Bản thân Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng nên bị mang ra xét xử

LTS: Tính danh nghĩa, và mục tiêu hoạt động của IMF, hoặc ADB, WB, có thật sự như những gì chúng ta từng nghĩ, rằng họ như những “chiếc túi không đáy” luôn mở rộng vòng tay giúp đỡ các nước đang phát triển?

Một bài viết với những ví dụ từ các nước châu Phi, hi vọng các lãnh đạo Việt Nam sẽ cẩn thận và sáng suốt hơn trước khi quyết định về sự hỗ trợ từ phía các tổ chức tài chính-chính trị như WB, IMF, và ADB.



Không chỉ Dominique Strauss-Kahn, chính bản thân Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nên được mang ra xét xử.

Đôi khi, cái khía cạnh tiết lộ nhiều chuyện nhất của nhữg lời lảm nhảm điếc tai từ các chương trình tin tức 24 /7 lại là sự im lặng. Những sự kiện quan trọng nhất thường hay ẩn nấp bên dưới những tiếng ồn, không được nhắc tới, và không được thảo luận.

Vì vậy, chuyện ông Dominique Strauss-Kahn, người đứng đầu trước đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đang phải ra tòa vì bị cáo buộc đã cưỡng hiếp một người hầu gái trong một căn phòng khách sạn ở New York – đúng là tin tức lớn. Nhưng bạn hãy thử tưởng tượng một nhân vật nổi tiếng bị buộc tội, không phải vì cưỡng hiếp một người hầu gái, mà là vì đã để cô ấy chết đói, cùng với con cái, cha mẹ cô, và hàng ngàn người khác. Đó là những gì mà IMF đã làm cho những người vô tội trong quá khứ gần đây. Đó là những gì nó sẽ làm một lần nữa, trừ khi chúng ta thay đổi tổ chức đó đến nổi không ai còn nhận ra nó nữa. cả. Nhưng chuyện đó lại được giữ im lặng.

Để hiểu rõ câu chuyện này, bạn phải quay trở lại thời gian khi IMF mới ra đời. Năm 1944, các quốc gia sắp giành được chiến thắng trong Thế chiến thứ hai đã tập trung tại một khách sạn ở vùng nông thôn New Hampshire để phân chia chiến lợi phẩm. Ngoại trừ một vài trường hợp đáng kính, ví dụ như kinh tế gia vĩ đại người Anh John Maynard Keynes, các nhà đàm phán hồi đó đã quyết tâm làm một việc mà thôi. Họ muốn xây dựng một hệ thống tài chính toàn cầu mà theo đó, đảm bảo họ sẽ được chia chác phần lớn tiền bạc và tài nguyên của cả hành tinh. Họ thiết lập một loạt các tổ chức được thiết kế cho mục đích đó – và vì vậy IMF ra đời.

Công việc chính thức của IMF nghe có vẻ đơn giản và hấp dẫn. Đúng ra nó có mặt là để đảm bảo các nước nghèo không rơi vào nợ nần, và nếu các nước đó có (rơi vào cảnh nợ nần), thì IMF sẽ nâng đỡ chúng với các khoản vay và kỹ năng kinh tế. IMF được trình hàng như là người bạn và người giám hộ tốt nhất của thế giới (các nước) nghèo. Tuy nhiên, ngoài những lời hùng biện, IMF được thiết kế để được thống trị bởi một số ít các nước giàu – và, cụ thể hơn, bởi các tài phiệt ngân hàng, và các nhà đầu cơ tài chính. Mọi đường đi nước bước của IMF đều vì lợi ích của nhóm đó cả.

Hãy nhìn vào chuyện diễn ra trong thực tế. Vào những năm 1990, nước Malawi nhỏ bé ở đông nam Châu Phi đã phải đối mặt với các vấn đề kinh tế nghiêm trọng sau khi chịu phải một trong những đợt dịch bệnh HIV / AIDS tệ nhất trên thế giới và mới thoát khoải một chế độ độc tài khủng khiếp. Họ đã yêu cầu IMF giúp đỡ. Nếu IMF hành động theo đúng vai trò chính thức của nó, thì lẽ ra nó đã cho vay mượn và hướng dẫn quốc gia này phát triển theo cùng một cách mà Anh và Mỹ và tất cả các nước đã thành công khác phát triển – bằng cách bảo vệ các kỹ nghệ non trẻ của mình, trợ cấp cho nông dân, và đầu tư vào lãnh vực giáo dục và sức khỏe của người dân.

Đó là những gì mà một tổ chức quan tâm đến những người bình thường – và có trách nhiệm với họ – sẽ làm. Tuy nhiên, IMF đã làm một chuyện thực sự khác biệt. Họ nói họ sẽ chỉ trợ giúp nếu Malawi đồng ý tái cơ cấu theo yêu cầu của IMF. Họ ra lệnh Malawi bán ra gần như tất cả những gì nhà nước sở hữu cho các công ty tư nhân và các nhà đầu cơ, và cắt giảm chi tiêu cho dân chúng. IMF yêu cầu chính phủ Malawi ngừng trợ giá phân bón, mặc dù phân bón là thứ duy nhất giúp cho nông dân – chiếm phần lớn dân số – có thể trồng bất cứ cái gì trên đất đai bạc màu của nước này. IMF đã nói với chính phủ Malawi ưu tiên đưa tiền cho các ngân hàng quốc tế hơn là đưa tiền cho người dân Malawi.

Vì vậy, vào năm 2001 khi IMF phát hiện ra chính phủ Malawi dự trữ một số lượng lớn ngũ cốc đề phòng trường hợp mất mùa, IMF ra lệnh cho họ phải bán nó đi cho các công ty tư nhân ngay lập tức. Họ nói với Malawi phải sắp xếp các ưu tiên của cho đúng bằng cách sử dụng số tiền thu được để trả cho một khoản nợ từ một ngân hàng lớn, một món nợ mà trước đó, chính IMF đã nói với chính phủ Malawi nên mượn, với một lãi suất 56 phần trăm hàng năm. Tổng thống Malawi phản đối và cho rằng đây là nguy hiểm. Nhưng ông đã không có sự lựa chọn nào khác. Ngũ cốc đã được bán ra. Các ngân hàng đã được trả tiền.

Năm sau, mùa màng thất bát. Chính phủ Malawi hầu như không có gì trong tay để phân phát cho dân chúng. Dân chúng đang chết đói đã phải ăn đến vỏ cây, và bất kỳ con chuột nào bắt được. Đài BBC mô tả sự kiện đó như là một nạn đói tệ nhất từ trước đến giờ của Malawi. Những năm 1991-1192, đã có một vụ mất mùa tệ hơn nhưng không có nạn đói bởi vì hồi đó chính phủ có dự trữ lương thực để phân phối. Vì vậy, lần này, ít nhất một ngàn người dân vô tội bị chết đói.

Vào thời gian cao điểm của nạn đói, IMF đã đình chỉ một món viện trợ trị giá 47 triệu đô, vì chính phủ đã “chậm” trong việc thực hiện những “cải cách thị trường” mà bản thân chúng đã dẫn đến cái tai họa đó. Nhóm ActionAid, một nhóm trợ giúp hàng đầu trên đất Malawi, đã tiến hành khám nghiệm hậu chẩn về nạn đói. Họ kết luận rằng IMF phải chịu trách nhiệm về cái tai họa đó.

Sau đó, trong đống đổ nát bị bỏ đói, Malawi đã làm một chuyện mà các nước nghèo theo lẽ chưa nên làm. Họ tống cổ IMF ra khỏi nước. Đột nhiên, được tự do trả lời cho người dân của họ chứ không phải là các tài phiệt ngân hàng nước ngoài, chính phủ Malawi bỏ ra ngoài tai tất cả các “tư vấn” của IMF. Họ tái lập trợ cấp cho phân bón, cùng với một loạt các dịch vụ khác cho thường dân. Chỉ trong thời hạn hai năm, đất nước này đã biến đổi, từ vị trí ăn mày, trở thành có nhiều dư thừa đến nỗi họ đã cung cấp nhiều viện trợ lương thực cho Uganda và Zimbabwe.

Nạn đói tại Malawi lẽ ra phải là một tiếng kêu cảnh báo từ xa cho bạn và tôi. Đặt lợi ích của người dân bình thường dưới lợi ích của các tài phiệt ngân hàng và các nhà đầu cơ gây ra nạn đói ở đó. Chỉ trong vòng một vài năm, cách cư xử như vậy đã làm sụp đổ nền kinh tế toàn cầu của tất cả chúng ta.

Trong lịch sử của IMF, câu chuyện này không phải là một ngoại lệ: nó là quy luật. Tổ chức này thống trị các nước nghèo, hứa hẹn là nó có thuốc chữa lành – và sau đó đổ thuốc độc xuống cổ họng họ. Bất cứ khi nào tôi đi qua các vùng nghèo khó của thế giới, tôi đều thấy những vết sẹo từ “điều chỉnh cơ cấu ” của IMF ở khắp mọi nơi, từ Peru tới Ethiopia. Có nhiều nơi đã bị sụp đổ cả nước sau khi được “giúp” bởi IMF – nổi tiếng nhất là Argentina và Thái Lan trong những năm 1990.

Chúng ta hãy nhìn vào một số vụ ngoạn mục nhất của tổ chức này. Tại Kenya, IMF nài nỉ là chính phủ áp dụng lệ phí khi gặp bác sĩ – vì vậy số lượng phụ nữ tìm sự giúp đỡ hoặc tư vấn về những bệnh lan truyền qua đường tình dục giảm đi 65 phần trăm, tại một trong những nước bị ảnh hưởng bởi bệnh AIDS tồi tệ nhất trên thế giới.

Tại Ghana, IMF nài nỉ chính phủ áp dụng thu lệ phí cho việc đi học – và số lượng các gia đình nông thôn có đủ khả năng cho con em họ đi học giảm đi hai phần ba. Tại Zambia, IMF khăng khăng rằng chính phủ nên cắt giảm chi tiêu về y tế – và số lượng trẻ sơ sinh bị chết tăng gấp đôi. Thật kỳ lạ, hóa ra xúc tiền của nước bạn cho các ngân hàng nước ngoài, thay vì cho dân chúng của bạn, không phải là một chiến lược phát triển tuyệt vời.

Kinh tế gia Joseph Stiglitz, từng đoạt giải Nobel, đã làm việc chặt chẽ với IMF trong hơn một thập kỷ, cho đến khi ông nghỉ việc và trở thành một người tố cáo. Vài năm trước đây, ông ấy nói với tôi: “Khi IMF đến một đất nước nào đó, họ chỉ quan tâm đến một điều duy nhất. Làm thế nào mà mình đảm bảo các ngân hàng và các tổ chức tài chính được trả tiền? … Chính nhờ IMF mà các nhà đầu cơ tài chính còn công ăn việc làm. IMF không quan tâm đến sự phát triển, hoặc những gì giúp một đất nước ra khỏi đói nghèo. “

Một số người gọi IMF là bất nhất, bởi vì tổ chức này, ở các nước giàu thì ủng hỗ trợ cứu trợ ngân hàng dùng ngân quỹ nhà nước, trong khi yêu cầu chấm dứt tài trợ của nhà nước ở các nước nghèo. Nhưng đó chỉ là sự bất nhất nếu bạn đang suy nghĩ về các lĩnh vực của những ý tưởng trí tuệ, hơn là lợi ích kinh tế thực tiễn. Trong mọi tình huống, IMF luôn làm những gì cần thiết để mang tiền về cho các tài phiệt ngân hàng và các nhà đầu cơ. Nếu chính phủ các nước giàu cứu giúp các ngân hàng bằng cách đưa tiền mà không đòi hỏi gì cả, tuyệt. Nếu các nước nghèo có thể bị buộc phải trả tiền ngân hàng theo giá cắt cổ, tuyệt vời luôn. Chuyện đó trước sau như một.

Một số người cho rằng Strauss-Kahn là một “nhà cải cách” và đã thay đổi IMF sau khi ông nhậm chức vào năm 2009. Chắc chắn là đã có một sự thay đổi trong lời nói. Nhưng một nghiên cứu chi tiết của tiến sĩ Daniela Gabor của Đại học West of England đã chỉ ra rằng, về bản chất, thì tổ chức này vẫn hoạt động như trước.

Ví dụ, thử nhìn vào Hungary. Sau khi kinh tế nước này sụp đổ vào năm 2008, IMF ca ngợi chính phủ nước này vẫn giữ mục tiêu giảm thâm hụt ban đầu của họ bằng cách cắt giảm các dịch vụ công ích. Những người dân Hungary kinh hoàng đã phản ứng bằng cách hạ bệ chính phủ đương thời, và lựa chọn một đảng phái đã hứa là sẽ bắt các ngân hàng phải trả giá cho cuộc khủng hoảng mà họ đã tạo ra. Họ giới thiệu một khoản phụ thu 0.7 phần trăm trên (thu nhập của) ngân hàng (cao gấp bốn lần so với bất cứ nơi nào khác). IMF nổi điên. IMF cho rằng đây là một sự “bóp méo cao” các hoạt động ngân hàng – làm như là cứu trợ các ngân hàng thì không (phải là bóp méo vậy), tất nhiên – và rít lên rằng phụ phí này sẽ làm cho các ngân hàng phải chạy trốn khỏi đất nước. IMF đóng cửa toàn bộ chương trình Hungary của họ để đe dọa chính phủ mới.

Tuy nhiên, dự đoán sự sụp đổ của IMF đã không xảy ra. Hungary tiếp tục theo đuổi các biện pháp hợp lý vừa phải, thay vì trừng phạt dân chúng. Họ áp đặt thuế trên các ngành có lợi nhuận nhiều – năng lượng, bán lẻ và viễn thông, và lấy tiền từ quỹ lương hưu tư nhân để trả tiền thâm hụt. Cứ mỗi bước như vậy, IMF lại la làng lên, và yêu cầu, thay vào đó, phải cắt giảm từ dân thường Hungary. Đây là bài bản của IMF, với cùng những lời đe dọa cũ. Strauss-Kahn đã làm như vậy ở hầu hết các nước nghèo mà có IMF hoạt động, từ El Salvador đến Pakistan đến Ethiopia, những nơi mà các khoản trợ cấp cho thường dân đã bị cắt giảm nhiều. Rất nhiều nước đã bị đe dọa và phải làm tổn hại đến lợi ích riêng của họ. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, có bản doanh ở Mỹ, đã tìm ra rằng, 31 trong số 41 hiệp định của IMF cần đến “chính sách kinh tế vĩ mô thuận vòng xoáy” – và đẩy các nước đó sâu hơn vào vòng suy thoái.

Không chỉ Strauss-Kahn phải được đưa ra xét xử. Chính cái tổ chức mà ông cầm đầu cũng vậy. Hiện trên báo chí đang có một cuộc tranh luận rỗng tuếch về việc ai sẽ là người đứng đầu tiếp theo của IMF, như thể là chúng ta đang bàn ai nên là người điều hành của ban trông coi chất lượng của sữa ở địa phương vậy. Nhưng nếu chúng ta coi ý tưởng về sự bình đẳng của con người là nghiêm túc, và nhớ đến tất cả những người đã lâm vào cảnh đói nghèo và chết chóc vì tổ chức này, chúng ta sẽ thảo luận về việc thành lập một Ủy ban Sự thật và Hòa giải – và làm thế nào để giải tán IMF hoàn toàn và bắt đầu lại từ đầu.

Nếu Strauss-Kahn bị tuyên bố có tội, tôi nghĩ là tôi biết tại sao rồi. Ông ấy chắc là lầm tưởng người hầu gái với một nước nghèo đang gặp khó khăn tài chính. Suy cho cùng thì những người đứng đầu của IMF đã, trong nhiều năm, được phép “cưỡng hiếp” các nước nghèo mà không bị trừng phạt gì.



Bài viết “It’s not just Dominique Strauss-Kahn. The IMF itself should be on trial” trên tờ Independent (UK), tựa đề và phiên bản tiếng Việt do thành viên T. chuyển ngữ.

http://www.independent.co.uk/opinion/commentators/johann-hari/johann-hari-its-not-just-dominique-strausskahn-the-imf-itself-should-be-on-trial-2292270.html
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét