các thi hữu một năm mới vui vẻ, mạnh khỏe, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn, làm thơ, viết truyện và câu đối thật hay.
Thực tình vế ra đối của tôi không hay. Vì nó chẳng có hình tượng, không mang tính tư tưởng, không có tính phổ quát và cũng không chứa đựng chút thân phận hay cảm xúc gì. Nó chỉ đơn thuần là một sự việc rất cụ thể và hi hữu thôi. Tuy nhiên nó cũng khá hiểm hóc bởi việc sử dụng từ đồng âm, khác nghĩa. Vế đối có 4 từ đồng âm, nằm trong 4 mệnh đề, trong đó có 2 từ “chả” là danh từ và cùng một ý nghĩa chỉ món ăn (Mua chả…cô hàng chả); 2 từ là động từ lại khác nghĩa và khác cả âm viết: “ chả muốn ăn”, “đành mang trả”. (Một từ có nghĩa là không, một từ có nghĩa là trao trả, trả lại.). Nếu coi việc chơi câu đối là một thú chơi ngôn ngữ thì vế ra đối tuy không hay nhưng vẫn chấp nhận được.
Vì vế ra khó nên tham gia đối là một việc nhưng đối chỉnh lại là một việc khác. Ví như vế đối mà bác Tạ Anh Ngôi ra hôm trước: “ Đến bến Tranh, bán tranh tết, mải uống nước chanh, người tranh nhau lấy hết”, một vế ra không chỉ khó mà còn hay nữa.Rất nhiều người tham gia đối lại, nhưng tôi thấy chẳng vế nào đối chỉnh cả chứ nói gì đến hay nữa. Song dù sao cứ tham gia nhiệt tình là vui rồi. Xưa nay vốn : “Xuất đối dị, đối đối nan” mà.
Những vế đối lại vế ra đối của tôi( trong đó có cả những vế tự đối) hầu như chưa chỉnh về từ loại. Nghĩa là chưa trả đúng các động từ, danh từ và những từ gần âm như vế ra. Thậm chí còn có vài vế đối lại chưa chỉnh cả về thanh điệu. Vì những từ đồng âm trong vế ra mang thanh trắc(chả) thì những vế đối lại vẫn mang thanh trắc. Có đôi vế đối lại chỉnh về từ loại và thanh điệu nhưng còn khiên cưỡng, thiếu tự nhiên và chưa sáng nghĩa lắm. Duy nhất có vế đối của Nguyễn Khắc Nguyệt : “ LẤY CHỒNG, CHỒNG THÊM NỢ, LO CẤY TRỒNG NUÔI MẸ CHỒNG” là không chỉ chỉnh tuyệt đối mà còn rất hay nữa. Chỉnh thì rõ quá rồi. Nhưng tôi thú nhất bởi cái hay trong vế đối lại này. Có thể nói, vế đối giống như một truyện ngắn. Nó gợi ra thân phận của một cô gái nghèo, lấy chồng lại gặp phải nhà chồng cũng rất hoàn cảnh. Do đó cô không thể thanh thản hưởng tuần tháng mật mà chồng chất những toan lo cảnh nợ nần (lấy chồng, chồng thêm nợ). Quý nhất là cô không buông xuôi, phó mặc hay than vãn chối bỏ mà lại ghé vai gánh vác, toan lo, chia sẻ mọi khó khăn của gia đình nhà chồng bằng một ý thức trách nhiệm và tình cảm tự nhiên của dâu con trong nhà : “ lo cấy trồng nuôi mẹ chồng”.Một thân phận làm ta rưng rưng cảm động và khâm phục biết bao!
Thú thực là sau nhiều ngày tháng mầy mò tìm cách đối lại nhưng không thành, đọc được vế đối lại của Khắc Nguyệt, tôi xúc động thật sự và sung sướng vô cùng. Một lần nữa cám ơn Khắc Nguyệt!
Đang định đưa bài viết này lên blog, tôi lại đọc được mấy câu đối mới của xóm tri ân, thấy thật thú vị nên lại viết thêm đoạn nữa.
Câu thứ nhất là của Thanh Dạ và Minh Hương:
Dùng đầu tết bóng trong trận tết ( Thanh Dạ, ra)
Mượn mắt canh trời suốt năm canh ( Minh Hương, đối)
Vế ra có từ TẾT trong TẾT BÓNG thật sáng tạo, mới lạ vừa gợi ra một cú đánh đầu ngoạn mục vừa tạo nên một từ đồng âm khác nghĩa với từ TẾT trong TRẬN TẾT. Người đối lại đã bắt rất trúng ý định đó của người ra và đối lại rất chỉnh và rất sắc sảo. Vế đối lại tạo cho người đọc nhiều liên tưởng khác nhau và rất lý thú. Đó có thể là hình ảnh những người lính gác thay nhau thức suốt năm canh để canh giữ vùng trời, vùng biển hay vùng biên của Tổ quốc thân yêu. Đó cũng có thể là một con người ưu tư hoặc buồn đau mà thức suốt năm canh! Thật đầy tâm trạng
Câu thứ hai là của Tạ Anh Ngôi và Đỗ Đình Tuân:
Ép mía nấu mật bán cho anh hàng đường nợ dai đòi như kẹo kéo (T.A.N, ra)
Vò nếp đồ xôi,hở ra đôi oản bụt, trông xa ngỡ cặp bánh giầy (Đ. Đ. T, đối)
Vế ra khá hiểm và rất hay. Vì tác giả đã dùng một loạt từ chỉ mọi sản phẩm có nguồn gốc từ mía như: MÍA, MẬT, ĐƯỜNG, KẸO KÉO đồng thời còn tạo ra sự đa nghĩa ở cuối vế đối (NỢ DAI ĐỒI NHƯ KẸO KÉO).
Người đối lại đã trả đúng ý định đó của người ra bằng cách dùng một loạt từ có cùng nguồn gốc như : NẾP, XÔI, OẢN, BÁNH GIẦY và cũng tạo ra một sự đa nghĩa rất hài và rất hóm qua hình tượng ĐÔI OẢN BỤT và CẶP BÁNH GIẦY. Chẳng biết cô gái nào vo nếp đồ xôi mà hớ hênh thế làm cho bác Đỗ vớ được tạo thành vế đối hay.Cô gái ấy hãy coi chừng vì vợ bác Đỗ gớm ghê lắm đấy!
Nhưng có khi vì thích chơi đối đáp mà mụ ấy cũng cho qua. Điểm một vài câu đối như thế để thấy rằng cuộc chơi câu đối của xóm Tri ân thật là càng ngày càng vui và càng thú vị đấy chứ.
Sao Đỏ 8-1-2012
Vũ Thị Song Thu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét