CHUYỆN VUI VĂN CHƯƠNG HÔM NAY (KỲ 4)- HỌC VĂN



Nhưng cũng phải nhìn lại một chút: Bao nhiêu năm nay, thực chất, học sinh giỏi văn của chúng ta là như thế nào, các cháu có được sáng tạo khi làm bài không, hay cứ chép đúng ý thầy cô, tức là đúng đáp áp, là giỏi. Và cái chuyện hết sức bi hài đã xảy ra như nó nghiễm nhiên phải thế: thi văn mà có phao. Tức là sẽ có những bài văn giống nhau một trăm phần trăm…
---------------

Kỳ I

Kỳ II

Kỳ III

          Phải nói ngay và luôn, số học sinh thích học văn bây giờ hiếm như… phụ nữ ra đường mà không bịt mặt.

          Một thời chưa xa, chừng vài chục năm về trước, mỗi học sinh cấp 3 (thậm chí cả cấp 2) đi học đều có một cuốn “sổ tay văn học”, trong ấy ghi những câu thơ, văn hay, ghi những nhận xét của mình về cuốn sách mới đọc, ghi những lời cô giảng trên lớp mà mình tự thấy hay, và tất nhiên là các châm ngôn, “lời hay ý đẹp”. Giờ kiếm không ra của hiếm ấy. Tất nhiên mỗi thời mỗi khác, giờ gúc phát, ra tuồn tuột đủ thứ.

          Học văn bây giờ như cái… nợ, học cho xong, cho có. Tất nhiên vẫn có các cô giáo dạy văn dạy thêm học sinh rất đông, nhưng cũng phần lớn là do… bố mẹ bắt đi học, còn bản thân chúng, đã rất cố gắng vẫn không phân biệt được A Sử với A Phủ- lời một cô giáo dạy văn trường chuyên rất nổi tiếng kể với tôi trưa nay.

          Ở một tỉnh nọ, đề văn ra phân tích câu “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, thế mà có học sinh phân tích thành “nhất Nghệ Tĩnh nhất thành Vinh”, vì nơi ấy là… quê Bác Hồ.

          Phần lớn học sinh học văn (và khá đông sinh viên văn nữa) chỉ đọc và học đúng đoạn trích trong sách giáo khoa, chứ tìm được người đọc hết cả cuốn sách ấy lại cũng hiếm như tìm học sinh Phổ thông trung học bây giờ không dùng điện thoại…


        Có rất nhiều lý do để học sinh bây giờ không thích học văn.

          Đời sống khó khăn thì lo làm kinh tế kiếm tiền. Bây giờ không đến nỗi khó khăn lắm, nhưng thực dụng. Sự thực dụng lên ngôi thì người ta sẽ thấy văn chương là phù phiếm, người ta chỉ thấy cái trước mắt chứ không nhìn sự lâu dài. Sự thực dụng từ xã hội lan vào tâm lý học sinh. Một nguyên nhân quan trọng nữa là những gì mang ra dạy nó ngoài hoặc xa văn chương quá. Cũng trưa nay tôi ngồi với một số giáo viên văn của các trường chuyên nổi tiếng trên toàn quốc, chính họ cũng công nhận là dạy văn nhiều lúc như dạy đạo đức, xã hội, thậm chí là chính trị. Tôi đùa: phàm là tác phẩm của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi… dưới thời phong kiến thì trước hết cứ phải là… tố cáo, phong kiến thì thối nát, nhân dân thì lầm than, văn học cách mạng thì đương nhiên là ta thắng địch thua, và quan trọng là nó cứ viển vông ở đâu ấy, trong khi thực trạng xã hội bày ra trước mắt người học thì muôn hình vạn trạng. Dạy văn nhưng cứ phải bám vào lịch sử, bám vào các giai đoạn này kia chứ không soi từ bản thân nền văn học. Và vì xa văn chương nên nó không phải là văn chương. Và học sinh thì cứ tưởng đấy là văn chương. Văn chương mà không hay, không đẹp, thì chán là đương nhiên.

          Không phải tất cả các sinh viên khoa văn các trường đại học đều mê văn chương. Tôi biết khá đông trong ấy là do không thể thi khoa khác, thôi thì, cứ thử… Nên rất nhiều sinh viên văn khoa tốt nghiệp ra trường mà rất ngây ngô, kể cả được tuyển về các cơ quan văn nghệ thì cũng không phân biệt được ông Kim Lân khác ông Tô Hoài chỗ nào, ông Nguyễn Văn Bổng với ông Trần Hiếu Minh là mấy ông?

          Ngay cuộc thi rất hay và bổ ích trên VTV3 hiện nay “Đường lên đỉnh Olempia”, rất nhiều cháu học sinh rất giỏi, giỏi đến kinh ngạc, nhưng lại hay chết từ những câu hỏi văn chương rất thông thường…

          Văn chương nó không làm ra kinh tế nhưng nó làm ra tâm hồn của dân tộc có nền kinh tế ấy. Nó không thể giải quyết những mâu thuẫn trực tiếp của xã hội nhưng nó giúp con người trong xã hội ấy nhân ái hơn khi đứng ra giải quyết các mâu thuẫn. Nó có thể không trực tiếp làm ra hạt gạo nhưng nó làm cho người ăn hạt gạo ấy không thể dửng dưng. Nó làm cho xã hội chùng xuống, khoan hòa, yêu thương nhau hơn. Văn hóa một dân tộc được kết tinh chính trong nền văn chương của dân tộc ấy…

          Cứ nhìn học sinh chúng ta học văn bây giờ mà buồn.

          May mắn vài năm trở lại đây, với lối ra đề thi (nền giáo dục của chúng ta là nền giáo dục học chỉ để thi) mở, lược bớt lối xơ cứng sáo mòn mà chính ngành giáo dục tạo ra từ các bài văn mẫu, học sinh đã có sự hào hứng hơn khi viết bài thi, và đấy là một cách tiếp cận văn chương đáng mừng. Với cách ra đề thi như thế, học sinh được nói những gì mình nghĩ, mình biết, mình xúc cảm, chứ không phải “chép” lại ý kiến người khác, ý kiến thầy cô, mà nhất là ý kiến tác giả sách tham khảo.

          Nhưng như thế thì các giáo viên chấm văn cũng phải tự nâng mình lên rất nhiều.

          Cũng trưa nay, các thầy cô giáo chuyên văn ấy nói chuyện với nhau: Rất nhiều học sinh bị “chết oan” vì cô hiểu kiểu cô trò viết kiểu trò…

          Nhưng cũng phải nhìn lại một chút: Bao nhiêu năm nay, thực chất, học sinh giỏi văn của chúng ta là như thế nào, các cháu có được sáng tạo khi làm bài không, hay cứ chép đúng ý thầy cô, tức là đúng đáp áp, là giỏi. Và cái chuyện hết sức bi hài đã xảy ra như nó nghiễm nhiên phải thế: thi văn mà có phao. Tức là sẽ có những bài văn giống nhau một trăm phần trăm…
                                                                  
 
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét