Đây là bài viết của bạn Lê Quang Trung, sinh năm 1989, phản biện bài nói của GS Trần Phương, U90, đang được các trang “lề trái” lan truyền trên “giời”. Tất sẽ có những ý kiến dạng hủ nho cho rằng Trung “hỗn”, dám phê phán GS Trần Phương, người vào hàng ông nội mình; giống như ngày nào không ít kẻ cho tôi như vậy khi tôi cho rằng “công trình” của GS Cao Xuân Huy, người cũng ngang tuổi ông nội tôi, là phản triết học và phản khoa học. Còn tôi rất mong xã hội VN hiện đại có nhiều bạn trẻ “hỗn” như Trung, một thế hệ mới có điều kiện tiếp cận tri thức một cách bài bản. Nếu thế hệ cha ông Trung ứng xử chín chắn đúng với tuổi tác theo lẽ thường thì chắc chả có đứa cháu nào hỗn hào cả. Các bạn trẻ dù sao cũng còn thiếu từng trải, bài viết của Trung tôi chỉ sửa và viết thêm vài chữ cho rõ hơn ý của Trung, còn toàn bộ ý chính và bài viết là của Trung, một anh chàng ngang tuổi đứa con gái út của tôi, mới tốt nghiệp đại học. ĐÔNG LA |
LÊ QUANG TRUNG
CÒN CÓ NHIỀU SAI TRÁI VÀ THIẾU
TRUNG THỰC KHI NÓI VÀ VIẾT
VỀ TRIẾT HỌC MÁC
Kỳ một: Những tiền đề về Chủ nghĩa Xã Hội.
(Phản biện bài nói chuyện của Giáo Sư
Trần Phương nói về Chủ nghĩa Xã hội).
Bài viết này ra đời vì hai lí do sau:
- Thứ nhất, chú Đông La gửi cho tôi bài này và tôi hứa với chú sẽ viết một bài phản biện.
- Thứ hai, tôi không muốn nhiều người phải sống trong một sự giả dối của cái sai mà cứ thành “hiển nhiên” đúng, cái sai đã truyền đời bao nhiêu thế hệ.
Mấy ngày nay trên cộng đồng mạng lại rộ lên bài nói chuyện của Giáo sư Trần Phương (nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, cựu Bộ trưởng Bộ Nội Thương (1981-1982), cựu Ủy viên Trung ương Đảng, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) về Chủ Nghĩa Xã Hội (CNXH). Trước khi đi vào phân tích bài này, tôi xin nêu một số nhận định cá nhân cũng như thiếu khách quan của ông Trần Phương.
- Thứ nhất: vị cựu Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng của chúng ta mặc dù gần 90 tuổi, mang học hàm giáo sư nhưng không hề thể hiện một chút gì về thái độ khoa học trong nghiên cứu gì cả.
Thậm chí các nhận xét của ông mang tính quy chụp, chụp mũ.
- Thứ hai: vị giáo sư của chúng ta gần như đang bao biện cho các chính sách kinh tế sai lầm của ông trong quá khứ bằng việc đổ lỗi cho những người đã chết.
- Thứ ba: vị giáo sư đang nói sai. Và những lời nói sai đó đang đầu độc cả một thế hệ người Việt Nam sinh sau đẻ muộn rằng con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn về CNXH là sai lầm. Việc lan truyền nhanh chóng bài viết này trên mạng khiên tôi thực sự lo ngại rằng nhiều người Việt Nam sẽ bị đầu độc bởi những thứ sai trái.
Trên đây chỉ là một số nhận xét cá nhân, còn bây giờ tôi bắt đầu đi vào phân tích từng phần trong bài nói chuyện này.
Phần một: GS Trần Phương cho CNXH được đưa ra
chỉ để bịp thiên hạ?
Đối với CNXH Giáo sư Trần Phương của chúng ta bảo rằng nó được đưa ra để bịp thiên hạ. Chúng ta hãy đến với những nhận định của vị giáo sư này:
“ng ta đã trải qua 70 năm (người Việt Nam thì hai mươi năm) ông xây dựng CNXH theo nguyên tắc mà ông Mác đưa ra, là gì? Chuyên chính vô sản về mặt chính quyền. Thứ hai về mặt kinh tế thì lấy chế độ công hữu làm nền tảng đấy, thu hẹp và xóa dần cái kinh tế tư nhân và thị trường tự do, rồi phân phối theo lao động v.v… Nhưng mà bây giờ ông xem lại tất cả những nguyên tắc đó ông có làm không? Tôi nghĩ ông từ chối rồi còn gì nữa. Có phải không? Khi các ông đổi mới… À, người Việt Nam thì giỏi cái chỗ rằng là ông dùng danh từ để ông lẩn trốn. Ông nói là ông ‘đổi mới’ nhưng thực ra ông ‘thụt lùi’. Tôi có lần viết cho lời nói đầu một bài viết của anh Đặng Phong về tư duy kinh tế. Tôi nói đổi mới thực chất là ông lùi lại. Ông tiến lên chế độ công hữu như bây giờ đó thì ông phải lùi lại rồi. Ông từ chối cái kinh tế tư nhân nhưng ông phải thừa nhận cái kinh tế tư nhân, thừa nhận kinh tế năm thành phần, nhiều thành phần, thậm chí thừa nhận cả chủ nghĩa tư bản. Thế là ông thụt lùi chứ. Tôi không gọi là thụt lùi mà là bởi vì cái thời kỳ mà ông xây dựng CNXH từ năm 60 cho đến năm 80 là ông theo cái tư tưởng tả khuynh. Ông theo một cái tư tưởng giáo điều mà cái điều này tôi nói là ông Mác sai, ông Mác sai dự kiến là CNXH, với những đặc trưng đó, là dự kiến của ông Mác là sai. Ông Mác có nhiều cái dự kiến phải nói là thiên tài, nhưng riêng dự kiến là những đặc trưng của CNXH là ông Mác sai. Nhưng mà chúng ta không thừa nhận rằng ông ý sai. Chúng ta cứ làm giả vờ như là ta vẫn theo ông Mác. Thì xin lỗi, ông giả vờ ông Mác thì ông đã thay đổi hành động của ông rồi.”
Một số luận điểm của Giáo sư Trần Phương về CNXH trong đoạn trên:
- Thứ nhất, ở đây ông Giáo sư Trần Phương đã sai lầm. Theo chủ nghĩa duy vật lịch sử Marx thì có hai điều. Một Marx không hề nói đến CNXH như một hình thái kinh tế xã hội, mà Marx chỉ chỉ nói đến Chủ nghĩa Cộng Sản (CNCS) là một hình thái kinh tế xã hội sau CNTB. Dưới thời Marx cụm từ CNXH là chỉ một học thuyết hoặc một hệ tư tưởng mà mong muốn xây dựng một xã hội bình đẳng, tự do và hạnh phúc nhưng nó gắn liền với những biện pháp, chính sách không có tính thực tiễn. Ngay trong Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản Marx đề cập rất nhiều lần CNXH này như một trào lưu tư tưởng với các hình thức sau: “CNXH phong kiến, CNXH tiểu tư sản, CNXH phản động v…v…”. Chính vì không mang tính chất là một hình thái kinh tế xã hội nên Marx không xếp CNXH vào cùng với CNTB hay CNCS trong quá trình phát triển của xã hội loài người. Cụm từ CNXH chỉ bắt đầu được hiểu là giai đoạn đầu của CNCS khi Lenin đưa nó ra khái niệm cho giai đoạn đầu xây dựng CNCS. Giai đoạn từ CNTB tiến lên CNCS Marx chia rất rõ làm 3 giai đoạn là thời kỳ quá độ (những cơn đau đẻ kéo dài). Giai đoạn đầu của CNCS khi mà những nền tảng tư hữu và sự trao đổi hàng hóa vẫn còn tồn tại – và giai đoạn sau của CNCS khi đã hoàn toàn dựa trên phương thức sản xuất lấy công hữu là nền tảng. Giai đoạn hai đó Lenin mới coi là CNXH. Như vậy rõ rang Marx không hề đưa ra khái niệm về hình thái kinh tế CNXH như Giáo sư Trần Phương nói.
- Thứ hai, theo Giáo sư Trần Phương, CNXH là xóa bỏ kinh tế tư nhân, xóa bỏ thị trường tự do. Dưới đây tôi xin trích ra một đoạn trong Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản với nội dung như sau:
“Các ông hoảng lên, vì chúng tôi muốn xoá bỏ chế độ tư hữu. Nhưng trong xã hội hiện nay của các ông, chế độ tư hữu đã bị xoá bỏ đối với chín phần mười số thành viên của xã hội đó rồi; chính vì nó không tồn tại đối với số chín phần mười ấy, nên nó mới tồn tại được. Như vậy, các ông trách chúng tôi là muốn xoá bỏ một hình thức sở hữu chỉ có thể tồn tại với điều kiện tất yếu là tuyệt đại đa số bị tước mất hết mọi sở hữu. Nói tóm loại, ông buộc tội chúng tôi là muốn xoá bỏ sở hữu riêng của các ông. Quả thật, đó chính là điều chúng tôi muốn. Khi mà lao động không còn có thể biến thành tư bản, thành tiền bạc, thành địa tô, tóm lại, thành quyền lực xã hội có thể biến thành độc quyền được, nói tóm lại, khi mà sở hữu cá nhân không còn có thể biến thành sở hữu tư sản được nữa thì lúc đó, thì các ông tuyên bố rằng cá nhân bị thủ tiêu. Như vậy là các ông thú nhận rằng khi các ông nói đến cá nhân, là các ông chỉ muốn nói đến người tư sản, người tư hữu tư sản mà thôi. Mà cái cá nhân ấy thì chắc chắn cần phải thủ tiêu đi. Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng đang chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác.”
Rõ ràng CNCS không hề xóa bỏ tư hữu mà nó đang xóa bỏ tư hữu tư sản, tức là việc chiếm hữu quá nhiều của cải và Tư liệu sản xuất vào trong tay một số người và người ta sử dụng quyền chiếm hữu sản phẩm xã hội để nô dịch lao động của người khác. Vậy cái gì đang xóa bỏ tư hữu tư nhân? Chúng ta có thể thấy rõ ngay trong Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản ở đoạn này:
“Người ta trách những người cộng sản chúng tôi là muốn xoá bỏ sở hữu do cá nhân mỗi người làm ra, kết quả lao động của cá nhân, sở hữu mà người ta bảo là cơ sở của mọi tự do, mọi hoạt động và mọi sự độc lập của cá nhân. Cái sở hữu làm ra, kiếm được một cách lương thiện và do lao động của bản thân tạo ra ! Phải chăng người ta muốn nói đến cái hình thức sở hữu có trước sở hữu tư sản, tức là sở hữu của người tiểu tư sản, của người tiểu nông? Chúng tôi có cần gì phải xoá bỏ cái đó, sự phát triển của công nghiệp đã xoá bỏ và hàng ngày vẫn tiếp tục xoá bỏ cái đó rồi”.
Chính CNTB đã xóa bỏ tư hữu tư nhân khi mà tầng lớp tiểu thương, tiểu nông, những người có TLSX và tự sản xuất đang ngày càng bị thu hẹp, bị chuyển dần vào trong các khu công nghiệp, khu chế xuất làm việc. Đó chính là quá trình tất yếu của phát triển và như ở nước Mỹ, một nước đi đầu của CNTB chúng ta có thể thấy rõ nhất là 10% dân số nắm 90% của cải. Thực chất tư hữu tư nhân đang dần mất đi mà nó chuyển thành tư hữu tư sản cho một số người. Vậy CNXH hay CNCS như Marx nói không hề làm cái việc xóa bỏ tư hữu như ông Trần Phương nhận định. Từ đó chứng tỏ hai điều: một là Giáo sư Trần Phương đang nói sai về Học thuyết Marx, hai là vì ông ta không hiểu sâu Marx nên ông ta đã truyền bá những cái mà ông ta đang rêu rao.
- Thứ ba, về mặt chính quyền, tại sao Marx và Engels lại nói đến chuyên chính vô sản trong chính quyền? Ta có thể thấy ngay trong Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản Marx cũng đã viết rất rõ:
“Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp. Các tầng lớp trung đẳng là những tiểu công nghiệp, tiểu thương, thợ thủ công và nông dân, tất cả đều đấu tranh chống giai cấp tư sản để cứu lấy sự sống của họ với tính cách là những tầng lớp trung đẳng. Cho nên họ không cách mạng mà bảo thủ. Thậm chí, hơn thế nữa, họ lại là phản động: họ tìm cách làm cho bánh xe lịch sử quay ngược trở lại. Nếu họ có thái độ cách mạng thì cũng chỉ trong chừng mực là họ thấy họ sẽ phải rơi vào hàng ngũ giai cấp vô sản: lúc đó, họ bảo vệ lợi ích tương lai của họ, chứ không phải lợi ích hiện tại của họ, họ từ bỏ quan niệm của chính họ để đứng trên quan điểm của giai cấp vô sản”.
Ở đoạn trên Marx đã nói rõ, các giai cấp khác sẽ bị suy tàn và tiêu vong cùng quá trình phát triển xã hội tư bản, hãy để ý, đối với giai cấp địa chủ và chủ nô, nó đã bị xóa sổ, đặc biệt là trong cuộc nội chiến của Mỹ, trong khi đó, các giai cấp nhỏ lẻ như tiểu thương, tiểu nông, hay nông dân mặc dù số lượng tăng lên nhưng tỷ trọng sở hữu tài sản trong xã hội đang ngày càng giảm đi. Cái xóa bỏ hay tiêu vong ở đây Marx nói là cả một quá trình nó tiêu vong dần dần và ngày càng ít đi trong phương thức sản xuất. Thay vào đó là sư gia tăng của giai cấp vô sản, khi ngày càng nhiều lao động làm thuê hơn. Bản thân tôi đây cũng đang chính là một lao động làm thuê. Đó là thực tế xã hội hiện nay khi mà các người ta càng ngày nộp hồ sơ xin việc ở nhiều công ty, doanh nghiệp hơn và các dự án đang đuổi dần nông dân ra chính các mảnh đất của họ. Vậy về thực chất giai cấp vô sản là gì, vẫn là những con người như vậy nhưng được tuyển mộ từ chính các giai cấp khác đang không ngừng tiêu vong trong sự phát triển của xã hội tư bản. Sự đấu tranh của các giai cấp không phải vô sản với giai cấp tư sản thực chất đang đi ngược bánh xe lịch sử vì họ muốn quay về nền sản xuất tư hữu tư nhân nhỏ lẻ, cái đang bị chính tư hữu tư sản ngày càng xóa bỏ nên nó thành phản động. Ngược lại giai cấp vô sản lại đang dần dần muốn biến tư bản thành của cải của xã hội, của mọi người, biến cái sở hữu mất đi tính giai cấp của nó vì vậy đó là sự đấu tranh cho tiến bộ.
Từ 3 luận cứ trên có thể thấy rằng cách hiểu về CNXH của Giáo sư Trần Phương là sai so với Marx. Cái CNXH của ông Trần Phương không phải là CNXH mà Marx đã nói. Đó chỉ là những mô hình xã hội trong thực tiễn nhân danh theo tư tưởng của Marx nhưng đã không hiểu đúng, làm theo đúng tư tưởng của ông.
Từ những dẫn chứng trong chính tác phẩm Marx, các bạn sẽ thấy những sự phê phán Marx của ông Trần Phương về thực chất đã sai ngay từ đầu:
- Về cơ sở xây dựng CNXH, ông Trần Phương nói:
“Khi các ông đổi mới… À, người Việt Nam thì giỏi cái chỗ rằng là ông dùng danh từ để ông lẩn trốn. Ông nói là ông ‘đổi mới’ nhưng thực ra ông ‘thụt lùi’. Tôi có lần viết cho lời nói đầu một bài viết của anh Đặng Phong về tư duy kinh tế. Tôi nói đổi mới thực chất là ông lùi lại. Ông tiến lên chế độ công hữu như bây giờ đó thì ông phải lùi lại rồi. Ông từ chối cái kinh tế tư nhân nhưng ông phải thừa nhận cái kinh tế tư nhân, thừa nhận kinh tế năm thành phần, nhiều thành phần, thậm chí thừa nhận cả chủ nghĩa tư bản. Thế là ông thụt lùi chứ”.
Ông bảo khi Đổi Mới công nhận kinh tế nhiều thành phần, kinh tế tư nhân thì tức là đang thụt lùi, đang chối bỏ CNXH, thực chất là sự sửa sai bởi những ấu trĩ tất yếu sau những cuộc chiến tranh dài, chúng ta chập chững những bước xây dựng đất nước đầu tiên. Tôi xin nói thẳng bất kỳ ai học môn những Nguyên Lý Cơ Bản của CN Marx – Lenin đều biết trong chính sách kinh tế mới của Lenin (NEP) thời kỳ đầu quá độ xây dựng CNXH thì vẫn công nhận kinh tế nhiều thành phần, trong đó có cả tư bản tư nhân, tư bản quốc doanh. Ngay cả Chủ Tịch Hồ Chí Minh khi đề cập đến vấn đề này cũng công nhận điều đó. Không phải cứ quốc doanh và hợp tác xã mới là CNXH.
Vấn đề là phương thức sản xuất đến đâu, hình thái kinh tế xã hội nào thì mới là CNXH.
Đấy là những vấn đề thực sự phải nghiên cứu. Lenin hay cả Chủ Tịch Hồ Chí Minh không hề đề cập đến cái gọi là xóa bỏ tư hữu tư nhân và thị trường tự do một cách hành chính thì là CNXH rồi. Ông giáo sư Trần Phương dường như không hề nhận ra đây là sai lầm chết người của ông ta khi phê phán học thuyết này. Hoặc giả như có biết nhưng ông ta im lặng không nói, nếu nói thì khác nào tự nhận mình sai. Vậy nên tự mình vẫn cố chấp bám vào cái sai cơ bản như vậy:
“Cho nên tôi nói rằng là chúng ta đổi mới mà thực ra là chúng ta lùi lại chứ không phải đổi mới. Đổi mới là so với những cái chúng ta đã làm sai 20 năm thì gọi là đổi mới. Ông đổi mới theo kiểu đó, theo ông là sai 20 năm rồi, bây giờ ông đổi mới thì ông phải sửa cái sai ấy đi. Nhưng thực chất ông lùi lại. Vâng, vâng, ông trở lại. Bởi vì thế này, thực ra tôi nói là Mác nói là triệt tiêu cái chế độ tư hữu, tôi nói là luận điểm của cụ là sai. Bởi vì 70 năm Liên Xô và Đông Âu, Đông Âu thì 40 năm thôi, ông triệt tiêu cái chế độ tư hữu. Thế là nền kinh tế mất động lực, mất động lực, ông phải lùi lại, thực chất ra ông lùi lại đấy chứ. Việt Nam ta cũng phải lùi lại đấy chứ”.
Rõ ràng ở một nước quá tự do về mặt ngôn luận như Việt Nam thì ông Trần Phương không những đang bịa đặt ra những học thuyết Marx Lenin, mà còn bịa ra những đường lối mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn. Đây là sự gian dối, sự thiếu trung thực trong khoa học. Một người từng xin được kết nạp vào Đảng Cộng Sản giờ đây đang bịa đặt nói xấu các học thuyết Cộng Sản, đang trở cờ, đang phản bội lại lý tưởng Cộng Sản.
Quả thực sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu cho chúng ta một bài học rất lớn: CNXH sụp đổ có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chủ yếu là họ đã quẳng đi Nguyên lý Tập trung Dân chủ của Chủ nghĩa Marx-Lenin, đẻ ra tệ nạn sùng bái cá nhân, biến Nhà nước XHCN thành Nhà nước phong kiến trá hình, chuyển quyền lực nhà nước vào tay những kẻ dối trá, những kẻ hèn nhát, những kẻ tham lam. Chính chúng trở thành những kẻ phản bội cùng với những thế lực bên ngoài vốn muốn LX tan rã đã đập tan thành công Nhà nước LX, thành trì tốt đẹp dù còn nhiều khiếm khuyết của Chủ nghĩa Xã hội.
Ngay trong đất nước chúng ta cũng có những sự yếu kém và thiếu trung thực trong nhận thức cũng như nghiên cứu khoa học của những người đứng trong hàng ngũ Cộng Sản. Họ không chỉ phá hoại khi đưa ra những chính sách sai lầm mà còn tuyên truyền, sai lầm về đường lối, chính sách. Sự tuyên truyền của CNTB về CNCS không đáng sợ bằng sự tuyên truyền của chính những kẻ trong Đảng Cộng Sản về CNCS.
Bài hôm nay đã dài, tôi chỉ tạm viết đến đây, dự kiến bài này có thể sẽ lên đến 5 kỳ, cố gắng mỗi tuần sẽ đăng một kỳ.
Mặc dù biết khi học Phật là không nói lỗi của người, là tự sửa lỗi bản thân, nên hôm nay khi viết bài này, tự cảm thấy mình cũng đã có lỗi, lỗi rất lớn đó là mình vẫn còn kiêu căng, mình vẫn còn thích nêu lỗi của người khác. Nhưng tự trong tâm, cảm thấy vẫn cần phải nói ra sự thật, mình quả thật không muốn mọi người nhìn thấy Chủ nghĩa Marx Lenin bị những lời nói dối, làm vấy bẩn, làm sai đi bản chất của nó.
Nam Mô A Di Đà Phật.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét