Một trong những điều đầu tiên IS làm khi vừa chiếm được Palmyra hồi tháng trước là cho nổ tung nhà tù Tadmur
Khi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm được thành phố Palmyra của Syria hồi tháng trước, một trong những điều đầu tiên nhóm này làm là cho nổ tung nhà tù Tadmur, nhà tù khét tiếng nhất nước này, nơi mà trong hàng chục năm, các nhà bất đồng chính kiến đã bị giam giữ và tra tấn. Soumer Daghastani nhìn lại lịch sử nhà tù này:
Người phương Tây biết đến Palmyra như những khu phế tích đổ nát từ thời Hy Lạp-La Mã cổ đại, nhưng từ trong tiếng Ả rập để chỉ nơi này, Tadmur, lại khiến cho hầu hết người dân Syria cảm thấy sợ hãi.
Nó đồng nghĩa với cái chết, sự tra tấn, nỗi khủng khiếp và sự điên loạn.
Nhà tù do Pháp xây hồi thập niên 1930, nằm ngay giữa sa mạc và cách thủ đô Damascus chừng 200km về phía đông bắc.
Nhưng tới thời cầm quyền 30 năm của Hafez al-Assad, từ 1971 đến 2000, nhà tù này mới trở nên khét tiếng.
Hàng ngàn bất đồng chính kiến đã bị ngược đãi, tra tấn và xử tử nhanh chóng tại đây.
"Gọi đó là nhà tù thì thật không công bằng. Trong nhà tù, tù nhân được hưởng những quyền căn bản, nhưng tại Tadmur thì họ không có gì hết. Bạn chỉ có nỗi sợ hãi, ghê rợn," cây viết người Palestin Salemeh Kaileh viết. Ông từng bị giam tại đây trong hai năm, từ 1998 đến 2000, bị cáo buộc là chống lại các mục tiêu cách mạng vốn giúp đưa Đảng Baath của ông Assad lên nắm quyền.
Nhà tù Tadmur do Pháp xây thời thập niên 1930, nhưng trở nên khét tiếng từ thập niên 1970
Trong thời gian cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980, hàng ngàn ủng hộ viên cánh tả và của các nhóm Hồi giáo đã bị bắt giữ. Nhiều người bị xử tử hoặc chết trong khi đang bị tra tấn. Những người may mắn thì phải ngồi tù ở đây ba, bốn năm. Có những người bị giam tới 20 năm.
Cuộc thảm sát đẫm máu bên trong những bức tường của nhà tù Tadmur hồi năm 1980 còn khắc sâu trong tâm trí người dân Syria.
Một ngày sau vụ ám sát bất thành ông Hafez al-Assad, các thành viên của Lữ đoàn Phòng vệ khét tiếng, khi đó do em trai của ông Assad là Rifaat lãnh đạo, đã từ Damascus tới Tadmur bằng trực thăng. Binh lính đã vào từng phòng giam, dùng súng máy nã vào tù nhân.
Không ai biết chính xác bao nhiêu người đã bị giết chết, nhưng bản phúc trình của tổ chức Amnesty International ước tính từ 500 đến 1.000 người đã thiệt mạng chỉ trong vài phút; hầu hết là thành viên hoặc bị nghi là những ủng hộ viên của nhóm Huynh đệ Hồi giáo.
Tin tức nói các thi thể đã bị vứt đống trong một ngôi mộ tập thể bên ngoài nhà tù.
Tra tấn man rợ
Nhà tù được xây theo thiết kế hình tròn, khiến các tù nhân khi ngồi trong phòng giam vẫn bị lính canh liên tục theo dõi từ trên xuống
Các cựu tù nhân nói với Amnesty rằng nhà tù có bảy sân, khoảng 40 đến 50 phòng giam lớn, và 39 phòng giam nhỏ. Ngoài ra còn có 19 hầm giam cấm cố chuyên trừng phạt các đối tượng cứng đầu.
Toàn bộ các phòng giam lớn đều có cửa sổ chăng dây thép gai trên trần nhà.
"Chúng tôi không biết là các lính canh bên trên có theo dõi chúng tôi hay không. Nhưng không ai dám rời khỏi vị trí của mình, thậm chí không dám cả ngóc đầu dậy nếu không muốn gánh hậu quả nghiêm trọng," Kaileh nói.
Theo các cựu tù nhân, nhà tù Tadmur gồm khoảng 40-50 phòng giam lớn, 39 phòng giam nhỏ và 19 hầm giam cấm cố
Các tù nhân không được phép ngóc đầu dậy, ngẩng nhìn lên trên hoặc nhìn nhau.
"Tôi đã không nhìn vào mắt các bạn tù, và cũng chẳng có ai nhìn vào mắt tôi cho tới khi chúng tôi cùng ra khỏi tù. Việc nhìn vào mắt nhau là hoàn toàn cấm tiệt," nhà văn người Syria Yassin Haj Saleh viết trong bài báo có tựa đề Đường tới Tadmur - ông đã bị giam ở đây từ 1995 đến 1996.
"Chúng tôi từng phân biệt những người lính gác bằng cách nhìn vào giày họ đi, bởi chúng tôi không bao giờ nhìn mặt họ," một cây viết khác người Syria , nhà thơ Faraj Bayrakdar nói. "Người lính canh đi giày bốt đen thì tử tế nhưng người lính đi giày bốt xanh rất tàn nhẫn."
Faraj Bayrakdar
Sau khi được thả, một số tù nhân phải mất tới nhiều năm mới có lại thói quen dám nhìn vào mắt người khác.
Tra tấn là màn nghi lễ hàng ngày - một hành trình đằng đẵng đau đớn dẫn đến cái chết từ từ.
"Khi cái chết là chuyện diễn ra hàng ngày, âm thầm trong các trận tra tấn, vô cớ đánh đập, móc mắt và đập dập ngón tay, thì bạn có mong được chết một cách nhẹ nhàng bằng một viên đạn ân huệ không?" một cựu tù nhân viết trong cuối hồi ký được đưa trộm ra khỏi Syria hồi 1999.
Các cựu tù nhân thường kể về những giờ đồng hồ đầu tiên họ tới Tadmur và cái được gọi là "tiệc đón tiếp" - một phiên tra tấn mở màn dành cho các tù nhân mới tới.
"Các cai ngục lôi chúng tôi ra khỏi xe buýt, dùng roi quất một cách tàn nhẫn không thương tiếc cho tới khi tất cả chúng tôi ra khỏi xe... lực lượng quân cảnh lục soát quần áo chúng tôi và từng người một bị tống vào bên trong một cái lốp xe hơi, rồi mỗi tù nhân bị đánh vào bàn chân từ 200 đến 400 lần," một cựu tù nhân nói với Amnesty.
"Ai cũng trong đau đớn thê thảm, chân đùi chảy máu, đầy vết thương. Các nơi khác trên cơ thể cũng vậy. Một số tù nhân chết ngay trong buổi tiệc đón tiếp đó," ông nói.
"Các cai ngục được phép làm bất kể điều gì, kể cả giết người. Sinh mạng con người trong đó không có nghĩa lý gì hết," Kaileh nói.
Các cai ngục nghĩ ra những biện pháp tra tấn tù nhân mới cốt chỉ để tiêu khiển. Kaileh nói họ còn nghĩ ra các cách tra tấn lạ lùng, bệnh hoạn. Có một đêm, người lính canh đứng từ trên nhìn xuống cửa sổ phòng giam và ra lệnh cho ông phải di chuyển toàn bộ dép trong phòng giam, chừng 100 đôi, mà chỉ được dùng miệng. Ông đã phải liên tục làm việc này trong suốt đêm.
Những người khác kể về một vụ hai tù nhân bị buộc phải tóm tay, chân của một bạn tù khác tung người đó lên cao rồi bỏ mặc cho rớt xuống sàn đất. Một người tù không chịu làm vậy đã bị đánh đập vào đầu và chết sau đó một tháng.
Khi tù nhân kêu gào xin trợ giúp y tế cho những người tù hấp hối thì lính gác luôn đáp rằng: "Hãy chỉ gọi chúng tôi tới lượm xác chết."
"Tadmur là vương quốc của sự chết chóc và điên loạn. Chuyện có một nơi như thế tồn tại quả là một sự hổ thẹn không chỉ cho người Syria mà cho cả nhân loại," Bayrakdar nói.
Khi chiếm được tòa nhà, IS đã công bố các hình ảnh chụp bên trong. Ngoài các lính canh và các tù nhân, những người từng sống bên trong, trước đây không ai từng được chứng kiến những gì đằng sau các bức tường.
Nhưng việc IS phá hủy tòa nhà khiến nhiều người cảm thấy sốc. Họ muốn nơi đó phải được giữ là như một nhân chứng cho những năm tháng tàn bạo.
"IS đã phá hủy một biểu tượng lịch sử lẽ ra cần phải được lưu giữ, bởi trong mỗi căn phòng đều có những con người từng bị giết chết," Ali Aboudehn, một người Lebanon từng bị giam tại đây bốn năm nói.
*****
0 nhận xét:
Đăng nhận xét