Chúng ta lại kết thúc thêm một nhiệm kỳ. Ngoài xã hội hay nhắc đến tư duy nhiệm kỳ. Văn chương nghệ thuật chắc không có tư duy kiểu ấy, nhưng nó lại là dịp để chúng ta nhìn lại mình, nhìn lại như một cách tự vấn bản thân mỗi người chúng ta với tư cách người làm công việc sáng tạo, một công việc đầy đắm say, mê hoặc, nó khiến cho chúng ta lao tâm khổ tứ, nhưng lại cũng đầy khó khăn bất trắc, dễ nản, làm cho chúng ta, mỗi người làm nghề này, từng không ít lần nản, muốn bỏ cuộc. Và thực tế thì cũng đã có người bỏ cuộc…
Năm năm, chặng đường ấy đã ghi dấu ấn của những người hoạt động văn học nghệ thuật trong đời sống xã hội. Những người làm văn chương nghệ thuật Gia Lai đã chủ động hòa vào dòng chảy sôi động của đời sống, không đứng bên lề quan sát, không ngồi trên cao phán xét, không lẽo đẽo phía sau để tụt hậu, chúng ta đã đồng hành với tư cách những công dân chân chính, với trái tim nhạy cảm nghệ sĩ và bản năng nghề nghiệp, khiến cho tác phẩm của chúng ta luôn song hành với đời sống, có ích cho xã hội…
Đã có những tên tuổi của Gia Lai được bạn đọc, công chúng cả nước biết đến, được các đồng nghiệp đánh giá cao về tư cách chuyên môn. Đã có những tác phẩm khiến công chúng và đồng nghiệp cả nước quan tâm, nhiều giải thưởng, nhiều đánh giá trân trọng đã đến với anh chị em văn nghệ sĩ Gia Lai.
Nhưng một điều nữa, mà theo chúng tôi, nó khiến cho hoạt động của hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai vừa tiếp nối, liền mạch, lại vừa như một chỉnh thể không bị đứt gãy như đã từng xảy ra ở nơi này nơi khác, ấy là việc chúng ta có một đội ngũ trẻ kế cận, đầy tài năng và nhiệt huyết, đầy triển vọng và đủ để chúng ta tin tưởng.
Trên cả nước ta, không nhiều hội Văn học Nghệ thuật cấp tỉnh có được điều ấy. Nó là sự nỗ lực tự thân của từng người, và lại cũng có sự dìu dắt vô tư hết mình của những người đi trước, nó là kết quả của không khí văn chương nghệ thuật và cũng là kết tụ của thái độ làm việc nghiêm túc, là sự truyền và nhân lên ngọn lửa ấm áp của tình đồng nghiệp, của sự đắm say nghề của từng cá nhân trong một tập thể được coi là mái nhà chung của văn nghệ sĩ Gia Lai...
Nhưng cũng phải thật lòng với nhau rằng vẫn còn sự thật chua xót này, ấy là không phải ai, lúc nào cũng đánh giá đúng mức vai trò của Văn học Nghệ thuật, đặc biệt trong lúc xã hội có nhiều biến động như hiện nay, con người đổ xô làm giàu, kiếm tiền bằng mọi giá, nhiều giá trị bị đảo lộn, đặc biệt các giá trị văn hóa, tính nhân bản của con người bị thách thức, khoảng cách giàu nghèo như một hố ngăn cách sự đồng thuận xã hội cũng như tính hướng thiện của con người. Trong khi ấy thì công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, khiến con người vừa rất tự tin lại vừa vô cùng yếu ớt mỏng manh trước đời sống vốn chằng chịt các mối quan hệ. Văn học Nghệ thuật đứng ở đâu giữa khối bùng nhùng ấy? Không khỏi có những lúc chúng ta thấy cô đơn khi mà lao động của mình không được coi trọng, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, tranh tượng ảnh triển lãm xong mang về cất, không bán được và cũng rất ít người xem. Nhạc không có nơi dựng, các tác phẩm văn học in ra chủ yếu để… biếu…, sự thờ ơ với nghệ thuật khiến người làm nghề nản chí, hoang mang…
Nhưng may mắn là những cơn ngã lòng có thật ấy cũng chỉ thoáng qua, anh chị em chúng ta lại miệt mài lao động mà bằng chứng là ngay trước đại hội này một triển lãm Mỹ thuật Nhiếp ảnh được mở với chất lượng được đánh giá là rất khá so với từ xưa tới nay, số lượng cũng nhiều đến mức ban tổ chức đã phải phân vân rất nhiều để loại bớt vì khuôn khổ nhà trưng bày có hạn. Cũng như thế các tác phẩm văn học mà chúng ta đang có trong số tạp chí đặc biệt này cũng thể hiện là các tác giả của chúng ta đầy tài hoa và sung sức. Lao động sáng tạo là quá trình âm thầm lao khổ cần cù và miệt mài chứ không phải ngay tức thì mà có, nên cái sự chúng ta cùng lúc có nhiều tác phẩm giá trị thế trước đại hội này là minh chứng cho sự lao động kiên nhẫn vất vả nhưng đầy tự trọng nghề nghiệp của chúng ta với nghề nghiệp, với cuộc đời…
Sự vô cảm ngoài xã hội đang thách thức những trái tim nghệ sĩ, trái tim luôn rung lên cùng với nhịp đập của nhân dân, những trái tim sẻ chia và thông cảm, những trái tim nâng niu từng mầm mống của cái thiện, cái đẹp, những trái tim, ít nhất, biết hát khi cần hát, biết khóc khi cần khóc, biết căm phẫn khi cần căm phẫn, những trái tim hiển hiện của sự trung thực và hết mình vì lẽ phải, vì thương yêu, vì con người…
Và, để kết thúc bài viết này, cho tôi được điểm một vài cái tên, rất trẻ, tôi luôn tin ở người trẻ, những người mới được kết nạp hội, lần đầu tiên dự đại hội, còn đầy đắm say và hừng hực lửa, tưng bừng nhiệt huyết. Những cái tên bất chợt trong đầu, nhưng may thay nó lại khá dài: Lê Vi Thủy, Lê Thị Kim Sơn, miên di (văn học), Võ Đình Khoa, Trần Quang Hồng, Nguyễn Linh Vinh Quốc, Nguyễn Nho Giang, Bảo Vy, Trần Minh Hoàng (Nhiếp ảnh), Nguyễn Vinh, Nguyễn Văn Chung, Phạm Thế Bộ (Mỹ thuật), Phi Ưng (Âm nhạc)…
Bên cạnh những tên tuổi đã có, những cái tên vừa kể đang thổi một sức trẻ và tài năng vào đời sống Văn học Nghệ thuật Gia Lai, và như thế, những nhiệm kỳ sẽ qua nhưng tác phẩm thì ở lại, với công chúng, với đời sống…
Làm việc với chủ tịch UBND tỉnh trước đại hội để... đề xuất. |
Đi thực tế |
Triển lãm ảnh ở công viên |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét