Khi một khách hàng gọi cho ông Al Stewart, nhà tư vấn nghề nghiệp, để hỏi lời khuyên về tìm một công việc ổn định lâu dài, nhà sáng lập công ty Business Mentors đã phì cười.
Chấp nhận thử thách
“Thời kỳ mà có những người dành cả đời để làm việc cho IBM để cuối cùng được thưởng một chiếc đồng hồ Rolex đã qua lâu rồi,” Stewart cho biết trong một email, “Không ai giữ được một công việc lâu dài trước những thay đổi thường xuyên, sự cạnh tranh toàn cầu hay sự lỗi thời về công nghệ.”
Hơn bao giờ hết, bây giờ rất khó mà tìm được những công việc mà chúng ta có thể tin tưởng trong thời gian dài. Tuy nhiên, vẫn có cách xử lý. Thay vì tập trung vào một ngành nghề cụ thể, những người đi làm nên xây dựng cho mình nhiều thế mạnh và kỹ năng khác nhau để có thêm lợi thế, theo các chuyên gia nghề nghiệp.
Mặc dù không có quả cầu tiên tri để dự đoán tương lai, chúng ta vẫn phải nhìn về phía trước, ông Stewart, người có văn phòng ở Atlanta và Paris , nói.
“Anh cần phải sẵn sàng trang bị cho bị những kỹ năng mới, trau dồi thêm trình độ của mình để đi những bước mạo hiểm để giúp mình luôn đón đầu những biến động về nghề nghiệp trong tương lai.”
Đôi khi điều này có nghĩa là nói ‘có’ với điều gì đó ngay cả khi bạn không biết chắc kết quả.
Bà Monica O’Reilly ở công ty tư vấn Deloitte & Touche LLP nhớ lại bà đã từng nhận một lần gọi hồi mới đi làm. Đó là một buổi sáng thứ Bảy và bà được yêu cầu bay đến Hàn Quốc vào thứ Hai tuần sau để lãnh đạo một dự án đầy khó khăn trong vòng sáu tháng.
Mặc dù O’Reilly thích làm lãnh đạo, bà biết điều này sẽ khiến bà đi xa khỏi nơi mà bà cảm thấy thoải mái. Dự án cuối cùng cũng thành công và nhờ vào đó mà bà có thêm nhiều cơ hội mới.
“Điều mấu chốt là xem đây là cơ hội tuyệt vời để học hỏi và phát triển với việc làm những gì mình thích chứ không phải chỉ nhìn thấy thời gian làm việc căng thẳng, sống xa nhà hay những thách thức văn hóa,” bà nói.
Công việc không thể ổn định?
Những người có nhiều kinh nghiệm làm việc hơn, nhiều người có hàng chục năm kinh nghiệm, thường phạm sai lầm khi cho rằng công việc của họ đã ổn định, bà Kathy Caprino, một nhà tư vấn về nghề nghiệp ở Connecticut, nói.
“Tôi đã chứng kiến hàng trăm những người làm lãnh đạo ở các doanh nghiệp, cả nam lẫn nữ, trên 50 tuổi, bị sa thải khỏi vị trí của họ. Lúc đó họ mới tỉnh táo mà nhận ra rằng họ đã không xây dựng được một mạng lưới hỗ trợ, không cập nhật những kỹ năng của mình, không học hỏi những xu thế mới trong lĩnh vực của họ và không gần gũi với những người có thể giúp đỡ họ,” bà viết trong email.
Những người đi làm cần làm quen với việc phải trải qua từ 10 đến 15 công việc trong suốt sự nghiệp của mình, theo bà Maite Baron, giám đốc điều hành của Corporate Escape, một công ty tư vấn nghề nghiệp có trụ sở ở London vốn giúp những nhân viên bất mãn trở thành những chủ doanh nghiệp.
“Không có công việc hay nghề nào làm cả đời cả,” bà viết trong email.
“Những nguyên tắc lâu nay về những công việc không sợ bị thay đổi chẳng hạn như trong ngành kiến trúc, kế toán hay luật không còn đúng nữa. Ngay cả ngày nay, những luật sư mới vào nghề chẳng hạn đã có nguy cơ mất việc khi mà ngày càng nhiều những công việc nghiên cứu mà trước đây họ phải làm giờ đây đã được thực hiện trên các phần mềm máy tính.”
Bà Baron cho rằng chúng ta chỉ biết chắc một điều duy nhất về tương lai sự nghiệp của mình: học hỏi không ngừng là rất quan trọng.
“Cho dù là học hỏi trong công việc hay đi học chương trình riêng ở ngoài thì bạn cần phải làm cho mình có khả năng suy nghĩ sáng tạo và tư duy linh hoạt – điều này sẽ khiến cho bạn trở nên hoặc là hấp dẫn trong con mắt nhà tuyển dụng hoặc là không đáng để được tuyển,” bà cho biết.
Tránh những công việc tự động hóa
Tránh xa những công việc có thể được tự động hóa. Theo một báo cáo nghề nghiệp của Úc hồi năm 2014, chỉ riêng ở quốc gia này có thể mất gần 500.000 công việc do sự tự động hóa hay trí thông minh nhân tạo gây ra trong những năm sắp tới. Một báo cáo hồi năm 2013 của Trường Oxford Martin cho thấy khoảng 45% công việc ở Mỹ có nguy cơ cao là sẽ bị các máy tính thay thế trong vòng hai thập niên nữa.
“Sẽ hợp lý nếu chúng ta tập trung vào những ngành nghề mà robot hay các phần mềm ít có khả năng thay thế trong tương lai,” bà Baron nói.
“Đó là những ngành nghề mà sự tương tác của con người, kỹ năng sáng tạo hay kỹ năng công nghệ đóng vai trò quan trọng, chẳng hạn như chuyên gia trị liệu, viết phần mềm hay thiết kế robot.”
Nếu bạn tìm kiếm một công việc có triển vọng phát triển lâu dài thì đừng đợi cho đến khi bạn vào làm trong một công ty mới hình dung ra về văn hóa của ngành nghề đó, theo ông Ed Fleischman, giám đốc điều hành của ExecuSearch Group, một công ty tuyển dụng ở New York.
“Trong quá trình phỏng vấn và thông qua sự tìm tòi của chính mình thông qua mạng xã hội của công ty, hãy tìm những dấu hiệu cho thấy công ty đó sẽ đào tạo nhân viên và xây dựng sự phát triển nội lực,” ông viết trong một email.
“Thêm vào đó, đừng bao giờ để mình bị đồng tiền lung lay nếu bạn cảm thấy công ty hạn chế khả năng phát triển của bạn hay văn hóa của công ty không đáp ứng được những gì bạn muốn. Nếu bạn có nhiều lời đề nghị công việc khác nhau, hãy chọn công ty nào có nền tảng phù hợp nhất đối với bạn,” ông nói.
“Suy cho cùng, nếu bạn càng hài lòng chừng nào với công ty của mình thì bạn càng có động cơ tìm kiếm cơ hội phát triển năng lực của mình chừng đó.”
Elizabeth Garone
0 nhận xét:
Đăng nhận xét