Chả thế mà cái chùa Bái Đính nó to đến thế, thậm chí định làm hẳn một con đường rất hiện đại về đấy để dân đi lễ cho tiện. Cũng lạ, đạo phật khác đạo thiên chúa. Các nhà thờ thì nó uy nghi to lớn chọc vào trời xanh, bên trong thì các vòm của nó uy nghi lộng lẫy để con chiên có cảm giác rợn ngợp trước chúa trời, để thấy được sự cao vời của chúa, trước chúa con người nhỏ bé vô cùng. Đạo Phật thì ngược lại, các ngôi chùa bình dị và nhỏ bé, lẫn vào thiên nhiên cây cỏ, ngay các mái chùa cũng cố cong lại cho nó mềm ra, cho con người cảm thấy thân thiện. Nếu vào nhà thờ ta phải ngước lên thì vào chùa ta nhìn ngang thậm chí nhìn xuống. Thế mà chả hiểu sao người ta làm cái Bái Đính kinh hoàng thế, hoành tráng thế. Đến Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng chọn non thiêng Yên Tử làm nơi hành đạo khi rời ngôi vương. Đường lên đấy vô cùng khó khăn, lẫn vào rừng, hòa vào thiên nhiên, nhỏ bé và khiêm nhường, đúng nghĩa ở ẩn, đằng này lại bày ra, phơi ra lại còn định làm đường cao tốc xuyên vào nữa, lạ thật?
------------
Cái tin năm nay được nghỉ tết đến 9 ngày đang xôn xao trong dân chúng, nhất là giới công chức. Sướng quá đi chứ, được nghỉ đến 9 ngày là một mơ ước của tất cả mọi người từ già đến trẻ, từ ông đến bà, từ người làm công ăn lương đến người… làm lương ăn công, trừ các ông chủ, tất nhiên, họ đang kêu đảo lộn kế hoạch sản xuất của họ, các hợp đồng có khi bị phá vỡ…
Tết (tiết) âm lịch của ta thực ra chỉ có 3 ngày và nó bắt nguồn từ… Trung Quốc với tên gốc là nguyên đán tức sự khởi đầu của buổi sáng sớm. Các cụ xưa hay nói “Ba ngày tết’, là nói số 3 cụ thể chứ không phải số nhiều định lượng, nên mới có lịch cụ thể: Mùng một tết cha, mùng 2 tết mẹ mùng 3 tết thầy. Cả năm đầu tắt mặt tối, chỉ đợi đến tết để… ăn, vậy nên cái từ ăn tết nó ám vào lịch sử ngôn ngữ cho đến giờ người ta vẫn còn dùng ăn tết, dù tết bây giờ không chỉ để ăn, hay nói chính xác, ăn bây giờ chỉ là thứ yếu. Ở Miền Bắc tết là vào mùa lạnh cắt da, nhưng lại đúng vụ cấy, nên có nhiều nhà đến tận chiều 30 vẫn còn bì bõm ngoài đồng giữa cái chính rét cắt thịt. Tất cả việc làm ăn cả năm chỉ nhăm nhăm dành cho tết. Nuôi được con lợn con gà cũng dành tết, thả được ao cá cũng dành tết, có buồng chuối luống rau ngon cũng dành tết. Nhà khá thì ăn, nhà nghèo thì bán, được giá hơn ngày thường. Tết trở thành cái đích trong năm để vượt qua nhưng cũng là cái điểm để mong đến, nhất là trẻ con. Người lớn lo tết đến bạc mặt nhưng trẻ con thì sung sướng vì ít nhất cũng có bộ quần áo lành lặn để mặc, được chơi và nhất là được ăn ngon. Giáp tết nhà nhà chuẩn bị, nghèo mấy thì nghèo, cũng phải có tờ tranh treo tường, có cân thịt con gà. Thường thì ba bốn nhà rủ nhau đụng thịt, í ới từ 23 tháng chạp cúng ông Công ông Táo cho đến tận đêm 30 ngồi canh nồi bánh chưng, đợi khoảng 1 tiếng trước giao thừa thì vớt bánh, và đúng giao thừa thì cúng ông bà tổ tiên đón năm mới. Tết xưa cũng gắn với rất nhiều kiêng kị mà bọn trẻ con luôn phải được dặn rất kỹ để không mắc phải. Trong đấy đáng kể nhất phải là phong tục tết nhất không được để điều buồn trong lòng, trong nhà, mọi oán hờn xua tan, chỉ vui và vui, kiểu như xóa đi làm lại, cái sáng tinh sương mùng một ấy, nó thiêng liêng là vì thế, như là tinh khôi, là mới toanh, là rưng rưng một sự trinh nguyên trước thiêng liêng trời đất tổ tiên…
Giờ tết vẫn còn nhưng đã khác xưa rất nhiều. Như năm nay được nghỉ đến 9 ngày chứ không 3 ngày như trước. Và bây giờ người ta cũng không còn phải thon thót lo cân thịt nồi bánh như trước. Bây giờ mối lo không cụ thể vào nồi gạo ví tiền, mà mối lo là làm sao tiêu cho hết 9 ngày nghỉ.
Những nhà có điều kiện, nhất là ở thành phố thì bàn chuyện đi chơi, cũng là một cách tạo ra bận rộn như ngày xưa lo đụng lợn tát ao, nhưng nó sang hơn, sự bận rộn tao nhã hơn dù mồ hôi thì mặn như nhau và đồng tiền thì cũng từ hầu bao mình mà ra, trừ các bác được biếu, hoặc tiền ở đâu tự nhiên nó vào không biết.
Các phong tục quê đang trở lại, nửa mới nửa cũ, thậm chí nửa tây nửa ta. Các trò chơi cũ được khôi phục, như quê tôi có nguyên một ngày để thi đu. Áo mớ bảy mớ ba phấp phới, đu song song mặt đất, người dưới vỗ tay người trên mát mặt. Hầu như làng quê nào cũng có vài ba trò chơi dân gian lưu truyền từ đời này sang đời khác, một thời hăng hái, tân tiến bỏ đi, giờ khôi phục. Thời gian còn lại, tiền còn nữa, thì ta đi lễ. Chả thế mà cái chùa Bái Đính nó to đến thế, thậm chí định làm hẳn một con đường rất hiện đại về đấy để dân đi lễ cho tiện. Cũng lạ, đạo phật khác đạo thiên chúa. Các nhà thờ thì nó uy nghi to lớn chọc vào trời xanh, bên trong thì các vòm của nó uy nghi lộng lẫy để con chiên có cảm giác rợn ngợp trước chúa trời, để thấy được sự cao vời của chúa, trước chúa con người nhỏ bé vô cùng. Đạo Phật thì ngược lại, các ngôi chùa bình dị và nhỏ bé, lẫn vào thiên nhiên cây cỏ, ngay các mái chùa cũng cố cong lại cho nó mềm ra, cho con người cảm thấy thân thiện. Nếu vào nhà thờ ta phải ngước lên thì vào chùa ta nhìn ngang thậm chí nhìn xuống. Thế mà chả hiểu sao người ta làm cái Bái Đính kinh hoàng thế, hoành tráng thế. Đến Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng chọn non thiêng Yên Tử làm nơi hành đạo khi rời ngôi vương. Đường lên đấy vô cùng khó khăn, lẫn vào rừng, hòa vào thiên nhiên, nhỏ bé và khiêm nhường, đúng nghĩa ở ẩn, đằng này lại bày ra, phơi ra lại còn định làm đường cao tốc xuyên vào nữa, lạ thật?
Là nội dung tết thay đổi thì kết cấu xã hội gia đình cũng phải thay đổi cho phù hợp. Xã hội phải lo chỗ chơi cho dân để họ tiêu hết ngày và cả tiêu hết… tiền (dạo này thấy nhiều người giàu mà kinh, đi lẽ liên miên, chả cứ tết, tiền cứ như lá đa), phải lo phương tiện đi lại để không ùn đường không tắc đường, để dân không phải vạ vật như… heo ở các bến tàu bến xe. Gia đình thì phải chấp nhận có khi tết con nó không về, bởi nó đi du lịch khắp nước hoặc nước ngoài. Trước chỉ mong tết để về với cha mẹ, với quê hương, giờ chưa chắc. Có khi chỉ một cú điện thoại lúc giao thừa, nhưng lúc ấy lại hay nghẽn mạng. Trước mong con về nhưng cũng thon thót lo cái ăn cho nó trong 3 ngày tết, rồi còn tiền xe cho nó. Giờ thì con cái đi làm gửi tiền về, tết thì… điện thoại. Thôn quê cứ vò võ nhớ, vò võ buồn, vò võ chờ đợi…
Cái tục thăm nhau ngày tết cũng thay đổi để thích nghi. Từ tết cha tết mẹ tết thầy, người ta dành tất cả ngày tết để đi thăm nhau, nhà nào cũng phải một hai ly, đến mệt phờ, đến buồn ngủ. Sau nhiều cơ quan có sáng kiến, ngày cuối cùng của năm, trước khi nghỉ tết, cả cơ quan gặp mặt một cuộc, thủ trưởng lì xì xong tuyên bố: thôi để dành thời gian… chơi, hôm nay chúng ta gặp mặt, tết khỏi đến thăm nhà nhau, ra tết ngày đầu tiên đi làm ta lại gặp nhau. Thế mà kinh nghiệm này hay phết. Nhưng ở nông thôn thì cái tục thăm nhau vẫn giữ nguyên, và nó là sợi dây kéo tình làng nghĩa xóm, ràng buộc con người trong những mối quan hệ tốt đẹp vốn dĩ làm nên văn hóa Việt từ ngàn đời nay…
Tết làm nên bản sắc Việt, chính nó duy trì văn hóa của dân tộc mà trong đó ý nghĩa nhất là việc luôn nhắc con người nhớ về tổ tiên, và có lẽ nhờ thế mà riềng mối gia đình của người Việt hiện nay vẫn rất vững chắc. Nhưng có lúc nó cũng làm cho người hưởng thụ mệt mỏi. Không phải lo cái này thì phải lo cái kia, chả biết cái nào to hơn cái nào, tóm lại là bao giờ cũng phải lo, đời nào cũng phải lo. Tết, cuối cùng cũng vẫn vừa là niềm vui lại cũng có những nỗi lo. Bao giờ cũng thế, nó song hành. Và có khi vì thế mà nó mới là… Tết...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét