ĐÔNG LA
NGUYỄN QUANG LẬP -
ĐÂM LAO PHẢI THEO LAO
Phạm Thị Hoài, hôm 9-12-2014, đã viết một bài về Nguyễn Quang Lập: “Năm ngoái, anh Lập đề nghị tôi đứng tên phụ trách Quê Choa. Đó là thời điểm Nghị định 72 chuẩn bị có hiệu lực”. Vậy đó là ngày 15-7-2013, cũng là khoảng thời gian Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào bị bắt.
Như vậy, giống việc tụ tập với những người cùng băng nhóm như Huy Đức, Huỳnh Ngọc Chênh, Đỗ Trung Quân, Phạm Xuân Nguyên để tính kế khi thấy Đào và Nhất bị bắt; giống như chuyện Lập bảo vợ khi bị bắt nếu 9 ngày không về thì 3 năm; “tiết lộ” của Phạm Thị Hoài như trên lại thêm một lần chứng tỏ Lập biết rất rõ việc mình làm là phạm pháp. Có điều lập mưu ngụy tạo danh tính pháp lý cho Phạm Thị Hòai chịu trận để mình có thể tiếp tục phạm pháp mà vô can, chứng tỏ Lập thật hèn và đểu khi muốn để cho một người đàn bà gánh tội, chặn đường về nước của Phạm Thị Hoài.
Với Phạm Thị Hoài tôi chưa một lần gặp và nói chuyện điện thoại nhưng lại không ít dính líu. Trong cuốn Biên độ của trí tưởng tượng tôi có viết một bài nhỏ phê phán văn của Phạm Thị Hoài nhất là ý viết về Bác Hồ. Rồi một lần tôi ngạc nhiên khi Phan Thị Vàng Anh (con Nhà thơ Chế Lan Viên) gọi điện thoại bảo Phạm Thị Hoài có ý gì đó mà đến nay tôi không nhớ. Sau đó cũng không thấy có gì xảy ra. Rồi một hôm khi tôi viết xong bài về tập truyện ngắn Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu không biết do duyên cớ nào tôi lại gởi cho Talawas của Phạm Thị Hoài. Tôi đã ngạc nhiên khi thấy bài được đăng. Rồi ngạc nhiên hơn nữa là quan điểm của tôi ngược với tinh thần của trang Talawas và cả với Phạm Thị Hoài, nhưng sau đó tôi gởi tiếp thì Talawas đăng tiếp, gởi nhiều đăng nhiều, chỉ khi tôi gởi nhiều quá, BBT gởi thư bảo là xin anh gởi từ từ vì báo còn phải đăng bài người khác. Hơn nữa tôi còn thấy thật thú vị với lối làm việc của Talawas, rất chân tình, rất chuyên nghiệp, bài được biên tập đều gởi trả lại cho tác giả, khi tác giả đồng ý mới đăng. Đặc biệt khi tôi viết bài Các Mác-một tình yêu bao la, một bài bảo vệ Chủ nghĩa Mác nhưng với tinh thần phản biện, gởi báo trong nước không báo nào đăng, nên tôi lại gởi cho Talawas. Talawas khuyên tôi cần cân nhắc vì đăng lên rất có thể tôi bị phản bác và bị “ném đá”. Với chuyện viết lách tôi vốn không sợ ai nên tôi bảo Talawas cứ đăng đi. Quả thực sau khi đăng lên có Lữ Phương phản bác, Nguyễn Huệ Chi viết truyền đơn qua email nói Đảng đã dùng tôi thay cho Mai Quốc Liên và Trần Mạnh Hảo, một người đã lỗi thời, một người đã trở cờ, phải viết kiểu như tôi mới tiếp tục lừa được thanh niên. Ngược lại đăng bài đó, Talawas cũng đã làm tôi “nổi tiếng thế giới”, có thời đánh chữ “Đông La” trên Google là hiện ra bài “Các Mác-một tình yêu bao la” và thú vị hơn là tôi cũng nhận được không ít lời khen, trong đó quý nhất là của GS Trần Chung Ngọc. Chính từ lời khen đó tôi đã biết đến ông, một người từng là sĩ quan chế độ cũ, một Gs vật lý nhưng lại có cái nhìn về lịch sử VN, về Việt Nam hiện tại thật trên cả tuyệt vời. Tuyệt vời ở chỗ ông có cái nhìn với tinh thần khoa học và với cái tâm phá chấp của một Phật tử.
Từ đó trong lòng tôi vẫn luôn có một một sự cảm mến, vì nể Phạm Thị Hoài, bởi Hoài là đàn bà mà có cách ứng xử rất quân tử, bản lĩnh hơn rất nhiều thằng đàn ông luôn to mồm rêu rao những cái cao cả mà vừa ngu, vừa tham, vừa hèn và vừa đểu. Đến tận hôm nay, xem trên mạng, tôi vừa mới biết thì ra Hoài cùng quê Hải Dương với tôi. Phạm Thị Hoài là một nhà văn tài năng, sắc sảo, có cá tính, nhưng tiếc là với chính trị tư tưởng, Hoài vẫn chưa đủ trình độ và sự từng trải để có cái nhìn thấu suốt và minh triết về Việt Nam. Nếu hiểu sâu sắc quy luật “lượng đổi chất đổi” và quy luật “thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là động lực của sự phát triển” ta sẽ thấy thật e ngại cho cái “lỗi hệ thống” của xã hội VN hiện tại và đồng thời cũng thấy quá nhố nhăng trong cái việc “đấu tranh vì dân chủ và tiến bộ” của những ông “chấy thức rận sĩ”. Cái mà xã hội VN cần là một giải pháp dựa trên cơ sở lý luận, dựa trên kinh nghiệm phát triển của toàn thế giới nhưng phải phù hợp với trình độ và thực tế của VN, để biến chất “trình độ” từ “thấp” lên “cao” về mọi mặt của xã hội VN, kể cả trình độ lãnh đạo. Chứ không phải cứ đơn giản thực hiện đa đảng là nước ta sẽ tiến vù vù thành Đức, thành Mỹ. Nếu vậy thì tôi giơ cả 4 chân tay đồng ý, vì tôi không đảng viên, không công chức, không được hưởng bất cứ chế độ gì của chế độ hiện tại cả.
Quay lại chuyện Nguyễn Quang Lập. Từ lâu tôi đã luôn băn khoăn Lập và “đồng bọn” vì cái gì mà dấn thân vào con đường sai phạm, nhìn trắng nói đen? Như Nguyên Ngọc từng cho đừng ca ngợi Bà mẹ VNAH quá sẽ làm đau lòng các bà mẹ lính VNCH; như Phạm Xuân Nguyên từng rất láo khi cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và tay sai của ta là “những người lính là những con người bị vất vào cuộc chiến, buộc phải bắn giết nhau”; Huy Đức cho miền Nam giải phóng miền Bắc, các tướng VNCH tự sát khi cùng đường là chết vì nghĩa lớn và Lập thì cho các đồng đội của mình bị cai tù đóng đinh vào đầu, đục răng, đục đầu gối chỉ là chuyện khai thác thông tin bình thường trong chiến tranh; v.v… Nếu là những người thuộc chế độ cũ mà cho như vậy ta còn thông cảm được vì họ “mất nước”, còn với những người trên thì bất cứ người bình thường nào cũng thấy họ như vậy là phản bội. Họ hoàn toàn không phải đấu tranh vì dân chủ vì cái dân chủ của họ là làm loạn. Họ luôn cố mị dân bằng cách đánh tráo khái niệm, không phải họ phản biện mà là phản bội, không phải có ý kiến khác mà là ý lộn ngược; không phải phê phán mà là chống đối. Thực tế có rất ít nhà văn phản biện chân chính. Phản biện là phê phán góp ý những cái sai trái yếu kém của xã hội. Như vậy tất đụng chạm đến những người có chức có quyền. Phê phán với mục đích xây dựng chế độ vững mạnh, xã hội phát triển cũng lại ngược với những người muốn lật đổ chế độ. Như vậy người phản biện chân chính sẽ phải đi giữa hai làn đạn và chắc chắn sẽ “chẳng được ăn gì”. Một lần ông Hà Văn Thùy nói với tôi trong buổi tiệc tất niên của HNV TPHCM: “Đông La viết vậy là đi giữa hai làn đạn đấy!” Tôi không sống bằng nghề viết lách, coi trọng lẽ phải hơn tiền, nên chỉ viết vì sự đúng sai, nên dư luận “đểu” thế nào tôi không quan tâm, tôi chỉ sợ viết sai, phạm pháp thì mệt thôi!
Cả “đám” Nguyễn Quang Lập đều không phải là những nhà phản biện như thế. Xuất phát từ lòng tham, sự đố kỵ, trâu ăn ít ghét trâu ăn nhiều, tất cả đều ở trong thể chế, kể cả là Đảng viên, nhưng họ vẫn quậy để bắt cá nhiều tay, và vì thế giới còn phân cực, luôn luôn còn lực lượng chống phá Việt Nam kể cả những người coi việc chống VN như một cái nghề kiếm tiền, họ đã nhanh nhậy đánh hơi thấy cơ hội, tìm cách liên minh, liên kết. Chính vì thế mới có chuyện quái đản là đến tận hôm nay lại có những kẻ tìm cách chiêu hồi phe thua cuộc, đầu hàng mồ ma chế độ VNCH. Có thể họ “được” nhiều nhưng theo tôi cái mất lớn nhất khi chiêu hồi là họ mất tự do. Không chỉ có thể bị công an tóm mà họ còn bị những ông chủ mới buộc phải làm những điều họ không muốn. Có kẻ chấp nhận xé, dẫm lên cờ đỏ sao vàng, nhưng vẫn không dám xé và dẫm lên ảnh Bác vì vẫn biết sợ những điều thiêng liêng, sợ quả báo! Nhiều lần trò truyện với bạn bè làm trong những lĩnh vực liên quan, tôi hỏi tại sao có chuyện nhìn trắng nói đen, hay tại họ dốt về lịch sử? Họ cho tôi biết không phải vì dốt đâu mà đơn giản là vì tiền thôi. Mà khi đã ăn tiền thì phải “lập công” vì thế mới có chuyện biết nước sôi mà vẫn phải nhúng tay vào, biết buôn thuốc phiện có thể mất mạng vẫn đâm đầu vào. Tức là đã đâm lao thì phải theo lao! Thế đấy!
Bản thân tôi đây cũng là một chứng nhân. Bởi chính tôi đây là một cán bộ nghiên cứu khoa học viết văn, quen thân được với cả Chế Lan Viên, nên tôi rất thích đổi mới cả văn chương lẫn xã hội, tôi rất ngán tình trạng trì trệ, “đi đều bước”. Nên tôi từng thân với cả Nguyễn Quốc Chánh, Hoàng Hưng, rất thân với Nguyễn Quang Thiều, từng ca ngợi Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng rồi thời gian dần phân ly, có thể tôi là người trọng lý hơn trọng tình, nên người thân, người quen mỗi người một ngả, có người ngược hẳn với tôi. Tôi thấy đa phần họ có năng khiếu, có thể rất tài năng nhưng có rất nhiều tri thức quan trọng họ không biết; có người rất ngông ngênh, coi mình là rốn vũ trụ nhưng về tri thức nền tảng thì rất dốt. Tôi từng viết nhiều bài phản biện nên có người nghĩ có thể tìm cách “lái” tôi sang hẳn phía chống đối. Tôi nhớ không lầm trước khi tôi biết bài về Các Mác, có lần một ông nhà thơ nói “Nguyễn Huệ Chi khen mày đấy”. Rồi ông Nguyễn Trung cũng nhờ nhà văn Bùi Bình Thi gọi điện làm quen với tôi. Tôi từng được mời “Anh viết cho Đàn chim Việt đi, có đô đấy”. Tôi viết nhưng lại đi phê phán Dương Thu Hương, Đàn chim Việt không thích nhưng cứ đăng lên với mục đích là để tôi bị ném đá, vì thế mà chỉ có một lần duy nhất ấy thôi. Nếu tôi tham và ngu thì hôm nay chắc cũng như Nguyễn Quang Lập rồi. Tôi từng được kích động “nếu ông cứ viết thế sẽ có ngày được giải Nobel”; “Có ông… Việt kiều về nước, một trong hai người ở VN ông ấy muốn gặp chính là Đông La”; tôi còn được mời ăn tiệc để gặp Lê Công Định, Nguyễn Giang (BBC), từng được khuyên đọc BBC tiếng Việt và được cho biết, những người làm cho BBC như thằng nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh, con ông Nhà văn Trần Hoài Dương mà tôi có quen, nhiều tiền lắm. Nhưng tôi, vốn không phải đi tu, dù rất thích nhiều tiền để chi tiêu thoải mái nhưng không chấp nhận làm tiền phi nghĩa. Tôi rất thích tiền nhưng tôi coi trọng sự đúng sai cao hơn tiền. Chính vậy tôi luôn là tôi và không như Nguyễn Quang lập hôm nay. Cũng vì thế mà có thằng bạn là GS, thân nhau từ hồi học đại học, nó bảo năm 1945 là đảo chính chứ không phải cách mạng, tôi đã từ nó luôn!
Vì vậy, để nói chính xác và ngắn gọn về những người như Nguyễn Quang Lập: Họ chính là những kẻ cơ hội và phản bội chứ hoàn toàn không phải phản biện phản biếc, đấu tranh dân chủ dân chiếc gì hết. Họ mong được nhận “chuyển tiền” chứ không phải “chuyên chở sự thật”?
Khi tôi đăng bài về Nguyễn Quang Lập bị bắt, có người viết email bảo tôi phê phán Lập về nhân cách là đúng nhưng bắt Lập là chưa đúng vì như vậy là Lập chưa phạm pháp. Một bạn trên fb comment: “Bác Đông La viết bài này quá hay, chỉ tiếc là chưa có đủ cơ sở dữ liệu pháp lý để chứng minh việc cơ quan chức năng bắt NQL là xác đáng, mặc dù bản chất lưu manh chữ nghĩa của những người như "bọ" Lập thì bác Đông La đã chỉ rõ từ lâu rồi, (đành phải chờ cơ quan điều tra người ta công bố sau vậy!)”. Tôi không phải cơ quan điều tra nên tôi không nắm hết chuyện về Lập và tôi không phải viết để chứng minh Lập phạm tội mà chỉ viết vài nét để cho người đọc hiểu đúng hơn về Nguyễn Quang Lập. Nhưng tôi cũng trả lời trên fb: “Không phải cứ giết người cướp của mới là cơ sở pháp lý. Bênh vực Huy Đức lộn ngược lịch sử cũng tội nặng; lợi dụng tự do ngôn luận xúc phạm lịch sử cả một dân tộc là tội nặng; diễu cợt những giá trị mà xã hội trân trọng cũng tội nặng; xúc phạm, nhạo báng lãnh đạo và bịa đặt, xuyên tạc, thổi phồng những sai trái của xã hội nhằm gây bất ổn chính trị tư tưởng cũng là tội nặng”.
Nghe nói Nguyễn Quang Lập học kinh nghiệm đàn em Lê Công Định đã nhận lỗi. Nếu chỉ vậy mà được tha thì dễ dàng quá. Ta thấy cả Định và Lập đều thông minh nên biết mình sai, nhận tội là hơn. Tôi đang theo dõi bộ phim Đài Loan thấy có câu thâm thúy mà buồn cười “mất mặt không chết, riết rồi cũng quen”. Những người như Lập và Định cũng giống vậy nên không dễ hối lỗi, dễ dàng quy hàng chỉ là thủ thuật chịu nhục để giảm tội mà thôi. Lê Công Định mới được tha đã vội ngựa quen đường cũ, như mới viết ca ngợi Ngô Đình Diệm. Hay Định buộc phải viết như vậy vì còn phải trả “nợ”?
Theo tôi, việc giam cầm thân thể một người tật nguyền như Lập là không cần thiết, nhưng ngăn chặn triệt để sự phát tán ý thức sai trái của Lập thì còn hơn cả cần thiết. Theo tôi cứ đánh vào mục đích tối thượng của việc sai phạm của Lập là phạt tiền, chắc chắn sẽ khiến Lập đau nhất, sợ nhất và sẽ hiệu quả nhất!
11-12-2014
ĐÔNG LA
0 nhận xét:
Đăng nhận xét