Cùng với sự phát triển của cuộc sống hiện đại và sự đô thị hóa, con người đang rời xa thiên nhiên và sống trong các khu rừng bằng bê tông. Nhưng nhu cầu kết nối của con người với thiên nhiên sẽ không bao giờ ngừng. Do đó mong muốn có một ngôi vườn hay trồng cây ở trong nhà đang gia tăng không ngừng nhất là ở những thành phố lớn. Và khi chúng ta quá bận rộn với cuộc sống này, làm thế nào để chúng ta có thể chăm sóc chúng? Một phát minh mới của Việt Nam, vừa lọt vào vòng bán kết cuộc thi boot camp về sáng tạo khoa học và công nghệ GIST của Mỹ, sẽ đem đến cho những ngôi nhà thông minh một vườn cây thông minh bằng công nghệ của thế kỷ 21.
Người sáng chế ra hệ thống này là Phạm Ngọc Thắng, một trong 76 cá nhân từ 37 quốc gia được chọn vào danh sách bán kết của cuộc thi Tech-I của Hiệp Hội Mỹ về Phát Triển Khoa Học. Có gần 800 đơn dự thi từ 74 quốc gia được gửi đến cuộc thi này.
Thắng và một nhóm bạn đã bắt đầu làm dự án này từ khi còn là sinh viên của trường Đại học FPT, cách đây chừng 5-6 năm, xuất phát từ nhu cầu của người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng tự trồng cây – cả cây cảnh và rau sạch – để tự mình thu hoạch do vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam ngày càng gia tăng và đáng báo động. Do vậy mọi người đều muốn tự trồng cây nhưng không có thời gian và cũng không biết cách trồng. Những người sống ở các thành phố thì thậm chí không có đất để trồng. Anh Thắng cho biết:
“Lúc đó smartphone chưa phổ biến nhưng đã nghĩ rằng với xu thế công nghệ này trong tương lai smartphone sẽ điều khiển tất cả mọi thứ - tự động theo dõi qua smartphone. (Chúng tôi) đã nhìn thấy xu hướng này cách đây hơn 5 năm. Lúc đó chỉ đơn thuần là idea (ý tưởng) về một thứ phù hợp với sự phát triển cho cuộc sống ờ thành phố chứ không hề nghĩ đến mục đích thương mại hay xu hướng công nghệ - nhưng bây giờ nó là một xu hướng công nghệ, xu hướng này là Internet of Things. Mọi thứ đều kết nối với smartphone – tất cả các hãng công nghệ lớn từ Apple cho đến Google và ngay cả Bkav và các hãng công nghệ khác ở cũng đang tìm cách nhảy vào thị trường này.”
Walltop Forest, hay cây treo tường thông minh, là một sản phẩm từ A đến Z mà con người không cần giành thời gian chăm sóc nó, theo người sáng chế Phạm Thắng. Là một sản phẩm của sự kết hợp giữa kiến trúc, thiết kế và công nghệ, người dùng chỉ cần một góc nhỏ trong nhà cũng có thể trồng cây mà không cần ánh sáng mặt trời và không cần chăm sóc. Từ lúc gieo hạt cho đến lúc thu hoạch cho đến lúc có rau ăn là không phải làm gì hết. Theo phần giới thiệu của thiết bị này trên trang web của cuộc thi, công nghệ này có lẽ là giải pháp vườn trong nhà dễ sử dụng nhất trên thị trường và cũng gây ra ít tiếng ồn hơn các giải pháp khác:
“Dùng công nghệ đèn tạo ánh sáng mặt trời và bên dưới có dung dịch thủy canh thay cho đất nên bản chất là không khác gì tự nhiên cả. Nhưng vì trong điều kiện trong nhà nên phải dùng công nghệ để khắc phục các điểm yếu đó.”
Tình trạng của cây sẽ được theo dõi qua một phần mềm ứng dụng có thể tải miễn phí trên smartphone. Do vậy dù ở đâu người dùng cũng có thể theo dõi được – cây khô héo hay thiếu nước sẽ được báo lên phần mềm này. Bộ cây trồng được kết nối với internet và qua đó kết nối với phần mềm trên smartphone. Anh Thắng nói:
“Trong hệ thống cây có cảm biến điện tử đo được mức nước và độ ẩm trong rễ cây. Sau đó nó truyền về bộ xử lý trung tâm rồi từ đó truyền về máy chủ; từ máy chủ sẽ thông báo về cho điện thoại của người dùng.”
Phần mềm ứng dụng này, theo anh Thắng, còn đang thử nghiệm nội bộ và chưa chính thức đưa ra sử dụng cho công chúng. Nhóm vẫn đang tìm tòi để phát triển dự án này:
“(Chúng tôi) đang chuyển hướng từ cây cảnh sang cây trồng – trồng rau – có vẻ thiết thực hơn. Nhóm vẫn đang nghiên cứu – không nhanh để đưa ra thị trường được. Ở Việt Nam do ngành công nghiệp phụ trợ kém nên từ lúc đưa ra 1 prototype cho đến lúc nó sẵn sàng cho việc sản xuất là không dễ.”
Phạm Ngọc Thắng, người sáng chế ra WallTop Forest
Anh Thắng cùng nhóm nghiên cứu tham gia vào thể loại dự án đã triển khai và dừng lại ở việc có prototype (sản phẩm mẫu). Anh Thắng cho biết từ sản phẩm mẫu này chỉ cần vốn là có thể sản xuất đại trà. Thắng cho biết ý tưởng này có thể áp dụng trên toàn cầu vì ở đâu – nhất là các thành phố lớn – đều có nhu cầu này.
“Đã có một số ý tưởng tương tự nhưng còn đang thai nghén – chưa có sản phẩm hoàn thiện nào được đưa ra thị trường. Đây là một phần trong xu hướng Internet of Things mà mới chỉ nở rộ trong 2/3 năm nay.”
Đây là xu hướng của thế giới và Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng này. Anh Thắng nói:
“Mọi thứ sẽ thông minh hơn rất là nhiều – điển hình là smart home (nhà thông minh) trong đó mọi cái sẽ được kết nối và tự động hóa (điều hòa tự bật, rèm cửa tự mở và nhạc tự bật lên) làm cho trải nghiệm của cuộc sống con người được tốt hơn.”
Đây là lần đầu tiên anh Thắng và nhóm tham gia GIST Boot Camp nhưng trước đây họ đã tham dự các boot camp công nghệ chủ yếu về điện tử và tự động hóa theo xu thế Internet of Things (Internet của vật dụng) từ khi còn là sinh viên. Thắng nói không dễ để triển khai những ý tưởng ở Việt Nam vì thị trường Việt Nam không đón nhận những ý tưởng mới dễ dàng như những thị trường phát triển khác. Nguyên nhân là do mức sống và thói quen tiêu dùng của người Việt cùng với dân trí. Nhưng điều đó không làm cho Thắng và nhóm nhụt chí:
“Thật ra bọn mình chưa bao giờ từ bỏ. Có thể bây giờ nó (thị trường) chưa sẵn sàng nhưng khi nó sẵn sàng thì bọn mình đã đi trước rất nhiều năm rồi. Nhóm mình thành phần rất đa dạng: có kiến trúc, marketing, sale… khá là đầy đủ để làm sản phẩm.”
Nhưng mục tiêu lớn hơn của nhóm là chăm sóc khách hàng được tốt hơn trong những dịch vụ khác.
“(Với công nghệ này) khi đặt được một cây trong nhà thì có các thông tin của người dùng nó: ví dụ biết được lúc nào họ ở nhà, hôm nay chăm sóc cây mấy lần và thậm chí thu được tiếng động trong nhà.”
Internet of Things là như vậy: khi khách hàng dùng, mình có rất nhiều thông tin của họ - do đó nó rất giá trị vì giúp quảng cáo đúng người hơn và phục vụ khách hàng tốt hơn, theo anh Thắng.
“Ngoài ý nghĩa về mặt thương mại thì nó có ý nghĩa về mặt xã hội rất là lớn vì nó tăng diện tích cây xanh trong gia đình; có thể thấy diện tích phủ xanh trong gia đình rất là tốt. Mà ở Việt Nam bây giờ diện tích cây xanh càng ngày càng bị thu hẹp lại.”
Anh Thắng hy vọng dự án này sẽ được chọn lựa. GIST Boot Camp là một cơ hội tốt hỗ trợ cho các doanh nghiệp mới – là một cầu nối và bệ phóng để có cơ hội tiếp cận với các thị trường mới và nhà đầu tư mới. Người nhận được số phiếu bầu nhiều nhất sẽ giành chiến thắng trong cuộc thi của Startup Boot Camp khu vực và sẽ được tham dự khóa đào tạo ở Kenya . Những người lọt vào vòng chung kết sẽ cạnh tranh trong vòng thi trực tiếp để giành số tiền thưởng là $70,000 bao gồm cả việc đào tạo.
Linh Ðan
0 nhận xét:
Đăng nhận xét