CHUYỆN VUI VĂN CHƯƠNG- KỲ IV: BÁN VĂN



sách in xong chất đống trong nhà, vợ suốt ngày đi ra đi vào thở dài sườn sượt, tưởng nhà văn nhà thơ là thế nào, té ra suốt ngày chả làm gì, ngồi ghi ghi chép chép rồi lấy tiền vợ in sách, tất nhiên để lấy được tiền từ thắt lưng vợ cũng phải… luận chứng kinh tế rõ ràng cụ tỉ lắm, nào là giá thành chừng ấy, giá bán chừng ấy, lời được chừng ấy tiền và toàn bộ cái danh nữa, in xong quyển sách thì thiên hạ sẽ biết anh là ai, và em là người vợ vĩ đại của cái ông thiên hạ phải biết là ai đấy, oai chưa. Oai rồi thì… Ok. Thế là vợ đếm tiền đưa, không chỉ tiền in mà còn cả tiền… nhậu. Ngày lấy giấy phép, nhậu rửa giấy, ngày đưa in, nhậu rửa… máy, ngày ra sách, nhậu rửa sách, để ký bản đầu tiên tặng bạn bè. Và sau đấy thì lại còn tốn tiền gửi bưu điện cho bạn bè ở xa nữa, bởi nếu không gửi thì ai biết mình có sách?…
----------



          Nhớ thời xưa, hai ba nhà văn nhà thơ nổi tiếng in chung một quyển sách, in xong là ung dung uống rượu ngắm sách và chờ lĩnh nhuận bút, toàn bộ chuyện phát hành đã có nhà nước lo. Có thời một quyển tiểu thuyết “chữ to” được in đến ba bốn chục ngàn bản, rất nhiều người viết văn tên tuổi lạ hoắc xuất hiện, sống khỏe bằng nhuận bút. Thực chất những cuốn sách “đình đám” một thời này là do đầu nậu in và phát hành vào cái thời tranh tối tranh sáng, còn sách văn chương tử tế thì in chừng vài ba ngàn, và như thế cũng là quá oách rồi.

          Bây giờ, qua rồi cái thời nhà văn gửi sách đến nhà xuất bản rồi… đợi, nhà xuất bản in xong thì mời nhà văn đến nhận sách và nhuận bút. Thực ra thì cũng vẫn còn, nhưng là rất ít, chỉ dăm ba nhà văn được thế. Nhà xuất bản thấy sách này có thể bán được, thế là thương lượng với nhà văn, hoặc nhà xuất bản bao trọn gói, hoặc phối hợp với nhà văn, cùng in và cùng phát hành.

          Còn lại phần lớn là các nhà văn nhà thơ tự in. Ông nào hoành, có thế có lực có tài thì có đàn em in cho, đầu nậu in cho, hoặc mình tự bỏ tiền in nhưng sẽ có người mua cho trọn gói hoặc số lượng lớn, đủ dể trả tiền in, chi phí các loại, thậm chí có thể có lãi. Nhưng đại bộ phận là tự in xong rồi thì… biếu, được đồng nghiệp đánh giá biếu… rất chạy là rất mừng. Thế mà vẫn có ông biếu không chạy, sách in xong chất đống trong nhà, vợ suốt ngày đi ra đi vào thở dài sườn sượt, tưởng nhà văn nhà thơ là thế nào, té ra suốt ngày chả làm gì, ngồi ghi ghi chép chép rồi lấy tiền vợ in sách, tất nhiên để lấy được tiền từ thắt lưng vợ cũng phải… luận chứng kinh tế rõ ràng cụ tỉ lắm, nào là giá thành chừng ấy, giá bán chừng ấy, lời được chừng ấy tiền và toàn bộ cái danh nữa, in xong quyển sách thì thiên hạ sẽ biết anh là ai, và em là người vợ vĩ đại của cái ông thiên hạ phải biết là ai đấy, oai chưa. Oai rồi thì… Ok. Thế là vợ đếm tiền đưa, không chỉ tiền in mà còn cả tiền… nhậu. Ngày lấy giấy phép, nhậu rửa giấy, ngày đưa in, nhậu rửa… máy, ngày ra sách, nhậu rửa sách, để ký bản đầu tiên tặng bạn bè. Và sau đấy thì lại còn tốn tiền gửi bưu điện cho bạn bè ở xa nữa, bởi nếu không gửi thì ai biết mình có sách?…

          Cơ chế các nhà xuất bản giờ cũng thoáng. Cứ có bản thảo, không phạm điều cấm là được, kèm tiền quản lý chừng triệu triệu rưỡi một bản thảo thơ, nếu là văn xuôi thì nhiều hơn, vì nhiều chữ hơn, là đã có một giấy phép, sau đó thì thuê họa sĩ làm bìa, trình bày, rồi in. Muốn nhàn hơn, vì thực ra với người trong nghề thì việc in rất đơn giản, nhưng người không quen thì như thiên la địa võng, như chim chích lạc trong rừng, thì đã có các đầu nậu lo hộ. Trao tiền cho họ, đúng ngày đúng giờ sách gửi theo xe về tận nhà, chủ nhân chỉ việc lặng người sung sướng đứng ngắm. Run run mở thùng sách, run run lấy ra một quyển, run run lật từng trang, rồi đưa lên mũi hít hà mùi giấy mới, mực mới. Nhiều anh kính cẩn đặt lên trang thờ thắp hương cẩn cáo với tổ tiên. Tất nhiên in kiểu này đắt phải gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với việc tự làm các công đoạn và tự ký hợp đồng in. Nhưng như đã nói, không phải nhà văn nào cũng thạo việc xuất bản sách, từ lấy giấy phép, trình bày, vẽ bìa, ký hợp đồng in, sửa bản in, theo dõi in… vân vân các loại.

          Các nhà sách giờ rất nhiều nhưng họ không dại gì mua đứt sách của các nhà văn, mà chủ yếu là nhận ký gửi. Anh gửi bao nhiêu cũng được, họ bày lên quầy, một thời gian sau đến thanh toán, trừ số sách còn lại, họ nhân số sách đã bán với giá bìa xong trừ đi hai lăm, thậm chí là cao hơn, phần trăm, còn lại nhà văn mang về. Nhưng phần lớn số tiền này rất ít, ít đến mức, nếu mang về đưa vợ có khi lại bị cười cho lần nữa, thôi thì, lại rủ bạn vàng nào đó, đi làm tí, cho nó xong… nợ chữ.

          Một số quen với các thư viện. Sướng nhất là quen với hệ thống thư viện trung ương, họ nhận mua rồi chuyển cho hệ thống cấp dưới, thì bán được nhiều hơn, không thì đi bán lẻ cho từng thư viện. Nhưng cũng phải quen mới bán được. Đã bảo sách bây giờ ra như sung, không phân biệt chất lượng. Mà đi bán lẻ lại không có phiếu đỏ. Mà ngay các thư viện bây giờ, họ cũng mua từ một vài ông đầu nậu có đại lý, loại này họ chiết khấu cao hơn, có khi còn có tí ti lại quả cho người mua, nên ngay khi mình có quen biết, mang sách tới thư viện thì họ cũng nhận đấy, rồi bảo mình đến cái đại lý họ hay mua sách, mua phiếu đỏ ở đấy mang đến, thư viện lại chuyển khoản đến đại lý ấy, nhà văn lại đến chầu chực ở đại lý để lấy tiền. Cũng phải năm lần bảy lượt, bởi không phải lúc nào thư viện cũng chuyển ngay. Rồi còn qua ngân hàng. Rồi cái anh đại lý ấy có chịu kiểm tra không, một ngày hàng trăm giao dịch, chút tiền còm của nhà văn nó lọt thỏm vào đấy, vui thì anh ta nhớ ra, trả cho, buồn buồn thì… đợi đấy, tiền chưa về. Dăm bận là nản, có anh bỏ luôn. Về nguyên tắc, mỗi thư viện tỉnh họ mua cho… hai cuốn.  Nếu tốt nữa, họ mua thêm cho các thư viện trực thuộc mỗi thư viện một hai cuốn nữa. Bạn bè có tốt họ mua cho chừng trăm cuốn, còn lại là biếu và… lưu chiểu tại nhà. Đấy cái cơn cớ vợ cứ sườn sượt thở dài là vậy.
 
          Tổ chức ra mắt sách cũng là một cách phát hành nữa. Bao trọn một quán cà phê nào đó, mời bạn bè đến. Nhẹ thì ai đến sẽ được phục vụ một ly nước uống không cồn, nặng thì kêu thêm mấy chai vang… ra sách chủ yếu là ký tặng tại chỗ, thường thì sẽ có vài bạn có nhã ý, nhận sách tặng xong thì tặng lại tác giả món tiền lớn hơn trị giá cuốn sách. Một số nhà văn nhà thơ nổi tiếng tổ chức kiểu này thì hòa vốn hoặc dư chút ít sau khi trừ chi phí và thanh toán nhà hàng, còn phần lớn là cũng… lỗ. Bù lại được truyền thông biết tới, hôm sau có thể có một cái tin hộp diêm ở góc văn hóa văn nghệ khiêm tốn ở một tờ báo.

          Cũng nói cho rõ không thì dễ tổn thương nhau, ấy là một số cơ quan xí nghiệp công ty bây giờ thường dán thông báo trước cổng trụ sở, rằng là cơ quan không tiếp những người bán sách báo dạo. Theo hiểu biết của tôi thì những bảng thông báo “đau đớn” này không nhằm vào số các nhà văn có sách đi tự bán, mà là để tránh mặt rất nhiều người bây giờ đi bán sách thuê cho các nhà xuất bản, thường là sách chuyên đề. Họ có giấy giới thiệu, có thể là từ những cơ quan rất oai, đến và xộc thẳng vào phòng giám đốc, nói dẻo hơn mía lùi, cho giám đốc không có đường thoát, bởi nếu thoát thì thành người… không có tri thức, thành kẻ vô văn hóa, vì từ chối mua sách. Thế là bán được vài ba cuốn. Thường sách này là dầy, giá vài ba đến năm bảy trăm ngàn một cuốn. Dán thông báo không cho vào thì họ… gọi điện thoại. Không biết bằng cách nào mà họ có điện thoại từng chức danh trong cơ quan, thế là điện đến. Tôi chỉ là anh chủ tịch công đoàn quèn mà ngày cũng có mấy cuộc. Phần lớn tôi nhã nhặn trả lời: anh cũng là nhà văn nữa, sách của anh đang ế sưng ế sỉa lên kia, em có bán được, bán giúp luôn cho anh.

          Tóm lại, làm nhà văn thời này, không in sách cũng… chết, mà in thì cũng… chết. Nhưng nếu không in thì té ra anh là nhà gì chứ không phải nhà văn. Nhà văn thì phải có sách, mà in sách thì… lưu chiểu tại nhà. Cứ luẩn quẩn thế, cho đến lúc hết… luẩn quẩn…
                                                                
 
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét