"CÓ NHỮNG BUỔI CHIỀU KHÔNG BIẾT CẤT VÀO ĐÂU"


Chiều cuối năm, nhìn những chuyến xe đò lầm lũi chở người về quê, đôi mắt có muốn long lanh lên thì nó vẫn cứ chứa một điều gì đó thăm thẳm. Nhưng biết làm sao được, có kẻ đi có người ở, có đoàn tụ thì cũng có chia ly, có trùng phùng thì cũng cần có xa cách, nó làm cho cuộc đời thêm nhiều sắc thái, nhiều trạng huống cảm xúc...
------------




          Tết với người Việt là đoàn tụ, là về quê. Truyền thống ấy đã có từ hàng trăm năm nay, từ khi cái lũy tre làng mở ra, người Việt bước ra khỏi gốc đa cái ao giếng nước làng mình, đi làm ăn, đi kiếm sống. Nhưng làm gì thì làm, kiếm gì thì kiếm, tết đến là khăn gói về quê, như một nhu cầu tự thân, như một lẽ đương nhiên, một sự thôi thúc nội tại, tâm linh và máu thịt...

          Do hoàn cảnh lịch sử và địa lý, người Việt giờ chủ yếu là “hành phương nam”, chỉ hãn hữu mới có người ngược bắc. Vậy nên cái cảnh những chuyến xe khách lặc lè chật ních người ra Bắc và chạy không vào Nam dịp trước tết, sau tết thì ngược lại, như một hình ảnh “đặc trưng” của tết. Không dễ dàng kiếm được tấm vé để về tết, nhưng rồi người ta vẫn cứ cố bằng mọi giá để có nó, để về quê, để được hưởng không khí tết gia đình, để quây quần, sum họp.

          Những người ở nhà thì cũng cóp nhóp dành dụm, cái gì ngon nhất đều để dành cho tết, cho người ở xa về ăn, dù có thể họ chả cần, nhưng đấy là tấm lòng, là sự thơm thảo của ông bà bố mẹ với những đứa con xa quê.

          Ba mươi tư năm ở Pleiku, tôi cũng có đến hai chục năm chộn rộn như thế trên những chuyến xe đò về với ba mẹ ở Huế. Bây giờ, khi con cái đã lớn, thì đến lượt chúng, cứ tết là lại từ thành phố Hồ Chí Minh về với gia đình, với Pleiku.

          Tôi cho rằng đấy là truyền thống rất tốt đẹp của người Việt, nó tạo ra sự gắn kết bền vững của các mối quan hệ, mà qua đấy, những giá trị tinh thần được giữ được truyền qua các thế hệ, để con người không quên nguồn cội, gìn giữ tình yêu và lòng vị tha, như ngọn lửa ấm được truyền qua năm tháng để hun đúc giữ gìn những gì tốt đẹp nhất trong đời sống tinh thần người Việt, dù có nhiều lúc, nhìn cảnh chen chúc vạ vật ở bến tàu bến xe, nhiều người phải thốt lên: tết là gì mà khổ quá là khổ đến thế, mà bị hành hạ, bị tra tấn kinh thế. Hầu như cả năm làm lụng được chỉ để dành cho tết, mục tiêu lẫn mục đích là tết, tết và tết…

          Thế nhưng dù khổ dù vui, dù sướng dù vất vả, không phải ai cũng có thể được vui tết cũng gia đình. Ngoài các chiến sĩ lực lượng vũ trang như quân đội, công an, tôi biết rất nhiều công nhân trong các khu công nghiệp không có điều kiện về quê ăn tết. Lý do thì rất nhiều, nhưng nỗi buồn thì gần như giống nhau. Hồi độc thân tôi cũng từng có những năm không về quê ăn tết được như thế, nên rất thấm thía cái nỗi buồn, nhớ, cái sự bâng khuâng thảng thốt của trạng thái đón giao thừa ở một nơi không phải nhà mình, không có người thân bên cạnh. Thực ra buồn nhất là chiều ba mươi, cái lúc chộn rộn tất bật nhất của mọi gia đình trong năm, thì ở đây, độc thân, biết làm gì cho nó trôi đi cái khoảnh khắc thiêng liêng của cái chiều cuối năm một đi không trở lại ấy. Chợt nhớ câu thơ của Thi Hoàng “Có những buổi chiều không biết cất vào đâu” như là dành cho cái chiều 30 tết không ở nhà mình ấy…

          Chiều cuối năm, nhìn những chuyến xe đò lầm lũi chở người về quê, đôi mắt có muốn long lanh lên thì nó vẫn cứ chứa một điều gì đó thăm thẳm. Nhưng biết làm sao được, có kẻ đi có người ở, có đoàn tụ thì cũng có chia ly, có trùng phùng thì cũng cần có xa cách, nó làm cho cuộc đời thêm nhiều sắc thái, nhiều trạng huống cảm xúc. Người Việt ta có câu rất hay “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Và những vùng đất mở ra, quê hương cũng theo đấy mà xê dịch, từ những cá nhân sẽ xuất hiện những gia đình nhỏ, từ gia đình nhỏ thành những dòng họ, và, những nơi chôn nhau cắt rốn cứ trải dài trên dải đất hình chữ S chúng ta…

          Và hình như, phải có những nỗi buồn chiều cuối năm nó mới ra… chiều cuối năm, và nhờ thế, nó mới ra tết Việt…
    
                                                              

 
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét