ĐÔNG LA
SỰ KIỆN VIỆT NAM TRÚNG CỬ
LÀ THÀNH VIÊN HĐNQLHQ
Ngày 25/02/2013, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tuyên bố trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc về việc Việt Nam lần đầu tiên ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2013-2016. Cuộc bầu cử được tiến hành tại phiên họp của Đại Hội đồng vào ngày 12/11/2013, 184 trên 192 phiếu đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Trả lời phỏng vấn của báo chí, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói:
“Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là một trong những vấn đề quốc tế lớn, một trong ba trụ cột hoạt động chính của LHQ…
Việc ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ là bước đi quan trọng trong lộ trình triển khai chính sách đối ngoại “là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” và “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị…
Vì vậy, việc đông đảo các quốc gia thành viên LHQ tín nhiệm bầu ta làm thành viên Hội đồng Nhân quyền có ý nghĩa lớn về nhiều mặt. Trước hết, điều này thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong công cuộc Đổi mới toàn diện, trong đó có việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ và bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân…
Việc Việt Nam trúng cử là thành công to lớn của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, phản ánh vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế…”
Là một người VN yêu nước, có ai không vui mừng khi đất nước chúng ta sau hàng ngàn năm bị Bắc thuộc, hàng trăm năm mất nước vào tay Pháp và 20 năm bị chia cắt bởi Mỹ, nay có thêm một thành tựu để “sánh vai cùng các bè bạn năm chấu”? Vậy mà vẫn có những người như những kẻ lạc loài, họ luôn tìm cách ngáng trở mọi bước phát triển của đất nước. Vào trang của Võ Khánh Linh thấy có đăng bài của Hoàng Thị Nhật Lệ có đoạn:
“Ngày 19/7/2013, nhóm 69 blogger Việt Nam sáng tao ra cái gọi là "Tuyên bố của Mạng lưới Blogger Việt Nam" về việc Nhà nước Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, trong đó cho rằng Việt Nam phải sửa đổi pháp luật để chứng minh cam kết tranh cử vào Hội Đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, trước hết đòi Việt Nam phải xóa bỏ Điều 258 BLHS … Đồng thời, ngày 31/7/2013, nhóm này cử 6 đại diện sang Thái Lan trao tuyên bố này tới đại diện Hội đồng nhân quyền LHQ tại Bangkok Thái Lan “để Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc hiểu rõ về tình hình vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam”.
Về tính nhố nhăng trong việc đòi xóa Điều 258 để đòi quyền nói bậy, viết bậy, quấy rối, làm càn và cái tính chất “cõng rắn cắn gà nhà” của họ thì tôi đã viết rồi, nay chỉ muốn nhìn sâu hơn vào việc nước ta xin ứng cử và đã trúng cử làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ.
HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC (HUMAN RIGHTS COUNCIL, UNHRC) là tổ chức nhằm phát huy nhân quyền cũng như xem xét các vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới, là một trong ba hội đồng của LHQ: Hội đồng Bảo an và Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Văn Hóa (ECOSOC). Trước đây, LHQ có Ủy ban Nhân quyền (UN Commission on Human Rights). Nhưng rồi nó lại biến thành công cụ của các nước Phương Tây để “xét xử” những chuyện mà họ cho là vi phạm nhân quyền xảy ra ở những quốc gia thù nghịch, còn họ thì có làm gì cũng vô can. Nên hoạt động của Ủy ban Nhân quyền LHQ thực chất lại vi phạm nhân quyền nên LHQ đã phải khai sinh ra UNHRC để thay thế nó.
Một quốc gia sẽ được bầu vào HĐNQ trên cơ sở những đóng góp về việc phát huy và bảo vệ quyền con người, cũng như những cam kết thực thi những quy ước chung về nhân quyền.
Từng phát biểu tại phiên cấp cao khóa họp lần thứ 16 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (Hồi ấy là Thứ trưởng thường trực) đã cho biết Việt Nam sẽ ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2013-2016. Trả lời phỏng vấn, ông cho biết Việt Nam đã làm hết sức mình nhằm đảm bảo tất cả mọi người dân đều được hưởng các quyền con người, đã đạt được nhiều thành tựu trong duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế, việc làm, tạo cơ sở vững chắc cho việc thụ hưởng các quyền con người. Chính sách nhất quán của Việt Nam là phấn đấu cùng tất cả các nước phát huy và bảo vệ nhân quyền. Việt Nam cần tham gia làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền là vì thế. Và đây cũng chính là chính sách ngoại giao đa phương, chủ động hội nhập quốc tế của VN.
Thế giới đã phải đổ rất nhiều máu và mồ hôi nước mắt để con người thay đổi thái độ đối xử với nhau. Như nước Nhật Phátxít từng phá lúa đồng đay, dùng thóc thay than để đốt chạy tàu hỏa, khiến dân ta năm 1945 có 2 triệu người chết đói, nhưng nay lại là quốc gia viện trợ ODA cho nước ta nhiều nhất. Nước Mỹ có tổng thống từng ra lệnh ném bom hủy diệt Hà Nội nhưng rồi sau đó Cựu TT Bill Clinton lại coi Việt Nam là đất nước ở trong “trái tim” ông. Sau chiến tranh, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với EU, Mỹ, đã có quan hệ ngoại giao tốt với từ 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho đến tất cả các nước, trở thành thành viên chính thức, có những đóng góp tích cực cho các tổ chức quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, WTO, APEC, ASEM, ASEAN,…
Chiến lược ngoại giao là một trong những cơ sở để chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới, tạo được một môi trường quốc tế hoà bình để mở rộng hợp tác, tranh thủ vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm để phát triển đất nước, đồng thời qua đó giữ vững sự ổn định trong nước.
Sau thành công xuất sắc ở cương vị Chủ tịch ASEAN 2010, thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nâng cao vị thế quốc gia, nay việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là tiếp tục con đường đó.
Có điều thế giới còn lâu mới là “đại đồng”, thế giới không còn chiến tranh lạnh nhưng vẫn phân cực, người ta vẫn luôn vì lợi ích của mình. Trong vấn đề mở cửa, hội nhập quốc tế của Việt Nam, người ta vẫn hay dùng vấn đề “nhân quyền” để lái chúng ta theo ý họ, làm lệch đi chính sách ngoại giao đa phương, các bên cùng có lợi, của ta. Chính vậy, việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ một mặt chứng tỏ cho thế giới biết một cách đúng đắn hơn vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, đồng thời sẽ góp sức mình vào việc bảo vệ và phát huy nhân quyền trên thế giới.
Chính phủ Việt Nam đã luôn phản đối các hành động lợi dụng danh nghĩa nhân quyền để can thiệp, xâm phạm chủ quyền, độc lập của Việt Nam. Rất tiếc, với nước Mỹ, ngược lại sự phát triển, nâng cấp ngoại giao hướng về phía tiến bộ với VN, nhưng cũng chính họ và một số tổ chức nhân danh nhân quyền trên thế giới lại thường có hành động can thiệp như vậy.
Nước Mỹ quả là một đất nước kỳ lạ. Đó chính là nơi sinh ra bản Tuyên ngôn Độc lập được coi là tuyên ngôn nhân quyền với những câu bất hủ: Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nước Mỹ cũng là nơi đưa ra Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ (Emancipation Proclamation) bởi Tổng thống Abraham Lincoln.
Theo Wiki., trong thế kỷ 20, Mỹ đóng vai trò dẫn đầu trong việc thành lập Liên Hiệp Quốc và trong việc soạn thảo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Nhưng rồi về sau, Mỹ đã tham gia rất ít vào các thỏa ước nhân quyền quốc tế. Bộ Ngoại giao Mỹ hàng năm đều trình lên Quốc hội một báo cáo tổng hợp về tình hình nhân quyền trên thế giới (trừ Mỹ). Hành động này thường bị coi là sự can thiệp của Chính phủ Mỹ đến nhân quyền của các nước. Các nước đã phản đối việc này và cho rằng đây thực chất là những trò gây rối, chia rẽ, một công cụ trong chính sách đối ngoại để lấy cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Một số nước cũng đã chỉ trích Mỹ tự cho mình có quyền “can thiệp nhân đạo” và quảng bá quan niệm “quyền con người không có biên giới”, “nhân quyền cao hơn chủ quyền” để phủ nhận quyền của các dân tộc, nhất là quyền tự quyết định vận mệnh hay tự lựa chọn con đường phát triển của các dân tộc đó. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã hỗ trợ tài chính và quân sự cho chế độ Việt Nam Cộng hòa tại VN và nhiều nơi khác.
Gần đây, Mỹ bị nhiều nước chỉ trích vi phạm nhân quyền, như hàng loạt các thông tin liên quan đến vụ WikiLeaks; việc theo dõi công dân, lạm dụng quyền lực của các cảnh sát,đặc biệt là ngược đãi tù nhân trong nhà tù, như tại Guantanamo, nhà tù Abu Ghraib ở Iraq, v.v…
Chính phía Mỹ đôi lúc cũng phải thừa nhận mình vi phạm nhân quyền và tuyên bố đã có những xử lý nội bộ.
Cũng chính Mỹ từng gây ra chiến tranh tàn khốc tại VN, để lại nhiều di chứng tai hại cho con người và môi trường Việt Nam, kể cả cái hố sâu ngăn cách trong việc hòa giải, hòa hợp dân tộc. Nhưng Mỹ và các tổ chức của mình lại hay phê phán và áp đặt Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Nước Mỹ cũng dung túng những tổ chức chống VN, cung cấp tiền cho những cá nhân và các nhóm quấy rối trong nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định và phát triển của VN.
Mặc dù vậy, một số ý kiến từ phía nước Mỹ cũng ủng hộ VN về nhân quyền. Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam là Peterson trong một cuộc phỏng vấn đã cho biết, những tiến bộ của Việt Nam về nhân quyền trong 15 năm ông tại vị là rất quan trọng. Ông bày tỏ chính kiến khi cho rằng: "không thể đánh giá tình hình nhân quyền của một quốc gia trên chuẩn 100% hài lòng. Hoa Kỳ cũng như không một quốc gia nào khác có thể đáp ứng nhu cầu đó. Thang điểm 100% hài lòng về mặt nhân quyền là điều không thể đạt được tại một quốc gia".
Một tổ chức cũng thường phê phán nhân quyền tại VN là Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Right Watch). Theo Phúc trình Toàn cầu 2013 của mình, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á, ông Phil Robertson, nói: “Chúng ta thấy một xu hướng nhân quyền tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng tại Việt Nam. Thật hết sức quan ngại khi nhìn thấy Hà Nội tiếp tục bỏ tù các blogger, đàn áp các cuộc tụ tập ôn hòa, và sách nhiễu các sinh hoạt tôn giáo”. Gần đây, khi Tòa án TP Hà Nội đã xét xử công khai vụ Lê Quốc Quân phạm tội trốn thuế, ông ta nói với BBC sau phiên tòa:
“Bằng cách bỏ tù Lê Quốc Quân với cáo buộc có động cơ chính trị, Việt Nam một lần nữa chứng tỏ đặt ưu tiên cho việc bịt miệng những nhân vật nổi bật cổ vũ nhân quyền và chính trị. Đây là dấu đen cho hồ sơ nhân quyền Việt Nam và cho thấy chính phủ trắng trợn bỏ qua các ràng buộc nhân quyền.Những nhà tài trợ cần công khai lên án sự bất công này, đòi thả Lê Quốc Quân và nói rõ rằng việc Việt Nam không tôn trọng nhân quyền sẽ có hại cho việc ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ tháng 11 này”.
Nói vậy, dường như ông này không biết nhân quyền là gì, luôn nói theo khuôn mẫu để xuyên tạc và chống phá VN. Ông ta bênh vực Lê Quốc Quân đơn giản là vì Quân đã có bề dầy “thành tích” quấy rối, chống phá đất nước! Bao thanh niên VN du học là để học tri thức riêng Quân thì đi học cách làm loạn. Quân đã theo một khóa học của tổ chức NED (National Endowment for Democracy), một tổ chức mang danh hỗ trợ dân chủ cho các quốc gia. Nhưng theo GS Trần Chung Ngọc, trong bài “Con Ngựa Thành Troie: NED” [Trojan Horse: The National Endowment for Democracy], William Blum viết: “Với trăm ngàn cách khác nhau, NED đã xía vào những vấn đề nội bộ của các quốc gia khác” (In a multitude of ways, NED meddles in the internal affairs of foreign countries). 2009, Quân cũng tham dự cuộc tụ tập của một số tín đồ Công giáo tại Nhà thờ Lớn Hà Nội nhằm đòi chính quyền trả lại đất cho nhà thờ. Tôi đã viết, nếu hiểu lịch sử thì phải thấy rằng, mỗi tấc đất cả dân tộc VN đã phải đổ rất nhiều mồ hôi và máu mới giành lại được, vì vậy đất đai thuộc sở hữu toàn dân, không thuộc nhà thờ hay bất cứ một tổ chức nào khác. TT Nguyễn Tấn Dũng, trong lần công du tại Budapest, cũng đã nói: "Ở Việt Nam, tôi xin nói rõ với các bạn là không có tài sản của Vatican ở Việt Nam. Trên lãnh thổ Việt Nam chỉ có đất đai của đất nước Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, của nhà nước Việt Nam. Việt Nam sẽ không nhường bước trước bất kỳ áp lực nào, kể cả áp lực của Vatican về vấn đề này”.
Cũng cần phải biết Tổ chức theo dõi nhân quyền là một tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1978 dưới tên Helsinki Watch để giám sát Liên Xô. Nó thường bị chỉ trích là báo cáo không chính xác, lệch hoàn toàn bởi ý thức hệ. Tổ chức này đã hoàn toàn thiên vị chỉ sử dụng thông tin chống lại các nước trái ý thức hệ tư bản, trong đó có Việt Nam. Nó chịu quá nhiều ảnh hưởng từ chính phủ Mỹ.
Chính vậy, năm 2009, phúc đáp về Báo cáo nhân quyền của Tổ chức Theo dõi nhân quyền, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói: "Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thường xuyên đưa ra những thông tin sai lệch về Việt Nam. Báo cáo ngày 4/5/2009 của tổ chức này là thiếu khách quan và không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam”.
Một tổ chức khác là Tổ chức Ân xá Quốc tế, cũng thường có ý kiến phê phán VN về nhân quyền: “Chính Quyền Việt Nam "tích cực trấn áp các phong trào đòi quyền tự do dân chủ, bắt một số các cá nhân và nhóm đối lập". Một số Blogger có tiếng nói phê phán Chính phủ cũng bị bắt giam với tội danh "lợi dụng quyền tự do dân chủ để chống phá nhà nước”.
Như vậy họ cũng hoàn toàn không phân biệt được tự do dân chủ với nói vậy, viết bậy, quấy rối làm càn. Họ quên mất tiêu Điều 29, trong đó có khoản 2 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền về việc thực hiện nhân quyền luôn bị giới hạn bởi luật pháp để bảo vệ quyền của người khác và ích lợi chung.
Chính phủ Việt Nam khẳng định rằng quyền con người luôn được bảo vệ và phát triển, Việt Nam đã chiến đấu trong các cuộc chiến chống ngoại xâm chính là để giành lại quyền con người. Về những nhân vật bị bắt, chính phủ Việt Nam cho rằng họ là những tội phạm hình sự đã hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước, kích động lật đổ chính quyền. Tại Việt Nam không có ai chỉ vì có quan điểm riêng hay ủng hộ dân chủ mà bị bắt.
Nhân quyền Việt Nam cũng được thể hiện qua truyền thống nhân đạo của tính cách Việt. Đó là sự đối xử nhân đạo với tù binh chiến tranh từ các triều đại phong kiến xưa cho đến hôm nay. Triều Trần từng thả tù binh quân Nguyên - Mông, nhà Lê tha bổng quân Minh, Thời Tây Sơn, thả quân Thanh; đến thời chống Pháp, chống Mỹ , truyền thống nhân đạo đó càng thực hiện triệt để. Tôi nhớ mãi câu chuyện một chị ở vùng Nghệ Tĩnh bắt được một phi công Mỹ, đến bữa chị nghĩ thằng Mỹ nó quen sung sướng, nhà chẳng có gì ngoài mỗi con gà, chị đành phải làm thịt cho nó ăn!
Trong lịch sử, Việt Nam ta luôn phải đấu tranh giành độc lập tự do, cũng chính là giành lại quyền làm người. Lối sống Việt luôn chú trọng tinh thần nhân ái. Tinh thần nhân ái đó đã được ông cha ta đúc kết bằng những câu ca dao, tục ngữ truyền dạy cho các thế hệ sau: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng; Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn; thương người như thể thương thân; v.v...
Vì tất cả những điều như trên, VN ta chính là hình mẫu nhân quyền tốt đẹp nhất, nhân ái nhất, hôm nay chúng ta hoàn toàn xứng đáng được bầu là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc! Sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đã chứng tỏ điều đó.
TPHCM
13-11-2013
ĐÔNG LA
0 nhận xét:
Đăng nhận xét