Mình là thằng làm nghề viết, xác định là đến đâu thì cũng phải căng mắt ra mà quan sát, mà ghi nhận, rồi gõ ngay tại trận, được cái gì ra tấm ra món thì tốt, không thì cũng phải gạch đầu dòng để về mà nhớ. Lần rồi đi không mang laptop, không mang bút giấy, chỉ 2 điện thoại và 1 iPad. Gõ bằng iPad là không thể, chỉ gạch đầu dòng được thôi.
Nhưng còn một công cụ ghi chép rất hữu hiệu là máy ảnh. Cái máy KTS là một công cụ ghi chép tuyệt vời. Cứ bấm lia lịa, về đổ ảnh là nhớ mồn một. Nhưng lần này thì mình xui. Nghe đồn chụp ảnh rất khó, không khéo còn bị xóa hết phim. MÌnh phải đi mua thêm 1 thẻ nhớ 16 ghi, xài thoải mái. Té ra cũng chả bị ai cấm cả, có điều mình làm hại mình. Lẽ ra với tư cách nhà báo thì anh chụp phong cảnh, chụp mọi người, chụp chuyện... là chủ yếu. Đằng này mình cũng thích... tự sướng, thế là đưa máy ảnh nhờ chụp. Người chụp là sư cô người Việt mình đã kể ở lần trước. Bà đeo trên tay lủng lẳng 5,6 cái máy ảnh. Chụp cho mình xong, mình kiểm tra ảnh thấy OK, nhưng bấm off thì... ống kính không rụt vào được. Huhu tối ấy tốn thêm cái áo len quấn kỹ nó và khi về Hà Nội nhờ 2 ông anh Phan Chí Thắng và Hà Linh chở đi sửa, xùy ra 350K thì nó lại... thò ra thụt vào nhịp nhàng.
Máy ảnh hư thì mình dùng điện thoại và iPad để chụp. iPad chỉ chụp đẹp khi đủ sáng, ngoài trời, nên chỉ còn trông vào con Sony Xperia, về cũng lấy được một số ảnh.
Vấn đề là về nhẩn nha đổ ảnh thì thấy rất nhiều... phân bò.
Người Ấn Độ thờ bò, không ăn bò heo... chỉ ăn nhiều gà, thi thoảng có cá, cá sông và đồng chứ không cá biển. Bò là totem của họ. Vậy nên bò lang thang khắp nơi. Bò cái được trọng dụng, vì lấy ngoài phân, da, thì còn lấy được sữa. Ở Ấn chỗ nào cũng bán sữa, và trong các bữa ăn đều có sữa. Bò đực không lấy được sữa mà chết thì phải xử lý nên cuối cùng nhiều nhà... kệ bố mày, thế là bố mày cứ lừng lững lang thang giữa phố.
Còn phân. Họ lấy phân, rồi có một loại lá cây, vỏ cây, giã hoặc băm ra, trộn với nhau, nặn thành bánh, thế là có thứ để đốt rất tốt. Họ đội trên đầu đi bán.
Phân bò đây ạ, không phải bánh khảo nhé... |
Còn đây là bò và quạ. Ở Ấn Độ không hiểu sao quạ cũng rất nhiều, không chỉ ở nông thôn mà cả ngay các thành phố lớn như New Delhi hay Kolkata... |
Đồ da ở Ấn rất tốt, da thật, tất nhiên kỹ thuật may thì không bằng Italia hoặc Pháp, nhưng có được đồ xịn cũng tốt rồi. Tôi thửa một đôi giày, mấy cái ví, thắt lưng làm quà, mua 2 cái áo da cho mình và vợ, của mình mặc ai cũng khen, riêng vợ, không thèm nhìn, vất ngay vào 1 xó. Kinh nghiệm đau thương này có từ hồi đi Singapore mua váy thế mà ngu không chịu rút kinh nghiệm...
Chuyện các nhà thơ đi chợ thì vô cùng buồn cười. Hôm nói ở trường đại học Presidency, tôi thành thật: các nhà thơ VN thua các đồng nghiệp là trình độ tiếng Anh. Trong khi đồng nghiệp các nước nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ thì các nhà thơ VN hoàn toàn phụ thuộc vào em nhà văn Dili. Nhưng em Dili là nhà văn chứ không phải phiên dịch chuyên nghiệp, tức là em cũng có nhu cầu ngó nghiêng chỗ này chỗ kia, phân tâm lúc này lúc kia, đứng đâu ngồi đâu tùy ý... Thế nên nhiều chuyện bi hài đã xảy ra. Thú thực là có lần tôi đã đi cùng chục nhà văn sang Sin và Mã, về em Chu Thị Thơm viết trên báo Giáo dục Đào tạo rằng ông VCH giỏi tiếng Anh nhất đoàn, huhu. Nhưng cái gì không kể, riêng tiếng thì phải rèn thường xuyên. Các bà chị như Phan Thị Thanh Nhàn, Hoàng Việt Hằng... không nói, nhưng tôi rất ngạc nhiên khi cả chú út của đoàn là nhà thơ Hải Thanh cũng cứ đơ ra. Trẻ mà không biết tí gì "English" thì lạ quá. Té ra là do lâu không dùng nên chú cứng lưỡi, phải 3 ngày sau chú mới hoàn hồn để có thể... mua vải cho vợ được. Mình là trưởng đoàn là nguy nhất, họ toàn lôi lên trên để ngồi. Lúc có em Dili ngồi cạnh cũng đã không yên tâm rồi, vì thi thoảng ngoảnh sang hỏi em: họ nói gì đấy. Em ngơ ra 1 lúc rồi bảo: em không nghe, huhu. Còn lúc ngồi trên sân khấu thì phải "tự tôi" thôi. Nó mời lên phát biểu thì tưởng... đọc thơ và ngược lại. Thế nhưng mà rồi cũng biến báo tốt phết. Lần chuẩn bị thơ để đọc, lên tằng hắng xong thì Dili hốt hoảng: anh ơi anh thay mặt đoàn phát biểu. Thì biểu, ngán gì, thế mà nói trơn tru phết, hoành tráng phết. Tất nhiên vừa nói vừa nhớ cái chuyện phát biểu của Axit Nedin, hiihi...
Cái khách sạn khá lớn hôm đoàn ở Kolkata được bố trí ở có cái thang máy rất lạ, ấy là cửa là cửa... sắt xếp, và thùng thang thì như cái... chuồng gà bằng sắt. Kiểu cửa sắt nhà của ta. Khi bước vào và ra phải tự tay đóng lại không có ai không biết bước vào là lộn cổ mấy tầng rất nguy hiểm. Dân Việt Nam quen đi thang máy bước ra là nó tự đóng nên toàn bước ra là đi luôn. Người trực nhắc mấy lần không được nên rất cáu. Dân Ấn rất nóng (có lẽ là tại ăn nhiều cari). Hôm ấy anh ta hằm hằm gặp Nguyễn Linh Khiếu. Trước đó Khiếu biết chuyện này qua anh em kể, nhưng hôm ấy Khiếu đi thang bộ nhưng bị mắng nên cáu, mặt đỏ tía tai quát lai: Âu en âu, Việt Nam lâu. Hihi tôi hỏi lại, ông định nói gì? Khiếu bảo: tôi bảo Cũ, 2 lần cũ, Việt Nam không dùng. Nhưng Khiếu dân Thái Bình nên nói N thành L, No thành Lâu, còn âu tức Old, cũ...
ẤN Độ có lẽ là nước có nhiều người ăn xin nhất thế giới. Đến bất cứ đâu cũng có người ăn xin, nhất là trẻ con, và họ không coi ăn xin là xấu hổ. Cứ thấy người ngoại quốc là xúm lại xin. Ngay ở cái làng hẻo lánh mà sư cô Từ Tâm mở trường, khi thấy chúng tôi bước từ trên xe xuống, hàng mấy chục đứa trẻ con đã xông đến và... xin, mà ở chỗ này không phải là khu du lịch, hầu như chả có khách, nên cái sự xin nó như là từ trong máu. Nếu mà cho là đại họa bởi trẻ con sẽ xúm đến đông như... quạ, và thậm chí là có ẩu đả. Còn các khu du lịch, khu hành hương thì khỏi nói, họ ngồi hàng đám (người lớn) và lẵng nhẵng hàng đoàn dài trẻ con, kiên nhẫn và dai dẳng, cương quyết không... tha. Mình rất muốn cho nhưng nếu cho một người thì sẽ hàng trăm người kéo tới, nên chỉ nói liên tục 2 câu: No money và Stop Here khi bị trẻ con bám theo hàng đoàn dài. Nhưng chúng vẫn bám. Nhà văn Dili bèn đứng lại, giơ tay mặt rất nghiêm: đứng lại- Tiếng Việt- Hư lắm, như thế là rất hư, biết chưa, không được hư như thế... tất nhiên cũng là tiếng Việt dù chị là phiên dịch của đoàn. Gương mặt cùng dáng đứng biểu cảm và cả thứ ngoại ngữ chúng không hiểu khiến chúng... sợ, giải tán luôn. Thế là Dili sung sướng khoe: đấy, thấy chưa, em dậy được chúng đấy... THực ra thì 5 lần chúng giải tán 2 còn 3 lần thì chúng... nhe răng cười rồi đi tiếp. Chúng cứ rồng rắn theo, tay xòe ra và miệng thì ỉ ôi rất tội nghiệp, mình thì cứ đi rất phản cảm...
Ngay vào khách sạn, sân bay là những nơi sang trọng thì lại có kiểu xin khác. Ấy là những người đàn ông đứng sẵn trong toilet, khách vào sử dụng vừa xong thì họ chìa hộp xà phòng ra, dắt mình lại vòi, xả nước, xong rút trong túi ra cái khăn giấy, lau tay cho mình... xong thì đến lượt họ chìa tay: Money.
Vào các điểm du lịch, hành hương thì nhiều hơn nữa, nhưng có cách xịn mà nhiều người làm, là giữ giày dép. Vào đấy đều phải bỏ giày dép, và thực ra thì không bao giờ mất. Nhưng vẫn có rất đông người tự nguyện xếp lại đôi giày của ta cho ngay ngắn, mỗi người phụ trách chừng 10 đôi, khi ra ta cúi xuống xỏ giày thì họ ngồi xuống giúp ta, xong thì... xòe tay...
Ngay vào khách sạn, sân bay là những nơi sang trọng thì lại có kiểu xin khác. Ấy là những người đàn ông đứng sẵn trong toilet, khách vào sử dụng vừa xong thì họ chìa hộp xà phòng ra, dắt mình lại vòi, xả nước, xong rút trong túi ra cái khăn giấy, lau tay cho mình... xong thì đến lượt họ chìa tay: Money.
Vào các điểm du lịch, hành hương thì nhiều hơn nữa, nhưng có cách xịn mà nhiều người làm, là giữ giày dép. Vào đấy đều phải bỏ giày dép, và thực ra thì không bao giờ mất. Nhưng vẫn có rất đông người tự nguyện xếp lại đôi giày của ta cho ngay ngắn, mỗi người phụ trách chừng 10 đôi, khi ra ta cúi xuống xỏ giày thì họ ngồi xuống giúp ta, xong thì... xòe tay...
Khi mình kể chuyện này trên facebook thì có anh bạn bảo cũng đã từng sang Ấn, chưa bao giờ thấy ăn xin, huhu.
Muôn hình vạn trạng, ở đây chỉ kể mấy việc tiêu biểu thôi ạ. Nhưng sang Nepal thì mất hẳn nạn ăn xin...
Vừa xuống ga Bogh Gaya, đang xếp đồ lên xe, anh chàng này đến ngửa tay xin ngay |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét