Dulichbui's Blog - Thành phố Phnompenh có diện tích khoảng 678,46 km2 nhưng do hầu hết các điểm du lịch phổ biến tại đây đều tập trung chủ yếu ở khu trung tâm nên việc tham quan khá thuận tiện.
Có nhiều cách để bạn khám phá Phnompenh: đăng ký citytour, đi taxi hay xe tuk-tuk nhưng thoải mái nhất là thuê xe máy để vi vu… Riêng chúng tôi chọn cho mình cách thú vị nhất và tiết kiệm nhất là đi bộ.
Sau khi tìm hiểu về các điểm tham quan tại Phnompenh, chúng tôi bắt đầu cuốc bộ, thực hiện "walking tour" của mình. Điểm đến đầu tiên là chùa bà Pênh (tiếng Campuchia là Wat Phnom), giá vé tham quan 1 đô la Mỹ. Chùa Bà Pênh là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất ở Phnom Penh, tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ cạnh giao lộ của đường 96 và đường Norodom. Kiểu dáng kiến trúc và nội thất chùa Bà Pênh cũng giống như những ngôi chùa Phật giáo tiểu thừa khác tại Phnom Penh.
Người Campuchia cho rằng sự ra đời của chùa bà Pênh gắn liền với sự hình thành của Phnom Penh ngày nay. Chuyện kể rằng vào năm 1372 bà Pênh (Yea Penh) vớt được một cây gỗ bên trong có 4 bức tượng Phật trôi dạt trên sông. Bà đã cho đắp một ngọn đồi (phnom có nghĩa là đồi) và xây một ngôi chùa nhỏ (wat) ở trên đó mà ngày nay gọi là Wat Phnom. Sau này, khu vực xung quanh được gọi theo ngọn đồi (Phnom) và người tạo ra nó (Penh), vì thế mà có cái tên Phnom Penh cho thành phố thủ đô này.
Rời chùa bà Pênh, chúng tôi đi dọc con đường Sisowath Quay đến bảo tàng quốc gia Campuchia (giá vé tham quan 2 đô la). Bảo tàng này được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống của người Khmer, nếu nhìn từ xa chưa chắc bạn cho rằng đây là một bảo tàng. Bảo tàng quốc gia Campuchia lưu giữ rất nhiều hiện vật khảo cổ liên quan đến lịch sử, tôn giáo và nghệ thuật của người Khmer từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 13. Đây thực sự là một điểm tham quan bạn nên ghé nếu muốn tìm hiểu hơn về văn hóa, lịch sử của đất nước Chùa Tháp.
Bảo tàng quốc gia Campuchia |
Nằm cạnh bảo tàng quốc gia Campuchia là khu cung điện hoàng gia - chùa Bạc. Người Campuchia nói rằng, muốn biết nhà vua Campuchia giàu như thế nào thì hãy ghé cung điện của ngài một lần bạn sẽ thấy rõ. Quả đúng như vậy.
Cung điện hoàng gia (tên đầy đủ là Preah Barom Reachea Vaeng Chaktomuk) là nơi ở và làm việc của quốc vương và hoàng tộc. Đây còn là nơi diễn ra các cuộc thiết triều, các nghi thức ngoại giao và lễ nghi hoàng gia. Những vị khách quý của hoàng gia Campuchia như nhà vua, quốc trưởng, lãnh tụ các quốc gia khác đến Phnom Penh cũng sẽ nghỉ lại trong khu vực hoàng cung. Với người Campuchia, hoàng cung còn là biểu tượng của cả vương quốc.
Ghé vào cung điện hoàng gia chúng tôi thực sự choáng ngợp trước… vàng và bạc. Phòng khánh tiết là điểm gây ấn tượng hơn cả. Trước đây tòa sảnh này là nơi nhà vua cùng nội các thiết triều, còn nay nhà khánh tiết được sử dụng để cử hành nghi lễ hoàng gia và tôn giáo như đăng quang, kết hôn hoàng gia và nơi nhà vua tiếp khách.
Bạn có tin được không khi hầu hết bên trong tòa nhà đều được làm bằng vàng; từ ngai vàng, ghế ngồi, gương… Ngoài nhà khánh tiết, cung điện hoàng gia Campuchia còn có nhiều công trình kiến trúc khác như sân khấu Chanchhaya, khu cung điện nghỉ ngơi của nhà vua, khu làm việc của hoàng cung,… và chùa Bạc.
Toàn bộ nền chùa Bạc được lát bởi hơn 5.000 thỏi bạc, mỗi thỏi nặng 1 ký. Đó là chưa kể đến hàng chục, hàng trăm bức tượng Phật bằng bạc được bố trí khắp trong chùa. Chùa Bạc là nơi thờ cúng linh thiêng cũng là “bảo tàng” cống phẩm của hoàng gia Campuchia.
Rời hoàng cung và chùa Bạc, chúng tôi ghé thăm tượng đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia. Tượng đài đặt trong một công viên rộng và gần đó là tượng đài Độc lập Campuchia (khu vực hai tượng đài đều miễn phí tham quan). Nằm trên một quảng trường lớn, giao lộ giữa đường Norodom và đường Sihanouk, tượng đài Độc lập Campuchia được xây dựng vào năm 1958.
Đến trưa, chúng tôi trở về khách sạn để nghỉ ngơi. Buổi chiều hôm đó, chúng tôi tiếp tục tham quan bảo tàng Toul Sleng và chợ Mới, nhưng không đi bộ mà dùng xe tuk tuk. Buổi tối trở về khách sạn nghỉ ngơi với cảm giác thỏa mãn sau một ngày tham quan đầy thú vị.
Sáng hôm sau chúng tôi bắt xe taxi về lại Bavet rồi lấy xe máy chạy về Sài Gòn. Chuyến đi bụi Phnom Penh kéo dài 3 ngày đã đọng lại trong chúng tôi những ấn tượng khó phai. Hẹn sẽ quay lại Phnom Penh trong một ngày gần nhất.
Tùng Lâm (Bài viết này của Tùng Lâm đã được đăng trên Thesaigontimes.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét