TÂM SỰ CUỐI NĂM
Ngày 19-12 âm lịch vừa qua là ngày giỗ ông nội tôi. Hôm ông mất, tôi vừa đi bộ đội được ít ngày, đóng quân ở một xã khác cùng huyện, cách nhà mấy cây số. Chiều ấy đơn vị chúng tôi hành quân qua làng tôi, tới đầu con ngõ dẫn về nhà tôi, bà con thân thích thấy tôi vừa khóc vừa nói:
-Hùng ơi! Ông mất rồi! Cháu về nhà ngay đi!
-Cháu đang làm nhiệm vụ, phải tuân theo kỷ luật quân đội, không về được.
Tối ấy tôi được tuyên dương trước toàn tiểu đoàn, sáng sau cũng được đơn vị cho về nhà chịu tang ông nội.
Vừa rồi, một ngày giỗ ông nội lại tới, nghĩ tới trách nhiệm làm cha hướng con cái nhớ về nguồn cội, Tổ Tiên, nhất là thằng con trai lại sống ở nước ngoài, tôi viết mấy chữ gửi email cho nó:
-Huy, ngày mai, 19-12 âm lịch là ngày giỗ cụ nội (ông cố) của con.
Hôm đó mẹ nó cũng khoe:
-Thằng Huy có gọi về, tôi có nhắc ngày mai là ngày gì có biết không? Nó trả lời biết rồi. Nó hỏi Tết này ba có tổ chức gì không con gởi thêm tiền về. Tôi bảo bình thường như mọi năm thôi không cần gởi.
Nghe bà xã nói vậy thấy vui vui vì thằng con biết nghĩ. Nhưng hôm sau mở email thấy nó trả lời: “OK, con ngan doc roi”, tôi băn khoăn không biết nó viết gì? Cũng có thể nó viết “con ngán đọc rồi”. Vì thỉnh thoảng tôi có bảo nó đọc những bài tôi viết mà tôi thấy cần thiết cho tình cảm và nhận thức của nó. Vừa rồi cha con cũng có điều mâu thuẫn nên nó đã thể hiện tinh thần tự do dân chủ bằng cách phản ứng lại lời răn dậy của cha mẹ chăng? Nhưng với lời nhắc nhở nhớ về ông bà Tổ Tiên thì tôi buồn quá. Tốn bao công của lo cho nó du học, cho nó sướng thân, nay kết quả lại phản lại như vậy ư? Tôi nói với mẹ nó. Mẹ nó bảo để nó gọi về hỏi nó, chắc nó viết lộn thế nào chứ sao mà kỳ vậy? Quả đúng như vậy, trong cuộc điện thoại hôm qua, nó cười bảo với mẹ nó là “Con viết là con nhận được rồi, con viết sai chứ sao lại có ý đó”!
Vậy đó, thế là tôi đã hiểu lầm, giận lầm thằng con. Hiểu lầm là một điều tệ hại nhưng trong đời sống lại có nhiều điều rất dễ dẫn người ta đến chỗ hiểu lầm. Tôi là người viết rất chắc chắn và cẩn thận về những vấn đề tri thức phức tạp và những vấn đề trọng đại, nên tôi rất tự tin khi phản bác người khác. Như tôi từng dám nói rằng nếu tôi phản bác ông Huệ Chi về vật lý sai tôi sẽ bỏ viết ngay. Vậy mà với người bạn thân thiết nhất là Nguyễn Quang Thiều tôi lại sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ sai, nghĩ xấu về bạn mình. Tất cả chỉ vì cái tự ái chết tiệt, cái tôi kiêu mạn chết tiệt, nếu không thân nhau tôi sẽ gọi ngay cho Thiều hỏi thẳng là sẽ biết sự thật. Nhưng đằng này vì thân thiết mà sinh ra cáu tiết, cóc cần, vì thế mà vô vàn suy diễn cứ sinh ra. Mình đối với nó thế mà giờ nó đối với mình như thế ư, kỳ này tao sẽ cho mày biết tay...
Thiều là người có bản lĩnh ghê gớm, hồi bị Trần Mạnh Hảo “uýnh”, cho thơ Thiều là “tây giả cầy nhí nhố” như “sổ ra từ một bản nháp” như tôi thì tức điên lên còn Thiều vẫn bình chân như vại. Nên tôi có dự định “uýnh” Nguyễn Quang Thiều một năm thì mới ăn thua. Tôi có đủ chữ nghĩa để làm điều đó. Nhớ lại sau khi tôi đăng bài phê bình cuốn “Ngày văn học lên ngôi” của Đỗ Minh Tuấn, ra Hà Nội chơi, Nguyễn Hữu Sơn lại thích ráp nối tôi gặp Đỗ Minh Tuấn. Gặp ông Tuấn tôi bất ngờ, vì trên trận tuyến chữ nghĩa Đỗ Minh Tuấn rất ghê ghớm nhưng ngoài đời rất dễ thương. Đỗ Minh Tuấn bảo tôi: “Khi lâm trận thì phải theo phương châm có súng dùng súng, có gươm dùng gươm, kể cả đất đá, gậy gộc”. Theo cách đó, từ những chuyện theo lẽ thường là bình thường nhưng tôi đã biến chúng thành vũ khí và nghĩ cách “uýnh” sao cho ông bạn mình đau nhất. Như chuyện Thiều đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn VN muốn lên làm Chủ tịch thì cũng là chuyện thường tình. Như nước Mỹ người ta huỵch toẹt cả ra, tìm mọi cách tranh cử công khai, còn quyên tiền tranh cử, thì có sao! Nhưng với ta, việc tôi nói Thiều là người ham tranh quyền đoạt vị chắc chắn sẽ làm cho rất nhiều người nghĩ xấu về Thiều, nhất là những người có liên quan, ganh ghét, tranh giành với Thiều. Còn chuyện sinh hoạt Đảng, thực tâm tôi thấy trong nền kinh tế thị trường hôm nay, duy trì sinh hoạt chi bộ như đi lễ nhà thờ, rồi hô hào mỗi Đảng viên phải luôn gương mẩu, đi đầu, hướng dẫn quần chúng trong mọi sinh hoạt đời sống đã trở thành hình thức, thành “hô khẩu hiệu”. Thời nay nước ta theo Chủ nghĩa Mác-Lê nin, cái chính là phải coi nó như một học thuyết chính trị, cần phải làm đúng, vận dụng sáng tạo những nguyên lý về vận động và phát triển của nó, chứ không còn như giai đoạn chiến tranh xây dựng cơ sở cách mạng, đấu tranh đối kháng một mất một còn, sinh hoạt Đảng phải tuân theo điều lệ, kỷ luật Đảng nghiêm khắc. Thời nay nhiều người coi trọng Chủ nghĩa Mác nhưng lại không thích sự gò bó của chuyện sinh hoạt Đảng nên không vào Đảng, trong đó có bản thân tôi. Nên chuyện “họp chi bộ” thời nay thực tế không còn quan trọng như xưa. Nhưng về lý, tôi muốn “chơi” Nguyễn Quang Thiều, nó vẫn là một “vũ khí” tốt. Tôi nói chữ nghĩa độc ác là thế.
Trong lĩnh vực văn chương Thiều chơi với cả thế giới, nhưng Thiều vẫn chơi với tôi, dù cả thế giới ấy có mâu thuẫn với tôi. Chứng tỏ tôi cũng có cái hay, tôi có cái mà bạn văn trên cả thế giới của Thiều không có.
Ngược lại, cả giới văn chương, người tôi coi là bạn tri kỷ tâm giao chỉ có vài người, trong đó có Nguyễn Quang Thiều.
Mất đi “mối tình” với Thiều về tình cảm gần như tôi mất tất, còn Thiều thì dù có mất đi “mối tình” với tôi thì vẫn còn nguyên. Nhưng có điều ngược đời là tôi lại không cần gì ở mối quan hệ với Thiều cả, còn Thiều chơi với cả thế giới, nhưng có lúc, có việc Thiều lại phải cần tôi. Có giai đoạn Thiều gọi điện, nhắn tin, email cho tôi liên tục. Lần Thiều đi Châu Âu được vua Thụy Điền hay Đan Mạch gì đó tiếp, về gọi ngay cho tôi, tôi trêu: “Ông được vua tiếp sướng quá rồi còn gọi cho tôi làm gì?”. Thiều bảo: “Nói chuyện với Đông La sướng hơn nói chuyện với vua”. Vậy mà giai đoạn sau này có khi hàng năm, hàng mấy năm Thiều không một lần gọi. Như trước đây, chuyện tôi vào Hội Nhà Văn, chắc chắn là người trong cuộc xét duyệt, Thiều sẽ báo cho tôi từng bước một. Nhưng Thiều đã không một lần gọi. Tôi luôn coi Thiều là bạn thân nhất nhưng Thiều còn coi tôi là bạn không thì thú thật tôi không biết. Đó cũng chính là một trong những lý do, khi người ta nói Thiều “chơi” tôi, tôi đã tin ngay.
Còn bây giờ Thiều bảo sự thật không phải thế. Dù có lý do nhưng tôi cũng đã nghĩ sai, nghĩ xấu về bạn mình. Theo lẽ thực dụng không chơi với Thiều nữa thì thôi tôi có mất gì đâu nhưng tôi chơi với Thiều là vì tình cảm, tôi không chỉ là con mà còn là người, nên không làm sao mà quên đi cái chuyện xấu hổ này được. Trên trận chiến chữ nghĩa tôi từng bị bọn sâu bọ rắn rết ném đá, bị bọn trí thức dốt nát, hãnh tiến chửi bới ghê gớm, nhưng tôi thấy chỉ như “muỗi đốt inox” thôi vì chúng nó sai! Còn Thiều chỉ viết vài câu cho biết sự thật không phải thế, “ông muốn làm gì thì làm”, nhưng vì tôi sai nên tôi cảm thấy những gì mình đã viết như chặt nhầm vào tay mình, luôn muốn đập vỡ một cái gì đó vì ân hận.
Rất mong những gì không hay sẽ bị năm cũ cuốn hết đi!
29 Tết Ất Mùi
ĐÔNG LA
0 nhận xét:
Đăng nhận xét