LÁO QUÁ THỂ

Có người lò mò trên mạng, thấy bài này nói xấu mình thảm hại, mail cho mình. Mình lưỡng lự mãi, rồi hôm nay quyết định quăng lên cho mọi người tùy nghi ứng xử.

Tác giả là nhà văn Đỗ Tiến Thụy, y đã từng ở Tây Nguyên, tưởng rằng hiểu rõ mình, té ra toàn... nghe hơi đồ chõ, ví dụ chi tiết đám cưới, là mình đi nấu đám cưới cho 1 thằng khác, giờ nó là họa sĩ, phó chủ tịch Hội VHNT Kon Tum. Hồi ấy mình nấu chính, vợ mình phụ, đãi gần 200 người tại hội trường Ty Văn Hóa Gia Lai Kon Tum...

Hehe nhưng đọc chết cười, một thuở hào hùng một thời oanh liệt. Mọi người đọc thấy thêm một thời của tớ nhé...
-----------



Bờ - lốc - gơ Văn Công công

“Văn Công công” là biệt danh các độc giả ruột gọi nhà thơ Văn Công Hùng, một trong những blogger nổi nhất thế giới blogs của văn sĩ Việt Nam. 

Cuộc cách mạng tin học từ phố núi

Cách đây 10 năm, việc sở hữu một dàn máy vi tính đối với nhiều người cũng khó giống như mua một chiếc… ôtô bây giờ. Nhiều cơ quan đơn vị lớn khi ấy mới có được một dàn, chỉ ưu tiên để đánh những công văn quan trọng. Thế mà Văn Công Hùng, một nhà thơ ở tít xó núi Tây Nguyên lại được vợ tậu cho một dàn, thật chẳng khác nào chuyện… hoang tưởng.

Văn Công Hùng kê dàn máy ngay phòng khách, phủ lên một tấm nhiễu đỏ. Mỗi khi có bạn văn thăm nhà, ông sửa mình, ngồi vào máy khởi động trịnh trọng như một nghi lễ. Sau đó ông mới quay ra pha trà mời khách. Khoảng 15 phút sau, khi tuần trà cạn thì máy mới khởi động xong. 

Lúc này ông bắt đầu giới thiệu về cỗ máy thần kì với vô vàn chức năng, mà bản thân ông thì mới cập nhật được mỗi phần… gõ ra chữ. Ông chỉnh các kiểu chữ, cỡ chữ, màu chữ, rồi cut, paste… cứ nhoay nhoáy khiến những văn nhân tỉnh lẻ nhìn mà nuốt nước bọt ừng ực. Riêng tôi thì ghen tị hậm hực. Mình viết văn xuôi mới cần máy tính, chứ lão này làm thơ, mỗi bài chỉ vài chục chữ, sắm máy tính để… khoe giàu à?!

Về sau này tôi mới biết, dàn máy ấy thuộc dạng cấu hình thấp, dung lượng ổ cứng chỉ có… 1G, màn hình lồi, cơ quan nào đó đã bán với giá thanh lí chỉ có… 200.000 đồng. Thế nhưng đối với vợ chồng nhà thơ nghèo, nó là báu vật, là tài sản đặc biệt, có chế độ quản lí đặc biệt.

Theo qui chế do chính vợ nhà thơ soạn thảo thì Văn Công Hùng chỉ được sử dụng máy vi tính để…  viết báo, cấm được sử dụng sai mục đích, nghĩa là cấm dùng máy vi tính để… làm thơ. 

Vì thế bà tăng cường kiểm tra, giám sát. Giả bộ mang nước lên cho chồng, hễ thấy màn hình dày đặc chữ, bà yên tâm là chồng viết báo, li nước được đặt nhẹ nhàng cạnh nhà thơ và bà nhẹ nhàng quay gót. Thế nhưng hễ thấy màn hình có những câu xuống dòng liên tục thì thôi rồi, li nước được đặt đánh uỵch xuống bàn, và những bước chân quay đi cũng nặng chình chịnh. Lúc đó nhà thơ chỉ còn thành khẩn chớp chớp đôi mắt đã sưng đỏ tấy vì tia tử ngoại, thanh minh rằng anh đã cày báo suốt từ tối đến giờ, anh làm thơ chỉ là để… giải lao mắt thôi mà. Chứng kiến cảnh ấy nhiều văn nhân Tây Nguyên đã chép miệng thở dài thương cảm bạn và cũng là để AQ mình: Có máy như Văn Công Hùng thật là khổ. Cứ như bọn ta viết bằng bút mực lại cảm thấy tự do… 

Năm 2004, khi đang học trường Nguyễn Du, sau một thời gian “cày cuốc” tôi cũng mua được một con laptop secon-hand. Và việc đầu tiên tôi nghĩ tới là mang về Tây Nguyên để… nhem thèm Văn Công Hùng. 

Văn Công Hùng sáng bừng mắt khi nhìn thấy chiếc máy xách tay của tôi. Tôi được thể thao thao về tính ưu việt của laptop, nào là tính cơ động, nào là màn hình phẳng ngồi lâu không mỏi mắt, nào là tích hợp chức năng bắt tín hiệu wifi…  Tóm lại là… nên có laptop để đi đâu cũng có thể viết bài, gửi bài… Văn Công Hùng nghe như nuốt từng lời và buột miệng ước ao: Giá mà tôi cũng có một cái như chú nhỉ… Chưa dứt lời thì có tiếng vợ nhà thơ vọng từ dưới bếp lên: Cái đó thì có khó gì! Anh thích thì mai mua luôn! Tôi được đà bốc đồng: Các nhà văn ở thành phố bây giờ đã cơ bản “phổ cập laptop”, và họ đang tiến lên “thời kì hội nhập” bằng cách lập blog, website. Bác cũng phải “xây” một cái nhà trên mạng cho nó sành điệu. Văn Công Hùng chưa kịp ngỡ ngàng thì vợ nhà thơ đã hỏi dồn: Nhà trên mạng là cái gì hở chú? Tôi thủng thẳng: Thì đại loại nó giông giống như cái… cửa hàng tạp hóa í. Chỉ khác là xây nó thì… miễn phí, mà lợi ích thì vô biên. Này nhé, chỉ cần mở một trang blog, trưng hết các tác phẩm thơ văn báo chí của anh nhà lên đó để cả thế giới đều đọc được, và ai thích món nào thì sẽ mua trực tiếp món đó... 

Nghe Cứ tưởng nói phét cho vui, ai ngờ khi đang ngồi trên xe ra Hà Nội, tôi nhận được tin nhắn của Văn Công Hùng: chú vào blog của anh đi, địa chỉ… Choáng! 

Chỉ trong một thời gian ngắn blog của Văn Công Hùng trở thành một trong những blog hot nhất trang vnweblogs.com, một trang mạng có nhiều blog của các nhà văn nhà báo.

Những Entry cười ứa nước mắt

Blog giống như… con nghiện, đòi hỏi phải được “nuôi thuốc” hàng ngày. Với thời gian mấy chục năm gắn bó với Tây Nguyên, hàng ngàn bài báo, hàng trăm bài thơ, bút kí, phóng sự… được viết bằng một giọng điệu hào phóng tung tẩy mà nghiêm ngắn chừng mực, hài hước trào lộng mà xa xót cảm thương về mảnh đất gian khó nhưng thấm đẫm tình người đã biến thành những Entry trên blog của Văn Công Hùng đều đặn suốt 6 năm trời, đọc rất khoái. 

Mỗi lần đọc được một bài thú vị trên blog Văn Công Hùng tôi đều để lại comment với câu mở đầu “Bác Văn kính mến!” Nhưng từ khi đọc xong Entry Hương Đình lang thang toán và thơ tôi bỗng chuyển sang viết là “Bác Văn Công công kính yêu!”, chả hiểu vì sao.

Entry đó viết về nhà thơ Hương Đình, nhưng thực chất là một câu chuyện kể về ba chàng trai Văn Công Hùng, Hương Đình và Phạm Đức Long. Sau khi tốt nghiệp đại học vào những năm sau giải phóng họ hăm hở đeo ba lô lên Tây Nguyên lập nghiệp, người thì làm nhân viên Sở Văn hóa, người dạy toán ở trường trung học, người làm kĩ sư chăn nuôi ở Chi cục thú y. Họ gặp nhau, “ríu vào nhau” bởi thơ ca. Chiều nào họ cũng gặp nhau để đọc cho nhau nghe những vần thơ có cánh. Nhưng rồi một ngày, đang cao hứng đọc thơ thì một người ngất xỉu vì… đói quá! Đến lúc này các chàng mới phát hiện ra một chân lí: Thơ không thể đọc trong khi bụng rỗng. Thế thì phải nghĩ kế. Ba cái đầu ăm ắp chữ nghĩa đã chụm vào nhau bàn bạc, và đã có một ý tưởng đột sáng: thành lập một gánh… hoạn lợn rong. Theo cái ý tưởng ấy, Phạm Đức Long là kĩ sư chăn nuôi sẽ đảm nhiệm vai trò “bác sĩ mổ chính”, còn hai cử nhân văn và toán chỉ việc… giữ chân lợn mà thôi.

Hoạn lợn là cách gọi của người miền Bắc, còn dân miền Nam gọi là thiến heo. Ngày ấy nhà nhà nuôi heo nên có rất nhiều thợ thiến heo hành nghề. Nhưng bà con rất mến mộ “Gánh thiến heo trí thức”. Là bởi họ họ khoái ba chàng mặt mũi thư sinh, nói năng nhỏ nhẹ lễ phép và cách thiến heo bài bản là sát trùng bằng cồn, tiêm thuốc gây tê xong mới mổ, nhoáng một cái đã xong, khâu xong lại chống nhiễm trùng vết mổ bằng thuốc đỏ, thả vào chuồng một lúc là con heo đã lại ăn chơi ngoăn ngoẳn.

Gánh thiến heo trí thức ấy hành nghề rất tài tử, mỗi chiều chỉ thiến đúng 5 con, đủ tiền mua một chai rượu đế và vài gói lạc là dừng để về… đọc thơ.

Nhưng rồi một buổi kia, khi ba chàng đang lúi húi “mổ” ca đầu tiên thì bất ngờ có một giọng chào con gái cất lên trong veo: Em chào thầy ạ! Ba chàng ngẩng lên và… đần người. Thì ra các chàng đã vào đúng nhà cô học trò của nhà thơ Hương Đình. Bố cô bé thấy vậy lúng túng một hồi rồi cuống quít: “Thôi thôi thôi… Mời các thầy rửa tay vàơ uống trà”.

Đó là buổi chiều buồn nhất của ba chàng thi sĩ lang thang. Bên li rượu suông, các chàng ngồi im lìm. Mãi sau Phạm Đức Long buồn rầu đọc những câu thơ thấm thía: “Khoảng trời lá thông bạn tôi vẫn đói nghèo/ thương nhau tránh cái nhìn cùng quẫn/ thương nhau giữ tròn lẽ sống/ giữa trắng đen hư thực thăng trầm…”.  Nghe xong, cả ba lại ngồi cúi lặng. Gần nửa đêm Hương Đình mới ngẩng lên thẫn thờ tuyên bố: Giải tán gánh hoạn lợn…

Tôi đã “còm” dưới Entry này mấy dòng: “Một Entry chứa đựng đủ nỗi niềm nhân tình thế thái. Bác quất tiếp một bài về cái tiệc cưới của bác đi!”. 

Sở dĩ tôi viết thế là vì biết Văn Công Hùng còn có một câu chuyện cũng thuộc hàng cười ra nước mắt.
  
Thời bao cấp, đám cưới công chức hầu hết tổ chức theo nếp sống mới, chỉ có trà, thuốc lá và bánh kẹo. Nhưng trong đám cưới của mình chú rể Văn Công Hùng đã ngỏ một lời mời rất… dễ thương: Mời tất cả dùng tiệc mặn. Minh họa cho lời mời, từ nhà bếp cơ quan mùi xào nấu bốc lên thơm quặn ruột. 
 
Cái gọi là tiệc mặn thực chất chỉ có 2 cân thịt bò xào với rau muống tỏi. Thịt quá ít, những người làm bếp đã đơm rau muống ra đĩa trước rồi mới gắp thịt “lát” một lớp mỏng lên trên cho… đẹp. Xong xuôi, họ lấy báo đậy những mâm cỗ lại rồi kéo nhau lên hôn trường… đọc thơ.

Đến giờ, bạn bè háo hức ngồi vào mâm chờ đợi bữa tiệc mặn hiếm hoi thì bỗng thấy Văn Công Hùng tái dại mặt mày đi từ nhà bếp ra. Mọi người chạy xuống bếp và… ngã ngửa. Trên bàn ăn chỉ xanh lét toàn rau, còn thịt thì đã bay hơi không dấu vết.

Mọi người thầm thì, xì xào. Hàng trăm ánh mắt nghi hoặc xoáy vào chú rể khiến Văn Công Hùng không biết thanh minh làm sao.

Đêm đó, cặp vợ chồng trẻ không còn bụng dạ nào mà động phòng hoa chúc. Mệt mỏi, ê chề khiến hai vợ chồng năm ôm nhau khóc thầm. Đã thế lũ chuột trên trần đêm ấy lại như muốn trêu ngươi, cứ đuổi nhau rầm rập rồi cắn nhau chí chóe. Quái lạ, bọn này từ trước tới nay đói dài răng, yếu đến nỗi gặp người cũng không thèm chạy cơ mà, sao hôm nay lại “rửng mỡ đột xuất” như thế? Bực bội, tân lang bèn vùng dậy bật đèn. Và chàng bỗng chết đứng trong đêm khi nhìn thấy hai con chuột to bằng bắp tay đang tình tứ mớm cho nhau những miếng… thịt bò!...

Câu chuyện này có đủ yếu tố để làm nên một truyện ngắn hay phản ánh chân thực một dĩ vãng u ám của xã hội Việt Nam. Thế nhưng Văn Công Hùng im lặng trước gợi ý của tôi. Có lẽ ông không muốn phải khơi thêm một kỉ niệm buồn?

Cuộc “vượt rừng” ngoạn mục

Sau khi Văn Công Hùng trở thành hot blogger, tôi về Tây Nguyên thăm ông. Tôi nói thành thật: Từ ngày chơi “bờ lốc” bác viết năng suất hẳn. 

Văn Công Hùng chộp ngay lời tôi và vống to lên: Chú nói lại cho… vợ anh nghe câu này với! 

Thừa thắng xốc tới, Văn Công Hùng lập thêm một blog trên trang blogspot.com, mối quan hệ xã hội càng được mở rộng. Ông sắm hẳn một con laptop xịn, sử dụng D-com 3G. Ông cũng cho “nghỉ hưu” chiếc máy ảnh KTS đời hai “chấm” để tậu chiếc Canon đời mới. Những thứ hiện đại này là vật bất ly thân của ông trong những chuyến rong ruổi Bắc Nam, ra nước ngoài. Càng đi nhiều càng viết khỏe. Mỗi khi viết được bài nào mới ông đưa ngay lên blog chào hàng, độc giả đổ xô vào comment tíu tít, các báo tranh nhau lấy về in, lượng nhuận bút hàng tháng tăng vòn vọt. Thấy thế, ông đưa ảnh bìa các tập sách Gõ chiều vào bàn phím, Mắt cao nguyên, Đêm không màu, Lời vĩnh cửu… lên blog để… rao bán. Và kết quả thật bất ngờ, độc giả ầm ầm gửi tiền vào tài khoản của nhà thơ, mấy ngàn tập sách đã bán hết veo với giá… khét lẹt. 

Hóa ra lâu nay Văn Công Hùng, giống như bao nhà thơ nhà văn tỉnh lẻ khác phải chịu cảnh “cây quế giữa rừng”, chỉ tới khi nhờ sức lan tỏa kì diệu của Internet thì nhiều độc giả mới à lên, hóa ra ở Tây Nguyên có một Văn Công Hùng. 

Năm 2010, Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8, Văn Công Hùng trúng cử vào Ban Chấp hành với số phiếu khá cao. Rất nhiều nhà văn thừa nhận đã bỏ phiếu cho Văn Công Hùng chỉ vì “biết” ông qua… blog. 

Sau Đại hội, ngồi với nhau ở Tây Nguyên, tôi nói vui: Hai con “bờ lốc” của bác giống như đôi hài vạn dặm ấy nhể, giúp bác nhảy một phát qua trăm núi ngàn đèo để… tót thẳng vào trung ương Hội. 
Nghe thế Văn Công Hùng cất giọng cười rất trẻ: he he he! 

15- 9-2011
ĐTT

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét