MỘT LẦN VỚI NHẠC SĨ NGUYỄN VĂN TÍ




          Mấy hôm nay trên báo nhắc nhiều chuyện nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí bị bệnh, nằm ở Sài Gòn và cô đơn, có báo phản ánh ông nghèo, không có tiền chữa bệnh, làm hình ảnh một nhạc sĩ tài hoa có phần nào thiểu não trong mắt công chúng, những người yêu ông và nhạc của ông mấy chục năm nay.

          Tôi thì tôi đồ chừng ông không nghèo đến mức như một vài bài báo mô tả, nhưng tôi hình dung ông cô đơn, và khi cô đơn thì… kêu lên để mọi người chú ý, cho bớt cô đơn hơn chăng.
 
          Nhớ hồi nào đó, cũng hơn chục năm rồi, ông và nhạc sĩ Tô Vũ được một doanh nghiệp mời lên Gia Lai, khi về ông có viết một bài hát về Gia Lai. Thú thực là từ hồi ấy đến giờ tôi cũng để ý xem có ai hát bài này không nhưng… không thấy. Sau khi gửi bản nhạc cho tỉnh thì ông cũng có viết thư cho chủ tịch tỉnh, và ông chủ tịch tỉnh Gia Lai đã rất lịch sự, cử một nhạc sĩ của tỉnh bay xuống TP Hồ Chí Minh thăm ông, gửi ông cái phong bì, cũng là kha khá khi ấy.

          Chuyến 2 ông nhạc sĩ già lên Pleiku ấy, tôi có được gặp, và còn nói chuyện với các ông nguyên một buổi chiều. Giờ cái ấn tượng về các ông vẫn còn mồn một…

          Chiều ấy thấy hai ông già tập tễnh, một ông chống can, ông kia chưa cần can nhưng dáng cũng đã khòng khòng, thập thững trên phố Pleiku. Nắng sánh vàng như mật rót vào cái lạnh se se phố núi. Đây là thời khắc hiếm hoi khi mà mùa thu đưa một nhát cắt dịu ngọt cuối mùa vào giữa trời đất mênh mang cao nguyên khiến cho những hàng thông già trầm mặc như cũng trở biếc dù mùa xuân còn rất ngái nơi nghìn trùng. Mùa thu ở phố núi này được tính bằng khoảnh khắc, bằng những bất chợt chứ không miên man rõ rệt như xứ bắc. Một số anh em nhạc sĩ, nhà thơ, nhà báo nhận ra 2 ông, một ông là Nguyễn Văn Tí, và ông kia cao hơn, có ria mép rất hoành tráng nhưng mặt lại rất hiền, cả hai ông đều rất hiền, là giáo sư nhạc sĩ Tô Vũ. Ông Tí cười hề hề, một cái răng cửa không còn khiến cho khuôn mặt ông trẻ hơn và hài hước hơn: Tớ đi đâu là thường do tỉnh mời, đến đâu là tỉnh rước, nhưng lần này lên đây là đi... chui. Thôi các cậu đã phát hiện thì ta... ngồi với nhau một lát. Lại trụ sở hội văn nghệ nhá. Làm Văn Nghệ sĩ đến đâu mà không đến hội Văn Nghệ giống như người về quê mà chưa về nhà.

          Khi nói chuyện ông Tí hay xưng “Tí” với ông Tô Vũ, còn ông Tô Vũ thì rất hay giới thiệu các giai thoại của ông Tí. Chủ yếu là 2 ông tung hứng với nhau rất ăn ý.

          Nhạc sĩ Tô Vũ: Mình đã lên Gia Lai nhiều lần rồi, chủ yếu là đi theo cái món cồng chiêng. Đấy là một thứ nhạc cụ thô sơ nhưng không thể đùa được đâu nhé. Chả thế mà nó có từ rất xa xưa, ăn sâu bén rễ trong nhân dân, gắn chặt vào đời sống nhân dân, tồn tại và phát triển đến bây giờ. Mình có thể khẳng định, đánh cồng là chỉ có ở Tây nguyên thôi, không nơi nào qua được.

          Một nhạc sĩ trẻ hỏi ông là tại sao khi đánh chiêng người ta lại cứ hay cúi lom khom và đi vòng tròn về bên trái, ngược chiều kim đồng hồ. Ông giải thích ngay: Tại vì người ta đeo cồng chiêng bên vai trái và dùng tay phải gõ. Sở dĩ phải cúi là để cho cái chiêng nó cách ra, đừng chạm vào người. Còn sở dĩ phải đi theo chiều tay trái là bởi vì cái chiêng nó nặng bên vai trái nên phải đi theo cùng hướng ấy chứ chả có gì ghê gớm cả. (Cũng vấn đề này, giáo sư tiến sĩ Tô Ngọc Thanh, một nhạc sĩ cũng lừng danh về sự hiểu biết nhạc dân tộc, đặc biệt là cồng chiêng Tây nguyên lại cho rằng họ đi theo chiều mặt trời lên, chiều của sự sống. Nếu đi ngược lại thì là về cõi âm. Hai ông, ông nào cũng gớm cả mà tôi chưa có dịp hỏi đối chứng).

          Cũng chuyện phân biệt chiêng với cồng, ông Tô Vũ lưu ý là người Kinh thì gọi cái có núm là chiêng và cồng thì không có núm. Nhưng người Tây Nguyên thì cái cồng là cái có núm, loại to, 5 cái, còn chiêng thì bé hơn và không có núm. Thuở bé, tôi đi sơ tán về sống ở cạnh đền Bà Triệu, Thanh Hoá, và thuộc nằm lòng câu ca: Muốn coi lên núi mà coi/ coi bà Triệu Ẩu cưỡi voi đánh cồng. Và cả câu: Lệnh ông không bằng cồng bà. Như thế, với người Việt, cồng ít nhất đã có từ thời này. Tôi nêu luận điểm này, ông Tô Vũ đồng ý và nói thêm rằng, chiêng nó có cả ở Trung Quốc, người ta gọi nó là Ching. Người Trung Quốc không có cồng. Nhưng nghe chiêng thì tiết tấu ghê gớm nhất là của người Ê Đê. Khi đánh chiêng, người nọ nghe người kia mà đánh, thế mà hoàn chỉnh và chặt chẽ đến không bắt bẻ được...

          Ông Tí chỉ ngồi tủm tỉm cười. Bất chợt ông Tô Vũ "đá ngang": Tôi lên và hiểu Tây Nguyên như thế mà chả viết được bài hát nào, thế mà ông này chả biết Bến Tre là xứ nào lại viết được "tỉnh ca" "Dáng đứng Bến Tre". Ông Tí cười xác nhận. Ông là vua "tỉnh ca", mà nổi nhất là Hà Tĩnh, Bến Tre, Hà Bắc, Đà Nẵng... Một cô bé trường Trung học Văn hoá Nghệ thuật Gia Lai hát bài "mẹ yêu con", ông Tí nghe xong "bật mí": Bài hát này đã... 50 tuổi. Ông viết bài này khi vợ ông đang có mang và sinh người con thứ 2, trong một ngày nước lụt. Trên trời thì máy bay pháp liệng xẹt xẹt, vợ ông nằm trên một cái bè chuối giữa mênh mông nước trắng xoá. Bây giờ người con ấy đã 50 tuổi, đang dạy Piano ở nhạc viện. Thực ra, trong bài hát của ông có đến 2 bà mẹ. Một người mẹ cụ thể là vợ ông, đẻ ra con ông đang nằm trên chiếc bè chuối giữa trời lụt, dưới tầm máy bay Pháp kia. Người mẹ thứ 2 vĩ đại gấp ngàn lần là mẹ Tổ Quốc, người mẹ đã sinh ra Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du... cho nên trong bài hát có đoạn cao trào, mà có người nói với ông là ru như thế trẻ con nó... sợ, nó dậy mất. Ông cười hề hề: mục đích của tôi là cho nó dậy để nó nghe... Bây giờ người ta đi xem ca nhạc, nhạc trẻ ấy, không phải để nghe, mà là để xem,. xem nhảy, xem múa... Trong nói chuyện, cả ông Tô Vũ và ông Nguyễn Văn Tí đều đau đáu với âm nhạc dân tộc. Cái bài "Mẹ yêu con" nổi tiếng đến mức, rất nhiều người tưởng nó là dân ca, nên trong các cuộc thi hát ru, nhiều người mang ra hát thi. Và nói như ông Tô Vũ là các Ban tổ chức mất rất nhiều giải đặc biệt cho bài hát này (vì người hát hát hay quá, nhưng lại phạm quy vì không phải dân ca, đành trao giải đặc biệt để thí sinh khỏi thiệt thòi). Đến nỗi sau này trong thể lệ các cuộc thi hát ru BTC phải ghi rõ: Không được hát bài "Mẹ yêu con". Cũng xin lưu ý rằng, tiếng ru của từng dân tộc cũng khác nhau, chẳng hạn, người dân tộc ru con khi họ địu con nên tiếng ru nó gập ghềnh. Còn người Kinh ru theo nhịp võng nên nó bay bổng và vời vợi hơn... Ông Tô Vũ lại cung cấp rằng: Quả là "mẹ yêu con" có được vinh dự ấy, nó đã 50 tuổi mà vẫn còn được tiếp nhận như mới. Nhưng theo ông thì "Dư âm" "kinh" hơn. Nó được người Anh, người Mỹ gọi là dân ca Việt Nam. Thì đã bảo ngay từ đầu, hai ông già này tung hứng với nhau rất nhịp nhàng và vui nhộn. Ông Tí kể tiếp, ông có bài hát có câu rằng: "trước mặt kẻ thù chẳng một giây nao núng" thế mà có kẻ xuyên tạc rằng là thế sau lưng nó thì nao núng à? Cáu quá, ông sửa thành "Giáp mặt kẻ thù..." chao ơi là cái cách chẻ sợi tóc làm tư để quy chụp suy diễn khổ tâm một thời.

          Ông Nguyễn Văn Tí và ông Tô Vũ đã cùng chúng tôi một buổi chiều Pleiku luênh loang trong ký ức và cả trong hiện thực âm nhạc hôm nay. Để ý tôi thấy, hai ông rất dị ứng với nền nhạc trẻ bây giờ. Ông Tí: "Tình yêu như là cây cà rem", sao nó lại thực dụng thế. Âm nhạc gì lạ thế. Ca từ gì chợ búa thế. Tình yêu gì quái gở thế. Thế sau năm mười phút, cây cà rem tan hết là hết luôn à? Nhạc sĩ trẻ bây giờ rất lười, không chịu học gì cả. Viết lời thì ngô nghê dung tục. Nhạc thì ăn cắp, đến khi bị phát hiện mới nhận.

          Câu chuyện cuối cùng ông Tí kể: Bà lão nhà ông sang thăm con gái học Piano ở Đức. Ông... nhớ bà vì bà ở bển cũng khí lâu. Thế là phổ bài thơ "Ru người trăm năm" của Trần Mạnh Hảo gửi sang tặng riêng cho bà. Và bà lão hiểu ý nên đã về với ông ngay tắp lự. Bài "Ru người trăm năm" này là bài hát mới nhất của nhạc sĩ lão thành Nguyễn Văn Tí. Ông hẹn sẽ phổ biến ngay trong nay mai...

          Giờ thì nhạc sĩ Tô Vũ đã qua đời, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí thì rất yếu như đã nói. Chiều nay ngồi nghe lại “Mẹ yêu con” vụt nhớ lại lần gặp hai ông hồi nào, gõ những dòng này mà rưng rưng giữa sự lan tỏa dài lâu của tác phẩm và cái hữu hạn đời người…
                                                                  
Không có ảnh mình họa, chụp ngay cái bàn làm việc của mình sáng nay cho nó tươi bài...
 
                            



Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét