MỘT BÀI VIẾT CỰC HAY VỀ GIÁO DỤC

Đọc bài này thì mình mới sáng ra, dù lâu nay thi thoảng cũng loi choi bàn về giáo dục. Vậy nên mình phá lệ, bê bài này về mà không xin phép tác giả và tác giả cũng không gửi mình. Lâu nay mình cành cao, là tự vì chỉ đăng bài của mình trên blog này, lâu lâu bạn bè hay đàn anh gửi trực tiếp, người thì ra lệnh, người thì năn nỉ (hihi) thì mình mới đăng. Nhưng với bài này, mình phá lệ và xin lỗi tác giả vì đã không thể liên hệ...

Tác giả bài này là PGS TS Mạc Văn Trang, và bài thì mình lấy bên anh Trần Nhương.
-----------

Mấy suy nghĩ tản mạn về giáo dục

Mạc Văn Trang


Chiều thứ bảy tôi được báo: sáng thứ hai (13/01/2014) Bộ trưởng đến làm việc với Viện, mời lên nghe, trao đổi… Chẳng biết sẽ nói gì, sáng chủ nhật ngồi bần thần rồi viết ra “Mấy suy nghĩ tản mạn về giáo dục”, thành tâm gửi đến Bộ trưởng và các đồng nghiệp để sẻ chia. Lòng thành, chẳng ngại đúng – sai!

1. GD Việt Nam có một lợi thế (may mắn) là dân ta coi trọng sự học. Dù cha mẹ ăn đói, mặc rách, lam lũ kiếm sống vẫn quyết chí cho con đi học; con học giỏi, đỗ đạt, coi như thành công; con học hành không ra gì, dù làm ăn phát đạt cũng xấu hổ với họ hàng, làng xóm… Truyền thống đó giúp cho “xã hội hóa GD” đạt nhiều kết quả, nhưng vì thế, nhà nước đã quá lạm dụng gây nên mất cân đối giữa sự đóng góp của dân với trách nhiệm của nhà nước cho GD; truyền thống đó cũng là một động lực khiến trẻ em Việt ở nước ngoài thường có thành tích học tập tốt, nhất là cộng đồng người Việt tại nước Đức. Truyền thống đó là vốn quý của dân tộc cần được nuôi dưỡng và phát huy phù hợp với thời kỳ mới.

2. Các cuộc cải cách GD nóng vội thường thất bại nhiều hơn thành công! Đó là vì khi cải cách GD người ta thường lắm kỳ vọng, “duy ý chí”, không đảm bảo các điều kiện thực hiện và không tính hết những tác động, những “lực cản” xã hội. Không nhà khoa học nào có điều kiện thuận lợi hơn Hồ Ngọc Đại để thực hiện cuộc “cách mạng GD” bằng thực nghiệm “Xây dựng mô hình nhà trường mới …”, nhưng sau 35 năm “chỉ làm mỗi một việc thực nghiệm GD” mà rút lại, có công nghệ dạy tiếng Việt lớp 1 coi như thành công! Những cuộc “đổi mới trong ổn định”, không ồn ào thì thành công nhiều hơn, như người Pháp đưa giáo dục Tây vào từ từ thay nền Nho học Việt Nam thời Pháp thuộc, đã đạt thành tựu vĩ đại! Đó chính là “Đổi mới căn bản, toàn diện GD”! Nền GD đó đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của nó, tạo ra được một tầng lớp tinh hoa cho xã hội, xây dựng nên một nền văn hóa mới, những dấu mốc lịch sử phát triển của khoa học, văn học, kiến trúc, hội họa, y học, giáo dục … vươn tới tầm văn minh thế giới đầu thế kỷ XX. Tầm nhìn và cách phát triển có lựa chọn, tạo ra “mũi nhọn”, đỉnh cao trong GD của họ, ngày nay vẫn rất đáng suy nghĩ…

3. Hệ thống và cơ chế quản lý áp đặt và đồng loạt trong GD đã làm hỏng các cơ sở GD. Mỗi trường học là một thiết chế giáo dục, nó sống và phát triển trong mối quan hệ với một cộng đồng đặc thù, phục vụ cho nhu cầu của một cộng đồng đặc thù, tạo nên truyền thống riêng, văn hóa riêng, giá trị riêng… Chỉ có hiệu trưởng và đội ngũ giáo viên, giảng viên (GV) của trường ấy qua nhiều thế hệ mới làm nên truyền thống, “thương hiệu” đặc sắc cho trường của họ. Vậy mà ta nhập, tách, xóa trường cũ, lập trương mới … tùy tiện. Sự khác biệt và tạo giá trị tri thức cao làm nên đẳng cấp, danh tiếng của mỗi trường đại học. Trường đại học nhan nhản, trường nào cũng giống nhau thì còn giá trị gì! Hy vọng quyền tự chủ không chỉ với trường đại học mà trường phổ thông cũng dần được tăng lên. Tự chủ mới phát triển tính tích cực, sáng tạo và trách nhiệm…

4. Sự bất bình đẳng trong giáo dục ngày càng trầm trọng. Nhân loại thường hy vọng: trước thánh đường, trước tòa án, trong trường học mọi người đều tìm thấy sự bình đẳng. Hiện nay sự bất bình đẳng GD gây nhiều bức xúc, lâu dài có thể là một trong những mầm mống của bất ổn xã hội. Ngay từ Mầm non, con em người lao động bị “đọa đầy” trong những nhóm trẻ tự phát với biết bao thảm cảnh như mọi người đã thấy; trong khi đó con tầng lớp trung lưu “chiếm giữ” hầu hết các trường mầm non công lập; con em tầng lớp giàu được nuôi dưỡng trong các trường mầm non tư thục chất lượng cao, trường quốc tế… Càng lên cao, sự bất bình đẳng về cơ hội trong GD càng lớn. Con em tầng lớp quan chức, người giàu, dù vừa dốt vừa hư cũng thừa cơ hội đi du học nước ngoài, về nước vẫn dễ chiếm những chỗ làm “bở béo”…Cảm nhận sự bất bình đẳng đó, sinh ra tâm trang bất bình của người dân ngày càng cao. Tạo ra sự bình đẳng về cơ hội GD cho con em mọi tầng lớp xã hội là sứ mệnh đầy khó khăn và thiêng liêng của GD.

5. Không phải dân ta chỉ thích “đại học”, không chịu “phân luồng” đi học nghề! Dân ta thực dụng lắm, học cái gì có việc làm, có thu nhập tốt là lao vào học thôi! Vấn đề là chính sách đầu ra của người tốt nghiệp trường nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp chưa hợp lý. Chính sách lương bổng, đãi ngộ và đánh giá con người của nhà nước ta vẫn theo bằng cấp, chứ không theo năng lực thực, nên mới đổ xô học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, cốt có tấm bằng, vừa oai, vừa lợi! Hãy nhìn vào thực tế: bao nhiêu nam nữ thanh niên đang chen nhau, nộp hàng trăm triệu đồng để được đi xuất khẩu lao động, thực chất là tha phương cầu thực, làm “cu li” kiếm món tiền chứ có phải “vì ham bằng cấp, danh giá” gì đâu! Cho nên mấu chốt của “phân luồng”, đào tào nghề là hiệu quả đầu ra, chính sách đảm bảo cuộc sống cho người lao động.

6. GD bất ổn từ gia đình. Từ “đổi mới” đến nay, cả xã hội và mỗi gia đình Việt Nam có nhiều biến động sâu sắc. Di chuyển xã hội (Social Mobility) là vấn đề lớn mà GD chưa tính đến. Ở nông thôn, các gia đình thường cả bố mẹ hoặc một trong hai người đi kiếm ăn xa, con trẻ chịu nhiều thiệt thòi về GD. Công nghiệp hóa, đô thị hóa ào ạt, hầu hết những gia đình trẻ, nghèo ở đô thị và các khu công nghiệp sống trong môi trường gia đình không đảm bảo điều kiện phát triển bình thường của trẻ. Nhiều người mải theo đuổi “thương trường”, phó mặc con cho “ôsin”, trẻ thiếu sự ru nựng, vỗ vễ, âu yếm của mẹ, của bà; ít được tiếp xúc với thiên nhiên, xã hội, lại bị “ô sin” cho xem tivi suốt ngày, não đứa trẻ phải tạo cơ chế trơ, ì trước các thông tin nhiễu loạn… Phải chăng vì thế, trẻ tự kỷ gia tăng đáng sợ!? Con các tầng lớp quan chức, nhà giàu cũng chẳng hay gì về GD. Ngay từ bé trẻ đã biết bố mẹ có quyền và tiền, chẳng cần học giỏi cũng có “tương lai huy hoàng”! Thêm nữa, nhiều em có thể “rút tiền” từ bố mẹ, ăn chơi thỏa sức… Đạo làm người phải được GD từ gia đình là cơ bản. Cha mẹ đã tham nhũng, hối lộ, sống thủ đoạn, nói và làm giả dối, tham lam, mê tín … làm sao để con thành người lương thiện, tử tể? Có người nói: “Học sinh nghèo vượt khó đã giỏi, nhưng học sinh giàu “vượt sướng” còn khó hơn”! Việt Nam cùng mô hình giống Trung Quốc, nên nước họ cũng đang giải quyết vấn đề các “Cao cán đệ tử”… GD cùng các tổ chức liên quan cần có một chiến lược cải thiện GD gia đình …

7. GD bất ổn từ nhà trường. GV bị sức ép vô lối từ các cấp quản lý, sinh ra đối phó, triệt tiêu tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm cá nhân – vốn là đặc tính lao động tự thân của nghề GV. Học sinh bị áp lực từ gia đình, từ GV, học bị động, đối phó, căng thẳng, rập khuôn, triệt tiêu hứng thú, sáng tạo, tự tin… Thoát khỏi áp lực là không có nhu cầu, hứng thú tự thân để tự học, tự tìm tòi khám phá… Cho nên học rất nhiều mà đọng lại ít! “Thi đua” của Cụ Hồ mới đầu là hay, là thật, nhưng dần dần đã bị sai lệch, lặp lại mãi thành nhàm chán; ai cũng thấy nó hình thức, chẳng ích lợi gì, còn thêm mất thì giờ, tốn kém và gây ra bệnh thành tích gian dối, nhưng không ai đủ bản lĩnh chấm dứt nó đi! Thử đếm xem Vinashin, Vinalines đã nhận bao nhiêu cờ thi đua, danh hiệu nọ kia ầm ĩ một thời?! Về GD, có mấy nước trên thế giới có kiểu “thi đua” trong GD như ở ta?! Vậy sao GD của họ vẫn thành công? Hãy để cho nhà trường có cuộc sống tự nhiên, bình thường!

8. Đừng đổ tại mặt trái của cơ chế thị trường. Các cơ quan nghiên cứu đến quản lý từ trên xuống dưới đều đổ cho “mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động làm suy thoái đạo đức, lối sống của xã hội, nhất là lớp trẻ”... Cái gì chẳng có mặt trái! Sao các nước có thị trường phát triển hàng trăm năm, hay những nước mới từ “xã hội chủ nghĩa” chuyển sang tư bản, như Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc và ngay cả Nga… nền GD của họ sau khi chuyển sang cơ chế thị trường, có khủng hoảng vài ba năm, liền ổn định và tốt đẹp hơn thời XHCN? Tôi đã tìm hiểu thực tế học sinh người Việt học tại Ba Lan, Đông Đức (cũ) thấy trẻ từ mầm non đến hết phổ thông, đi học không mất tiền (trừ vài ba trường tư và trường quốc tế với quy mô nhỏ bé, ở thành phố lớn). Sinh viên học trường đại học công không phải đóng học phí và ở ký túc xá miễn phí. Trẻ dưới 18 tuổi không được mua, sử dụng rượu, bia, không được bén mảng đến “nhà nghỉ”, “quán cà phê đèn mờ”, nơi người lớn “ăn chơi”…Những dịch vụ “nhạy cảm” không thấy ở quanh trường học, khu dân cư… Chính quyền đã quản lý rất chặt “mặt trái của cơ chế thị trường”, hạn chế tối đa các tác hại của nó với xã hội, nên nó không thể hủy hoại GD, y tế… như ở Việt Nam. Tại sao họ làm đươc? Mặt trái của thị trường cũng như mặt trái của mỗi con người, chính quyền của ta đã không quản lý nổi cả hai cái mặt trái đó, để nó “tích hợp” vào nhau “hai trong một”, tác oai, tác quái gây nên bao ung nhọt, tệ nạn cho xã hội và GD. Bằng cách nào và đến bao giờ mới loại bỏ được nguồn gốc gây ra các tệ nạn ấy? Một mình ngành GD chỉ cố vùng vẫy, chứ làm sao thoát ra được! Vì thế hãy nhìn vào thực trạng, nguyên nhân xã hội của GD để tìm giải pháp, chứ đừng đổ tại “mặt trái của cơ chế thị trường”!

9. Mỗi con người là một cá thể có một không hai, không lặp lại. Bản chất của GD là “Một nền GD làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em” (Hồ Chí Minh, 1945); “GD làm cho mỗi trẻ em phát triển trở thành chính nó” (Hồ Ngọc Đại, 1978), đó là những triết lý GD rất cơ bản, có hiểu và hành đúng như vậy, GD mới thực sự tôn trọng con người, phát huy giá trị mỗi con người. GD của ta thì làm ngược lại, nhằm đến sự “bình quân về nhân cách”, bắt tất cả theo một khuôn mẫu, em nào vượt ra khỏi khuôn mẫu đó là thuộc “diện cá biệt”, phải dùng các “biện pháp nghiệp vụ” để đưa vào khuôn phép! Tạo hóa đã sinh ra mỗi con người không ai giống ai là để làm nên sự khác biệt, phong phú, đa dạng của cuộc sống loài người. GD phải tôn trọng sự khác biệt, “làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có” của mỗi em, “trở thành chính nó” để nó tự do, tự tin, tự chủ sáng tạo ra những giá trị khác biệt cho xã hội, cho nhân loại. Tất nhiên chỉ số ít học sinh có thể đạt đến sự sáng tạo mới, đem lại giá trị mới, khác biệt cho nhân loại. Nhưng số ít ấy phải phát triển dựa trên nền GD “khai phóng và nhân bản”. Để đạt được điều đó không chỉ đổi mới phương pháp GD mà phải thay đổi hẳn quan niệm về mỗi cá nhân con người, thay đổi hẳn cách nhìn nhận, đánh giá về mỗi học sinh…

10. GD là đem lại sự phát triển những giá trị Chân, Thiện, Mỹ, Ích ở người học (Tsunesaburo Makiguchi, 1871-1944). Chân, Chiện, Mỹ thì xưa nay ở ta nói nhiều, nhưng “Ích” thì ít bàn đến. Người Nhật rất coi trọng GD giá trị Ích. Học gì, làm gì cũng phải nhằm đem lại ích lợi cho bản thân, cho tổ chức, cho xã hội; làm sao để tiết kiệm hơn, tiện ích hơn, hiệu quả hơn… Ngay trong gia đình, nhà trường, trẻ đã được GD tiết kiệm tiền, của, thời gian, sức lực bằng cách suy nghĩ, hành động sao cho hợp lý nhất. Xem đội bóng U19 Việt Nam và U19 Nhật Bản thi đấu ta thấy: các cầu thủ Việt như cố phô diễn kỹ thuật cá nhân nhanh nhẹn, khéo léo, lắt léo, trổ tài cho khán giả xem; còn các cầu thủ Nhật thì toan tính từng đường bóng để đạt hiệu suất ghi bàn tối đa. Kỹ thuật gần như nhau, nhưng đầu óc suy nghĩ khác hẳn nhau. Huấn luyện viên không dễ thay đổi cái “máu” này của người Việt. Cha chú họ là những nông dân đua nhau trồng mía, rồi chặt mía trồng điều, chặt điều trồng ca cao, chặt ca cao trồng cà phê … Rồi đua nhau làm những cái bánh chưng, bánh dầy to nhất, bộ ấm chén lớn nhất, cái ghế, đôi guốc to nhất, chiếc mõ vĩ đại nhất, chai rượu lớn nhất… chỉ cốt lập kỷ lục được ghi vào Guiness Việt Nam! Rồi những ông nông dân bỏ ra tiền tỉ với bao công sức để tự chế “máy bay trực thăng”, “tầu ngầm”!… Một “nước còn yếu, dân còn nghèo” mà biết bao chuyện làm ăn lãng phí, vô bổ, bi hài! “Muốn trở thành người có ích, hãy bớt làm những việc vô ích” (Ngô Bảo Châu, 2011). Rất đúng! Nhà trường hiện nay nói bao nhiêu điều nhàm chán vô ích; dạy bao nhiêu cái vô bổ, thừa thãi, không cần thiết; thi đua làm bao nhiêu việc nửa vời, không đến nơi đến chốn; mua sắm bao nhiêu thiết bị dạy học dùng ít, hỏng nhiều, bỏ xó; bắt học sinh mua bao nhiêu tài liệu “ăn theo” sách giáo khoa, chất đầy cặp mà chẳng dùng đến… Chân, Thiện, Mỹ vu vơ, bằng cấp đầy mình mà không đem lại Ích lợi, thì học mãi cũng không tạo ra giá trị xã hội; đào tạo nguồn nhân lực xô bồ, số lượng nhiều mà chất lượng kém, không thể cạnh tranh thành công thì ích lợi gì, lãng phí bao nhiêu?

11. GD tuân theo quy luật mới phát triển tự nhiên, bền vững. Chắc có nhiều quy luật, tôi không rõ lắm, nhưng trong Tâm lý học ít nhất có ba quy luật cần cho GD.
- Một là, quy luật phát sinh cá thể (Ontogenetic), tức là từ trong bào thai cho đến hết cuộc đời, mỗi giai đoạn phát triển, con người có những đặc điểm đặc trưng của giai đoạn đó và những tiền đề cho phát triển của giai đoạn sau. Nếu GD phù hợp đặc điểm của giai đoạn phát triển sẽ khiến học sinh vui thích, hứng thú vì nhu cầu được đáp ứng; hơn nữa nếu GD tác động vào “vùng phát triển gần nhất” (Lev Vygotsky 1896 - 1934), sẽ kích thích sự phát triển sớm hơn, mạnh mẽ hơn của học sinh. GD là tạo ra sự phát triển. “Đi học là hạnh phúc”, đối với học sinh “Hạnh phúc là phát triển” (Hồ Ngọc Đại, 1980). Đi sâu vào, còn những quy luật phát triển nhu cầu, hứng thú, nhận thức, xúc cảm, hành vi… của học sinh các giai đoạn phát triển. GD phù hợp tâm, sinh lý lứa tuổi mới đem lại những điều bổ ích và lý thú, tạo ra sự phát triển tự thân, bền vững. Cũng như ăn uống, cứ nhồi nhét cho trẻ những thứ mà người lớn tưởng là cần thiết, nhưng trẻ không tiêu hóa được, thì chẳng ích lợi mà còn gây hại!
- Hai là, quy luật phát sinh loài (Philogenetic), tức là quy luật về sự tiến hóa, phát triển của loài, ở đây chỉ nói về quy luật phát triển “trí khôn của loài người”. Trong các loài động vật, chỉ có con người là có khả năng GD, tức là có thể khách quan hóa, cụ thể hóa, vật thể hóa kinh nghiệm của bản thân ra bên ngoài thành công cụ, đồ vật, ngôn ngữ để có thể dùng hành động cùng với lời nói, truyền đạt kinh nghiệm của mình cho người khác. Nhờ khả năng đó mà trí khôn loài người phát triển hơn muôn loài. Khi loài người sống khép kín trong những cộng đồng nhỏ hẹp thì “già làng”, “trưởng bản” là những người có kinh nghiệm cao nhất. Nhờ “làn sóng thứ nhất”, “làn sóng thứ hai”… trí khôn của nhân loại đã hòa thành một dòng chảy liên tục, đến “làn sóng thứ ba” (Alvin Toffler, 1990), thế giới đã thành “Thế giới phẳng” (Thomas L. Friedman, 2008). Cá nhân nào, nhóm người nào, dân tộc nào bắt kịp vào dòng chảy của trí khôn nhân loại thì có cơ hội phát triển cùng thời đại; ngược lại, tách khỏi dòng chảy đó thì cứ dẫm chân tại chỗ, như các nhóm người nguyên thủy vẫn còn tồn tại ở rừng Amazon và một số nơi. Nếu Việt Nam không đổi mới hòa nhập vào thế giới thì vẫn cái vòng khép kín: “Dưới ruộng, ông lão đi bừa/ là con ông cụ ngày xưa đi cày”! GD phải đưa học sinh, sinh viên hòa nhập vào dòng chảy của trí khôn nhân loại để bứt lên, đưa dân tộc theo kịp thời đại, tránh nguy cơ tụt hậu ngày càng xa…
- Ba là, quy luật về sự khác biệt cá thể giữa các học sinh. Có học sinh “học một biết mười”, có em “học mười chưa được một”; có em chưa nói đã tự hiểu; có em nói một lần thì tự sửa được thói xấu, có em uốn nắn một trăm lần cũng lúc được lúc không! GD phải chấp nhận mọi trẻ em và coi trọng GD cá biệt hóa. GD bằng ưỡng ép cũng có kết quả trước mắt. Nhưng từ cưỡng ép phải dẫn đến tự do mới phát triển bền vững và nhân văn. GD không thể đạt được thành công như nhau với mọi trẻ em. Nhưng GD phải đem lại cho mọi trẻ em sự phát triển hơn những gì nó đang có, và đó là đem lại “hạnh phúc” cho mọi đứa trẻ.

12. Dạy phân hóa ở Trung học và giáo dục hướng nghiệp, tuyển chọn phù hợp nghề để đào tạo là hợp quy luật, hiệu quả. Thị trường lao động chỉ mua – bán những hàng hóa sức lao động đáp nhu cầu và yêu cầu của nó; đào tạo nghề và đại học khác GD phổ thông, là trực tiếp tạo ra giá trị sức lao động, thành hàng hóa cạnh tranh trên thị trường lao động. Hàng chất lượng cao, giá đắt vẫn bán chạy; hàng kém chất lượng, bán rẻ cũng ế…(xem tuyển chọn, đào tạo và mua - bán cầu thủ bóng đá thì rõ). Muốn nguồn nhân lực từ người giúp việc gia đình đến công nhân, kỹ sư, bác sĩ, GV …có chất lượng cao, cần: 1) Phân tích nhu cầu, yêu cầu của thị trường lao động; 2) Xác định yêu cầu của nghề đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động; 3) Hướng nghiệp, tuyển chọn những học sinh phù hợp nghề vào đào tạo (Đặc điểm cá nhân phù hợp với nghề mới học nhanh, phát triển cao, bền vững…); 4) Các cơ sở đào tạo phải đảm bảo các điều kiện theo chuẩn mực để tạo ra giá trị sức lao động của người học đáp ứng yêu cầu của thị trường (người sử dụng lao động). Cùng với kiến thức và kỹ năng chuyên môn, người lao động phải được giáo dục, rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp, tác phong công nghiệp theo yêu cầu của từng vị trí làm việc. Người nào “những năng lực sẵn có” phù hợp với nghề nghiệp, công việc sẽ học và hành nghề hiệu quả hơn, lợi cho cá nhân và xã hội.

13. Việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học Bộ vừa đề xuất có chiều hướng tốt hơn.
Nên thi THPT theo phương án Một: thi 02 môn bắt buộc và 02 môn tự chọn, như vậy vẫn tập trung vào những môn trọng yếu và nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên việc miễn thi cho 20% số học sinh là vấn đề cần xem xét, vì cái gì có “xét duyệt” mang tính chủ quan là y như có tiêu cực! Chỉ cần một trường hợp bất minh sẽ gây tác động tâm lý tiêu cực đến học sinh và cha mẹ học sinh toàn trường… Việc tuyển thẳng những học sinh có thành tích ba năm học tập tốt vào đại học trước đây đã gây nhiều tiêu cực, bức xúc, phải điều tra, hủy bỏ (năm 2000). Tốt nhất chỉ nên miễn thi cho những học sinh đạt giải trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế, có bằng chứng công khai, minh bạch.
Việc các trường đại học tự tổ chức thi cần có biện pháp kiểm soát, tránh tình trạng trước đây đã diễn ra: GV tổ chức luyện thi rồi nhận trước tiền “đặt cọc”, nếu không đỗ vào trường sẽ trả lại (!)… Cái gì dù hay hơn, vẫn có “mặt trái” phải có biện pháp kiểm soát hữu hiệu thì cái hay mới phát huy giá trị.

14. Nghiên cứu khoa học GD rất khó, vì khoa học về con người, phát triển thế hệ trẻ của dân tôc đáp ứng yêu cầu của thời đại… Nó đòi hỏi vừa nghiên cứu cơ bản, vừa thực nghiệm, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của ta vừa cập nhật các thành tựu mới của thiên hạ; nghiên cứu từ những vấn đề chung nhất như Triết học GD, Xã hội học GD, Kinh tế học GD, khoa học Quản lý GD, khoa học Phát triển Chương trình, nội dung GD… cho đến những vấn đề vi mô như đo nghiệm IQ, EQ, SQ … của học sinh; quy luật nhận thức, tư duy, trí nhớ, nhu cầu, tình cảm … đến tâm vận động và hình thành thao tác ở trẻ….; rồi chẩn đoán, trị liệu cho trẻ rối nhiễu tâm thần, trẻ tự kỷ, trẻ câm, mù, điếc… Để có chuyên gia về mỗi lĩnh vực dù “vĩ mô” hay “vi mô” phải có người chuyên tâm nghiên cứu, thực nghiệm, phổ biến khoa học, tổng kết… chừng 15 – 20 năm. Họ cần có lương đủ sống (không phải ngó nghiêng, nhấp nhổm kiếm ăn); chuyên tâm theo đuổi chuyên ngành khoa học tương đối ổn định, lâu dài; môi trường làm việc thuận lợi; điều kiện vật chất, tài chính đảm bảo tối thiểu cho hoạt động. Cách quản lý khoa học luôn “tái cấu trúc” theo nhiệm kỳ quản lý đã gây bao xáo trộn, bất an, khiến đội ngũ hẫng hụt, phân tán, thiếu đồng bộ, kém hiệu quả… Hy vọng một tầm nhìn mới, cách quản lý mới sẽ tạo ra sự phát triển mới cho khoa học GD nước nhà.

Xin tạm dừng. Lòng thành, vô tư, mong thấu tỏ!

Hà Nội, ngày 12/01/2014
Mạc Văn Trang
PGS TS Tâm lý học


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét