CẢ NHÀ CÙNG... GÕ

Phạm Khải là một "ca" lạ trong làng văn nước Nam. Này nhé, đang là dân sự, làm ở Hội Văn nghệ Hà Nội, lính bác Tô Hoài, anh Vũ Quần Phương, uỵch phát sang đeo lon đội mũ, giờ là trung tá trưởng ban biên tập báo Văn Nghệ Công An. Chưa kinh. Đang độc thân đẹp trai thế, uỵch phát đầu quân vào nhà ông nhà thơ Lê Hồng Thiện ở Hưng Yên. Đơn giản chỉ vì ông này có cô con gái rất xinh, nghe giang hồ đồn là xinh lắm, còn tôi nhìn ảnh trên facebook (mới kết bạn) thì chỉ thấy... rất xinh thôi. Nhưng điều... kinh hoàng là cô này cũng viết văn, khiến cho nhà ông Lê Hồng Thiện có đến 3 hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, có thể thành lập 1 chi hội rồi, lúc làm việc là 3 người 3 bàn và cùng gõ. Cái sự này nó lôi Phạm Khải vào một sự lạ làng văn, ấy là, đã có anh em ruột, bố con, mẹ con, vợ chồng, bố vợ con rể là nhà văn, nhưng hình như chưa có bố vợ con gái con rể cùng là nhà văn?

Vừa rồi anh lập một sự lạ nữa, ấy là trong một tuần, anh hối hả cho ra đời 3 cuốn sách, cứ làm như không ra nhanh thì chữ nó... tắc trong ruột, làm như ra sách dễ lắm ấy...

Và sau đây là lý do mà anh quyết liệt cho ra trong một tuần 3 cuốn sách:



Người một tuần được in 3 cuốn sách
(Trò chuyện với nhà thơ, nhà phê bình văn học Phạm Khải)
LÊ THU HIỀN (thực hiện)

Lời tòa soạn: Nhà thơ Phạm Khải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1996. Hiện anh là Trưởng ban Chuyên đề Văn nghệ Công an - Báo Công an nhân dân. Ở tuổi 45, Phạm Khải đã có 13 đầu sách được xuất bản, bao gồm nhiều thể loại: Thơ, phê bình, tiểu luận, chính luận, bút ký - phóng sự, chân dung văn học, tản văn…Đặc biệt, chỉ trong mấy tháng vừa qua, anh đã cho xuất bản tới 4 đầu sách được dư luận chú ý. Nhân dịp Xuân mới Giáp Ngọ, Tạp chí Tri thức thời đại đã có cuộc trò chuyện, trao đổi cởi mở với nhà thơ Phạm Khải xung quanh chuyện nghề của anh… 

- Xin chúc mừng nhà thơ Phạm Khải! Được biết, chỉ trong vòng một tuần cuối tháng 12 vừa rồi, liền lúc anh đã có tới ba cuốn sách được in, mà lại đều dày dặn cả. Anh có thể cho bạn đọc biết cảm tưởng của anh trước cú “sinh ba” này?

+ Thú thật, câu nhận xét của bạn làm tôi buồn nhiều hơn vui. Nó khiến tôi phải tự trách mình vì đã để cho người đọc có cảm giác về sự xuất bản “ào ạt” này. Đúng là “no dồn đói góp”. Sau khi in cuốn sách thứ 6 vào năm 1996, có tới 17 năm liền, ngoài vài ba cuốn viết theo “đơn đặt hàng”, tôi gần như có in thêm cuốn sách nào đâu. Trong khi ai đọc báo giấy và báo mạng đều biết, tôi vẫn viết đều đều, thậm chí còn được cho là viết “khỏe”. Năm 2013 này, tôi không chỉ in ba cuốn thôi đâu. Hồi tháng 9, NXB Văn học cũng in cho tôi một cuốn đấy. Cả 4 cuốn sách này, nếu tôi chú ý, quan tâm tới việc in ấn thì hẳn chúng có thể ra mắt bạn đọc cách đây cả chục năm rồi. Như cuốn “Người về từ chân trời cũ”, hầu hết các bài trong ấy đều đã được tôi cho in báo từ những năm 2000, 2001. Cuốn “Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo” thậm chí còn có những bài tôi viết và cho in báo từ năm 1992, 1993. Nhìn bức ảnh của mình in ở bìa sách, cũng không khỏi có cảm giác xót xa. Bài viết đầu tiên của tập sách được in ra khi mình còn trẻ măng, đang là sinh viên. Vậy mà khi sách in ra, tóc trên đầu đã lốm đốm bạc. Bức ảnh in ở bìa sách đã “mách bảo” cho tôi biết mình không còn trẻ nữa. 

- Bí quyết nào giúp anh có thể viết khỏe và hiệu quả đến vậy?

+ Nói về bí quyết thì tôi chẳng có bí quyết gì cả. Tôi cũng không đặt ra cho mình phải viết hằng ngày và một tháng phải viết bao nhiêu trang. Cái gì cần viết thì tôi viết. Vấn đề gì cần lên tiếng thì tôi lên tiếng. Vì là người làm báo nên tôi luôn có ý thức xây dựng tờ báo mà mình phụ trách, đặc biệt là làm sao nghĩ ra những chuyên mục độc chiêu để hút độc giả. Thậm chí, nhiều lúc, để giữ chuyên mục, tôi trực tiếp viết bài. Công việc cứ thế kéo tôi đi. Đã có lúc, nhiều độc giả đề nghị tôi nên tập hợp những bài viết ấy thành sách. Tôi cũng nghĩ như thế. 

Sở dĩ tôi viết được nhiều vì tôi viết nhiều thể loại. Như 4 cuốn sách tôi vừa cho ra mắt bạn đọc, tất cả đều thuộc những thể loại khác nhau. Cuốn “Những vụ án và sự cố bi hài” là tập bút ký - phóng sự về các vụ án, các sự cố liên quan đến các vấn đề an ninh kinh tế, văn hóa, xã hội; tập “Người về từ chân trời cũ” là tập sách chân dung nhân vật; tập “Quyền phản biện không của riêng ai” là tập chính luận, đấu tranh tư tưởng và tập “Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo” là tập tiểu luận - phê bình văn học. Chứ nếu chỉ độc một món thì làm sao mà viết nhiều được? Hoặc có viết nhiều thì cũng dễ nhàm. 

Nhà thơ Chế Lan Viên có một câu thơ mà tôi rất tâm đắc: “Sợi chỉ lòng anh nghèo có một màu/ Xe vào cái đa sắc của cuộc đời nên chói lọi”. Nếu cứ ngồi trong “tháp ngà” mà nặn óc nghĩ thì dù đầu óc có sáng láng đến mấy cũng viết được là bao? Cái chính là anh phải sống, gắn bó mật thiết với cuộc đời, rồi từ cuộc đời nó sẽ đưa đến cho anh nhiều “gợi ý”, cung cấp cho anh nhiều đề tài cần viết. Phải biết xe sợi chỉ lòng mình vào với cái đa sắc của cuộc đời.

- Đọc báo chí hiện nay, thấy nhiều người hay nhắc đến hai chữ “phản biện”. Anh cũng vậy. Cái tên tập sách của anh “Quyền phản biện không của riêng ai” nghe ấn tượng và dễ gây…tò mò. Vậy thông điệp của cuốn sách là gì?

+ Trước tiên phải nói ngay rằng, trong việc làm sách, tìm được tên sách ưng ý - khó lắm, nhất là đối với những cuốn sách có tính chất phê bình, tiểu luận, chính luận. Nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Mai Quốc Liên, Vũ Quần Phương thậm chí còn “bí” đến mức phải lấy tên thể loại để đặt cho tên sách của mình, như các cuốn “Tiểu luận và phê bình văn học” của Mai Quốc Liên, “Bình thơ” của Vũ Quần Phương. Với cuốn “Quyền phản biện không của riêng ai”, có thể nói tên sách khiến tôi thực sự ưng ý. Nó vừa có sức gợi vừa nói được những điều tác giả cần gửi gắm. Đó cũng là tên một bài viết tôi đưa in ở đầu tập sách, trong số 44 bài của tập, coi như thay lời nói đầu. Thông điệp của nó thật ra cũng giản dị, nhưng lại là điều mà nhiều đối tượng cơ hội chính trị luôn cố tình tìm cách “đánh tháo”: Đó là anh luôn đòi phản biện nhưng lại không chịu nghe những lời phản biện của người khác đối với những ý kiến của mình. Để minh họa việc này, xin trích một đoạn trong sách: “Có lẽ, chưa bao giờ trên các trang web, các blog cá nhân ở ta lại xuất hiện nhiều hai chữ phản biện như bây giờ. Đành rằng, để một xã hội thực sự dân chủ và đổi mới thì tinh thần phản biện phải luôn được coi trọng, song tiếc là, đây đó đã có những người chưa hiểu đúng và có phần lạm dụng vấn đề này. Một mặt, họ kêu họ chưa được thoải mái bày tỏ chính kiến, mặt khác, họ lại tỏ ra “độc quyền chân lý”, sẵn sàng dùng những lời lẽ xúc xiểm, thậm chí là quy chụp những người có ý kiến khác với ý kiến phản biện của mình. Thậm chí, thay vì những lỹ lẽ, luận cứ khoa học, họ lại thích “chinh phục công chúng” bằng cách la lối, đẩy người đối thoại về phía các cơ quan công quyền, như thể đó là những người chỉ có một nhiệm vụ“ăn lương để bảo vệ thể chế”, những người bên cạnh cây bút luôn ẩn giấu cây gậy dùi cui và chiếc còng số 8. Rõ ràng, những lời lẽ quá khích, có tính mị dân và chia rẽ ấy của họ đã khiến nhiều vấn đề đáng lẽ có thể được giải quyết một cách thấu đáo, khoa học thì lại ngày càng trở nên phức tạp”.

- Nếu cần phải nói ít dòng cốt lõi về 4 cuốn sách đã in trong năm nay của anh, anh sẽ nói điều gì? 


+ Viết bài đăng báo có thể do nhu cầu tức thì, nhưng khi làm sách, bao giờ tôi cũng có ý sắp xếp, cấu tạo theo chuyên đề. Tôi từng là người làm xuất bản mà. Chẳng hạn, với cuốn “Những vụ án và sự cố bi hài”, đó là một tập hợp những bài viết về các vụ án, các sự cố có tính bi và hài. Cái khác của cuốn sách so với những cuốn vụ án của các tác giả khác là ở mấy chữ “bi và hài” này. Vì chọn bài theo hướng ấy nên có những bài viết về các vụ án đơn thuần tôi buộc phải bỏ ra ngoài, không đưa vào tập. Với cuốn “Người về từ chân trời cũ”, các nhân vật được tôi đề cập hầu hết đều lập kỷ lục ở một lĩnh vực nào đó. Người thì “trẻ nhất”, người thì giữ cương vị “lâu năm” nhất, người thì “đầu tiên”, người thì được suy tôn là “vua” ở một lĩnh vực nào đó. Cuốn “Quyền phản biện không của riêng ai” thì có tính chất đấu tranh tư tưởng, mà đối tượng chủ yếu là các phần tử cơ hội chính trị, các văn nghệ sĩ có cách nhìn nhận vấn đề cực đoan, quá khích. Nói một cách giản dị thì đây là cuốn sách mà trước mỗi bài viết đều có những đối tượng cụ thể để phê phán, tranh luận. Còn cuốn “Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo” thì là cuốn sách mang tính học thuật, chuyên sâu vào chuyện bếp núc của nghề văn, dành riêng cho đối tượng bạn đọc là những người yêu văn chương thuần túy. 

- Trong số những phản hồi của bạn đọc về những cuốn sách nói trên, anh tâm đắc với lời khen nào nhất?

+ Sách mới ra “lò”, mọi việc xin cứ để bạn đọc tiếp tục bình xét. Tuy nhiên, nếu nói về lời khen thì tôi thích nhất là một ý kiến của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Trong một lần mời tôi đọc tham luận về một nhà thơ quá cố, anh Nguyên đã nhận xét, đại ý, không ngờ Phạm Khải làm báo thị trường nhưng khi đi vào học thuật vẫn có được độ lắng và các nhận xét, suy ngẫm vấn có tính chuyên sâu như vậy. Đây là một lời khen mà tôi rất tâm đắc. Bởi để có được “độ lắng” ấy khi viết phê bình văn chương, khiến cho các bài phê bình nó không mang dáng dấp của một bài báo, đã có lúc tôi phải tạo cho mình một nhịp “sống chậm”, mà đây là điều không dễ với một người ở vị trí công tác như tôi hiện nay, trong cuộc sống đầy bon chen, chụp giật này. 

- Xin được hỏi câu cuối cùng: Dự định của anh trong năm mới Giáp Ngọ? 

+ (cười) Dự định lớn nhất vẫn là việc tiếp tục cho ra lò những cuốn sách mới. Nói bạn đừng cho là tôi “nói phét không sợ bị ai đánh thuế” nhé, hiện tôi còn gần 20 bản thảo nữa có thể đưa in. Như trên đã nói, tôi từng có tới 17 năm hầu như không in một cuốn sách nào. Tập thơ gần nhất của tôi cũng ra đời cách nay 21 năm rồi. Cụ thể, chỉ ra giêng này là cuốn “Mỗi nhà văn một chuyện lạ” của tôi - một tập hợp những bài tôi từng đăng trên Văn nghệ Công an cách đây mấy năm sẽ được một đối tác đưa in. Tôi tin, đây sẽ là cuốn sách có thể được in lại thường xuyên, vì tập hợp trong đó là những câu chuyện rất thú vị về các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng mà tôi mất bao nhiêu năm quan sát, nghiền ngẫm mới phát hiện được. 

- Xin cảm ơn nhà thơ Phạm Khải. Chúc anh một năm mới dồi dào sức khỏe và thực hiện được các dự định của mình.

(Nguồn: Tạp chí Tri thức thời đại số Tết Giáp Ngọ)









Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét