Té ra với người Tây Nguyên, chết không phải là hết, mà chết là sự bắt đầu, nó sẽ tái sinh ở cõi A tâu. Nên mọi người rất hay tự tử, chả có lý do gì cũng tự tử. Bởi họ tin sẽ sang bên kia, có lẽ công bằng, có hạnh phúc, có những thứ mà ở cuộc đời này không có...
Mình thì nghĩ là, họ sống ở cuộc đời này khổ quá, chết có khi sướng hơn. Ngay bây giờ thôi, động tí là họ tự tử.
Trở lại cái anh chết tự tử kia.
Mọi người để anh nằm đấy và ăn uống nhảy múa, rất vui vẻ. Thi thoảng có người cầm miếng thức ăn đến quẹt vào miệng anh ta, ý là cho anh ăn.
Là bởi họ nghĩ anh ấy mới nằm đấy nghỉ ngơi, chứ chưa chết. Phải đến khi làm lễ bỏ ma thì mới chết hẳn, mới sang thế giới người âm. Vì thế, bây giờ và ba bốn năm nữa, anh này vẫn thường xuyên được "thăm nuôi", hàng ngày mọi người vẫn mang cơm nước ra mộ bón cho anh ta ăn, qua 1 cái lỗ thông hơi trên miệng quan tài. Ngoài ra khi mang đi chôn, anh ta vẫn được chia của cải, tất nhiên những đồ được chia, vì nó là của người chết, nên được làm cho hỏng đi, như chiêng, ghè thì đục thủng, các thứ khác cũng làm cho méo cho dẹp đi...
Lẽ ra thì anh này "được nằm" cả tuần kia, cho dân làng ăn uống no say càng lâu càng tốt, nhưng có đoàn công tác nên xã vận động gia đình chôn sớm. Và gia đình chấp thuận.
Anh này được đưa ra khu nhà mồ, chọn cái mộ của gia đình, là một cây gỗ đã đục bộng bên trong. Người ta mở nắp cái quan tài nguyên cây rất to ấy ra, và... bên trong đã có 3 xác, có một xác mới chôn mấy tháng.
Tôi suýt nôn tại chỗ vì cái mùi xộc ra từ quan tài. Lùi ra mấy bước tôi lấy khăn mùi xoa nhúng vào nước rượu cần rồi khéo léo kẹp vào tay che mũi, và lại xán vào, bởi tôi biết, sẽ hiếm khi nào được chứng kiến lại, và đây chính là cách để tôi tiếp cận Tây Nguyên, là cách mình nuôi vốn sống. Tiếc là hồi ấy chưa có máy ảnh.
Họ đặt anh này vào, nhưng không đủ chỗ vì thế anh ta cứ vồng lên trên quan tài. Lại lôi ra rồi 2 người nhảy vào quan tài... nhún. Nước từ cái thi thể mới chôn phòi ra, xẹp bớt đi, và người ta lại cố gắng nhét anh này vào. Và sau nhiều loay hoay thì anh ta cũng nằm trọn vẹn được trong ấy. Như thế là trong cái quan tài ấy hiện có 4 xác người cùng huyết thống hoặc trong cùng gia đình, chắc là đầy rồi, sẽ không bỏ thêm ai nữa, chỉ chờ bỏ ma (pơ thi) thôi. Nhưng không phải, sau tôi hỏi chuyện một người già, ông ta bảo: để thời gian nó xẹp đi, mình lại cho thêm người mới vào được mà! Càng đông càng vui mà. Ra thế.
Và tôi để ý, những người vừa khiêng vác, vừa nhét người vào quan tài kia, họ lại tiếp tục bốc thức ăn ăn, như chưa từng làm việc ấy. Không chỉ thế, họ còn bốc đút cho người khác. Và không ai được nhè ra. Sau này tôi có quen một ông người Giẻ Triêng, lãnh đạo rất to, ông này cũng hay nhậu tê tê rồi bốc thức ăn bỏ vào mồm khách, bắt ăn bằng được. Có ông ọe ngay tại chỗ vì miếng thức ăn to quá, trong khi ông quan niệm, miếng càng to càng quý khách. Hôm rồi ngồi với ông anh Đỗ Quang Hoàn, nhà báo mới về hưu, nhắc lại, ông Hoàn kể rất nhiều người, toàn tây học, trí thức, hàm vụ trưởng thứ trưởng... sửng cồ với ông này khi bị nhét thức ăn như thế. Nhưng thực ra đấy là phong tục hiếu khách của người Tây Nguyên. Ông này có tật vừa ăn vừa xỉ mũi, có khi vừa lấy tay vắt mũi lại thò tay bốc thức ăn cho vào miệng khách. Vì ăn bốc từ nhỏ, nên người Tây nguyên bốc rất khéo, và nhét vào mồm cũng rất khéo, chứ cánh ta, bốc cái gì cũng lòa xòa, trừ 1 thứ, hehe...
Thì ở đây tôi cũng xơi mấy nắm thức ăn, có cơm, có thịt, có lá mì, đầy mồm. Tôi ngậm một lúc rồi tìm chỗ... nhả, tất nhiên nước thì nó đã kịp vào bụng mình rồi. Đồng bào có vài món chín, còn lại là những món rất khó ăn, như thịt bạc nhạc băm nhuyễn rồi trộn với phân, tiết... thành một thứ lệt xệt như ta dùng để nhồi vào nhồi ấy, nhưng ta thì luộc, xong rồi còn nướng hoặc rán, đây đồng bào để thế và... bốc ăn. hay những miếng thịt gói vào lá gì ấy, rồi vùi trong tro ấm, chỉ tro ấm chứ không than, khi mở ra miếng thịt chỉ hơn âm ấm, và cũng ăn.
Một thời, tôi đã lăn lộn dưới làng, ăn như thế, uống như thế, và cái hay là, không đau ốm gì. Tất nhiên trong túi luôn có Tetraciline hoặc cloxit, loại kháng sinh thời ấy, đắng đến nôn ọe. Thế mà một lần tôi dã cứu 1 cháu bé 7 ngày tuổi bằng chính cloxit ấy, nếu không có viên thuộc tôi nghiền nhỏ rồi vắt sữa mẹ nó vào dốc cho nó lúc nửa đêm ở cái làng biên giới xa xôi ấy, đứa bé chắc chắn chết vì mất nước, vì cứ 5 phút nó lại xoẹt một lần, tôi nằm mà xót ruột, và sau khi hội ý với mấy sư phụ Tô Ngọc Thanh, Phạm Hùng Thoan... tôi đã dậy cho cháu uống như thế, và như một phép tiên, nó cầm đi ỉa, và sáng sau ngủ như chó con... Té ra đồng bào ít dùng thuốc, nếu không muốn nói là chưa bao giờ, nên mình cho thuốc gì cũng rất dễ khỏi. Tôi đã nhiều lần làm bác sĩ và đã thành công là vì thế...
Cũng chuyến đi ấy, lần đầu tiên tôi biết cách ông Núp đánh chông thò, biết chỗ ông ngồi rình để... bắn Pháp chảy máu...
Bận quá các bác ạ, mỗi ngày nhà cháu gõ ít chữ, cố gắng hết năm thì... hết luôn.
Cà kê 1 Ở ĐÂY
Cà kê 2 Ở ĐÂY
Cà kê 3 Ở ĐÂY
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét