KHƠ KHƠ KHƠ


Tự nhiên tôi lại cảm thấy… có lỗi với vợ con hắn quá, có khi tại được giải mà hắn cứ cố làm thơ. Nhưng tôi cũng rất sòng phẳng nói với Cán: thôi chú cứ mần thơ nếu chú sướng, nhưng mần xong đọc cho vợ nghe, ngoài ra, ghét đứa nào chú đọc cho nó nghe luôn, chứ thơ chú Tạp chí anh không in được, nhưng mình vẫn sẽ  cứ là anh em nhé, vẫn chơi với nhau nhé. Hắn lại cười khơ khơ khơ.  Nên lần này Cán ra thăm tôi là cũng vì... thơ, nhưng lại không gửi thơ cho Tạp chí mà biếu một can rượu của nhà nấu lấy....
----------





          Khoảng trưa trưa ngày 21/6 năm ngoái, tôi vừa phóng xe ra khỏi cơ quan thì thấy một cái xe ôm chở một người gần như nằm ngang trên xe, một cây gậy kẹp nách, hai tay cứng qoèo bê một lẵng hoa nhỏ phóng vào sân. Quay lại giúp anh xe ôm bê cái hình hài người cứng qoèo ấy xuống, chưa kịp hỏi han gì thì cái thân hình bé tẹo nhẹ bẫng đang còn xiêu xiêu trên gậy ấy oang oang như… ở nhà: Chào các bác, em là Cán, ở huyện Chư Prông, hôm qua xem ti vi biết hôm nay là ngày nhà báo nên em có lẵng hoa ra tặng các bác, khơ khơ khơ... 

          Nói thêm một tí, tôi làm ở tạp chí Văn Nghệ tỉnh, nơi được tặng ít hoa nhất trong ngày 21/6, vì thế thấy lẵng hoa của Cán cả cơ quan tôi trầm trồ xúc động, đổ xô ra đón anh như đón VIP.

          Chư Prông là một huyện cách trung tâm thành phố Pleiku ba mươi cây số. Vùng ấy rất nghèo. Nằm sát thành phố Pleiku, cái gì cũng nhỏ, cũng ít hơn Pleiku, nhưng có một cái có thể “cạnh tranh” được với thủ phủ của thành phố của tỉnh Gia Lai, ấy là số thương binh và liệt sĩ của huyện. Nơi đây từng là chiến trường rất ác liệt với những Plei Me, Ia Đrăng, làng Bạc, Bàu Cạn... Chỉ riêng hai cái tên Plei Me và Ia Đrăng nếu chịu khó đọc thì thấy địa danh ấy nó đã oai hùng đến mức nào trong chiến tranh chống Mỹ, vậy nên nghèo cũng phải. Sau giải phóng, dân tứ xứ đổ về đây làm ăn, đi theo diện kinh tế mới có, đi tự do cũng có. Trừ một công ty cao su làm ăn khá phát đạt, còn lại thì vẫn nghèo như xưa…

          Phan Quốc Cán, vâng, cái hình người cứng qoèo trên xe ôm ra tặng hoa chúng tôi ấy tên là Phan Quốc Cán, anh không phải sống từ nhỏ ở Chư Prông, mà quê anh ở Nghệ An, vào Chư Prông kiếm sống. Chư Prông là mảnh đất mà dân các nơi, nhất là ở phía Bắc, tụ về lập nghiệp. Cái công ty cao su Chư Prông thành đạt giàu có bây giờ, nguyên thủy nó cũng là dân của một huyện đi kinh tế mới cả cụm từ cái thời huyện này còn hoang sơ, rừng tràn khắp nẻo, hổ lững thững vạch lau lách ngắm trăng, người thì thưa hơn rừng bây giờ.  Thì ra hành trình của Cán hôm ra cơ quan tôi tặng hoa như sau: con trai đón xe buýt chạy qua trước cửa nhà, con và phụ xe bế Cán lên xe, đặt vào ghế nửa nằm nửa ngồi như thế, đến bến xe buýt, phụ xe kêu một anh xe ôm, và cùng anh này bê Cán xuống đặt lên xe máy, anh xe ôm còn chở Cán đến tiệm bán hoa để Cán mua hoa nữa, rồi chở đến  cơ quan tôi.

          Cán không liên quan gì đến chiến tranh, chưa từng đi lính. Đơn giản chỉ là một cơn sốt rét ác tính đã khiến anh này Cán bị cứng đơ người, toàn bộ hệ thống khớp từ cổ đến xương sống, chân tay… bị dính vào nhau, không cúi không ngồi không co không duỗi được. Kể mà như cái xe cái khóa thì tra vào tí dầu có khi lại nhúc nhắc được. Đằng này vừa nhà nghèo, vừa ở xa trung tâm, nên chịu. Chân liệt. Tay chỉ giơ lên đến ngang mặt sau khi đã chữa và tự luyện tập với một ý chí kinh người. Cán kể: Bây giờ em đã đỡ đến sáu, bảy phần, là chống gậy đi lại được, cuốc đất được, cho heo gà ăn được, đi đám cưới… hát được nữa…

Hôm qua Cán lại ra cơ quan tôi, do một người em vợ chở bằng xe máy. Vẫn cái dáng nằm ngang trên xe như thế. Tôi chưa biết mặt vợ Cán, nhưng nhìn người em vợ to cao đẹp trai, đoán vợ Cán cũng thuộc loại nhan sắc. Thế mà anh chàng tán đổ, và là tán sau khi bị liệt bị cứng đơ người thế. Tài, tài đến thế là cùng. Quà của Cán mang ra cho chúng tôi là một can hai lít… rượu do tự tay anh nấu mà anh gọi là nước mắt quê hương. Chuyện Biển Đông đang nóng, Cán cười khơ khơ nói với tôi: Giờ mà lỡ phải đánh nhau, em chỉ đứng một chỗ bắn thôi, không tiến không lùi được, và cũng... không giơ tay hàng được. Lạ cái là anh chàng này luôn có giọng nói rất to và tiếng cười khơ khơ nổ giòn như bóng bay nổ cả chùm…

Tàn tật thế nhưng lao động cực giỏi. Thứ nhất là vẫn lấy vợ và đẻ con, hai đứa, một trai một gái. Trai học xong cao đẳng kỹ thuật đã đi làm cho một công ty của Hoàng Anh Gia Lai, nghe nói lương cũng bảy tám triệu chi đó. Gái đang học đại học ở Đà Nẵng. Tôi ngồi ngắm Cán và bảo nguyên chuyện ông làm ra hai đứa con trong tình trạng cơ thể như thế là giỏi rồi. Bao nhiêu gã đàn ông cường tráng nhưng té ra lại... yếu xìu. Thế nên ngay nhà đài VTV giờ cũng có hẳn một chương trình thầm kín sau hai mươi ba giờ do giáo sư Trần Quán Anh phụ trách, rất nhiều gã đàn ông ban ngày nói năng chém gió hoành tráng, lên xe xuống ngựa bệ vệ, tối về he hé mắt xem chương trình này.  Còn Cán, đứng không xong ngồi không nổi thế kia, đến tự lật người cũng khó, thế mà vẫn hai đứa con hoành tráng thế. Tôi có hỏi vừa tò mò vừa đùa mà lại cũng rất khát khao được biết sự thật: thế làm sao mà... ra con được, gã cười rất tự tin khơ khơ khơ.

Giỏi thứ hai là vẫn làm rẫy cuốc đất và làm mọi việc rất chuẩn. Đứng một chỗ và cuốc, xong lại chống nạng di chuyển, lại cuốc, cứ như con giun dũi đất thế mà làm nên cơ nghiệp. Tất nhiên cái cuốc cũng là loại thửa riêng cho Cán thôi, chắc nó cũng như cái cuốc mỏ gà của người xưa, nhưng cứ cần mẫn dụi dọ thế, ngày này sang tháng khác, mà ra hôm nay. Ngoài ra còn nấu rượu nuôi heo. Cán bảo làm theo kiểu du kích mới giàu khi tôi hỏi có trang trại chăn nuôi hay trồng cà phê, tiêu gì không.  Bảo trang trại là chết bác ạ. Vốn không có, công không có, rồi bán ở đâu, người lành còn chả ăn ai. Em cứ là túc tắc. Lúc nào trong chuồng cũng có chục lợn, nấu rượu để nuôi, rau thì trong vườn, cả người cả lợn ăn. Xuất lứa này em thả ngay lứa khác, tiền dư vừa để nuôi con, để chi tiêu, vừa bỏ ống. Ngoài ra còn hàng trăm con gà nuôi thả trong vườn. Giờ mỗi tháng gửi cho con gái ba triệu đồng, hai vợ chồng ăn uống chừng ấy nữa, thì mỗi tháng cũng phải kiếm ra gần chục triệu. Hồi cả hai đứa còn đi học thì vất hơn, nhưng em cứ cười thôi. Mình khóc cũng có ai lo thay mình đâu. Tôi hỏi giờ có khó khăn lắm không, Cán cười khơ khơ, bảo em đang là một trong tám hộ nghèo của huyện anh ạ, nhưng vừa rồi được đi Hà Nội dự hội nghị người tàn tật làm ăn giỏi. Người như em được thế còn đòi gì nữa?...

Cán còn nhiều cái giỏi nữa, ngồi nói chuyện với y mà tôi vừa xót xa vừa buồn cười. Là bởi những gì mình định thấy cần phải chia sẻ thì y đã cười khơ khơ rồi, đã coi như không bằng cái đinh gỉ gì rồi. Nhưng có một chuyện, không thể không kể ra đây, cái này Cán không giỏi, nhưng tôi không dám phê bình, ấy là Cán lại... làm thơ.  Cách đây hơn chục năm, có cuộc thi thơ người tàn tật, tôi được mời làm chủ khảo cuộc thi ấy, và Cán được cái giải, hình như là nhất, thế là từ đấy y... hăng hái làm thơ, mặc nhiên coi tôi như… đồng nghiệp. Tự nhiên tôi lại cảm thấy… có lỗi với vợ con hắn quá, có khi tại được giải mà hắn cứ cố làm thơ. Nhưng tôi cũng rất sòng phẳng nói với Cán: thôi chú cứ mần thơ nếu chú sướng, nhưng mần xong đọc cho vợ nghe, ngoài ra, ghét đứa nào chú đọc cho nó nghe luôn, chứ thơ chú Tạp chí anh không in được, nhưng mình vẫn sẽ  cứ là anh em nhé, vẫn chơi với nhau nhé. Hắn lại cười khơ khơ khơ.  Nên lần này Cán ra thăm tôi là cũng vì... thơ, nhưng lại không gửi thơ cho Tạp chí mà biếu một can rượu của nhà nấu lấy. Tôi hỏi giờ có đau nữa không, có thuốc thang gì không, Cán bảo: hiện ngồi với anh em đang rất đau. Em không uống thuốc nữa vì biết bệnh rồi, uống cũng chả ăn thua mà lại hại thận, tốn kém. Giờ em tự vật lý trị liệu và lao động để duy trì sức khỏe. Có khi nửa đêm em vẫn còn cuốc đất ngoài vườn đấy. Lúc nào đau quá thì em... làm thơ…

Nhìn cái cách cậu em vợ Cán, tầm bốn mươi tuổi, phương phi khỏe mạnh nhưng ngồi rất yên lặng lễ phép nghe Cán nói chuyện với chúng tôi, đủ thấy gia đình tôn trọng Cán đến mức nào. Người như thế, làm được đủ mọi việc như thế, lại còn hùng dũng tiến vào một cơ quan văn nghệ hàng tỉnh như về nhà mình, tặng hoa, biếu rượu, hiên ngang… nửa nằm nửa ngồi, cười khơ khơ khơ như khi uống rượu ở nhà mình thì em vợ chứ có vợ Cán ở đấy, chắc chị chàng cũng vinh dự tự hào và phục chồng mình sát đất.

 


Có những trường hợp, sống được đã khó, thế mà lại còn làm thơ. Té ra thơ, nhiều lúc nói đùa tếu táo với nhau thế này thế kia, nhưng nó đã là chỗ dựa cho rất nhiều người. Chả thế mà thi sĩ Phùng Quán đã từng "Có những phút ngã lòng/ tôi vịn câu thơ đứng dậy". Và giờ là Cán.


Tiễn Cán, y cứ nắm mãi tay tôi: Bác nhớ vào thăm nhà em một chuyến, cao lương mỹ vị chả có, nhưng gà vườn, rau vườn, mắm trong vại, rượu nấu lấy, em với bác lại uống rượu… đọc thơ…


Khơ khơ khơ…








                                                                  


 
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét