Trước khi ngủ còn tham gia vào vòng xòe đầy mê hoặc và cũng vô cùng tình tứ với long lanh mắt uyển chuyển thân, nần nẫn tay ngần trắng và những bước nhún như đang đi trên đệm mây. Lò Cao Nhum bảo, thì cũng toàn con gái trong bản ra xòe thôi, như con dâu ông ấy. Cô này là giáo viên, chồng cũng giáo viên, nhưng lại còn là chủ thể của cái bản du lịch này, bởi chính Lò Cao Nhum, các con của ông, vừa là chủ thể lại vừa là khách thể của du lịch. Vừa là người làm du lịch lại vừa chính là sản phẩm du lịch. Cái bàn làm việc của nhà thơ họ Lò khiêm tốn ở một góc phòng khách trên cái sàn rộng mênh mông. Khiêm tốn bởi nó không cần rộng quá. Một cái ghế, 1 cái bàn con trên để laptop có wifi, giá sách nhỏ trước mặt, thế là ông có cả thế giới rồi. Còn thế giới. Họ không thể có cái nơi ngồi tuyệt vời ấy. Bốn phía là núi, mà là núi rất đẹp. Xung quanh là sặc sỡ thổ cẩm. Những lúc không gõ máy tính, ngẩng đầu nhìn vào núi, mà ngẫm ngợi, mà suy tưởng, có khi người thường cũng hóa triết gia được, huống gì ông là nhà thơ thứ thiệt, nhà thơ của bản Lác. Bản Lác có ông và ông là một phần của bản Lác…
------------
Nhớ lần về Tuy Hòa dự một hội thảo khoa học, gần như tất cả các bài đọc bài nói, đọc gì thì đọc, nói gì thì nói, nhưng ít nhất cũng có một lần nhắc đến gió Tuy Hòa. Ấy là người ta nhớ đến bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Trần Mai Ninh. Cũng như thế, Mai Châu- Hòa Bình đã chết trong câu thơ tuyệt đẹp của nhà thơ Quang Dũng: “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Từ cái thời thơ Quang Dũng đang còn là một thứ muốn đọc phải thập thò lấp ló, đến khi nó được toang hoang ra thì nó đều hay như nhau. Nói thế bởi từng có những bài thơ, câu thơ khi bị cấm đoán thì thấy nó bí ẩn, hấp dẫn, đến khi công khai ra, mất cái phần bí ẩn tò mò đi, nó lại mất đi sự hay, sự thắc thỏm, sự mê hoặc từng có…
Tôi cứ giữ nguyên cái cảm giác lâng lâng bí ẩn ngan ngát hương nếp và mờ ảo hư thực để lên với Mai Châu vào một ngày gần cuối năm, trời bắt đầu se se, gió bắt đầu lang bạt, lau ngả nghiêng run rẩy mong manh trắng và cái le the của nỗi buồn, nỗi nhớ thì bắt đầu hành hạ con người.
Lái xe là nhà văn nhấp nhỉnh 70 Hà Phạm Phú. Ông nguyên là giáo viên đại học kỹ thuật quân sự, con xe lại mới, tay lái vẫn mượt vì khác các nhà văn nhà thơ khác khi lái xe (trong đó có tôi) là chỉ biết lái, ông hiểu rõ tại sao xe lại chạy được, tại sao khi phanh thì xe dừng và vì sao khi xoay vô lăng thì xe lại vào cua. Đừng tưởng là nói chơi, mà khi anh hiểu rõ tính năng kỹ thuật của xe, cũng như công dụng của từng bộ phận thì sự tự tin nó tăng lên gấp bội. Và đi kèm nó là sự an toàn.
Chính vì thế mà chúng tôi vượt dốc Cun rất ngọt.
Dốc Cun. Hồi rất nhỏ tôi từng nghe tên con đèo khủng khiếp này. Đến mức sau này, khi tôi ngồi xe, loại xe ca Hải Âu của Liên Xô lần đầu tiên vượt đèo Ngang, rồi đèo Hải Vân, những con đèo nổi tiếng của Miền Trung, tôi đều nghĩ nó không thể so với dốc Cun dù chưa hề biết nó. Cái ấn tượng tuổi thơ nó khủng khiếp thế. Là tôi nghe chuyện dốc Cun từ dì tôi. Hồi chiến tranh dì là thanh niên xung phong, chuyên sửa chữa đường dốc Cun. Những là đi bộ- toàn đi bộ- từ chân lên đỉnh thì ra sao? các xe bị lật ở dốc Cun như thế nào, mây ở dốc Cun, lau dốc Cun, hun hút dốc Cun, ngoằn ngoèo dốc Cun, hổ dốc Cun, tai nạn dốc Cun…, rồi còn trăm thứ khủng khiếp dốc Cun.
Giờ. Xe vun vút leo dốc. Đến đỉnh, anh Phú cho xe nép vào vách đá để chụp ảnh. Khi tôi nhận xét người ở đây không nhạy bằng cư dân vùng có mấy con đèo nổi tiếng miền Trung, rằng họ tận dụng hết những khúc quanh, những đoạn lồi để… mở quán. Võng mắc la liệt. Những cái quán ở lưng chừng đèo, những cái quán đỉnh đèo, nó vừa phục vụ khách, vừa kiếm sống, và cũng vừa giảm bớt sự cô quạnh hoang vắng của con đèo, ai đi qua cũng muốn ghé vào nghỉ trước khi vượt đèo hoặc sau khi đổ đèo, thì anh Phú giải thích: Ở đây hẹp đến mức không có chỗ mà mở quán, mà mắc võng. Chú có thấy anh phải nép sát thế mà vẫn còn nơm nớp à, mà ấy là có mỗi xe ta, chứ nếu mà mở ra, xe có chỗ đâu mà dừng, người có chỗ nào mà đứng? Tí lên thung Khe sẽ có…
Với tay lái lụa Hà Phạm Phú trên đỉnh dốc Cun |
Nhưng dốc Cun chỉ là điểm chúng tôi qua chứ không phải điểm chúng tôi đến. Điểm đến là Mai Châu, trong Mai Châu là bản Lác, và trong bản Lác có ông bạn nhà thơ của chúng tôi, ông Lò Cao Nhum.
Thực ra thì tôi lên Hòa Bình lần này là lần thứ 2… Lần trước lên Hòa Bình nhưng đã không vào được Mai Châu, chưa thấy bản Lác, tôi coi như mình chưa Hòa Bình, dù đã Kim Bôi, đã Đống Thếch, đã thủy điện, đã tạt ngang ngửa vài ba nơi nữa, đã xếp bằng ăn một bữa cơm bản với các cô gái Mường chính hiệu, nhưng chưa Mai Châu, dứt khoát chưa Hòa Bình. Và vì thế mà chuyến này được thực hiện, chỉ chuyên trị một “món” duy nhất: Mai Châu- bản Lác.
Cơm lam cải nương |
Rau Dớn |
Đơn giản em là ớt |
Khe Thung |
Để đến đấy, từ 6h30 sáng nhà văn Hà Phạm Phú đã ghé 23 Nguyễn Đình Chiểu- Hà Nội đón tôi. Ào một mạch lên đến Hòa Lạc dừng ăn sáng rồi lại mê mải chạy đến thành phố Hòa Bình, đón một nhà văn sở tại rồi chạy tiếp. Chúng tôi đi qua hoặc nói đến những cái tên đặc Mường như Nhất Bi nhì Vang ba Thàng tứ Động. Rồi Mường Vó Mường Vang… Dừng ở đỉnh đèo Thung Khe ăn bắp luộc và xem đồng bào bán hàng, rất nhiều thứ muốn mua mà rồi lại không đủ sức. Nhìn những con lợn quay cả con vàng ruộm như chỉ xẻ ra là ăn được mà muốn xếp bằng ngay tại chỗ. Những ớt, măng, mật ong, rau dớn, cơm lam, mắc khén, rau cải, mía… và những cô sơn nữ siêng năng cần mẫn luôn chân luôn tay, không chèo kéo khách như ở những nơi khác khiến khách cứ bíu díu không muốn lên xe…
Không thể hình dung thời ông Quang Dũng ở đây để “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” nó như thế nào, chứ bây giờ nó là một thị trấn huyện lỵ, cũng như mọi huyện lỵ khác, cái chất đô thị nó át hết cái dân dã thôn quê, cái nồng nã ấm cúng mái tranh khói tỏa. Và rõ là cũng không thể chờ ở đấy cái “thơm nếp xôi” ám ảnh nữa. Và đấy là tất nhiên, nó phải phát triển như thế, không thể khác. Cũng còn may có Quang Dũng mà Mai Châu trở nên huyền ảo trong trí tưởng tượng bao người…
Hòa Bình là xứ Mường, nhưng lại lọt cái bản Thái là bản Lác này. Lần trước đi Hòa Bình về viết, có nhắc đến ông Lò Cao Nhum nhưng lại bảo ông người Tày, nhiều bạn đọc comment phản đối, chứng tỏ họ cũng biết rất nhiều về bản Lác, về Lò Cao Nhum, và qua đó mới thấy sự tương tác rất mạnh của thế giới mạng. Vậy nên lần này vừa gặp phát, bắt tay là tôi hỏi ngay: Ông người Thái đúng không? Vẫn hiền như thế, Lò Cao Nhum gật và cười.
Lò Cao Nhum hiện thời là ủy viên ban kiểm tra của Hội Nhà Văn Việt Nam, ít nhất mỗi năm một lần chúng tôi gặp nhau ở hội nghị tổng kết công tác cuối năm ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Trong các cuộc gặp ấy tôi chỉ thấy ông lặng lẽ cười.Buổi liên hoan cuối năm thường tổ chức tại chỗ ông cũng uống rất ít, rồi xách túi ra xe ngay, chứ không là đà như mấy ông khác, xong chỗ này có khi còn rê ra chỗ khác nữa. Và trong tôi là một Lò Cao Nhum không biết uống rượu, dù có bài “rượu núi” rất nhiều người thuộc: “Rượu nhà tôi/ Ủ từ lá sắc rừng gai/ Chắt từ củ mài hốc đá/ Vợ tôi nấu thơm từ lửa đỏ đêm dài.
Rượu nhà tôi/ Có ngọt mật ong vách đá/ Có chua măng ướp chum vò/ Có cay của bạn tình cắn nhầm hạt ớt/ Có đắng của em chồng phải lòng chị dâu.
… Cụng bát cùng rẻo cao muôn đời/ Chụm bền ngọn núi/ Giữa chiếu đan bằng tia mặt trời.
Nhưng té ra tôi đã nhầm. Hôm ấy, sau khi thăm thú cái nhà sàn rất đẹp của ông, nghe nói là nhà sàn Thái nguyên gốc cuối cùng của bản, hoàn toàn bằng gỗ, con trai và con dâu ông bưng mâm ra. Lên bất ngờ, buổi trưa, nên các món Thái không có, hoặc nó chỉ lai lai Thái với muối sả dùng chấm cà luộc, với măng nấu cá chép, với cải đắng luộc… Nhưng rượu thì không đùa. Chúng tôi 4 người xếp bằng trên nhà sàn, nhưng thực chất chỉ tôi với Lò Cao Nhum uống. Tôi uống và ngắm ông, đến lúc thấy 2 ông Lò Cao Nhum nhập 1 rồi lại từ một ông ấy tõe thành 4 thì… ngừng. Ông là người dìu tôi xuống cầu thang, nhét tôi vào xe rồi vẫy rất thân ái, hẹn gặp lại…
Bản Lác giờ đúng là một bản du lịch. Không có thời gian để tôi có thể ngủ một đêm ở đấy, ngay trên cái sàn gỗ bóng lộn, trên cái nệm lông chim, hay chí ít cũng là bông lau đến tối sẽ trải ra sàn. Trước khi ngủ còn tham gia vào vòng xòe đầy mê hoặc và cũng vô cùng tình tứ với long lanh mắt uyển chuyển thân, nần nẫn tay ngần trắng và những bước nhún như đang đi trên đệm mây. Lò Cao Nhum bảo, thì cũng toàn con gái trong bản ra xòe thôi, như con dâu ông ấy. Cô này là giáo viên, chồng cũng giáo viên, nhưng lại còn là chủ thể của cái bản du lịch này, bởi chính Lò Cao Nhum, các con của ông, vừa là chủ thể lại vừa là khách thể của du lịch. Vừa là người làm du lịch lại vừa chính là sản phẩm du lịch. Cái bàn làm việc của nhà thơ họ Lò khiêm tốn ở một góc phòng khách trên cái sàn rộng mênh mông. Khiêm tốn bởi nó không cần rộng quá. Một cái ghế, 1 cái bàn con trên để laptop có wifi, giá sách nhỏ trước mặt, thế là ông có cả thế giới rồi. Còn thế giới. Họ không thể có cái nơi ngồi tuyệt vời ấy. Bốn phía là núi, mà là núi rất đẹp. Xung quanh là sặc sỡ thổ cẩm. Những lúc không gõ máy tính, ngẩng đầu nhìn vào núi, mà ngẫm ngợi, mà suy tưởng, có khi người thường cũng hóa triết gia được, huống gì ông là nhà thơ thứ thiệt, nhà thơ của bản Lác. Bản Lác có ông và ông là một phần của bản Lác…
Hòa Bình- Pleiku tháng 12/2014
Mai Châu |
Với nhà thơ họ Lò tại bản Lác, trước nhà của ông |
Lò tiên sinh châm trà tiếp khách |
Góc mần thơ của Lò tiên sinh. Thực ra cái bàn của mình còn nhỏ hơn thế này nhiều |
Cầu thang nhà sàn Lò Cao Nhum |
Cứ thế này mãi thì thích nhỉ? |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét