THÁI NGUYÊN, NHỚ LẠI...



Tôi chạy xe máy phía sau, Quỳnh ngồi xe anh nghệ sĩ nhiếp ảnh, tôi cứ căn bắp chân rất trắng của chị mà tiến theo. Thì trời như thế, chị phải xắn quần lên suốt cả đoạn đường nửa trăm cây số, đi dép cài quai. Vừa thận trọng căn bánh xe đúng vệt đường mòn tôi vừa nghĩ, với khuôn mặt và dáng người đã thấy, giờ thêm bắp chân vừa trắng vừa thon vừa mịn vừa tăm tắp thế kia, thì trà đã Thái mà gái cũng sẽ Thái luôn, chắc chả ai cãi được nếu cũng từng chạy xe như tôi hôm ấy…

-------------


          Nghe Việt Bắc thì rất là mù mây, rất là thăm thẳm, té ra chạy xe máy từ Hà Nội lên đến trung tâm thành phố chưa đầy một buổi. Mà ấy là chạy thanh thản, vừa chạy vừa ngắm cảnh, vừa nhẩn nha cà phê chụp ảnh. Hồi tôi đi chưa có đường cao tốc như bây giờ, nhưng cũng đã rất là véo von khi cầm lái, không đến nỗi phải bặm môi mặm lợi ghì ghi đông còn mặt mày thì căng thẳng như chuẩn bị… cãi nhau với vợ…

          Thực ra thì cái sự phóng lên Thái Nguyên của tôi nó cực kỳ ngẫu hứng. Trước đấy là định chạy về Ninh Bình quê ngoại kia. Cũng đã mấy chục năm từ ngày chuyển vào Nam sống, mỗi khi có dịp ra lại miền Bắc tôi đều tranh thủ về một tỉnh đồng bằng Bắc bộ để nhấm nháp lại cái hương cái vị miền Bắc mà bất cứ ai đã có tuổi thơ ở đấy đều mang theo khi tha hương. Việt Bắc, Tây Bắc trong tôi là một ngưỡng vọng nhưng từ xa, bởi luôn nghĩ nó ngái lắm, mù mịt lắm, khó khăn vất vả lắm để lên, để đến. Vậy nên khi một người bạn rủ có đi Thái Nguyên không, xe máy, thì tôi cứ ngẩn ra và rồi hăm hở nhận lời với điều kiện để tôi cầm lái.

          Hồi chiến tranh phá hoại, ở Miền Bắc có mấy thành phố công nghiệp nổi tiếng là Hải Phòng với cảng và hoa phượng, Việt Trì với phân bón và bài hát của Hoàng Hà bị cải biên thành: “Bố mi chết trên cầu Việt Trì/ Đêm ba mươi đánh điện về nhà/ Ò í e con bò kéo xe…”, và Thái Nguyên với Gang thép. Đây là ba thành phố cùng với các tỉnh miền trung Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… trở thành những địa diểm hủy diệt của máy bay Mỹ. Tôi bé tí, nghe ông chú ở Hà Nội về kể, bộ đội ta cùng với bộ đội tình nguyện của “bạn” cùng bảo vệ Thái Nguyên. “Bạn” thì cứ dù trắng căng phấp phới, khi máy bay bổ nhào ném bom thì chui xuống hầm, khi nó ném xong ngóc lên thì mới nhào lên nổ súng vuốt đuôi. Sau phải bố trí bộ đội ta và “bạn” xen kẽ, cứ bạn chui hầm thì ta bắn, nhờ thế mà bảo vệ được khu gang thép Thái Nguyên. Thì bé tẹo, nghe kể thế. Hồi ấy tôi nhớ, mỗi lần có người từ thủ đô về là giống như bây giờ được triệu tập đi nghe báo cáo viên nói chuyện, chỉ khác là hồi ấy toàn tự phát nói, tự giác nghe và đúng sai thì chả ai xác nhận, nói xong thì đi, rồi những câu chuyện tự phát ấy tiếp tục được người nghe nhân bản.

          Cũng phải khoảng năm 74- 75 chi đó, khi chuẩn bị theo gia đình vào Nam thì tôi mới lần đầu tiên nghe câu “trà Thái gái Tuyên” từ miệng một ông cậu. Trà Thái thì chả ai ở miền Bắc không biết, bởi hầu như nhà ai ngoài Bắc cũng uống trà, chỉ một số vùng uống chè xanh, còn lại là trà. Bét nhất là chè (thực ra người Bắc hay gọi chè chứ ít phân biệt trà và chè) chín hào ba, tức chín hào ba gói, loại gói vuông vuông nhãn in lưới nhòe nhoẹt bán phân phối tiêu chuẩn cho cán bộ, đến trà móc câu, sợi trà bé tí, cỡ cây tăm, trắng như sương, người không biết tưởng là trà mốc, và cong như móc câu, khi thả vào ấm sành kêu loong coong như phoi sắt rơi vào mâm đồng. Đấy là trà Thái Nguyên. Cũng phải cách đây dăm năm thì tôi mới có dịp ngược dòng Lô lên xứ Tuyên để chỉ xác nhận thêm một lần rằng, cái câu “Trà Thái gái Tuyên” là hoàn toàn không… vu khống, rằng tại sao cái câu thơ tưởng như vô cùng đơn giản “Tuyên có gì đâu cớ sao ta nhớ” lại day dứt đắm đuối đến như thế, cả với những người chưa bao giờ biết Tuyên. Nhà báo nhà thơ Nguyễn Hồng Hải người thành Tuyên, làm ở VTV đã rất chịu khó dẫn tôi thăm tất cả những nơi liên quan đến “miền gái đẹp”- chữ của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ngoài chuyện những nơi có gái đẹp thường là những cố đô, các ông hoàng bà chúa, những quân vương khanh tướng… đi đến đâu là gái đẹp được mang theo, rồi từ đó nhân giống sinh sôi nảy nở, thì cũng còn những lý do khu biệt khác nữa, ví dụ như nước, như đất, như sản vật vùng ấy nó đặc biệt thế nào đấy, cái linh khí ở đấy hun đúc để những người con gái trắng da dài tóc, mắt mũi miệng mặt thanh tú, cơ thể như người mẫu, chân cẳng tăm tắp như cọc Bạch Đằng, mà đồng loạt như thế, chứ lỏi nhỏi vài người thì chả ai nói đến làm gì, nó là sự thường rồi.
 
Với gái đẹp Thái Nguyên, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, TBT báo Văn Nghệ Thái Nguyên
          Nhân chuyện trà, lại nhớ lần bị nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh giận. Ấy là có cuộc họp ở Đà Nẵng, chị cùng thư ký tòa soạn báo Văn Nghệ Thái Nguyên lóp nhóp xách vào mấy cân trà Thái Nguyên thứ thiệt tặng bạn bè. Gặp tôi Quỳnh vừa có ý định tặng thì tôi nói luôn: nhà tớ còn rất nhiều trà Thái nhé, trong Nam mọi người uống cà phê chứ ít uống trà, nếu uống trà cũng là trà thường, nhạt thôi, kèm cà phê chứ không phải pha đặc sánh như mật cô ngoài Bắc, nên cho tớ trà cũng như cho thầy tu lược, như đàn gảy tai trâu. Quỳnh không nói gì sau một thoáng ngập ngừng, và mãi sau trong một cuộc liên hệ với nhau qua mail, chị mới nhắc lại chuyện phải xách một cân trà ngon về lại Thái Nguyên khiến chị quê quê là. Là tôi có tật cứ bỗ bã nói thế, chứ thực ra đã từng uống trà thì không thể không uống được trà Thái Nguyên, không thể không biết giá trị của nó. Cái thứ trà gì mà mới uống thì nghe chát, nhưng  chép mấy cái thì vị ngọt nó lại hiện lên, hương thì cứ lừng vang nơi vòm họng. Tôi cũng ở xứ trà, đã từng tưởng là chè Bàu Cạn Gia Lai có thể ngang ngửa trà Thái, nhưng té ra không phải thế. Cả trà B’lao Lâm Đồng cũng vậy. Nếu sành uống trà thì biết, chúng hoàn toàn không có tư cách gì để đứng cạnh. Tất nhiên là tôi biết, nên không nhắc đến gu ở đây, có những người chỉ chuyên trà B’lao, cũng có người chuyên Bàu Cạn. Đấy thuộc loại là.. bản sắc rồi, không can thiệp được.

          Bây giờ Thái Nguyên đã tổ chức “Lễ hội trà” đến lần thứ mấy rồi. Lại nhớ lần đi cùng hội nghị nhà văn trẻ qua Thái Nguyên dừng lại một đêm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tiếp, có một hành xử văn hóa mà các nhà văn nhớ mãi, ấy là nghe nói trong đoàn nhà văn trẻ có nhà thơ Hoa Níp chuẩn bị cưới vợ, đi xong chuyến này về là cưới, các đồng chí lãnh đạo đã tặng Hoa Níp mấy cân trà Thái Nguyên. Cả hội trường vỗ tay rầm rầm. Bây giờ hầu như ở bất cứ tỉnh thành nào cũng có các cửa hàng trà Thái Nguyên xịn, thì cứ treo bảng thế chả biết có xịn không. Nói thế bởi ngay mấy nhà văn đàn anh của tôi ở Hà Nội thi thoảng gửi cho cân trà đều kèm lời nhắn: của bà chị trên Thái Nguyên sao tay gửi về rồi tớ gửi cho cậu, hoặc tớ về quê rồi tự tay chế biến đấy... chứ các bác ấy cương quyết không trà Thái hàng Điếu hàng Đường  đóng giấy điều rất sang trọng…

          Nhớ lại lần xe máy Hà Nội –Thái Nguyên ấy, sau một đêm ngủ tại thành phố Thái Nguyên, uống cà phê đêm ở đấy để nghe cái dư vị cà phê giữa đất trà, thì hôm sau chúng tôi vào hang Ngườm thuộc di chỉ khảo cổ học Thần Sa ở bản Trung Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai. Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh cảm thương gã trai lơ ngơ là tôi bèn huy động thêm một nghệ sĩ nhiếp ảnh, bỏ bê công việc đưa tôi đi. Mấy năm rồi mà tôi vẫn nhớ ấn tượng chuyến đi ấy. Trời đen kịt vì giông, đường độc đạo hun hút ngoằn nghoèo, những vách núi dựng đứng, cứ như chắn trước mặt, nhưng khi đến nơi, con đường lại lượn một cú rất ngoạn mục để trước mặt lại sừng sững một ngọn núi khác, nhọn hoắt, rồi lại những cú lượn như thế. Tôi ở Tây Nguyên, quen với núi già, tròn đầu, thoai thoải có vẻ hiền lành, còn núi phía Bắc là núi trẻ, nên cứ nhọn hoăn hoắt, dựng đứng trên nền trời đầy giông tích điện, thi thoảng lại rạch một vệt sét loằng ngoằng khiến xe nẩy lên vì người lái giật mình, cảnh tượng rất hùng vĩ và cũng tạo cảm giác chờn chợn cho người lần đầu đến. Tôi chạy xe máy phía sau, Quỳnh ngồi xe anh nghệ sĩ nhiếp ảnh, tôi cứ căn bắp chân rất trắng của chị mà tiến theo. Thì trời như thế, chị phải xắn quần lên suốt cả đoạn đường nửa trăm cây số, đi dép cài quai. Vừa thận trọng căn bánh xe đúng vệt đường mòn tôi vừa nghĩ, với khuôn mặt và dáng người đã thấy, giờ thêm bắp chân vừa trắng vừa thon vừa mịn vừa tăm tắp thế kia, thì trà đã Thái mà gái cũng sẽ Thái luôn, chắc chả ai cãi được nếu cũng từng chạy xe như tôi hôm ấy…
 
Thác mưa rơi
          Tên đúng của nó là mái đá Ngườm, là một mái đá khổng lồ cao 30m, rộng 60m, có niên đại đến 3 vạn năm. Tức là từ 3 vạn năm trước, ở đây đã có sự xuất hiện của con người. Tôi đã rón rén trong sự thành kính hết mực khi tìm đường leo vào hang, khác hẳn tâm trạng sảng khoái lúc đứng ở cái thác gì đó tôi quên mất tên, nó như một cái lưới nước phun cầu vồng rất đẹp, người có thể luồn xuống dưới cái cầu vồng nước ấy chụp ảnh chạy nhảy thoải mái. Thành kính là đúng thôi, ba vạn năm trước, những tiền nhân đã ở nơi này, sinh con đẻ cái, để lại cho chúng ta những thành quả văn hóa vĩ đại như ngày nay. Khi về tôi hoàn tất một trường ca, có chương về mái đá Ngườm: Rừng hoang lắm/ con người soi mình vào lá/ gặp gương mặt mình/ gặp tháng gặp năm/ gặp mẩu nhau khô chôn bên bờ suối/ như sự ký thác niềm tin cuộc sống/ đánh dấu mình trên mặt đất bao la/ thăm thẳm/ vô biên/ điệp trùng sương núi/ hun hút lối mòn u tịch vô minh/ những bàn chân toẽ ngón/ bấm vào những ngàn năm/ bấm vào từng khoảnh khắc/ những cơn mưa che xám mặt trời/ những mái đá căn nhà triệu tuổi/ những nhỏ nhoi/ những trường cửu/ những mong manh/ những bời bời/ trong hỗn độn thời gian chớp giật/ độc đạo vô minh/ hoăn hoắt nhọn đỉnh sương/ ngưng đọng trong ta cái nhìn mê lạc/ hang đá nào tiên tổ đã yêu nhau/ cơn chấn địa xé trời giông bão/ cơn dịu êm xanh mướt đêm rừng/ đêm hoài thai/ đêm sinh nở/ đêm thì thầm đêm của con người.../ Vĩnh cửu tôi nhớ cái hang đá Ngườm ngày nào mưa rừng ngây ngô để cha mẹ ông bà cụ kỵ tổ tiên hoà mưa vào nước mắt hoà nước mắt vào rung giật để em ra đời trong một ngày mây trắng nhất.

          Rồi tôi cũng có dịp trở lại Thái Nguyên lần thứ 2, cũng rất là thoáng qua. Lần ấy tôi được đến An toàn khu (ATK) thăm lán Tỉn Keo, thấy tận mắt những       gì mình mới thấy trên phim ảnh và trên chữ. Thú nhất là đứng ở nơi có cây đa rất lớn mà bạn kể rằng nơi này cụ Hồ từng đánh bóng chuyền, có trong phim và ảnh. Rồi cũng ngâm chân xuống đoạn suối mà ông cụ cũng từng tắm. Những hiện vật bình thường nhưng khi gắn với sự kiện, nó như có linh hồn, sóng sánh lên khi mình chịu khó tịnh tâm hồi tưởng. Và rồi cứ thế lịch sử như cuốn phim tư liệu hiện lên khiến những bước chân có vẻ như nhẹ hơn, dáng người trầm tư hơn, những lao xao bớt đi, nhường cho chiêm nghiệm, cho trầm tư, cho những chiêm cảm tưởng như bất chợt nhưng té ra nó như những tầng nham thạch tích ủ từ đời nảo đời nào, chỉ một đốm lửa nhỏ là bùng lên…

          Nhưng quái lạ, cái mà tôi nhớ mãi ở chuyến đi sau ấy lại là một bữa cơm trưa giữa đường từ Thái Nguyên sang Tuyên Quang. Ngoài các món đặc sản mà chủ nhà hiếu khách mang ra đãi, tôi vô cùng thích món cây chuối rừng làm nộm. Nó ngon một cách êm ái ngọt ngào bởi tôi ăn vừa bằng giác quan hiện tại vừa bằng ký ức. Ký ức ấy không chỉ của quá khứ trải nghiệm, mà từ sự tích tụ văn hóa tôi học được từ chữ của các đồng nghiệp đi trước đã khiến nó trở nên cao lương mỹ vị trong cái buổi trưa nóng nực với ăm ắp tình cảm đồng nghiệp…

          Vì thế mà cách đây gần tháng, nhân ra Hà Nội dự đại hội hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, tôi đã rủ mấy người bạn lên lại Thái Nguyên. Các bạn đã rất nhiệt tình hưởng ứng, gọi cả lên Thái Nguyên để xếp lịch, làm sao để trong thời gian ngắn nhất đi được nhiều nhất, gặp được nhiều bạn bè nhất. Nhưng rồi phút cuối đã không thực hiện được, lỗi là từ phía tôi. Thì cũng là tại tham lam, cái gì cũng muốn. Có một cuộc hẹn mà tôi cho là quan trọng hơn đã khiến tôi hủy cuộc ấy, xin lỗi bạn bè.

          Để rồi bây giờ ngồi tiếc, té ra, mình chưa biết gì về Thái Nguyên. Những dòng trên kia chỉ là một cách nhớ lại lớt phớt của một gã giang hồ vặt không đầu không đũa nhưng đang ước Thái Nguyên một lần nữa…
                                                                    

         
 

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét