Các vua viết về Chí Linh 5


                                     Tương Dực đế
                                        (1495-1516)

Vua húy là Oanh, cháu nội của vua Lê Thánh Tông, con của Kiến Vương Lê Tân và bà Huy từ Thái hậu Trịnh Thị Tuyên, người làng Thủy Chú, huyện Lôi Dương (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Vua sinh ngày 25 tháng 6 năm 1495 (năm Hồng Đức thứ 26) được phong tước Giản Tu Công. Tháng 11 năm 1509 tự xưng là Cẩm Giang Vương đem quân từ Tây Đô (Thanh Hóa) ra chiếm Đông Kinh. Tháng 12 năm 1509 bức vua Lê Uy Mục tự tử và lên làm vua. Lấy niên hiệu là Hồng Thuận.
Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét: “ Vua khi mới lên ngôi, ban hành giáo hóa, cẩn thận hình phạt, cũng đáng gọi là có làm. Song ham chơi mà không quyết đoán, việc thổ mộc bừa bãi, nhân dân thất nghiệp, trộm cướp nổi dậy, đến nguy vong…”
Tháng 5 năm 1514 nghe sàm tấu của Hiệu Úy Hữu Vĩnh vua giết chết 15 vương công, còn cho gọi các cung nhân triều trước vào để gian dâm. Trịnh Duy Sản nhiều lần can ngăn, vua không nghe mà còn đem Duy Sản ra đánh bằng trượng.
Tháng 4 năm 1516 Trịnh Duy Sản sai đâm chết Tương Dực.
Tương Dực làm vua được 7 năm và thọ 22 tuổi.
Riêng đối với Nguyễn Trãi  thì  Tương Dực đế lại phong tước ở mức cao nhất, hơn cả các triều đại trước của nhà Lê.
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu bản dịch bài chế phong tặng Lê Trãi của Tương Dực đế:

Bài chế phong tặng Lê Trãi tước Tế Văn hầu

Thuận thiên thừa vận.
Hoàng thượng ban lời chế rằng:
Trẫm nghĩ: noi theo phép trị quốc của nhà Ân 1, mà nghĩ tới việc mở rộng cơ đồ của tiên tổ, bắt chước việc ghi chép công lao của nhà Chu 2, để biểu dương các bậc tài giỏi giữ yên đất nước.
(Cho nên nay trẫm) ban tờ chiếu này để ban tước rực rỡ .
Khai quốc công thần, tặng phong Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Tán Trù bá trụ quốc Lê Trãi là bậc chân nho thuần thành, có tài kinh luân, mưu lược to lớn.
(Xưa) đức Cao tổ ta khởi nghĩa tại Lam Sơn, mở đầu và hoàn thành việc trung hưng cơ nghiệp nước Đại Việt. Bấy giờ, ông thân đến Lỗi Giang theo việc binh, góp công lớn cho sự nghiệp bình Ngô; được trọng vọng đặc biệt, danh lừng bốn bể, mưu lược to lớn của ông thấy rõ ở hai triều 3. Tuy biết rằng thời mệnh khôn cùng, huyền lý khó lường! Nhưng huân tích sự nghiệp của ông đã được chép vĩnh viễn trong sử sách và cũng ghi đầy đủ tại đan thư 4.
Thời trước đã rộng ban ơn hậu; ngày nay đặc biệt phong tặng, do vậy đổi tước “bá”, ân sủng phong cho tước “hầu” là để nêu gương bậc anh tài hộ quốc; là để tuyên dương người thực học giúp đời.
Than ôi ! Về hội long hổ phong vân 5 lại nhớ tới người xưa, văn chương sự nghiệp mãi lưu cùng hậu thế.
Đáng gia phong tặng Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu tước Tế Văn hầu trụ quốc.
Ngày tháng năm (đầu) niên hiệu Hồng Thuận
                                                  Nguyễn Minh Tường dịch
 
Ghi chú:
1. Nhà Thương hay Ân: (1766 TCN-1122TCN), một trong ba triều đại đầu tiên trong lịch sử cổ đại Trung Quốc (Hạ, Thương, Chu)
2. Nhà Chu: (1122TCN-256TCN) được chia thành hai thời kỳ: Tây Chu (1122TCN-770TCN) và Đông Chu (770TCN-256TCN), ở đây, nói đến nhà Tây Chu.
3. Hai triều: Lê Thái Tổ (1428-1433) và Lê Thái Tông (1434-1442)
4. Đan thư ( sách đỏ): bảng ghi công bằng chữ son.
5. Hội long hổ phong vân: cơ hội vua sáng tôi hiền gặp nhau.
 
                   (Theo Thơ văn các danh nhân- Di sản Hán-Nôm)

21/9/2012
Đỗ Đình Tuân
 
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét