Tôi đã được gặp thày sau gần năm mươi năm...


         
Thầy giáo Cách
Thày giáo Phan Quang Cách

       
        Hình ảnh người thày đã đưa chúng tôi qua 4 năm cấp I vẫn còn nguyên trong ký ức tôi. Mỗi khi bạn bè học cấp I gặp nhau, chúng tôi vẫn nhắc về thày với niềm kính yêu trọn vẹn.
Lớp tôi ngày ấy là lớp xóa mù đầu tiên của xã Bắc An huyện Chí Linh. Tôi thuộc lứa thứ hai trong những con em cán bộ miền Nam tập kết công tác tại Nông trường Quốc doanh Chí Linh. Vài anh chị lớn phải ra xã Cộng Hòa học vì Bắc An chưa có trường. Lớp xóa mù chúng tôi được “vỡ lòng” bởi một thày đồ trong thôn Bắc Nội, sau đó chúng tôi được học thày -thày Cách - chúng tôi vẫn gọi thày như thế suốt bốn mươi chín năm qua.

Những đứa trẻ tuổi lên chín lên mười ngày ấy chẳng hề biết họ tên đầy đủ của thày. Chúng tôi cứ hồn nhiên đón nhận những kiến thức đầu đời qua sự dạy dỗ của thày, không bao giờ hỏi là thày quê ở đâu mà về Bắc Nội, một thôn sát bìa rừng của xã Bắc An dạy học. Lũ trẻ chúng tôi mặc nhiên thừa nhận những gì vốn có, không thắc mắc gì cả. Bây giờ tôi cũng không nhớ chính xác là trụ sở Trường Cấp I Bắc An đóng ở thôn nào, hình như là thôn Chín Hạ. Thôn Bắc Nội có một lớp nên chỉ có một phòng học. Thày giáo Cách của chúng tôi ở nhờ nhà dân trong thôn.
Những năm sáu tám, sáu chín của thế kỷ trước, xã Bắc An là vùng sâu vùng xa của huyện Chí Linh. Trường cấp I của xã chỉ mới làm được việc gọi các em học sinh ra lớp và bảo đảm được chương trình giáo dục của mỗi lớp, còn các phong trào khác hầu như chưa có. Vì vậy ngoài một buổi học mỗi ngày và thêm một buổi lao động ngoại khóa mỗi tuần, bọn học trò chúng tôi không biết nhiều về nhà trường nói chung mà chỉ nhớ thày giáo dạy lớp mình. Ký ức tôi còn rõ nét hình ảnh thày Cách ngày ấy. Thày dong dỏng cao, da trắng, gương mặt sáng và đặc biệt là nụ cười bẽn lẽn luôn làm cho thày có một vẻ thật hiền, thật trong sáng. Mỗi khi lên lớp, thày hết lòng giảng giải cho chúng tôi những bài học trong sách giáo khoa. Bọn trẻ con nông trường chúng tôi so với các bạn khác tiếp thu bài khá nhanh và hay bình luận về những giờ dạy của thày nên chúng tôi cũng hiểu bài kỹ hơn. Tôi nhớ mình đã khóc khi nghe thày giảng về tấm gương Nguyễn Ngọc Ký và người bạn của anh…Hai người bạn cõng nhau đi học có những hôm trời mưa bị ngã… Thày cũng dạy chúng tôi những bài hát thời ấy. Tôi còn nhớ nhiều bài như: “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Giải phóng miền Nam”, “Kim Đồng”, “Hoa Xuân Tứ” và nhất là bài “Vui mùa chiến thắng” của nhạc sỹ Văn Chừng. Thày thường dẫn chúng tôi đi thi học sinh giỏi. Năm tôi học lớp 4, kỳ thi học sinh giỏi đúng vào đợt gió mùa đông bắc. Thày đưa năm học trò nhỏ từ Bắc An ra thi ở Văn An. Trời rét, gió to, đi ngang qua cánh đồng mới gặt xong còn ngập nước, tôi bị gió bạt xuống ruộng, ướt vào tận lớp áo trong cùng. Đến nơi, thày trò tôi phải nhờ bếp lửa rơm của nhà chủ để hong khô quần áo…
Thế rồi tôi học lên cấp II, cấp III, đại học và về Nam công tác. Tôi không quên thày giáo dạy cấp I của mình và khi bạn bè gặp nhau, chúng tôi lại nhắc đến thày. Mỗi khi có dịp ra Bắc, tôi đều đi thăm các thày cô giáo mà tôi đã từng được học và tôi vẫn luôn muốn đi tìm thày Cách của chúng tôi. Nhưng tôi chẳng biết làm thế nào để tìm được thày. Tôi chỉ có  hai dữ liệu là thày tên Cách và đã từng dạy cấp I ở thôn Bắc Nội xã Bắc An. Năm tháng trôi, ngoảnh lại phía sau đã bốn mươi lăm năm ngày tôi xa thày, xa trường Cấp I xã Bắc An. Và tôi vẫn không thôi ý định đi tìm thày. Hình như Trời Phật luôn sẵn lòng giúp đỡ những người thực tâm muốn đi tìm ai đó. Xóm Tri Ân đón thành viên mới Nguyễn Xuân Hiểu. Khi biết anh Hiểu đã từng làm hiệu trưởng một trường tiểu học, tôi nghĩ ngay là sẽ hỏi anh về thày. Cảm ơn Trời Phật, tôi đã hỏi đúng địa chỉ. Anh Hiểu cho tôi biết họ tên đầy đủ của thày: Phan Quang Cách và lập tức đồng ý đưa tôi đến nhà thày.
Trên đường đến nhà thày, lòng tôi run lên hồi hộp. Tôi không thể hình dung được thày giáo của tôi như thế nào sau bốn mươi lăm năm xa cách. Lại cảm ơn Trời Phật, thày giáo tôi vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Sau ngỡ ngàng bất ngờ, thày dần dần hình dung lại cô học trò nhỏ ngày xưa. Và bây giờ tôi mới biết lớp chúng tôi là lứa học trò đầu tiên của thày, khi ấy thày mới 19 tuổi…
Hàn huyên vội vàng chuyện gần nửa thế kỷ, tôi lại chia tay thày về Tuy Hòa. Tôi vui vì ký ức mình dầy thêm kỷ niệm, vui vì đã thực hiện thêm một điều ước nguyện trong cuộc đời mình. Và tôi lại có thêm một địa chỉ yêu thương trên mảnh đất Chí Linh, nơi mà tôi luôn muốn tìm về trong hành trình Tri Ân Cuộc Đời.

19/11/2012
Nguyễn Tô Hà
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét