Nguyễn Thiện Thuật
(1841-1926)
Nguyễn Thiện Thuật, người làng Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, đậu cử nhân khoa Bính Tý (1876). Nguyễn Thiện Thuật là một trong những quan lại kiên quyết chủ trương kháng chiến chống thực dân Pháp khi chúng tiến hành xâm lược nước ta cuối thế kỷ XIX. Khi thực dân Pháp tiến đánh Bắc kỳ lần thứ hai, ông đang giữ chức Tán tương quân vụ tỉnh Hải Dương, cùng một số sĩ phu yêu nước trong tỉnh đã đứng lên mộ quân đánh giặc. Ông đã liên hệ mật thiết với quan Tuần phủ Lạng-Bình Lã Xuân Oai phối hợp tác chiến với quân Thanh đóng ở nước ta lúc đó để cùng đánh Pháp. Triều đình Huế đầu hàng ra lệnh bãi binh, nhưng ông đã cự tuyệt, ở lại cùng với nhân dân đánh giặc. Sau đó triều đình nhà Thanh thỏa hiệp với thực dân Pháp rút quân về nước, ông phải bỏ sang Long Châu (Trung Quốc) để lánh nạn. Nhưng đến năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần vương ông lại trở về nước kháng chiến. Ông được vua Hàm Nghi cử giữ chức Bố chánh Hải Dương, sau đó lại được thăng Bắc kỳ hiệp thống quân vụ đại thần. Do có uy tín và đạo đức, ông đã trở thành vị thủ lĩnh của nghĩa quân Bãi Sậy. Căn cứ chính của nghĩa quân là vùng Bãi Sậy thuộc địa bàn các huyện Khoái Châu, Văn Giang, Văn Lâm thuộc tỉnh Hưng Yên. đây, nghĩa quân có thể khống chế những con đường giao thông thủy bộ chính ở đồng bằng và tỏa ra uy hiếp các tỉnh thành lớn. Mặc dù chỉ có vũ khí thô sơ, nhưng bằng lối đánh du kích, nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Nguyễn Thiện Thuật đã duy trì được cuộc kháng chiến trong ngót mười năm trời, ở một vùng đồng bằng không có rừng núi hiểm trở. Ban ngày cày ruộng, ban đêm đánh giặc, nghĩa quân Bãi Sậy đã biết dựa vào nhân dân, ẩn hiện bất thường, đánh địch bằng mọi cách và bằng mọi phương tiện.
Năm1889, ông bị đội quân tuần tiễu của Hoàng Cao Khải bao vây ở căn cứ Hai sông nhưng được Đốc Tít bố trí đưa sang Trung Quốc an toàn. Tại Trung Quốc ông vẫn hằng mong có ngày trở về đất nước xây dựng lại phong trào, nhưng tình thế ngày một khó khăn nên không thực hiện được. Năm 1926 ông mất tại Trung Quốc.
Nguyễn Thiện Thuật đã nêu cao ý chí kháng chiến, uy vũ của địch không khuất phục nổi ông. Địch đã bắt gia đình ông gồm hai mươi người để buộc ông đầu thú, nhưng ông đã khẳng khái trả lời: Thà hy sinh cả gia đình chứ không thể ngừng chiến đấu. Các em và các con ông đều tham gia phong trào cứu nước và đều bị quân thù giết hại hoặc bắt tù đày.
Với Chí Linh, Nguyễn Thiện Thuật còn để lại một bài thơ viết về Trần Hưng Đạo và đền Kiếp Bạc.
題陳興道祠
剎却衚元百萬兵
陳朝名相卓王靈
當年父子君臣義
亘估英雄豪桀名
滕海戎場春水闊
龠山祠廟暮雲平
願憑一剑清群醜
鬼毒如今甚伯灵
Phiên âm:
Đề Trần Hưng Đạo vương từ
Sát khước hồ Nguyên bách vạn binh,
Trần triều danh tướng trác vương linh.
Đương niên phụ tử quân thần nghĩa,
Cắng cổ anh hùng hào kiệt danh.
Đằng hải nhung trường xuân thủy khoát,
Dược Sơn từ miếu mộ vân bình.
Nguyện bằng nhất kiếm thanh quần xú,
Quỷ độc như kim thậm Bá Linh.
Dịch nghĩa:
Đề đền Trần Hưng Đạo
Giết phăng trăm vạn quân rợ Nguyên,
Vị tướng tài đời Trần oai linh lừng lẫy.
Bên cha bên vua trong tình thế lúc ấy
đã giữ trọn được nghĩa lớn,
Tiếng tăm anh hùng hào kiệt còn truyền
mãi đến ngày nay.
Bãi trận trên sông Đằng nước xuân man mác,
Ngôi đền chân núi Dược mây chiều phẳng lặng.
Muốn nhờ oai gươm thiêng trừ hết loài quỷ xấu,
Chúng còn độc ác hơn cả Bá Linh thuở ấy.
Dịch thơ:
Quét sạch rợ Hồ trăm vạn binh
Triều Trần danh tướng khét oai linh
Trước sau luôn giữ lòng trung nghĩa
Kim cổ anh hùng bậc nhất danh
Chiến trận Đằng Giang sông nước rộng
Dược sơn đền miếu khói mây lành
Muốn nhờ thanh kiếm trừ gian xấu *
Chúng ác còn hơn cả Bá Linh.**
Đỗ Đình Tuân dịch
Ghi chú:
*-Gian xấu: ở đây chỉ bọn thực dân Pháp đang tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược cướp nước ta ngày ấy(cuối thế kỷ XIX).
**-Bá Linh: tức Nguyễn Nhan, tên tướng Nguyên hung ác, bị Trần Hưng Đạo bắt và xử tử, ta thường gọi là Phạm Nhan (thằng tội phạm tên là Nhan).
30/10/2012
Đỗ Đình Tuân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét