[Trần Nguyên Thao] Chiến lược kinh tế VC đang phá sản

Tác giả gửi trực tiếp cho BBT Dự đoán kinh tế

Tháng trước, diễn đàn này đã báo động 150 ngàn doanh nghiệp tại Viêt Nam đang lần lượt bước vào đình đốn, đi dần đến phá sản. Mặc dù, trong vòng một tháng mới đây, với động thái giảm lãi suất hai lần, được Hanoi coi là “nỗ lực linh hoạt”, nhưng các doanh nghiệp vẫn cho rằng “liều thuốc” giảm lãi xuất 2 điểm hay hơn nữa cũng không thể cứu được họ. Doanh nghiệp đòi hỗ trợ để sống còn. Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, đã có thêm 12 ngàn doanh nghiệp khai phá sản. Bước sang quý hai, con số gần 80 ngàn doanh nghiệp khác đang tự sắp hàng đi vào tuyệt lộ là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời cũng là nỗi âu lo của 10 triệu công nhân thất nghiệp sẽ sống ra sao trước cơn lốc vật giá lăm le xoáy mòn mâm cơm của họ. Đầu tháng 5, lương tối thiểu lại tăng đôi chút, nhưng làm sao địch lại vật giá tăng nhanh như vòng xoáy từ tháng 3, ngay lúc điện, xăng tăng giá.

 Với tiêu đề “Việt Nam: Từ anh hùng trở thành số không” trên tạp chí The Economist hôm 31 tháng 3 nhận xét rằng, chỉ vài năm trước đây, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển hút tầm ngắm của cả thế giới, vậy mà hôm nay Việt Nam lại tụt hậu thê thảm. Trong đó, bài báo chỉ ra lạm phát của Việt Nam xếp hàng cao nhất Châu Á, hàng ngàn doanh nghiệp bị phá sản, giá bất động sản lao dốc và hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước chới với vì những khoản nợ xấu. Qua cách đánh giá của bài báo, người ta nhận thấy một Việt Nam với những thay đổi đột ngột theo chiều hướng xấu đi, mặc dù, giới lãnh đạo đã thấy được điều đó, nhưng đi từ sự nhận thức cho đến phải làm gì là quãng đường quá xa, vì quyền lợi trong kinh doanh và quyền lực trong chính trị phải chăng vẫn luôn đi kèm?

Ông Kent Atkinson, giám đốc Grant Thorton thừa nhận, thật không vui khi thấy xu hướng niềm tin doanh nghiệp ở Việt Nam không cùng chiều với cải thiện của thế giới, các hoạt động hỗ trợ vốn vay, tình trạng thiếu lao động kỹ năng, quan liêu và đặc biệt là khả năng tiếp cận tài chính vẫn là những rào cản đối với niềm tin doanh nghiệp tại Việt Nam.

Cam kết đầu tư trực tiếp của nước ngoài giảm từ 19,9 tỷ đôla (2010) xuống 14,7 tỷ đôla (2011). Số công ty nước ngoài toan tính rời khỏi Việt nam nhiều hơn số định đến. Nghiên cứu hàng năm của Ngân hàng Thế giới về “làm kinh doanh” tiếp tục hạ điểm của Việt Nam. Báo cáo năm 2012 xếp Việt Nam đứng hàng 98 trên tổng số 183 nước, giảm 11 bậc so với năm 2008.

Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2012 của Việt Nam xuống mức 5,7%, sau các mức 6,3% của năm ngoái. Như vậy, mức dự báo này của Việt Nam thấp hơn so với các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Indonesia, Miến Điện.  Tổng Cục Thống Kê VC vừa công bố, tăng trưởng kinh tế của quý 1 năm 2012 chỉ có 4% !

Sau 3 năm bỏ ra 143.000 tỷ đồng, tương đương 8 tỷ Mỹ kim, mong kích thích kinh tế, Hanoi vì thiếu khả năng lãnh đạo đã để nền kinh tế “rơi xuống đáy vực”. Hanoi đang “gỡ gạc” qua ngụy sách tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, bằng cách “hấp” lại một việc từng làm 20 năm trước. Tuy nhiên, các nhóm quyền lợi lại nương vào ngay gian kế này để thanh toán nhau, củng cố quyền lực phe nhóm mình. Đại công ty nhà nước được ưu đãi kinh doanh theo kiểu “lời ăn, lỗ dân chịu”; nhiều đại công ty loại này đang khai lỗ, và có dấu hiệu theo gót Vinashin. Thảm trạng này không hẳn chỉ mang bản chất làm ăn thua lỗ hay vỡ nợ. Nhưng chúng đang diễn tả đúng nghĩa về hiện tượng phá sản của chiến lược kinh tế do Cộng Đảng chủ trương. Trong lúc đó, giới chức cao cấp Việt Nam lại tìm cách“tảng lờ” về mức độ nghiêm trọng của các vấn đề nội tại trong kinh tế.

Phòng Thương Mại Công Kỹ Nghệ VN thực hiện cuộc khảo sát hôm 13 tháng 4 cho thấy, 87% số người được hỏi đã trả lời kinh tế thị trường là ưu việt, và chỉ 7% ủng hộ mô hình kinh tế nhà nước.

Bóng ma “Vinashin”

Thanh tra Chính phủ sau khi tiến hành 25 cuộc điều tra chỉ trong ba tháng đầu năm 2012, đã khám phá hàng loạt các đại doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN), Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN), Tập Đoàn Viễn Thông Quân Đội, Ngân Hàng Nông Nghiệp Nông Thôn… bị phát hiện “sai phạm kinh tế” lên đến 30.720 tỷ đồng, tương đương 1.5 tỷ đôla. Còn quan chức gây ra những sai phạm ở cấp thấp thì lại được chuyển lên chức vụ cao hơn là một hiện tượng “tương đối phổ biến” tại VN. Trong số các đại doanh nghiệp nói đến ở đây, hẳn ám khi Vinashin đang chờn vờn ngay main loby một vài nơi rồi.

Ngoài ra, còn hàng loạt công ty khác thanh tra chưa có phép “đặt chân tới”, nhưng được dư luận nói đến “khai lỗ triền miên”; có những tập đoàn nhà nước lỗ đến hàng trăm tỷ đồng chỉ vì đầu tư vào địa ốc.

Từ cuối 2011 đến nay, nhiều công ty quốc tế chuyên thẩm định mức độ đáng tin cậy trong kinh doanh ở các nước như Fitch Ratings, Standard & Poors và Moody’s Investors Service, đã hạ điểm tín nhiệm của Việt Nam xuống. Còn theo báo Wall Street Journal, sự kiện công ty quốc doanh Vinashin vỡ nợ, và nhiều công ty quốc doanh khác làm ăn thua lỗ vô tội vạ là nguyên nhân gián tiếp của sự mất giá đồng bạc, đẩy mức lạm phát có lúc lên đỉnh 23% như hồi tháng Tám 2011. Ngoài lạm phát và đình công (987 cuộc năm 2011 so với 541 cuộc năm 2007), doanh nghiệp nước ngoài còn nói tới điều kiện đường xá kém tại các khu công nghiệp gây khó khăn cho vận tải hàng hóa và tình trạng cắt điện luôn xẩy ra làm trở ngại sản xuất.

Qua đó, những kết luận cho thấy vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bị giảm sút và Đảng Cộng sản Việt Nam gắn quá chặt với những nguyên tắc của mình khiến nền kinh tế suy sụp.

VN có tới 10 triệu người đang độ tuổi lao động mới thất nghiệp. Thu nhập bình quân của người Việt thua Tân Gia Ba 158 năm, Thái Lan 95 năm, Nam Dương 51 năm. Số liệu này do chính Thời Báo Kinh Tế Saigon nhìn nhận.

Theo Saigon Times Online, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc ADB Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam cho rằng, hệ lụy của vòng xoáy chống lạm phát, chống suy giảm kinh tế mà Việt Nam phải đối mặt trong suốt năm năm qua là hệ lụy của đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, và đầu tư của nhà nước quá lớn nhưng không mang lại hiệu quả tương xứng. Đó chính là gốc rễ của vấn đề mà Việt Nam phải xử lý để thoát khỏi vòng xoáy đó.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, nhiều mặt hàng thủy sản có nguy cơ bị cấm ở các thị trường quan trọng như Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU. Việc này xẩy ra sẽ gây thiệt hại cho VN mỗi năm ít nhất 6 tỷ Mỹ Kim. Chỉ riêng thị trường Nhật Bản, mỗi năm nhập khẩu gần 600 triệu đô la, chiếm gần 30% thị phần tôm của Việt Nam, đã có 132 cảnh báo đối với thủy sản của Việt Nam. Cơ quan kiểm tra nhập khẩu thuốc và thực phẩm Mỹ FDA cho biết sẽ kiểm tra chặt chẽ chất kháng sinh Enrofloxacin trong tôm, có xuất xứ từ Việt Nam đưa vào Mỹ.

Hỗ trợ cho doanh nghiệp VN, từ Hà Nội, ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia tư vấn tài chánh của chính phủ nói, dù lãi xuất có hạ, nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả lời đến 21%, lại còn phải “bôi trơn” các cấp, để mua lấy dễ dàng trong việc làm ăn :“Ở Việt Nam, chuyện tham nhũng, đưa phong bao, phong bì, là phổ biến, có lẽ tới 100%. Không làm việc gì mà không có bôi trơn, cho tiền cho bạc mọi cấp, những con số thống kê đưa ra 61%, không hoàn toàn chính xác đâu. Các chi phí hối lộ, làm cho giá thành sản phẩm và dịch vụ lên cao hơn, có thể nói là từ 5% tới 10 hay 20%. Như vậy doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn, không cạnh tranh được với các doanh nghiệp khắp thế giới. Doanh nghiệp ở Singapore, Đài Loan, Đại Hàn, Nhật Bản hay những nơi khác không có chi phí quan hệ như vậy, không bị tham nhũng, tự nhiên giá thành sản phẩm của người ta thấp hơn, hàng hóa dễ cạnh tranh hơn”.

VC độc quyền vàng
Đầu tháng 4, Việt Nam xôn xao về nghị định số 24, có hiệu lực từ 25 tháng 5, Nhà nước dành độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Theo quy luật mới, nơi buôn bán vàng phải có vốn từ 100 tỷ đồng trở lên. Riêng đối với các tổ chức tín dụng thì phải có vốn từ 3000 tỷ đồng trở lên. Bên cạnh đó, muốn kinh doanh vàng miếng phải có hơn hai năm kinh nghiệm mua và bán vàng, trong hai năm liên tiếp có số thuế nộp cho chính phủ mỗi năm từ 500 triệu hoặc hơn và phải có giấy chứng thực của Cơ Quan Thuế Vụ, có mạng lưới chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh ở ba thành phố trực thuộc trung ương.

Ông Trương Công Nhơn, phó tổng giám đốc Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đánh giá: “Đây là bước ngoặt trong thị trường vàng Việt Nam”. Và ông Nhơn cũng cho rằng, với thói quen mua bán, cất giữ vàng của người dân Việt Nam chưa dễ thay đổi nhanh chóng, các ngân hàng có vốn mạnh đang có cơ hội để khai thác thị trường và kiếm lãi nhanh.

Nghị định 24 sẽ có hậu quả rất lớn trong dân chúng đang cất giữ vàng, ước lượng lên đến 1000 tấn;  làm tiêu tan nghề buôn bán vàng lẻ tại 10 ngàn cửa hàng vàng trên toàn quốc; tạo ra tình trạng “vàng biến tướng” hay chợ đen. Đồng thời tạo cơ hội kiếm chác rất lớn cho các ngân hàng (quốc doanh) được chọn trong nhóm kinh doanh vàng cùng “thuyền” với Cộng Đảng. Đây là cách Cộng Đảng nối dài cánh tay quyền lực trong thị trường vàng – một hình thức kinh tế tập trung mới.

Năm ngân hàng được Hanoi cho vào “băng làm ăn” đầu tiên trong vụ vàng lá này : Á Châu (ACB), Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Đông Á (DongA Bank) và Kỹ thương (Techcombank) cùng công ty SJC . Các tổ chức tín dụng này sẽ trở thành nhóm quyền lực nhất nước về vàng và quý kim tại VN từ tháng tới.

10 ngàn cửa hàng vàng muốn tồn tại, lại phải tốn mớ bạc đút lót để được cho làm tay em của các ngân hàng trong băng nói trên.

Kẻ cướp tiếp tục lừa dân
Khi Cộng đảng thu tóm hết vàng, dân chỉ còn giữ “chứng chỉ vàng” thì Hanoi tha hồ chuồn vàng ra ngoại quốc như từng làm hai năm liền vừa qua. Theo đó, đài BBC thuật bài viết của phóng viên Ben Bland : Giữa lúc cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đà thâm hụt thương mại khó có dấu hiệu thuyên giảm, Việt Nam vẫn gián tiếp giúp Thụy Sỹ đạt kỷ lục thặng dư trong tháng Năm. Thời báo kinh tế Financial Times (FT) đăng bài của Ben Bland tả rằng trong tháng Năm 2010, Thụy Sĩ đã nhập khẩu 21 tấn vàng chủng loại trang sức từ Việt Nam, có trị giá 921 triệu Franc Thụy Sỹ.

Báo FT thuật, năm 2010 và 2011 Cục Hải quan Thụy Sỹ cho hay, Việt Nam đã xuất gần 115 tấn kim loại quý vào Thụy Sĩ, hầu hết dưới dạng sản phẩm làm từ vàng, thu về 4,5 tỷ franc Thụy Sĩ. (BBC 29/3/2011). Khỏan tiền to lớn này hiện nằm đâu thì không ai biết.

Tháng 2 năm 2011, Hanoi ra lệnh cấm buôn bán vàng lá, 14 tháng sau, nghị định 24 ra đời dành cho nhà nước độc quyền như dẫn nhập nói trên.

Nhiều chủ tiệm vàng nhận xét : dân chúng không tin đồng tiền VC, nên phải cất giữ vàng. Việc này có trong lòng dân từ rất lâu rồi. VC bầy ra cách kiểm soát vàng, chắc chắn dân sẽ tìm ra lối thoát để cưỡng lại những gì nhà nước đang áp đặt. Một trong những cách là vận hội tương lai thị trường chợ đen sẽ mở ra “cánh cửa mới” trong đó vàng lá sẽ biến tướng thành vàng nữ trang đa dạng. Theo báo Dân Trí thuật lại hôm 21 tháng 2 vừa qua,  ngay trong thời gian nghị định 24 còn trong thai nghén, chuyện chợ đen vàng đã âm thầm diễn ra, chỉ riêng tiệm vàng Hoàng Khiêm ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mâu, 7 tháng liên tục, mỗi tháng đã bán ra cho công chúng 1 tấn vàng. Sự kiện đột biến này khác với bình thường đến 1000 lần. Việc này được chính Thuế Vụ địa phương bao che.

Ông Huỳnh Bửu Sơn, nhân viên cao cấp giữ chìa khóa kho vàng và tiền đồng của Ngân Hàng Quốc Gia trước 1975 vừa tiết lộ trước công luận : tháng 6 năm 1975, sau khi VC cưỡng chiếm Miền Nam,  VC ra lệnh mở kho vàng, bạc để kiểm kê, có chứng kiến của các đại diện VC, một trong những người ông Sơn còn nhớ tên là Hoàng minh Duyệt, chỉ huy phó đơn vị tiếp quản Ngân Hàng Quốc Gia. Cuộc kiểm kê được ông Sơn mô tả là rất chi tiết. Kết quả đã ghi trong biên bản. Tiền đồng và 1234 thỏi vàng, bằng 16 tấn vàng vẫn còn nguyên. Hồi đó, VC cho báo chí loan tin 16 tấn vàng trong kho bạc đã bị TT Thiệu đem theo lúc di tản. Tại sao VC cho loan tin mất vàng thì ai cũng biết.

Báo mạng lề trái đưa ra lời cảnh báo bà con trong nước, kể cả bà con từ hải ngoại về thăm VN xin nhớ rằng, kể từ ngày 25 tháng 5 năm 2012, công an Hanoi sẽ bắt tất cả các vụ giao dịch vàng miếng, và sẽ phạt tiền từ 50 tới 100 triệu đồng cùng với việc tịch thu tang vật. Mong bà con cô bác gần xa tường tận để có biện pháp bảo vệ an toàn tài sản của chính mình, để có đủ phương tiện kiên trì trong mặt trận làm tan rã Hanoi về kinh tế.

Tham nhũng trong Cộng Đảng trở thành bất diệt sẽ tạo ra cảnh phe nhóm quyền lợi đấu đá nhau, đưa đến nhiễu loạn trong xã hội là những yếu tố nội tại yểm trợ đắc lực cho cao trào đấu tranh đòi công lý của hàng trăm ngàn dân oan ngày một dâng cao như mọi người đang thấy . . . sẽ đương nhiên trở thành lực đẩy chế độ tàn ngược Hanoi sụp đổ.

Trần Nguyên Thao
April 17, 2012
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét