Và mình cũng biết, ở các nước phát triển, kể cả các nước có nguyên thủ là nữ, họ không cần phải đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ, không phải ra những nghị quyết ưu tiên cho phụ nữ, cơ cấu phụ nữ, mà rõ ràng không ai bảo phụ nữ ở những nước ấy đau khổ hơn phụ nữ nước ta, mà bà Mắc Kên và phụ nữ Đức là một ví dụ.
Trở lại ý chính của entry này, ấy là mình thấy bài này trên trang phongdiep.net, nó được đăng từ năm 2012, mà hôm nay mình mới thấy. Post lên như một cách chia sẻ với 20/10, và cám ơn tác giả đã không hà tiện lời khen, hihi...
------------
NGUYỄN THANH TUẤN
BÔNG HỒNG TẶNG VỢ CỦA VĂN CÔNG HÙNG
Cuộc đời con người cũng như số phận của mỗi con tàu, dù có đủ bản lĩnh và dũng khí để đi đến bất cứ nơi đâu nhưng nó vẫn không thể tồn tại để tiếp tục những cuộc viễn du nếu thiếu một cái bến. Đối với con người bến là em, là một gia đình nhỏ, giản dị nhưng ăm ắp tình yêu. Đối với mỗi con tàu, bến là một bờ đất giản dị nhưng vững chắc để neo đậu mỗi khi đại dương nổi cơn sóng dữ. Nhà thơ Văn Công Hùng cũng vậy, cuộc đời đầy “giông gió bão bùng” và “đi hoài vẫn có tiểu nhân” của anh cũng chỉ có thể tồn tại được nhờ có bến bờ hạnh phúc từ phía em - phía gia đình. Bài thơ Vợ của anh được website VănVN. Net của Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất viết về phụ nữ đã thể hiện sâu sắc và độc đáo quan điểm này.
“Có những lúc trốn xô bồ ta về tựa vào em
như con tàu viễn dương thả neo bám vào đất mẹ
cuộc đời lặng thầm, cuộc đời gào thét
trở về bên em ta trở lại chính mình
Nhân gian tưởng rộng nhường kia mà té ra nhỏ hẹp
đi hoài vẫn có tiểu nhân
em nâng đỡ mỗi khi ta mệt mỏi
mỗi khi ta chuẩn bị ăn đòn
Có một mái nhà, có một tình yêu
ta thành kẻ giàu sang và phú quý
em như hòn đảo chìm chứa đầy châu báu
ta để dành dự trữ lúc nguy nan
Đã từng có lúc bị gục niềm tin
ta vịn tình yêu em đứng dậy
ta trốn chạy cô đơn bằng bao dung nhân hậu
mỗi khi cuộc đời buồn ta lại nhớ về em...
Mái nhà em chỉ giản dị thế thôi
mà giông gió bão bùng em che hết cả
cả anh nữa, dẫu hoang sơ đến vậy
khi trở về lặng lẽ gã chồng ngoan”...
Ngay từ lần đọc đầu tiên, đọc giả đã thực sự bị thuyết phục bởi ba chặng của cuộc hành trình nhận chân bản ngã và giá trị cuộc sống đầy tính phát hiện, thú vị. Chặng một: trở về bên em, tìm lại mình và chuẩn bị đối đầu với những khó khăn của cuộc sống. “Ta về tựa vào em”, “ta trở lại chính mình”, “em nâng đỡ mỗi khi ta mệt mỏi/ mỗi khi ta chuẩn bị ăn đòn”. Đây là chặng nhận diện về bản thân mình và cuộc sống bằng tấm gương phản chiếu đa chiều “em”. Thông qua em, ta nhận ra mình thực chất là ai, ta có những gì, khả năng gì… Khi tựa mình vào miền bình yên, an toàn, ấm áp từ phía em ta mới thực sự thấy rõ bản chất và sự nghiệt ngã của cuộc đời. Tựa vào phía em, ta như được tiếp thêm năng lượng, thêm niềm tin và dũng khí để có thể mạnh mẽ đối mặt với biển đời.
Chặng hai: từng bước khám phá kho báu vô tận ở phía em. “Em như hòn đảo chìm chứa đầy châu báu”, những báu vật vô cùng quý giá và không thể thiếu để người thơ có thể tồn tại và mạnh mẽ cất bước trên đường đời đầy nguy nan. Khi phát hiện ra, Văn Công Hùng như đứa trẻ hồn nhiên đầy vui sướng và hạnh phúc, mắt chàng sáng rực như lần đầu tiên nhìn thấy trời xanh, chim hót trong mây đưa và gió nhẹ. Thi sĩ hào hứng khoe khoang từng báu vật và luôn hãnh diện về nó: đây là “mái nhà”, đây là “tình yêu”, đây là “phú quý”, “niềm tin”, đây là “bao dung ”, “nhân hậu”…
Chặng ba: khám phá bản thể. Nhìn về phía em, ta thấy mình như nhỏ lại. Trời ơi! Giữa cuộc đời này, ta “mênh mông” trải nghiệm, “dẫu hoang sơ đến vậy” nhưng thực chất ta là ai, ta như thế nào… Câu trả lời chính xác nhất chỉ được tìm thấy ở nơi em. “Khi trở về lặng lẽ gã chồng ngoan”, bản thể của tác giả được thể hiện cô đọng nhưng đầy đủ chỉ trong một tính từ duy nhất “ngoan”. Đây là một cách diễn đạt ngắn gọn nhưng đầy đủ và chắc. Có lẽ nhiều người khi đọc đến đây sẽ thắc mắc, tại sao bản thể của một con người mà lại có thể thể hiện được bằng một tính từ? Tính từ “ngoan” được bổ nghĩa trực tiếp bằng danh từ “chồng” và gián tiếp bằng một tính từ khác “lặng lẽ”. Đây là một cách diễn đạt khéo léo và đầy dụng ý. Lượng thông tin về bản thể của “gã chồng ngoan” được cung cấp một các trình tự và đơn lẻ, nó tạo ra sự tăng dần đều và chậm về mặt cảm xúc, thông tin trong quá trình tiếp nhận nhưng gây được ấn tượng cũng như sự đột phá ở cuối câu, cuối bài mà cũng là điều cuối cùng tác giả muốn diễn đạt khi viết về vợ.
Bài thơ có tựa đề là Vợ nhưng khi khám phá ba chặng của cuộc hành trình trong thơ lại là cuộc hành trình từ cái “ta” ngoài xã hội đến cái “ta” khi có “vợ”. Tác giả đã khéo léo và đầy sáng tạo khi lấy chính “ta” để nói về “vợ”, cách làm này không mới. Nhiều nhà văn đã dùng nắng để tả mưa, Nguyễn Tuân đã dùng lửa để tả nước… Cái hay của bài thơ Vợ là đã dùng chính khả năng nhận diện bản chất con người mình và dùng chính nó làm phương tiện để thể hiện tình cảm của mình với vợ. Cụm từ “gã chồng ngoan” ở cuối bài chính là “con mắt thơ”. Văn Công Hùng đã dùng tiên thuật thơ ca để biến nó thành một cụm từ lưỡng tính và đa nghĩa. Nó vừa là danh từ, động từ và mang ý nghĩa cảm thán, vừa là riêng mình vừa là kết quả được sinh ra từ sự “bao dung”, “nhân hậu”…của vợ. Thiển nghĩ, đây là một trong những nét sáng tạo, độc đáo và đáng yêu của bài thơ.
Nếu từ từ đọc lại lần thứ hai, ta mới thấy rằng: con người tồn tại được nhờ thức ăn, nước uống và không khí. Con người mạnh mẽ nhờ những trải nghiệm bão tố của cuộc đời. Con người có niềm tin và lạc quan nhờ có tình yêu. Con người trở nên khôn khéo và bản lĩnh một phần nhờ có những kẻ “tiểu nhân”, nhưng con người chỉ thực sự sống được khi có một gia đình.
“Nhân gian tưởng rộng nhường kia mà té ra nhỏ hẹp
đi hoài vẫn có tiểu nhân”
“cuộc đời lặng thầm, cuộc đời gào thét
trở về bên em ta trở lại chính mình”
Lại thêm một lần nữa tác giả tạo ra được khoái cảm thẩm mỹ mới lạ cho người đọc bằng cách diễn đạt. Mới nghe qua, ta tưởng anh khẳng định rằng nhân gian này nhỏ hẹp nhưng không phải vậy. Nhân gian này quá mênh mông và nhiều bất trắc nên cuối cùng ta cũng phải “về tựa vào em”. Điều anh muốn nói là nhân gian có quá nhiều “tiểu nhân”, đi đâu ta cũng gặp, làm gì ta cũng thấy… Chúng tỏ ra thanh cao khi ăn vụng, chúng tỏ ra nhân văn khi hãm hại bạn bè, chúng cố tỏ ra thông minh, có tài khi tự nhận thấy mình ngu ngốc và vô dụng… Chính chúng làm cho ta có cảm giác rằng nhân gian kia nhỏ hẹp. Nhiều loại người khác nhau trong xã hội tạo nên bản chất của cuộc đời là “thầm lặng” và “gào thét”. Đây là hai biên độ của dao động cuộc đời và cũng là của mỗi con người.
“Có một mái nhà, có một tình yêu
ta thành kẻ giàu sang và phú quý
em như hòn đảo chìm chứa đầy châu báu
ta để dành dự trữ lúc nguy nan”
Người đàn ông “hoang sơ” sẽ trở nên xác xơ, tiêu điều khi vật lộn với những “dao động” khắc nghiệt của cuộc đời, cuối cùng họ sẽ gục ngã, sẽ chết nếu không “có một mái nhà, có một tình yêu”. Nó không chỉ giúp ta tiếp tục mạnh mẽ và vững vàng trong cuộc sống “mỗi khi ta mệt mỏi”, ta “bị ăn đòn”, ta “bị gục niềm tin”, ta “cô đơn”, ta buồn… mà nó còn giúp ta trở thành “kẻ giàu sang và phú quý”. Đó là tất cả những gì ta cần, ta phấn đấu tạo dựng và ta cất trữ từ hôm qua, cho hôm nay và mai sau. Dân gian thường nói “Giàu vì bạn sang vì vợ” nhưng vợ của Văn Công Hùng có thể cùng một lúc hoàn thành xuất sắc phần việc của cả hai người. Bằng thủ pháp so sánh quen thuộc “em như hòn đảo chìm chứa đầy châu báu”, tác giả thể hiện được vai trò quan trọng của vợ, của gia đình và hạnh phúc gia đình trong cuộc sống của mỗi con người. Nó đủ khả năng và sức mạnh để nâng ta đứng dậy mỗi khi ta quỵ ngã trên đường đời nên người đàn ông khôn ngoan là người đàn ông biết “để dành dự trữ lúc nguy nan”. Và trong thực tế của cuộc đời, nhiều lần người đàn ông “bị gục ngã niềm tin” và phải “vịn tình yêu em đứng dậy”.
“Mái nhà em chỉ giản dị thế thôi
mà giông gió bão bùng em che hết cả
cả anh nữa, dẫu hoang sơ đến vậy
khi trở về lặng lẽ gã chồng ngoan”...
Đoạn thơ cuối cùng làm ta liên tưởng đến một triết lý giản dị nhưng sâu sắc “đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm”. Nhà chỉ là nơi để con người trú ngụ là phương tiện để che nắng che mưa, nó vĩnh viễn không trở thành tổ ấm khi không có em, có tình yêu và hạnh phúc. Ngược lại, khi có em, có tình yêu và hạnh phúc của em dành cho anh thì “mái nhà em chỉ giản dị thế thôi” sẽ trở thành tổ ấm, thành thành trì vững chắc và an toàn nhất cho anh và cho cả sâu thẳm tâm hồn anh vì bao “giông gió bão bùng em che hết cả”. Có em, có gia đình anh sẽ vượt qua tất cả. Em nâng ta đứng dậy mỗi khi ta gục ngã, em lấy nhân hậu chặn đứng cô đơn cho ta trốn chạy an toàn… Khi trở về dưới tình yêu của em “cả anh nữa, dẫu hoang sơ đến vậy” cũng phải “trở về lặng lẽ gã chồng ngoan”. Tình yêu của em có pháp lực cải hóa con người và tâm hồn anh. Mặc dù bao sóng gió và những mưu toan mà anh phải trải qua trong cuộc đời đã làm anh “hoang tàn” đến mấy vẫn có thể quay về nguyên bản của thiên lương. “Gã chồng ngoan” của em là người vô cùng yêu thương, trân trọng em. Tình yêu anh dành cho em sẽ tỉ lệ thuận với thời gian và những trải nghiệm cuộc đời. “Gã chồng ngoan” là người có trách nhiệm, biết chăm lo cho hạnh phúc gia đình và luôn cố gắng gìn giữ, làm cho nó ngày càng vững chắc hơn.
Bài thơ được viết bằng thể tự do. Tự do ngắt nhịp, tự do bỏ vần, tạo nhịp, không dùng dấu chấm câu, không hạn định số chữ trong câu… Các câu thơ trượt dài theo dòng cảm xúc, hình thành kiểu cấu trúc bề ngang khiến chúng trở nên “phóng túng hình hài” tồn tại trong thế đối lập với những câu thơ cách luật. Điều này rất quan trọng vì nó thể hiện được phần nào phong cách của người viết. Nhưng quan trọng hơn cả là nó thể hiện được một cách rõ ràng tình cảm, sự yêu thương, trân trọng và lòng biết ơn của mình đến vợ bằng một cách diễn đạt ấn tượng, mới mẻ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét