CÀ KÊ MÙNG 5 TẾT- TẢN MẠN Ở SÂN BAY




          Thi thoảng cáu, được lúc VNairline thông báo hủy hoặc chậm chuyến, thế là… chửi um lên, cho sướng cái mồm, chứ, quả là, nó chỉ ô nhiễm loanh quanh chỗ chửi thôi, chứ chả giải quyết được việc gì.
 
          Mấy anh hãng  máy bay khác cũng của Việt Nam cũng bay cũng chậm cũng hủy tứ tung nhưng ít bị chỉ đích danh hơn, hình như vì các anh ấy bé hơn, không phải của  nhà nước.

          Nhưng phải vào dịp tết, mới thấy các anh hàng không quan trọng đến như thế nào, nên dẫu cũng vẫn delay, cũng vẫn hủy chuyến,  nhưng ai cũng kiên nhẫn, cũng tươi như hoa.

          Hôm nay tôi ngồi chờ bay ở sân bay Tân Sơn Nhất, mới phát hiện, té ra không chỉ “tầng lớp trên” như lâu nay ta nghĩ, mới đi máy bay.

          Ngồi cạnh tôi trong phòng chờ là 5 anh chị công nhân bay về Thanh Hóa ăn tết muộn. Họ hân hoan và hồi hộp theo dõi từng thông báo của nhà ga. Và qua họ tôi mới biết, họ đều đã mua vé tàu Thống Nhất, nhưng rồi trả lại, đầu tư thêm ít nữa, mua vé máy bay, và giờ họ tính thì té ra đi máy bay rẻ hơn. Sau khi xuống sân bay Sao Vàng, 5 người sẽ thuê chung 1 tắc xi chứ không đi xe của hàng không, bởi 5 người thuê chung rồi chia tiền sẽ ít hơn. Là họ tính thế.

          Nhà tôi 4 người, phải bay làm 2 chuyến, mỗi chuyến cách nhau 1 tiếng. Máy bay quay đầu liên tục như… xe đò. Chưa bao giờ tôi thấy cái sân bay nhỏ Pleiku đậu 1 lúc nhiều máy bay thế. 5 chiếc. Mỗi chiếc hạ cánh làm thủ tục trả khách rồi nhận khách không quá 30 phút, rồi lại cất cánh. Nhìn khuôn mặt các tiếp viên cũng cảm thấy sự… nhàm chán của những cú quay đầu cấp tập ấy. Tôi đã từng đi xe đò tết, từ Pleiku về Huế chẳng hạn. 7 giờ tối xe xuất bến, chạy như thần trùng đuổi, 3h sáng đã tới Huế, trả khách xong là xe lại quay đầu chạy không về Huế, để 7h tối xe lại đầy khách chạy từ Pleiku. Cứ thế, sau tết thì lại ngược lại, một chiều đặc khách và một chiều rỗng, xe, đúng hơn là tài xế, xoay như con vụ, có khi còn vừa lái vừa… ngủ, nên bao nhiêu tai nạn thảm khốc xảy ra vào những dịp này. Hôm nọ tôi đọc loáng thoáng đâu đấy, rằng là một ngày tết, ngành hàng không Việt Nam phục vụ hàng ngàn chuyến bay an toàn. Mà đúng, thi thoảng nghe nơi này nơi kia rớt máy bay, nhưng Việt Nam ta thì ít thấy. Chứng tỏ hàng không ta cũng “ra gì” phết chứ không chỉ delay với hủy chuyến.

Sân bay Pleiku hôm nay, lúc tôi hạ cánh
          Cũng thấy ở sân bay hôm nay mấy chị rất sang, nhưng nhất quyết giấu bằng được mấy chai nước uống dở qua cổng kiểm tra. Ôi giời, các chị ấy coi an ninh như… muỗi, muốn giấu là giấu. Có ông giấu cả con dao, giải thích mãi vẫn không chịu, sau phải cáu dọa không cho bay mới đồng ý bỏ con dao vào thùng. Còn lên máy bay thì trời ạ, cái chợ cũng đến thế là cùng. Mà dạo này nhà tàu bay cũng chả thèm cương quyết bắt tắt điện thoại nữa. Mà lạ, rất nhiều ông bà cứ nhè lúc máy bay chuẩn bị cất cánh thì mới sực nhớ phải cần gọi điện thoại. Mà toàn những kể lể cà kê rất dỗi hơi. Ăn cơm chưa, máy bay chuẩn bị bay nè. Mẹ lên máy bay rồi nhé. Không, không say, vì nó đã bay đâu. Thấy hình mới chụp post lên phây chưa? Tối về cà phê nhé… Cứ thế râm ran đúng phong cách… chợ Việt. Máy bay vừa chạm đường băng cũng thế, đồng loạt a lô, đồng loạt đứng dậy lấy đồ dù nhà tàu bay đã yêu cầu quý khách ngồi nguyên tại chỗ, hạn chế sử dụng nhà vệ sinh, dựng lưng ghế thẳng đứng, không sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử cầm tay…

Công dân 20 ngày tuổi xuất hiện ở sân bay Pleiku
          Thói quen Việt hình như khó bỏ. Cũng như suốt ngày ta nghe nói thế này nhưng nó lại không phải thế này. Hình như ăn vào ta một ý thức nghĩ ngược, làm ngược. Và phải thế mới là… người Việt. Vậy nên khi ta ta thán hàng không nhất, là khi ta lại cần họ nhất, như tết này, bạn thử tưởng tượng đi, nếu không có hàng không thì điều gì sẽ xảy ra nhỉ???
                                                        


                                                                      
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét