Mấy lời bàn chí lý về thơ

 

       * Khương Quỳ 姜夔 (1155-1235) tự Nghiêu Chương 堯章, hiệu Bạch Thạch đạo nhân 白石道人, người Bà Dương 鄱陽, Nhiêu Châu 饒州 (nay thuộc huyện Pha Dương 波陽, tỉnh Giang Tây 江西, Trung Quốc), vì Tần Cối tiếm vị, nên ẩn dật suốt đời. Ông tinh thông âm nhạc, nên từ 1 của ông âm tiết hài hoà uyển chuyển, ông lưu lạc giang hồ nên tả tâm tình người thiên nhai tác khách đặc biệt chân thiết, đúng là một đại từ gia thời Nam Tống. Theo ông thì điều quan trọng nhất của thơ là phải cao diệu:
Thơ có bốn thứ cao diệu: một là lý cao diệu, hai là ý Cao diệu, ba là tưởng tượng cao diệu, bốn là tự nhiên cao diệu.
Trở ngại mà thông suốt là lý Cao diệu
Ý ở ngoài việc là ý cao diệu
Viết được sâu sắc tinh vi như đầm sâu thấy đáy là tưởng tượng cao diệu
Không kỳ không quái, tước bỏ văn hoa, thấy là diệu mà không biết do đâu mà diệu, đó là tự nhiên cao diệu.
 
* Viên Mai 袁枚 (1716-1797), thi nhân và tản văn gia đời Thanh, tự Tử Tài 子才, hiệu Giản Tề 簡齋, biệt hiệu Tuỳ Viên lão nhân 隨園老人, cuối đời còn có tự hiệu Thương sơn cư sĩ 蒼山居士, người Tiền Đường (nay thuộc Hàng Châu, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc). Ông là một thi nhân tiêu biểu đời Càn Long, Gia Khánh, cùng với Triệt Dực 趙翼, Tưởng Sĩ Thuyên 蔣士銓 được xưng là Càn Long tam đại gia. Ông đỗ tiến sĩ năm Càn Long thứ 4 (1739). Ông có nhiều kiến giải về thơ rất sâu sắc. Dưới đây xin trích một ý kiến:
Trong thơ ý tứ là ông chủ, còn câu chữ chỉ là đầy tớ. Một khi đã không có ông chủ thì đám đầy tớ mặc quần áo đẹp để làm gì? 
 
* Còn nhà thơ Hoàng Cầm thì lại bàn về thơ theo một lối trải nghiệm riêng. Những người làm thơ và chơi thơ chúng ta cũng rất nên suy nghĩ về ý kiến của ông:
Thơ, nữ chúa cực kỳ quyến rũ, hoa hậu muôn thuở của nhân loại. Nàng thánh thiện và linh diệu, rất dễ tính, ai cũng dễ dàng nắm tay, vuốt má, ai cũng tưởng như được nàng yêu nhất!
Nhưng làm thế nào để chung chăn gối với nàng, thì hàng triệu người đông tây kim cổ may lắm chỉ có một vài.
Ai thực sự được nàng với đến, có thể sinh hạ được đôi ba khúc trường tồn. Ngoài ra chỉ là những đứa con ốm đau, sài đẹn và chết yểu.
Các nhà thơ chuyên nghiệp và nổi tiếng còn thế huống hồ chúng ta. Tôi thích đọc lý luận phê bình và hay viết bài bàn về thơ ca chỉ là muốn “mở rộng và làm dai thêm cái dạ dày ngốn thơ” của mình thôi. Chứ tôi cũng không hy vọng nhờ nó mà tôi làm thơ sẽ hay hơn. Nhưng có thêm được một cái “mồm biết ăn thơ” thì cũng đã thích thú lắm rồi. Cố nhiên cũng chỉ đến được một mức độ nào đó thôi. Còn văn chương cũng như cuộc đời là vô cùng phong phú. Chỉ đi đến đâu thì biết đến đó, vậy thôi!

3/1/2012
Đỗ Đình Tuân
 
 
Tham khảo thêm một bài từ của Khương Quỳ:



長亭怨慢
予頗喜自製曲,初率意為長短句,然後協以律,故前後闋多不同。桓大司馬云﹕「昔年種柳,依依漢南,今看搖落,淒愴江潭,樹猶如此,人何以堪!」此語予深愛之。
漸吹盡枝頭香絮,
是處人家,

綠深門戶。

遠浦縈回,

暮帆零亂向何許?

閱人多矣,

誰得似長亭樹?

樹若有情時,

不會得青青如此!

日暮,
望高城不見,

只見亂山無數。

韋郎去也,

怎忘得玉環分付?

第一是早早歸來,

怕紅萼無人為主。

算空有并刀,

難翦离愁千縷。



Trường đình 2 oán mạn (Người dịch: Điệp Kiếm Hoa)  

Tôi vui vẻ tự chế khúc, vô ý thành ra trường đoản cú, sau đó hợp thành luật, vì thế trước sau nhiều ít không giống. Đại tư mã họ Hoàn 3  nói: "Năm xưa trồng liễu, như tại bờ nam, nay nhìn lá rụng, thê thảm bãi sông, cây còn như vậy, người chịu sao đây!" Lời này tôi rất thích.

Thổi bay hết đầu cành hương rũ,
Lạc chốn nhà ai,
Xanh um cửa ngõ.
Bến xa thấp thoáng,
Buồm chiều biết về đâu trong gió ?
Người đời ly biệt,
Ai có thể như cây đó ?
Cây nếu thật mang tình,
Một sắc xanh xanh sao còn nỡ...

Chiều tối,

Ngóng thành cao chẳng thấy,
Chỉ thấy núi trùng vô số.
Vi Cao 4 đi khuất,
Lời dặn Ngọc Tiêu người còn nhớ ?
Chỉ một nỗi sớm sớm đi về,
Sợ đài hồng không ai làm chủ.
Không có dao Tinh Châu,5

Nghìn mảnh cắt tan sầu khổ.

Chú thích:
           
1- Từ: là một loại thơ viết ra để hát, tùy theo từng điệu thức nên thường có câu ngắn câu dài khác nhau, gần giống với hát nói và thơ tự do ở bên ta. Nhưng ở ta không thấy phân biệt thơ và từ
2-Trường đình: quán nhỏ ven đường thời xưa, thường dùng làm chỗ tiễn biệt. "Bạch Khổng lục thiếp" 白孔六帖: "Mười dặm một trường đình, năm dặm một đoản đình"
3-Hoàn Ôn: 桓溫 là đại tư mã đời Đông Tấn
4-Vi Cao 韋皋 đời Đường thuở nhỏ chơi đất Giang Hạ có tình với nàng Khương Ngọc Tiêu 姜玉簫. Lúc chia tay có hẹn chóng thì 5 năm, chậm thì 7 năm sẽ đến. Lưu tặng nàng một cái nhẫn ngọc và 2 bài thơ. Sau 7 năm, Cao không đến, Ngọc Tiêu nhịn ăn mà chết. Cao nghe tin thương xót, lập đàn tụng kinh siêu độ. Đêm chiêm bao thấy nàng hẹn sẽ thác sinh làm nàng hầu. Sau Cao làm quan to, gặp ngày mở tiệc sinh nhật, có người đem dâng con hát cũng tên là Ngọc Tiêu, ngón tay giữa có vòng thịt y như hình chiếc nhẫn ngọc mình tặng ngày trước.
5-Tinh Châu 并州 nổi tiếng làm dao sắc

3/1/2012
Đỗ Đình Tuân
(Sưu tầm)
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét