Xuân Quỳnh (1942-1988), tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, quê ở La Khê thành phố Hà Đông tỉnh Hà Tây. Chị sớm mồ côi mẹ nên ở với bà nội từ nhỏ. Xuân Quỳnh từng là diễn viên múa Đoàn văn công nhân dân Trung ương, là biên tập viên báo Văn nghệ, biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III. Nhưng, Xuân Quỳnh được mến mộ nhất với danh hiệu nhà thơ. Chị đã để lại nhiều tập thơ có giá trị như: Hoa dọc chiến hào (1968), Gió Lào cát trắng(1974), Lời ru trên mặt đất(1978), Tự hát(1984), Hoa cỏ may(1989)… Trong đó, rất nhiều bài thơ, câu thơ có sức neo đậu bền lâu trong lòng độc giả. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ giàu yêu thương, nhiều trắc ẩn vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường. Một số bài thơ về tình yêu lứa đôi của chị được phổ nhạc và được rất nhiều người yêu thích.
Tôi yêu thơ Xuân Quỳnh và có ấn tượng với nhiều bài thơ của chị. Bài thơ : Mẹ của anh là một trong những bài thơ tôi rất tâm đắc:
Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bàn chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao
Câu ca mẹ hát thủa nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa
Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà
Em xin hát tiếp bài ca
Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông vô bờ
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em
Từ xa xưa, người ta đã truyền nhau nhiều câu ca để nói về sự phức tạp trong quan hệ nàng dâu mẹ chồng. Nào là : Thật thà cũng thể lái trâu/ Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng ; nào là : Vôi nào vôi lại không nồng/ mấy đời mẹ chồng mà thương nàng dâu. Vì thế, dù rất nhiều thơ văn ngợi ca người mẹ, nhưng lại thật ít thơ văn ca ngợi mẹ chồng. Nhất là thơ văn do chính con dâu viết về mẹ chồng mình. Ấy vậy mà Xuân Quỳnh lại khẳng định dứt khoát tình cảm, trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc của mình với mẹ chồng :
Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
Biết bao yêu thương trìu mến chứa đựng trong một câu thơ mộc mạc, giản dị này: « Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi » !
Từ tình yêu thương, lòng biết ơn với mẹ chồng, Xuân Quỳnh đã cảm nhận thật đầy đủ, những hi sinh hết mình vì con trai của mẹ :
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Đồng thời chị còn thấu hiểu và chia sẻ với những vất vả, tảo tần, những thương khó gian truân mà mẹ đã trải qua: «Đâu con dốc nắng đường quen/ Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần». Với Xuân Quỳnh, mẹ không chỉ cho con trai mình máu thịt để làm nên hình hài, không chỉ cho tình yêu thương sự chăm sóc lúc con đau ốm, hay cho con cơm ăn áo mặc hàng ngày bằng sự tảo tần của mẹ mà mẹ còn là hiện thân của nếp sống của văn hóa ngàn đời để nuôi dưỡng tâm hồn con, vun đắp tài năng cho con. Trong mỗi thành công của con đều có mẹ đóng góp, trong mỗi câu thơ lời văn của con đều thấp thoáng lời ru câu hát của mẹ thủa nào :
Câu ca mẹ hát thủa nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
Vì thế, càng thương mẹ chồng bao nhiêu chị lại càng yêu thương chồng bấy nhiêu: «Thương anh thương cả bàn chân / Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao». Chị muốn ghé vai san sẻ với mẹ, muốn tiếp sức cùng mẹ để «...hát tiếp bài ca / Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn »; muốn hòa tình yêu chồng vào tình yêu thương vô bờ với mẹ chồng: «Hát tình yêu của chúng mình/ nhỏ nhoi giữa một trời xanh không cùng/ Giữa ngàn hoa cỏ núi sông/ Giữa tình yêu mẹ mênh mông vô bờ ». Bởi vì chị hiểu thật sâu sắc rằng mẹ đã sinh ra anh, nuôi dưỡng anh, nâng niu chăm sóc anh, coi anh là báu vật vô giá của đời mình. Nhưng rồi mẹ đã tặng anh cho chị.
Cho nên, hai câu kết trong bài thơ thực sự là một kết tinh đẹp đẽ vô cùng của tình yêu, lòng biết ơn mẹ chồng sâu sắc hòa với tình yêu chồng nồng nàn thiết tha của người thi sĩ tài hoa, người con dâu hiếu thuận, người vợ thảo hiền- Xuân Quỳnh :
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em
Nhân dịp 20-10, đọc lại bài thơ trên của Xuân Quỳnh tôi cứ nghĩ mãi rằng nếu ai cũng có sự thấu hiểu sâu sắc về mẹ chồng như thi sĩ Xuân Quỳnh thì quan hệ mẹ chồng nàng dâu sẽ tốt đẹp biết bao. Rồi lại cứ nghĩ rằng giá như kỉ niệm những ngày phụ nữ người ta hãy cho ngâm hoặc bình bài thơ này cặn kẽ thì hiệu quả biết chừng nào! Liệu ý nghĩ đó của tôi có đúng không ?
20-10-2012
Song Thu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét