---------
Trong buổi hội thảo khoa học về việc tìm hài cốt liệt sĩ bằng khẳ năng đặc biệt và phần hài cốt còn lại (thủ cấp) của liệt sĩ Phùng Chí Kiên sáng ngày (6/11), tiến sĩ Vũ Thế Khanh – Tổng giám đốc hội liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng – UIA đã kể câu chuyện "ba liệt sĩ chia sẻ hài cốt để tạo thành hài cốt của đồng đội thứ 4" và ông cho rằng đây là dẫn chứng "nhà ngoại cảm tìm hài cốt liệt sĩ là hành động rất nhân văn".
Ông Khanh kể: Đó là câu chuyện của 4 liệt sĩ quê Thái Bình hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dùng năng lực của mình, nhà ngoại cảm đã thu thập được các thông tin, biết được 4 người này hy sinh do trúng đạn pháo và đã tìm ra được vị trí mà 4 liệt sĩ này hy sinh. Tuy nhiên, khi khai quật lên thì chỉ có di cốt của 3 người.
Nhà ngoại cảm dùng năng lực để nói chuyện với các liệt sĩ, họ cho biết, một người do bị đạn pháo bắn thẳng vào người nên xác bay tứ tung, giờ không còn lại gì. Sau khi hội ý, 3 liệt sĩ này đồng ý mỗi người bỏ ra một phần tro cốt để đúc thành người thứ 4 mang về cho gia đình. Thông qua nhà ngoại cảm, họ chia sẻ: "4 anh em đi với nhau chẳng lẽ khi về lại thiếu 1 người sao". Thế nên, để gia đình liệt sĩ thứ 4 không tủi thân, đoàn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đã lấy xương cốt của 3 người đã tìm được làm hài cốt thứ 4, mang về cho gia đình".
Cũng theo ông Khanh, việc chia sẻ hài cốt của 3 liệt sĩ thành 4 không được tiết lộ với gia đình liệt sĩ thứ 4, nên khi hài cốt được đưa về, gia đình thân nhân liệt sĩ vui mừng đến rơi nước mắt.
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Lập hài cốt giả là ý nguyện của liệt sĩ.
- Thưa tiến sĩ, câu chuyện ông kể về việc sẻ hài cốt 3 liệt sĩ thành 4 cho thấy hài cốt liệt sĩ thứ 4 là sai và thi thể ba liệt sĩ kia cũng không toàn vẹn. Vậy liệu có phải là nhân văn như ông nói.
- Đấy là liệt sĩ họ bảo thế, liệt sĩ yêu cầu
- Làm sao để chứng minh được việc đó thực sự là do liệt sĩ yêu cầu, khi chỉ một mình nhà ngoại cảm có khả năng trò chuyện với người đã khuất và nói lại cho mọi người?
- Không ai biết được 4 ông liệt sĩ này đi cùng ngày, cùng giờ và chết cùng nơi… có nhiều thông tin mới đến ngôi mộ đó được.
- Trường hợp gia đình phát hiện ra hài cốt họ đang thờ cúng không phải là của cha ông, chồng hoặc con họ thì tiến sĩ nghĩ như thế nào?
- Bạn nhầm ở chỗ này, đấy là ý của ông liệt sĩ.
- Nhưng cũng không thể làm sai sự thật được? như vậy là dối trá thân nhân liệt sĩ?
- Không, ông liệt sĩ ông thích sai thì sao? Ông liệt sĩ có công mà ông nói “tôi phản động” thì sao? Bây giờ mình phải tôn trọng cái nguyện vọng của liệt sĩ. Chứ không phải mình theo cái cảm tính của mình.
- Tại sao đoàn tìm kiếm không trao đổi thẳng thắn với gia đình?
- Trao đổi thì gia đình người ta buồn, ông liệt sĩ muốn cho gia đình yên thân…. Vị tiến sĩ này lấy dẫn chứng: Có những bà mẹ nếu như biết được con về mới yên tâm nhắm mắt.
Với liệt sĩ khi người ta còn sống họ nhường cả cái thân, hy sinh cho người bạn còn sống thì xương người ta tiếc gì đâu. Khi liệt sĩ còn sống cơm ông cũng nhường, nếu 2 anh phải chết, ông xung phong chết là ông nhường cả mạng sống thì chút xương ấy làm gì nặng nề với ông liệt sĩ được. Cái đó là nguyện vọng của ông liệt sĩ.
- Nhưng chúng ta phải tôn trọng gia đình họ chứ, như vậy là đã lừa dối gia đình họ rồi thưa tiến sĩ?
- Không phải ta lừa dối mà là ông liệt sĩ ông làm thế.
- Chúng ta là người đưa di cốt về mà?
- Cậu buồn cười nhỉ, làm thế trái ý ông liệt sĩ… ông liệt sĩ quan trọng hay chúng ta quan trọng, hơn nữa, ông liệt sỹ có ý nguyện như vậy. Đừng nói ông liệt sĩ coi xương là quan trọng đâu nhá, nếu xương không còn thì làm sao? Ông tan xác trên bầu trời ông không có xương...v.v..
- Nói gì thì nói nhưng vẫn phải tôn trọng sự thật, thân nhân liệt sĩ cần sự thật, dư luận cần sự thật, thưa ông?
(Tiến sĩ Khanh không trả lời thẳng câu hỏi mà tiếp tục lấy ví dụ chống chế)
- Tại sao tôi làm gián điệp, tôi nói sự thật ra đi… cái sự thật ấy có lợi cho dân cho nước tôi làm. Bây giờ tôi hỏi nhé, tại sao ông làm tình báo ông lại nói là việt gian? Vì việc của ông làm là lợi cho người khác và đấy là sự hy sinh của người ta. Dù gia đình có mất cái xương hay không không, đối với tâm linh không còn quan trọng nữa. Ví dụ bây giờ hỏa tang thì sao, người ta rắc ra sông thì sao?
Có ai biết mộ ông Thánh Gióng ở đâu không? Ông Thánh Gióng là 1 đại liệt sĩ tượng trưng cho tất cả các liệt sĩ trong các triều đại và không cần xương nữa, thịt xương ông thành lá, thành cây cho non sông, chỉ linh hồn ông bay về trời thôi. Đấy là cái tư tưởng của người Việt Nam ta, vậy thì cái hài cốt không quan trọng. Bây giờ mộ ông Thánh Gióng ở đâu nào? Vậy giờ người ta thờ ông ấy hay thờ tư tưởng của ông ấy.
- Những trường hợp đi tìm mộ liêt sĩ mà không tìm được hài cốt nhưng lấy xương của liệt sĩ khác mang về như trường hợp trên có nhiều không?
- Nhiều, nhiều chứ, vô cùng nhiều… Nhưng mà đó là trường hợp 4 liệt sĩ đó thôi. Bốn gia đình đó đã cảm động, người ta khóc vì cái sự hy sinh đó. Vậy thì đừng nghĩ gia đình liệt sĩ ấy người ta buồn, người ta tự hào vì những cái việc đó. Và người ta cũng không muốn biết ai vào với ai nữa, và người ta cùng đưa 4 ông ý như nhau.
Thuận Phong- Người đưa tin.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét