Khi viết đôi điều trộm nghĩ sau khi đọc bài Chìa khóa ngôn ngữ (4) của thày giáo Đỗ Đình Tuân, tôi đã định lấy nhan đề là: "Buồn cười". Nhưng lại nghĩ sẽ nói kỹ điều này trong phần nội dung. Vì vậy mà chọn “Trần tình” làm đề dẫn.
Thực ra, đến bây giờ tôi cũng vẫn không thể hết tự “Buồn cười” về chính mình trong cái ma lực học làm thơ Đường và tập Họa thơ Đường (chưa đủ tự tin để Xướng). Trước đây hơn mười năm, tôi đã có viết một số bài về chuyên ngành tham gia với báo tỉnh. Rồi sau đó thì nổi hứng viết truyện ngắn và thi thoảng có làm một vài bài thơ (thực ra đó mới là văn vần thôi). Hầu như cái sự viết truyện, làm thơ của tôi rất là tự nhiên và có thể nói là tùy tiện. Hễ cứ thích là tôi viết, chỉ là để làm mình vui, để giải thoát mình… ngay cả việc gửi đăng báo cũng nhờ có sự khích lệ của bạn bè, sau rồi mới thấy cũng có người chia sẻ được với mình về cái sự viết này…
Chỉ khi được gặp lại thày Đỗ Đình Tuân, thày giáo dạy văn hồi còn học cấp III của tôi, và được tham gia Blog Tri Ân Cuộc Đời thì tôi mới có một cách nhìn đầy đủ hơn về ý thức trong việc viết văn, làm thơ. Và phải thật thà mà thú nhận rằng, đến bây giờ tôi mới có ý thức học viết nghiêm túc hơn. Điều mà tôi nghi nhớ lời thày Đỗ Đình Tuân nói là: Phải suy nghĩ cho chín và phải chau chuốt thật kỹ những điều mình định viết… Tôi hiểu, đó chính là điều đơn giản (nhưng làm được không dễ) để đạt đến sự chu chỉnh, hoàn thiện cho bài viết của mình.
Lại nói về học làm thơ Đường. Đã có lần, tôi thú nhận với Thày Tuân: “Khi còn học thày, em chẳng để ý gì về thơ Đường…”. Thế là thày lại phải mất công dạy lại. Nguyên do cũng từ bài mời họa TÔI LÊN TUỔI BẠC của Thày. Thật lòng sau khi học rồi, tôi cũng có làm một số bài, nhưng đọc lại thấy cũng chỉ đạt trình độ “ghép vần” thôi. Và thường thì bài nào cũng có thày giúp chỉnh sửa. Khi viết bài VÔ ĐỀ và đăng lên Tri Ân được thày Thanh Dạ sửa giúp vài từ ở câu cuối. Rồi bài TIỄN THU cũng được thày Thanh Dạ sửa giúp (với học phí là 02 ràng bánh tráng)… Gần đây, Tri Ân xôn xao Xướng – Họa thơ Đường. Tự nhiên tôi cứ lao vào như thiêu thân. Và thật là lạ! Hình như tôi thấy mình càng làm càng bị vấp. Không phạm luật thì lại thất niêm hoặc ghép từ “rất tối tạo” làm cho người đọc phải kinh hoàng. Có người phải giật mình thốt lên khi đọc bài BẤT CHỢT (tôi họa bài THA THIẾT TÌNH Ai của Tạ Anh Ngôi) như sau: Ghép chi ghép lạ thế này/ "Tóc vân"từ ấy xưa nay không dùng … Sau khi đọc dòng nhận xét này tôi cứ ngẩn tò te mãi, đã thấy buồn cười mình quá rồi. Cho đến bài TUY KHÓ (họa bài SAO KHÔNG của thày Tuân) thì thật là … “không thể hiểu nổi” !? . Tôi cắm cúi làm được 4 câu đầu thì tắc tịt, định không làm nữa, thì lại đọc bài NƯỚC ĐẬM XIN CHỜ của thày Thanh Dạ, trong đó có câu: Khó khăn khắc phục - đừng mau nản, thế là tôi lại làm tiếp 4 câu sau. Làm một mạch, xong rồi thì rất phấn khích và đăng luôn lên Tri Ân. Trong trạng thái đó, tôi chỉ thấy mình vừa hoàn thành một việc “hơi to tát” là thoát được cái sự tắc tị làm mình định bỏ dở bài họa… tôi chẳng nghĩ gì đến việc rà lại luật gì cả… Đến hôm sau đọc lại bài thì "Ơ hờ ! ...". Phần nhận xét của thầy Thanh Dạ chỉ ra câu cuối của bài bị phạm luật. Tôi lại ngớ người ra… và cứ phải cười một mình về cái sự “lốp bốp” của mình. Tất nhiên là cũng thấy xấu hổ nữa. Nhưng đã đưa bài lên rồi mà lại xóa đi thì … Nên mới dẫn đến tình tiết như phần đầu của bài Chìa khóa ngôn ngữ (4) mà thày Tuân đã nêu.
Dù sao thì sự cố đã xảy ra. Qua đây tôi đã có thêm nhiều bài học kinh nghiệm cho mình, không chỉ với làm thơ Đường mà còn ở nhiều khía cạnh khác. Tôi cũng muốn qua bài viết này được chia sẻ với các thành viên trong Xóm một vài suy nghĩ:
Thứ nhất: tôi rất muốn Tri Ân luôn làm được một việc mà thày Tuân đã nêu: “…giao lưu chia sẻ trên Tri Ân chủ yếu vẫn là ở chỗ mỗi người hãy tự bộc lộ hết mình một cách chân thành, sâu sắc và ở một tầm độ cao nhất có thể có. Và khi thể hiện mình như thế bầu bạn quan tâm theo dõi và nhận xét…”. Thực ra, Tri Ân đã làm như thế trong thời gian qua, nhưng chưa đạt được sự thường xuyên liên tục, nhất là chưa được nhiều thành viên cùng chia sẻ. Có thể là do mọi người còn ngại ngần, có thể do bận bịu cuộc sống, cũng có thể là chưa hợp sở thích hoặc chưa thật đam mê…!?
Thứ hai: việc chơi Xướng – Họa thơ. Đây là một việc không dễ. Thực tế ở nhiều Câu Lạc Bộ thơ cũng đã bị vấp về vấn đề này. Đối với Tri Ân, việc Xướng – Họa trước đây cũng đã có, nhưng chỉ thoảng qua. Gần đây nhờ có sự nhiệt tình của thày Thanh Dạ nên có xôn xao hơn về Xướng – Họa thơ Đường. Còn xướng – Họa các thể thơ khác thì hầu như chưa có. Yêu cầu đặt ra là làm sao tạo ra sự hấp dẫn, lý thú trong Xướng - Họa thơ? Đây lại càng là vấn đề khó (nếu không sẽ khó tránh khỏi cái sự "buồn cười" như câu họa "Dày công tập luyện cánh tung xòe" trên Tri Ân vừa rồi). Thày Tuân đã viết rất rõ về cái khó của Xướng - Họa thơ trong bài viết Chìa khóa ngôn ngữ (3). Bởi vậy, việc Xướng - Họa thơ rất ít có khả năng duy trì liên tục và rộng rãi được. Ngay trên Tri Ân cũng vậy, chỉ có thể ở mức rất chừng mực mà thôi. Tuy nhiên, cũng chính vì khó, nên theo tôi, nếu ai có sự ham thích Xướng – Họa thì nên khuyến khích, động viên. Tất nhiên là không vì ham thích mà để sảy ra sự cố như của Minh Hương vừa rồi có phải không ạ.
04/11/2011
MH
0 nhận xét:
Đăng nhận xét