Tuy cùng làng cùng xóm với Thị, nhưng nhà Thị hình như toàn những đàn bà và trẻ con, nên tôi cũng ít dịp vào thăm. Nhưng rồi một hôm thấy mấy cụ lăng xăng trong cái “Hội Tư văn” của làng bàn cãi ầm ỹ về một vụ án khó xử liên quan tới Thị, nên tôi mới đâm ra chú ý. Tôi cũng không rõ đầu đuôi câu chuyện của vụ án như thế nào. Chỉ thấy những người rỗi hơi, hay quan xiêm đến chuyện của người khác, ngầm xì xèo và chỉ trỏ với nhau: “đấy nó đấy…nó đấy…”. Tôi nhìn theo. Thì ra là Thị. Nhưng chính vì là Thị, nên tôi lại càng thắc mắc. Tôi la cà nghe ngóng thêm mới vỡ lẽ ra rằng đây chỉ là một vụ án có tính chất lịch sử. Bởi vì câu chuyện xẩy ra đã từ lâu lắm rồi. Từ cái thời ông Pi nô chê bên nước “Chi Lê, chi táo” gì ấy lật đổ cái ông A gien đê ấy cơ. Biết vậy nên tôi nghĩ bụng “mấy cụ trong cái “Hội Tư văn” làng này quả là đa sự. Chuyện xẩy ra mãi từ trước khi thành lập làng đến hàng mấy thập kỷ vậy mà các cụ còn bới ra làm gì?”. Nhưng dù sao thì sự ồn ào ấy cũng làm tôi thắc mắc. Vì thế mà tôi mới quyết định đến thăm nhà Thị.
Nhà Thị ở mãi tận cuối xóm. Tôi phải rê chuột mãi rồi mới tìm thấy cổng nhà thị. Tôi nháy khẽ chuột. Cổng nhà Thị mở bung. Chẳng biết ai thông tin cho Thị biết mà vừa mở cổng tôi đã thấy Thị, ngồi trên một bãi đá, mắt đeo kính râm, miệng toe toét cười, tay giơ cao chào đón. Lòng tôi khấp khởi hẳn lên bởi còn gì vui hơn là được vị chủ nhà tiếp đón bằng một nụ cười niềm nở như vậy. Bãi đá Thị ngồi thì mặt viên đá nào cũng được vẽ một cái mặt nạ bằng sơn trắng trông rất ngộ. Phía trên, góc trái của bãi đá treo một cái biển lớn: LINH TINH HỌC. Bên Dưới biển chữ ấy là một khẩu hiệu kêu gọi mọi người: “Hãy cười lên! Cả thế giới sẽ cười với bạn!”. Tôi nghĩ bụng “bà chủ này là một người vui tính đây”.
Nhà Thị ở sâu hun hút. Tôi đi khắp một lượt và nhận ra rằng cổng nhà Thị thế nào thì trong nhà Thị cũng bày biện y như thế: Vừa linh tinh, vừa ngộ nghĩnh. Nhưng tôi cũng bắt gặp được những trang văn thật hay:
“Chị Tuyết vào, mang theo cốm mới. Xanh và dẻo thơm đến lạ kỳ. Hay vì mình quá nhớ cốm xanh mùa Thu mà mình thấy vậy nhỉ!
Cốm dẻo. Gói lá sen. Buộc bên ngoài là cọng rơm cũng còn tươi và thơm. Hương thơm lan tỏa trên bàn tay. Mình như đứa trẻ bốc vội một nhúm cho ngay vào miệng. Vẫn nguyên cái cảm giác ngày nào. Ngòn ngọt, beo béo, dẻo và thơm. Mùa Thu dìu dịu tan trong miệng. Man mác và ngọt ngào.
Giữ chặt gói lá sen thơm ngát. Cầm trên tay mùa Thu thoang thoảng hương trời!”(Hương cốm)
Ngỡ như vài dòng nhật ký ghi vội mà tinh lọc và thơm tho đến thế. Ăn cốm mà cảm thấy cả cái mùa thu đang “dìu dịu tan trong miệng. Man mác và ngọt ngào” thì sự thưởng thức ấy đã thật sự văn hóa và sành điệu.
Nếu như Hương cốm là một tản văn ngắn, một bài thơ bằng văn xuôi thì Ăn vụng hồng tuy chỉ là một đoạn hồi ức, nhưng lại có dáng dấp của một truyện ngắn. Thậm chí là một truyện ngắn hay. Chỉ vài nét vẽ thôi mà nhân vật nào ra nhân vật ấy. Ông cụ Bột là một ông già tình nghĩa, tận tâm và chu đáo. Nhân vật má là một ngượi mẹ thương con và độ lượng. Cu Trung thì mải chơi. Riêng “Nó” thì hồn nhiên và trung thực. Trong câu chuyện này “Nó” được vẽ kỹ nhất và hay nhất. Nó tự nhận một cách khái quát về mình: “Nó thì rất nhiều lần nói dối. Và cũng rất nhiều lần tự ý làm không xin phép má và các chị. Một vài ăn vụng.” Chỉ bớt đi có một chữ mà cái câu “Một vài ăn vụng” lạ và hay hẳn lên. Giữa lời dặn của má với sự hấp dẫn của mấy quả hồng chín đã làm diễn ra trong nội tâm “nó” một cuộc đấu tranh: “Đĩa quả hồng thì cứ ngày một đỏ rực. Các cuống của nó đã quắt lại rồi. Ghé mũi ngửi nó thấy thơm đến quắt ruột. Thế rồi, cái gì đến phải đến. Nó tắc lưỡi cái bép. Nhón tay chọn quả chín nhất. Sau một hồi lưỡng lự và sợ sệt, cái tắc lưỡi thứ hai đánh gục sự sĩ diện. Vậy là nó quên hết. Chỉ còn vị ngọt của quả hồng làm nó mê tơi. Nó cứ nhấm nháp từng tí, từng tí một, chỉ sợ quả hồng hết”. Tâm lý, hành vi của một đưa trẻ háu ăn, vì thèm quá mà ăn vụng hồng đã được miêu tả rất hay, rất giỏi. Nếu ai trong một trường hợp tương tự mà chỉ viết : “Lần ấy, vì thèm quá, không kìm được, tôi nhón lấy hai quả ăn vụng” thì chỉ còn lại có thông tin thôi chứ không còn gì là văn vẻ cả. Mà không có văn vẻ thì làm sao mà hút được hồn người? Cái vụ ăn vụng hồng này để lại ấn tượng rất sâu sắc trong “nó”, nhưng lạ một cái là mỗi lần nhớ lại “nó” lại có một tâm trạng rất khác nhau: “Hồi đầu, mỗi lần nhớ nó xấu hổ lắm. Nhưng càng về sau thì nỗi xấu hổ ấy cứ chuyển dần sang thành nỗi nhớ tuổi thơ. Còn bây giờ thì nó thực sự thích thú về lần ăn vụng ấy”. Chính lối viết như thế này đã làm cho câu truyện tuy ngắn mà vẫn có tầng có lớp, tạo chiều sâu cho câu truyện. Có thể nói đây là một truyện có nhiều thành công nhưng thích nhất là ở lối văn kể, tả theo cách nhìn và nghĩ của một đưa trẻ “Sao mà đỏ, sao mà mọng, sao mà ngon thế chứ lị!”
Rõ ràng là Thị có năng khiếu và có tài hẳn hoi trong việc viết văn và làm truyện. và cái quý nhất trong văn chương của Thị là sự hồn nhiên và trẻ trung. Theo sự lý giải của Thị thì hình như cái “hồn nhiên vui tươi” của Thị là do trời ban tặng. Bài Con bé “Bọc” của Thị viết: “Nếu truyền thuyết là thật thì có lẽ nó là đứa con chính hiệu nhất của Bà Âu Cơ. Nó nằm gọn lỏn trong một cái bọc khi sinh ra. Chính vì thế mà nó mất cơ hội được hét to một tiếng “oa!!!!!!!!!!!!!!!” để trình diện mọi người. Bà đỡ nó hay kể: xé bọc lôi ra mà nó cứ nằm im thin thít, mắt thao láo! Nó được bà gọi là “Con Bọc”, Giờ gặp lại, bà vẫn hay gọi như thế, dù nó đã 52.
Nó sinh ra lúc 4,5 giờ sáng gì đó. Nó không biết cái giờ ấy vận thế nào vào cuộc đời mình. Nhưng, má nó rất hay an ủi nó: “ Không sao đâu con à! Chuột lúc ấy cũng đã no bụng rồi, về hang ngủ rồi!”
Nó vẫn luôn tin là vậy, đến tận giờ vẫn nhớ và tin những lời của má. Nó rất yên tâm mà vui vẻ rằng: Lúc nào nó cũng no bụng và không bao giờ giàu! Thế là quá tốt rồi còn gì nữa. Khi cơm trong nồi vẫn có, nước trong giếng không cạn, con người cần gì nữa chứ!Và cũng như lúc được lôi ra khỏi bọc, không khóc mà toét ra cười! Để làm gì đâu, chỉ là “để gió cuốn đi thôi” mà! Hehehe!!!”.
Nhưng nếu thị viết, viết như Hương cốm và Ăn vụng hồng thì tôi tin là cái “toét ra cười” của Thị, sẽ thành cái “toét ra cười” của nhiều người, thành một rừng cười, thành một niềm vui bất tận.
13/10/2011
0 nhận xét:
Đăng nhận xét