ĐĂK PƠ MỘT CHIỀU



Thôi thì chỗ nào cũng đất mẹ, các bác các anh đã hòa xương thịt vào đất Đăk Pơ, và nhân dân, đồng đội, đồng chí vẫn sẽ mãi không quên các bác các anh…
----------



          Là một huyện trẻ, rất trẻ, tách ra từ An Khê, hay nói cách khác, Đăk Pơ nhận phần nông thôn để An Khê trở thành thị xã. Chính vì thế mà có cảm giác Đăk Pơ rất chơi vơi. Có một lúc, chúng tôi nói với nhau về du lịch khi anh bạn Tổng biên tập một tờ báo kể về tiềm năng của Đăk Pơ. Nhưng du lịch không chỉ là tiềm năng tại chỗ, nó phải là một chuỗi tương hỗ nhau. Không có ai chạy huỳnh huỵch từ Pleiku xuống ngắm ngó một lúc rồi quay về. Phải có một sự phát triển liên hoàn, nhưng muốn thế không thể đơn thương độc mã mà được.

          Chúng tôi đã tha thẩn cả buổi trưa ở cái Đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh ở Đăk Pơ. Nếu chỉ chạy qua trên đường thì ít ai để ý đến nó, dẫu cho nó nằm ngay sát đường 19. Thế mà nó là chứng tích của một trận đánh oai hùng trong lịch sử. Chiến thắng này có một ý nghĩa quan trọng, chẳng những đối với địa bàn Tây Nguyên mà còn đối với cả nước, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp…

          Học lịch sử phổ thông, ai cũng biết cuộc chặn đánh binh đoàn cơ động 100, mà ta hay gọi GM 100 (Tiếng Pháp: Giê M Xăng). Đây là binh đoàn chủ lực, thuộc loại mạnh nhất của quân đội Pháp được điều từ chiến trường Triều Tiên sang để làm xương sống cho kế hoạch Át Lăng. Toàn bộ quân số của binh đoàn lên tới 3.900 người với trang thiết bị vũ khí hiện đại nhất so với thời đó gồm pháo, tăng, thiết giáp, xe đặc chủng… bên ta quân số gồm có trung đoàn 96 có sự tăng cường của 1 đại đội thuộc trung đoàn 120, tất cả tổng cộng chừng 600 người. Và cái cổ họng ngay suối Đăk Pơ được quân ta chọn là nơi quyết chiến. Kể nữa nó sẽ là tường thuật lịch sử, nhưng cũng cần nói tí về những con số, ấy là toàn bộ binh đoàn bị tiêu diệt và tan rã. Chết 500, bị thương 600 và bị bắt 800 trong đó có quan năm Ba Ru. Bên ta, 147 chiến sĩ hy sinh cho đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt…

          Hàng năm các cựu quân nhân trung đoàn 96 vẫn thường quay lại để thắp hương đồng đội, thăm lại chiến trường xưa. Trung đoàn này đã được nhà nước phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và cái nơi đặt nhà bia bây giờ cũng đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

          Trong một lần cùng nhà văn Nguyên Ngọc trở lại thăm làng S’tơ, tức Kông Hoa trong tiểu thuyết nổi tiếng “Đất nước đứng lên” của ông, tôi mới biết, té ra lần đầu tiên khi ông Nguyên Ngọc “lạc” vào làng S’tơ là khi ông, với tư cách trinh sát, đang đi “điều nghiên” cho trận đánh lịch sử nói trên. Thì cái nhà bia ấy, nó ở ngay ngã ba con đường vào làng S’tơ, dù về hành chính, S’tơ bây giờ thuộc huyện K’bang. Và quá trình mấy tháng ấy, vừa điều nghiên trận địa, ông Nguyên Ngọc kịp trở thành bạn của ông Núp, để sau này khi gặp lại ở đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền, ông đã viết một trong những tiểu thuyết chiến tranh hay nhất của nền văn học cách mạng: Đất nước đứng lên.

          Lần này trở lại, đài tưởng niệm và nhà bia đã xuống cấp nhiều, và nếu có không xuống cấp, nó cũng hoàn toàn không tương xứng với những gì mà nó đại diện. Về chiến thắng này,  Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá “Đây là một trận vận động phục kích lớn, dũng cảm và linh hoạt, tận dụng được yếu tố bất ngờ, sử dụng lực lượng có hiệu quả cao, đánh trúng vào chỗ yếu của địch, bồi thêm cho chúng một đòn thất bại nặng nề…”.

          Năm 2014 này sẽ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Đăk Pơ, chắc chắn sẽ có những hoạt động xứng tầm để kỷ niệm. Các cựu binh của trung đoàn 96 xưa, giờ người còn người mất, nhưng họ đều có tâm nguyện là muốn có một khu di tích hoành tráng. Nó không chỉ là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay, mà còn phần nào làm mát lòng 147 liệt sĩ vẫn còn nằm đâu đó trong lòng đất Đăk Pơ, làm mát lòng cả thân nhân của các liệt sĩ đang ngày đêm trông ngóng dù không còn nhiều hy vọng tìm thấy hài cốt. Thôi thì chỗ nào cũng đất mẹ, các bác các anh đã hòa xương thịt vào đất Đăk Pơ, và nhân dân, đồng đội, đồng chí vẫn sẽ mãi không quên các bác các anh…

          Và vì thế, mà tôi hy vọng, cũng như hy vọng của lãnh đạo huyện Đăk Pơ: Nơi đây sẽ có một đài tưởng niệm xứng tầm, một khu di tích xứng tầm. Vừa là tỏ lòng biết ơn của người hôm nay đối với chiến thắng lẫy lừng này, với các liệt sĩ đang lặng lẽ trong lòng đất, vừa là một điểm nhấn văn hóa- lịch sử của huyện Đăk Pơ vừa tách ra đang rất nghèo này…





                                                                                     


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét