Hồ Nguyên Trừng
( ? )
Hồ Nguyên Trừng, khi làm quan cho nhà Minh đổi là Lê Trừng, tự Mạnh Nguyên, biệt hiệu là Nam Ông (ông già phương nam), người ở vùng Đại Lại tỉnh Thanh Hóa. Chưa rõ ông sinh và mất năm nào, chỉ biết ông là con cả của Hồ Quý Ly nhưng ông không kế vị cha làm vua mà chỉ giữ các chức như Tư đồ, Tả tướng quốc…
Năm 1407, mượn cớ “phù Trần diệt Hồ”, nhà Minh đã đem quân xâm lược nước ta, cha con Hồ Quý Ly đều bị bắt đưa về Kim Lăng Trung Quốc. Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương bị xử tử hình, nhưng Hồ Nguyên Trừng và một người cháu tên là Nhuế, con Hồ Hán Thương thì được tha bổng vì có tài và bằng lòng làm quan phục vụ nhà Minh. Lúc đó Lê Trừng đã sáng chế ra một loại súng “Thần cơ” có tính năng, tác dụng tốt hơn hẳn các loại súng thời bấy giờ. Lê Trừng đã tỏ ra trung thành với nhà Minh và hững hờ với vận mệnh của dân tộc. Trong những năm sống ở Trung Quốc, Lê Trừng từng được nhà Minh cho làm đến chức Á khanh như Chính nghị đại phu, Công bộ tả thị lang v.v…
Tuy vậy trong sâu thẳm cõi lòng Lê Trừng vẫn âm ỉ những nỗi niềm của một người Việt tha hương, đó là lòng nhớ nước, niềm tự hào và nỗi xót xa tiếc nuối trước những mất mát của lịch sử và văn hóa dân tộc mình. Có lẽ đó chính là lý do và động cơ ông viết “Namông mộng lục”. Chữ “mộng” theo ông giải thích thì chỉ có nghĩa là những sự thực lịch sử đã qua nhưng đến nay còn ít người biết đến: “Nhân vật trong sách, xưa kia rất phong phú, chỉ vì đời thay việc đổi, dấu tích hầu như không để lại, thành ra còn mỗi một mình tôi biết chuyện và kể lại mà thôi, thế không phải mộng là gì?” Trong lời tựa cuốn sách, ông còn viết rằng: “…nhân vật cõi Nam Giao từ xưa đã đông đúc, lẽ nào vì nơi hẻo lánh mà vội cho là không có nhân tài! Trong lời nói, việc làm, trong tài năng của người xưa có nhiều điều khả thủ, chỉ vì qua cơn binh lửa, sách vở bị cháy sạch, thành ra những điều đó đều bị mất mát cả, không còn ai được nghe, há chẳng đáng tiếc lắm sao? Nghĩ tới điểm này tôi thường tìm ghi những việc cũ, nhưng thấy mất mát gần hết, trong trăm phần chỉ còn được một hai; bèn góp lại thành một tập sách, đặt tên là Nam Ông mộng lục, phòng khi có người đọc tới; một là để biểu dương các mẩu việc thiện của người xưa, hai là để cung cấp điều mới lạ cho người quân tử,…”
Theo Từ điển văn học Việt Nam (từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX ) thì Nam ông mộng lục gồm 31 thiên nhưng thiếu ba thiên, nay chỉ còn lại 28 thiên. Mỗi thiên nói một chuyện ở Việt Nam thời Lý Trần:
1-Nghệ vương thủy mạt : đầu đuôi truyện Trần Nghệ Tông.
2-Trúc Lâm thị tịch: cái chết của Trần Nhân Tông, hiệu Trúc Lâm.
3-Tổ linh định mệnh: chuyện linh hồn ông là Trần Nhân Tông định ngôi vua cho cháu là Trần Minh Tông.
4-Đức tất hữu vị: chuyện Trần Minh Tông làm vua.
5-Phụ đức trinh minh: chuyện vợ vua Trần Duệ Tông đi tu.
6-Văn táng khí tuyệt: chuyện con gái Trần Thái Tông nghe tin cha mất đã kêu gào đến tắt thở mà chết.
7-Văn Trinh ngạnh Trực: chuyện về tính thẳng thắn cứng rắn của Chu Văn An.
8-Y thiện dụng tâm : chuyện Phạm Công Bân một thày thuốc giỏi.
9-Dũng lực thần dị: chuyện Lê Phụng Hiểu sức khỏe hơn người, có công đánh giặc.
10-Phu thê tử tiết: chuyện hai vợ chồng Ngô Miễn tự tử khi quân Minh thắng.
11-Tăng đạo thần thông: chuyện về tài trừ ma, diệt yêu quái của sư Giác Hải và đạo sĩ Thông Huyền.
12-Tấu chương minh nghiệm: chuyện về việc cầu tự cho Trần Thái Tông sinh ra Trần Nhật Duật và việc cầu tăng tuổi thọ cho Trần Nhật Duật.
13-Áp lãng chân nhân: chuyện đạo sĩ họ La dùng pháp thuật dẹp yên sóng gió cho vua Lý Thái Tông vượt biển đi đánh Chiêm Thành năm 1044.
14-Minh Không thần dị: chuyện nhà sư Nguyễn Minh Không có phép lạ chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông.
15-Nhập mộng liệu bệnh: chuyện nhà sư Quán Viên bằng cách nằm mộng mà chữa được bệnh đau mắt cho vua Trần Anh Tông.
16-Ni sư đức hạnh: chuyện về đức hạnh của ni sư Tuệ Thông đời Trần.
17-Cảm khích đồ hành: chuyện Trần Đạo Tái, con của Trần Quang Khải, vì cảm phục Trần Nhân Tông mà chỉ đi bộ không cần ngựa xe.
18-Điệp tự thi cách: nói về kiểu thơ điệp tự của Trần Thánh Tông.
19-Thi ý thanh tân: nói về những bài thơ hay của Trần Nhân Tông tức Trúc Lâm đại sĩ trong tập thơ Đại hương hải ấn của ông.
20-Trung trực thiện chung: nói về tình trung trực, tiết tháo của hai anh em Phạm Ngộ, Phạm Mại.
21-Thi phúng trung gián: nói về việc Trần Nguyên Đán làm thơ ngụ ý bóng gió để khuyên can Trần Nghệ Tông.
22-Thư dụng tiền nhân cảnh cú: nói về việc Nguyễn Trung Ngạn làm thơ viếng Sầm Lâu(tức Trần Toại), tác giả Sầm Lâu tập.
23-Thi ngôn tự phụ: nói về thơ và tính cách Nguyễn Trung Ngạn.
24-Thi tửu kinh nhân: nói về Hồ Tông Thốc uống rượu khỏe, làm thơ nhiều.
25-Thi triệu dư khương: nói về Nguyễn Thánh Huấn, ông ngoại của Hồ Quý Ly, có bài thơ dự báo phúc trạch của con cháu.
26-Thi xứng tướng chức: nói về bài thơ tiễn sứ nhà Nguyên của Trần Nghệ Tông lúc còn làm tể tướng.
27-Thi thán trí quân: nói về bài thơ tự thán để khuyên vua của Trần Nguyên Đán.
28-Quý khách tương hoan: nói việc tướng Mạc Ký nhà Trần làm thơ tiễn sứ nhà Nguyên là Hoàng Thường.
Nam ông mộng lục là tác phẩm đầu tiên của người Việt Nam viết ở nước ngoài. Theo lời tựa của tác giả thì sách viết xong năm 1438 (Chính Thống năm thứ 3). Đầu sách có bài tựa viết năm 1440 (Chính Thống năm thứ 5) của Hồ Huỳnh, quan Thượng thư đồng triều với Hồ Nguyên Trừng. Cuối sách có bài hậu tự viết năm 1442(Chính Thống năm thứ 7) của Tống Chương, một người Việt làm quan triều Minh, có thể đây là năm sách được khắc in lần đầu. Năm 1920, sách được in lại, có thêm bài bạt của Tôn Dục Tú.
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bản dịch một số thiên viết về các nhân vật lịch sử có di tích ở Chí Linh hoặc có liên quan đến các nhân vật lịch sử ở Chí Linh.
Văn Trinh, con người cứng rắn và ngay thẳng
(Bản dich thiên Văn Trinh ngạnh trực)
Chu An biệt hiệu là Tiều Ẩn, người ở vùng Thượng Phúc 1 đất Giao Chỉ. Tính ông liêm khiết và cương trực. Ở nhà thường ham thích đọc sách, học vấn tinh thông, tiếng tăm lừng lẫy xa gần. Học trò đầy cửa, thường vẫn có những người đỗ đạt và làm quan to. Chu An là người điềm đạm, ít ham muốn, không đi thi. Khoảng năm Chí Nguyên 2, Trần Minh Vương 3 có vời ông đến kinh đô trao cho chức Quốc tử Tư nghiệp, giảng sách cho thế tử 4. Được ít lâu chuyển làm chức Tế tửu nhà Thái học. Đến khi Minh Vương mất, con là Dụ Vương 5 hay chơi bời, bỏ việc nước, bỏ quyền thần dần dần làm nhiều điều trái phép, Chu An nhiều lần can ngăn mà vua không nghe, lại dâng sớ xin chém bảy tên gian thần đều là hạng quyền thế cả, người đương thời gọi là Thất trảm sớ. Tờ sớ dâng lên nhưng không được trả lời, Chu An bèn treo mũ từ quan, trở về với vườn ruộng. Sau Dụ Vương mất, trong nước có loạn. Quần thần rước Nghệ Vương về, lập lên làm vua. Chu An nghe tin ấy, rất đỗi vui mừng, bèn chống gậy đến kinh đô để yết kiến. Rồi ngay sau đó, ông xin trở về làng, lấy cớ già nua ốm yếu, từ chối không nhận chức tước. Nhà vua ban cho hiệu “Văn Trinh tiên sinh” và sai người mang rất nhiều lễ vật tiễn đưa về làng. Chẳng bao lâu Chu An mất ở quê nhà. Nhân dân và kẻ sĩ đô thành vốn ngưỡng mộ phong cách cao đẹp của ông, không ai là không thở than thương tiếc.
Trước đó, trong đám học trò của Chu An có người tuy ra làm quan nhưng vẫn thường đến thăm viếng ông, lạy bên giường ông, người nào được trò chuyện đôi câu trước lúc ra về thì lấy làm mừng rỡ lắm. Ai có điều gì không tốt, liền bị ông quở trách, nhiếc móc gay gắt, thậm chí quát mắng không cho vào nhà. Thanh cao, nghiêm chỉnh nổi tiếng một thời, lẫm liệt đến thế. Ôi, thật là một con người thiện vậy.
Tuấn Nghi và Nguyễn Đức Vân dịch
Ghi chú
1-Thượng Phúc: tức huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông(nay thuộc Hà Tây). Theo ĐVSKTT thì Chu An người huyện Thanh Đàm(nay thuộc huyện Thanh Trì Hà Nội).
2-Chí Nguyên: niên hiệu của Nguyên Thể Tổ. Hồ Nguyên Trừng lúc này đang làm quan cho nhà Minh, không dám đề niên hiệu vua nước Đại Việt.
3-Trần Minh Vương: tức vua Trần Minh Tông, làm vua từ năm 1314 đến năm 1329.
4-Thế tử: đây chỉ con của Trần Minh Tông.
5-Dụ Vương: tức vua Trần Dụ Tông, làm vua từ năm 1341 đến năm 1369.
Làm thơ bóng gió hết lòng khuyên can
(Bản dịch thiên Thi phúng trung gián)
Vào khoảng năm Chí Chính 1, Trần Nguyên Đán ở Giao Chỉ là người thuộc tôn thất nhà Trần 2 ra làm quan với Dụ Vương 3, giữ chức Ngự sử đại phu. Vua không siêng chăm việc nước, bọn quyền thần làm nhiều điều phi pháp, Nguyên Đán luôn can ngăn, nhưng không chịu tiếp thụ. Đến khi Dụ Vương mất, cháu là Hôn Đức 4 kế lập, thời sự lại càng tồi tệ. Nguyên Đán dâng thư lên, nhưng trên không trả lời, bèn xin thôi quan mà về. Có gửi cho bạn bè cùng làm quan trong đài Ngự sử bài thơ rằng:
臺端一去便天厓
回首愴心事事違
九陌塵埃人易老
五湖風雨客思歸
儒丰不振回無力
國势如懸去亦非
今古興忘真可監
諸公何忍諫書希
Đài đoan nhất khứ tiện thiên nhai,
Hồi thủ thương tâm sự sự vi.
Cửu mạch trần ai nhân dị lão,
Ngũ Hồ phong vũ khách tư quy.
Nho phong bất chấn hồi vô lực,
Quốc thế như huyền khứ diệc phi.
Kim cổ hưng vong chân khả giám,
Chư công hà nhẫn gián thư hy.
Kẻ làm việc ở đài Ngự sử một khi ra đi là tận chân trời,
Ngoảnh mặt lại đau lòng thấy việc gì cũng trái mắt.
Bụi bặm đường kinh thành làm cho người dễ già,
Mưa gió chốn Ngũ Hồ 5xui khách muốn về ẩn.
Nho phong không xốc nổi, trở lại cũng bất lực,
Thế nước như treo, ra đi cũng là sai.
Sự hưng phế xưa nay thật có thể làm gương,
Các ông sao nỡ ít đưa thư can ngăn đến vậy!
Về sau, khi cung đình dấy nạn 6, Nguyên Đán chạy theo Nghệ Vương7. Vua 8 lên ngôi, lấy Nguyên Đán làm Tư đồ Bình chương sự, ở ngôi Tể tướng nhiều năm rồi mất.
Ông là người thông hiểu lịch pháp, từng làm ra sách Bách thế thông kỷ, trên khảo từ năm Giáp Thìn thời Nghiêu, dưới tới Tống, Nguyên; nhật thực, nguyệt thực, triền độ các vì sao đều phù hợp với sách cổ; phụng đạo tinh luyện, cầu mưa có ứng nghiệm. Tự lấy hiệu là Băng Hồ tử.
Tuấn Nghi dịch
Ghi chú
1-Chí Chính: niên hiệu cuối cùng của Nguyên Thuận Đế, từ 1314 đến năm 1368.
2-Trần Nguyên Đán là cháu tằng tôn của Trần Quang Khải(1241-1294).
3-Dụ Vương: chỉ Trần Dụ Tông, làm vua từ năm 1341 đến 13 69.
4-Hôn Đức: tức Dương Nhật Lễ.
5-Ngũ Hồ: một thắng cảnh nằm trong địa phận hai tỉnh Giang Tô và Triết Giang bên Trung Quốc.
6-Dấy nạn: chỉ việc cha con Nguyên Trác và hai con của Công chúa Thiên Ninh mưu giết Dương Nhật Lễ không thành, bị Dương Nhật Lễ quật lại. Sự việc xẩy ra như sau: Vào một đêm tháng 9 năm Canh Tuất(1370), cha con Nguyên Trác và hai con của Công chúa Thiên Ninh, đem người tông thất vào trong thành định giết Dương Nhật Lễ, nhưng Nhật Lễ đã trèo qua tường, nép mình dưới cầu mới, không ai lùng thấy, đều phải bỏ về. Sáng hôm sau Nhật Lễ vào cung, sai người chia đi bắt các kẻ chủ mưu, cộng cả thẩy 18 người đem giết cả.
7+8- Nghệ Vương, Vua: đều chỉ Trần Nghệ Tông làm vua từ 1370 đến năm 1372.
27/9/2012
Đỗ Đình Tuân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét