KIẾN THỨC MỚI TRONG VẤN ĐỀ ĂN CHAY


Theo luật-pháp chơn truyền của Đạo Cao-Đài qui-định thì bậc Thượng-thừa phải ăn chay trường mới bước vào tịnh luyện, còn bậc Hạ-thừa thì không qui-định phải trường trai mà chỉ cần ăn chay 6 ngày đến 10 ngày mỗi tháng.
Trong Phương Luyện Kỷ, phần Luyện Thân, Luyện Trí, Đức Hộ-pháp dạy phải :
“ Ẩm thực tinh khiết”,
            Như vậy ăn chay cũng là Phương tu-luyện. Nên ngoài sự lợi-ích về sức-khỏe, nó còn giúp cho người tu-hành đạt được phần tâm-pháp sau đây :
- Ăn chay là phương pháp mở rộng lòng nhân ái, thương sanh trắc ẩn, thừa- nhận và tôn-trọng một cách tuyệt-đối với thế-giới vật loại vốn là công-trình sáng- tạo tuyệt hảo của Thượng-Đế. Điều nầy Đức Hộ-Pháp đã dạy như sau :
"... Phải thương yêu nhơn-sanh và vật-loại hơn mình và coi đồng thể đồng sanh với mình" (Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp ngày 15/II Bính tuất/1946 tại Khách Thiện Từ)
            Cho nên ăn chay là tập phát triển tình thương yêu vô tận này.
- Ăn chay giúp cho con người biết quan-tâm tới sự liên-đới giữa vạn-linh, dùng các vật loại mà không lạm-dụng một cách ích-kỷ. Biết coi tất-cả vật thực của Thượng-Đế ban cho là để duy-trì sự sống, không phải chỉ nhất thời, mà còn là sự hưởng thụ lâu dài. Không chỉ cho mình, mà cả vạn-linh.
- Ăn chay giúp cho con người biết hưởng-thụ một cách chừng-mực vừa phải những phương-tiện mà Thượng-Đế ban cho, đồng thời có bổn-phận cộng-tác với Ngài để bảo-vệ chăm-sóc một cách trân-trọng các công-trình sáng-tạo tuyệt-hảo của Hóa-công. Ở con người luôn có một vị thế ưu-tiên, có quyền sử-dụng tất-cả các tạo-vật nhưng phải sử-dụng trong sự liên-đới, với một tinh-thần trách-nhiệm, tôn-trọng thiên-nhiên và sự sống, nhất là không được phép khống-chế và hủy- hoại nó.
- Ăn chay là phương-pháp chủ trị phàm-tâm để phát-huy thiên-tánh, luyện- tập sự tự-chủ, tạo cho mình làm một "chủ nhơn ông" trong mọi sinh-họat, không làm tôi-tớ cho những thị-hiếu thấp-hèn, mà thị-hiếu thèm khát ăn uống là một trong những đòi hỏi mạnh-mẽ nhất.
- Ăn chay là một phương-tiện hổ trợ cho sự trì-giới, là một phương thuốc hữu-hiệu, chống lại mọi sự nghiện-ngập thèm khát vô độ, chống lại thị-dục chiếm- hữu, hưởng-thụ và đòi-hỏi của lục căn. Nên những người bị nghiện-ngập nếu thực- hiện ăn chay đúng cách cũng là phương-pháp cai nghiện tích-cực.
Như vậy về mặt tâm-pháp ăn chay có những bí-ẩn trọng-đại, chỉ có những người cố công tìm hiểu và thực-hiện nghiêm-túc thì mới đạt đến phần bí-pháp nhiệm-màu của nó. Nên có một số trường-phái cho rằng chỉ cần chăm-sóc cách ẩm-thực cho tinh-khiết, hợp với quân-bình âm-dương, thì cũng là một phương tu theo chánh đạo. Theo kinh-nghiệm của nhiều người ăn chay nghiêm-túc, đúng phương-pháp đều nhận thấy rằng các nhu-cầu trong đời sống rất là quân-bình, thể xác không còn thèm khát bất cứ thứ gì, đến nỗi phải đòi hỏi sự thỏa-mãn, đồng thời vẫn sống tích-cực, hăng-hái trong mọi sinh-hoạt, với một nội-lực thâm- hậu, chứ không lãnh-đạm, tiêu-cực.
Ăn chay không những chỉ hữu-ích về thân-xác, cơ-thể ít tật-bệnh, nhẹ- nhàng, mà giúp con người xa lánh tội-ác, tạo thanh điển cho chơn-thần dễ kề cận với Thánh-linh. Nên Đức Chí-Tôn dạy rằng :
"Chư môn đệ phải trai giới
"Vì tại sao ?
"Nếu như các con ăn mặn luyện đạo, rủi ro có ấn chứng thì làm sao mà giải tán cho đặng.
"Như rủi bị hườn thì đến khi đắc đạo, cái trược-khí vẫn còn, mà trược-khí thì lại là vật tiếp điển (bon conducteur d' électricité) thì chưa ra khỏi lằn không-khí đã bị sét đánh tiêu-diệt. Còn như biết khôn ẩn núp tại thế mà làm một bậc "Nhân tiên" thì kiếp đọa trần cũng còn chưa mãn.
"Vì vậy Thầy buộc các con phải trường trai mới đặng Luyện đạo" (TNHT/QI/tr.28-29-30).
Thánh-giáo nêu trên, đối với bậc Thượng-thừa tu luyện đến độ khai khiếu, xuất thần, mà chơn-thần (Đệ nhị xác nhân) chưa thuần dương, còn âm trược, khi xuất ra khỏi xác thân vân du thiên ngoại sẽ bị sét đánh tiêu-diệt. Chứ còn bậc hạ- thừa, thì chỉ cần giữ trai giới 10 ngày, cũng đủ để thọ-pháp tu-luyện theo trình-độ của mình. Còn khi quy-liễu thì được hành-pháp độ-thăng, chơn-hồn qua từ từng trời có chư Thần Thánh  Tiên Phật đưa rước, giải-tán trược-quang, làm cho trược khí tiêu-tan, nên không sợ bị vào trường-hợp nêu trên, mà vẫn lên đến được Bạch-Ngọc-Kinh, hội-diện cùng quyền-năng Thiêng-liêng để xét xem công-quả.
Chúng ta cần quan-niệm một cách đúng-đắn rằng không phải ăn chay mới được thành Phật, và cũng không phải ăn chay trường mới được Trời Phật phò-hộ để cuộc đời gặp được nhiều may-mắn, mà ăn chay chỉ là một phương-tiện hỗ-trợ cho các mục-đích tu-hành mà thôi. Vì ăn chay là một trong những cách nuôi dưỡng xác thân được nhẹ-nhàng giúp cho chơn-thần được trong sạch vì : "Phải có một thân phàm tinh-khiết mới xuất chơn-thần tinh-khiết"   (TNHT/QI/trang 29:25).
         Chứ ăn chay không thể làm cho con người trở nên chí Thánh mà : " Phải có một bổn nguyên chí Thánh, chí Tiên, chí Phật mới xuất Thánh Tiên Phật đặng " (TNHT/Q1/trang 29:23)
            Muốn có một bổn-nguyên chí Thánh thì phải có một đời sống đạo-hạnh, lập-công bồi-đức, phụng-sự chúng-sanh, vì đạo-hạnh và nhất là công-đức là những điều-kiện kiên-quyết để đắc đạo :
            " Đạo vẫn như nhiên, do công đức mà đặng đắc đạo cùng chẳng đặng" (TNHT/QI/trang 38:10).
Vì thế ta thấy nhiều tôn-giáo không chủ trương ăn chay, mà hành tàng chủ- yếu của họ là lòng thành-tín và công-đức mà vẫn có nhiều người đắc đạo lên được thiên-đàng hay vào cực-lạc niết-bàn. Như vậy lòng thành-tín và công-đức cũng làm cho chơn-thần họ được thanh-khiết. Nên vấn-đề công-đức là phần tích-cực, còn ăn chay là một điều-kiện hỗ-trợ cần-thiết mà thôi. Vì vậy giáo-pháp Cao-Đài Giáo chủ-trương thực-hiện cả hai phần là lập công-đức và ăn chay giữ giới, hai phần này hỗ-tương yểm-trợ cho nhau để có một chơn-thần nhẹ-nhàng thanh- khiết.
Nên trong khi chọn lựa phương-thức dinh-dưỡng xác-thân, nhất là chọn cách ăn chay trường, cần phải theo dõi tình-trạng sức khỏe của mình, có hợp với hoàn-cảnh của mình hay không, chứ không nên chấp nhất. Chủ-yếu là ăn uống làm sao để có một tinh-thần sáng-suốt, một thân-thể tráng-kiện, để khả-năng làm việc không giảm sút, hầu phục-vụ cho chúng-sanh lập-công bồi-đức thì mới hửu- ích. Nên đối với bậc hạ-thừa thì tùy theo tình-trạng cơ-thể, nếu ăn chay trường được thì tốt, còn  không thì nên giữ 10 ngày nghiêm-túc là được. Theo bút phê của Đức Hộ-Pháp về việc trai-giới trong ĐĐTKPĐ có dạy :
"Vụ giữ trai giới nhất là trường trai là phạm luật của Hội Thánh lập lúc ban sơ nơi Tân luật, Chí Tôn chỉ định có thập trai mà thôi... " (Trích lời phê của Đức Hộ-Pháp về việc trai giới trong ĐĐTKPĐ).
Như vậy đối với bậc Hạ thừa thì Đức Chí-Tôn đã định :
"Kẻ nào trai giới đăng 10 ngày đổ lên, thọ bửu pháp đặng (TNHT/QI/ tr28).
Tức là khi sống được thọ bửu-pháp tu-luyện theo trình-độ của mình, khi chết được thọ phép "Độ thăng" (phép xác). Chỉ khi nào lên bậc Thượng-thừa bước vào giai-đoạn chót của tiến-trình tu-luyện là xuất-thần vân du thiên ngoại tiếp-xúc với thiêng-liêng thì Đức Chí-Tôn mới buộc :
            "Thầy buộc các con phải trường trai mới đặng luyện đạo..." (TNHT/QI/ tr.30).
Vì đối với bậc thượng-thừa nếu ăn mặn luyện đạo sẽ  gặp những rủi-ro trở ngại như đã nêu ở phần đầu.
Đối với bậc hạ-thừa mà thay đổi đột-ngột cách ăn uống từ thức ăn động-vật cá thịt sang thức ăn thực-vật là một sự va chạm mạnh-mẽ cả sinh-lý lẫn tâm-lý, một sự khó-khăn đầy thử-thách, nhưng nếu làm được là một phần thưởng quý giá nhất dành cho con người, nhưng đối với bất kỳ cách dinh-dưỡng  nào mà áp-dụng thiên-lệch thì cũng đưa đến bệnh-hoạn. Nên muốn có một sức khỏe tốt người tu phải tự tìm cho mình một cách dinh-dưỡng thích-hợp.
Theo phương-pháp Tân dưỡng-sinh thì bất kỳ theo cách dinh-dưỡng nào cũng phải lưu-ý đến sự quân-bình âm-dương trong thức ăn hằng ngày, mới tránh được bệnh-tật cho thể-xác lẫn tinh-thần. Đứng về phương-diện sức khỏe ăn chay đúng cách sẽ tiêu-từ  tật-bệnh tăng-cường sức đề-kháng với bệnh-tật, ngay nhiều vận-động viên thể-thao, họ cũng ăn chay để sức-khỏe được dẻo-dai hơn. Nhưng ăn chay mà không đúng với quân-bình âm-dương cũng đem đến bệnh-tật. Ăn chay mà dùng toàn rau trái, không ăn cốc loại sẽ làm cho cơ-thể trở nên âm-hóa. Vì rau trái là thức ăn thạnh âm.
Theo Giáo sư Ohsawa thì những người dinh-dưỡng toàn rau trái, mà dùng quá ít cốc loại hoặc không dùng, thì dần dần thể xác và tính tình cũng thay đổi, đưa đến lãnh cảm, liệt dương, suy-nhược sinh-lý, tính tình trở nên hẹp-hòi cố- chấp, tách biệt thị phi, thiện ác, thiếu tha-thứ, đưa đến một sự xử-thế cực-đoan, cũng nguy-hiểm không kém người chỉ ăn toàn thịt thú vật, làm cho họ trở nên hung-tợn, nóng-nảy vậy.
Một trường hợp điển-hình sau đây cho thấy cái hại của sự ăn toàn rau trái mà không dùng cốc loại :
“Trong thời thế chiến thứ hai Hitler tính tình càng ngày càng cực-đoan gần như mắc bệnh điên-cuồng, sau này báo-chí còn cho biết rằng các nhà Bác-học ở gần ông nhận thấy ông ta có nhiều biến-đổi về cơ-thể hầu như sắp biến thành đàn bà. Nay nghiên-cứu về cách ăn uống của Hitler người ta thấy rằng đời sống ông ta khá khắc-khổ, ông thường thích ăn  thảo-mộc do một bà đầu bếp tín-cẩn và chuyên-môn về đồ chay nấu nướng. Ông không hút thuốc, không uống rượu, nhưng có nhược-điểm đáng chủ ý là thích ăn rất nhiều đồ ngọt, kẹo, bánh mứt”. (Theo Zen Dưỡng sinh/Thái khắc lễ sưu tập).
            Trường-hợp này chúng tôi cũng đã tiếp-cận với một số người ăn chay trường vào phẩm thượng-thừa, nhưng ăn uống sai quân-bình âm-dương đã kiến họ trở nên hẹp-hòi cố-chấp, đã gây nên một số chia rẽ trầm-trọng trong nội-bộ, tuy rằng còn nhiều nguyên-nhân khác đưa đến tình-trạng này nhưng chắc-chắn là vấn-đề ẩm-thực sai-lầm đã đóng góp một phần không nhỏ. Chúng tôi đã từng chứng-kiến những người hiểu lầm danh-từ tịch-cốc, đã không ăn ngũ-cốc chỉ ăn toàn rau trái đã gây cho họ một hậu-quả biến dạng cả thể-chất lẫn tinh-thần, tuy không tàn-bạo nhưng rất cực-đoan thiếu trung-thứ, hẹp-hòi, cố-chấp...
Trong dinh-dưỡng mà không nhận rõ âm-dương, ăn nhiều thức ăn thiên âm tính, có thể gây tai-hại là biến-dạng cả thể-chất và tinh-thần mà mình không ngờ đến. Còn chỉ biết sự bổ-dưỡng của thức ăn về phương-diện lý-hóa, đôi khi người ta tự đầu độc mình, hoặc làm cho bệnh tình trầm-trọng mà tự mình không biết. Cũng như những người đã có thói quen ăn gần như đơn-điệu một thứ thức ăn nào đó cũng sẽ gây nên bệnh-hoạn trầm-trọng :
- Lạm dụng thức ăn ngọt trong thời gian dài trước sau gì cũng bị bệnh đái đường hoặc tim mạch, hay mập phệ.
- Ăn nhiều thức ăn dầu mở chiên xào thường-xuyên có thể bị ung thư gan.
- Ăn nhiều rau trái họ cà thường bị bệnh thấp khớp.
              Bác sĩ Anthony J.Sattilaro đã cho biết :
“Những rau trái họ cà (nightshade family) đặc biệt là cà chua,  các loại cà quả, rau dền, ớt nhiều chất acid nên có thể gây phản ứng bất lợi trong cơ thể. Nhiều bằng chứng cho thấy một số người ăn rau trái họ cà đã bị đau nhứt hoặc viêm các khớp xương. Mặc dù chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh hiện tượng này, nhưng theo chúng tôi nghĩ, những ai bị đau khớp xương nên thử giảm bớt, hoặc bỏ hẳn rau trái họ cà, rồi xem kết quả thì biết rõ tác dụng của chúng”. (Theo Living Well Naturally / Dr. Anthony J.Sattilaro).
Ngày nay theo các chuyên-gia dinh-dưỡng cho biết, trong cà, nhất là cà sống có một số độc chất, nên cần phải nấu, kho nhiều lửa hoặc muối cho lâu để hóa giải, thì ăn mới không có hại.
Thức ăn cốc loại là thức ăn nhiều dương-tính, mà con người là một loại sinh-vật thích-hợp với dinh-dưỡng thiên về cốc loại dễ đạt đến quân-bình âm- dương.
Nên con người ăn uống đúng quân-bình âm-dương thì sẽ có một nội-lực thâm-hậu, tính-tình dễ-dãi, vị-tha, dễ thích-nghi với hoàn-cảnh, dễ tha-thứ những tội-tình của người khác, ngay cả vấn-đề sinh-lý cũng không suy-nhược, mà cũng không bị kích-động đến nỗi phải tìm một sự thỏa-mãn nhục-dục. Ngoài ra còn ít bị tật bệnh.
Theo giáo sư Ohsawa thì:
“ Những người cơ thể đã đạt quân bình âm dương còn có linh-tính tránh được tại-nạn bất-trắc trong đời sống, còn tránh cả nhiễm phóng-xạ nguyên-tử nữa. Vì theo thực nghiệm cho thấy sau khi Nhật bị bom nguyên tử, có một trường-hợp tất-cả những người sống trong  một bệnh viện của một giòng tu trong vùng gần bom nổ đã không bị nhiễm phóng, ban đầu người ta tưởng rằng đó là do phép lạ che chở, nhưng sau khi kiểm tra lại thì tất cả những nhân viên kể cả bệnh nhân trong bệnh viện đã dinh dưỡng theo quân bình âm dương hơn 2 năm trở lên. (Theo tư liệu Tân dưỡng sinh của Ohsawa/Thái Khắc Lễ sưu tập) .
Như vậy phương-pháp ăn chay đúng với quân-bình âm-dương, giúp con người đạt được những bí-pháp nhiệm-màu, cụ-thể nhất là tránh đau-ốm, bênh-tật, rủi-ro bất-trắc để sống hạnh-phúc cho đến hết cuộc đời, khi thoát xác vẫn được nhẹ nhàng.  Nên người ta gọi đây là phương-pháp trường-sinh.
Mặc dù chúng tôi không khuyên nên ăn toàn cốc loại, nhưng phải nhìn nhận cốc loại là một thực-phẩm gần như hoàn-hảo nhất. Cốc loại có thể tồn-trử hàng nhiều năm ở nơi khô mát và là loại lương-thực đa dụng nhất. Vì lý-do này mà cốc loại từng tạo nền-tảng cho hầu hết các nền văn-minh tinh-thần đã có trong lịch-sử nhân-loại. Giáo sư Manglesdorf đã cho biết :
            “Không một nền văn-minh xứng danh nào mà không được xây-dựng trên cơ sở  nông nghiệp cốc loại “ (Theo Living Well Naturally).
Trên đây là những kiến-thức mới về ăn chay trong lãnh vực tâm-linh, mang  màu sắc của Tôn-giáo, ngày nay các nhà làm khoa-học họ cũng đã có những kiến-thức mới về ăn chay với những lý-do hoàn toàn phục-vụ cho sức-khỏe.
 Chúng tôi xin trích lại bài báo với nhan-đề "Ăn chay, xu-thế của thời-đại" đăng trong tạp-chí "Thuốc và sức khỏe" của Tiến sĩ Phạm Văn Tất để quý đồng Đạo tìm hiểu thêm:
ĂN CHAY, XU THẾ CỦA THỜI ĐẠI.
Từ năm 1980, ở nhiều nước phát triển công-nghiệp, dân-chúng đã bắt đầu bớt ăn thịt, trước khi có bệnh nảo xốp của bò (bệnh bò điên). Người ta bớt ăn thịt vì không có nhu cầu về năng lượng. Trước kia, thịt được đề cao vì giá trị dương dưỡng cao. Ngày nay nói đến thịt người ta nghĩ ngay đến hormor tăng trưởng, đến kháng sinh tồn lưu trong thịt. Ăn thịt nhiều là tiêu thụ mỡ, lượng mỡ thừa tạo nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Và gần đây nhất bệnh bò điên cũng góp phần không nhỏ vào sự xuống dốc của tiêu thụ thịt bò. Con người phút chốc lại tự nguyện giảm lượng thịt bò là một điều tốt, đáng mừng vì nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ giảm. Ở Vương Quốc Anh, hơn 20% dân chúng đã ăn rau thay thế thịt bò. Như vậy hơn 20% dân chúng nước Anh đã "ăn chay" tự nguyện.
Ở Pháp, cũng có phong trào ăn chay để bảo vệ sức khỏe, chống sát sinh, bảo vệ môi trường. Theo điều tra Insee (Pháp) 66% những người không thích ăn thịt, nêu lý do an toàn thực phẩm và sức khỏe; ăn thịt nhiều là sử dụng nhiều chất béo tạo nguy cơ hormor và các kháng sinh lưu tồn, đã dùng để nuôi súc vật và có nguy cơ bị bệnh bò điên.
Dân chúng Pháp cũng tẩy chay thịt ngựa, sau một dịch sán cho giun xoắn (Trichinella Spiralis) đã xảy ra cuối năm 1970.
         
            * Lợi ích của chế độ ăn chay :
          Ăn chay, là ăn tất cả các loại rau quả, ngũ cốc, thực vật thiên nhiên, tất cả các loại trái cây, sữa động vật, dầu thực vật.
   - Ăn chay để bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, tránh nhiễm độc thịt động vật. Chất béo của mỡ động vật, nếu dùng nhiều làm tăng cholestorol huyết, dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim, gan nhiễm mỡ, cao huyết áp. Viện Khoa Học Nông Nghiệp Miền Nam đã khảo sát 26 nghìn con gà của 23 hộ chăn nuôi, nhận thấy 60% mẫu thịt có tồn dư tétracylin, 87,5% mẫu tồn Ampicilin và 100% mẫu tồn chloramphénicol. Trong đó lượng kháng sinh cao nhất phát hiện trong mẫu đối với Tetracylin là 7,8 phần triệu (ppm), đối với chloramphenicol là 27,5ppm và đối với Ampicilin là 112ppm. Lượng kháng sinh tồn dư quá cao. Người tiêu dùng phải ăn một liều lượng kháng sinh quá mức vào cơ thể.
   - Ăn chay tránh được sự nhiễm độc thịt :
Ăn chay tránh được sự nhiễm độc thịt lại ăn được nhiều Vitmin, diệp lục tố, dễ tiêu hóa tránh được tác hại của nạn rượu thịt.
   - Ăn chay góp phần bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái. Ăn chay không  những sát hại động vật, mà còn cứu lấy sự sống của chúng.
 
* Các nghiên cứu về chế độ ăn chay.
    Các công trình nghiên cứu của Hardings và Thụy Điển so sánh chế độ ăn của nhóm người ăn chay tuyệt đối, nhóm người ăn chay có sữa so với chế độ ăn thông thường, nhận thấy :
      - Một chế độ ăn chay tuyệt đối hợp lý, cân đối có thể đáp ứng được nhu cầu của cơ thể về năng lượng, về các chất dinh dưỡng cần thiết glucid, protid, lipid, các Vitamin và các khoáng chất.
                 - Protein : một hỗn hợp 2 - 3 phần ngũ cốc với một phần đậu đỏ cung cấp một nguồn chất đạm tương đối tốt. Chất lượng đậu nành có giá trị tuyệt đối như Protéin động vật và còn có nhiều  ưu thế hơn.
                 - Chất béo : Tổng số chất béo phụ thuộc vào cách nấu nướng. Chế độ ăn chay thường có số lượng chất béo thấp hơn thông thường, nhưng tỷ lệ acid béo không no so với acid béo no cao hơn. Điều này thuận lợi cho phòng ngừa và điều trị các rối loạn chuyển hóa lipid, tiểu đường và bệnh tim mạch. Tỷ số cholesterol thấp trong chế độ ăn chay so với ăn thường.
                  - Vitamin : Vitamin B12 chỉ có trong thức ăn động vật (vitamin B12 do vi khuẩn tạo ra trong dạ dày động vật nhóm nhai lại). Do đó, người ta cho rằng ăn chay tuyệt đối sẽ thiếu Vitamin B12,nhưng trên thực tế người ăn chay không thiếu B12 mà theo kinh-nghiệm lâm sàng cho thấy một chế độ ăn chay tuyệt đối nhưng cân đối và hợp lý sẽ đáp ứng nhu cầu cơ thể và năng lượng, về các chất dinh dưỡng như Protid - Glucid - Lipid và khoáng chất cũng như Vitamin kể cả Vita B12 Theo nghiên cứu của Thụy Điển (Đại học Lund) cho thấy chế độ ăn chay tuyệt đối chứa nhiều acit folic, còn vitamin B12 thấp hơn,  đạt 0,3 - 0,4mcg/ngày, nhưng cũng vừa đủ liều-lượng Vitamine B 12 cung-cấp trung-binh trong ngày.
                    - Khoáng chất : Chế độ ăn chay cung cấp vượt nhu cầu về khoáng chất. Những hàm lượng sắt ở người ăn chay tuyệt đối thấp hơn người không ăn chay. Vì vậy, người ăn chay mà thếu sắt, cần phải sử dụng têm nhiều rau lá xanh đậm, ngũ cốc lức, ăn nhiều trái cây (vitamin C tăng hấp thu sắt), hay ngũ cốc bổ sung sắt.
 
            Năm điều cần biết để thực hiện ăn chay hợp lý.
Ăn chay có thể tốt cho sức khỏe, nếu thực hiện chế độ ăn hợp lý :
- Phối hợp các thức ăn, nhiều loại rau quả.Trong một bữa ăn cần phối hợp :
                  + Đậu khô và ngũ cốc
                  + Rau cải tươi với đậu có chứa dầu.
                  + Rau cải rất nghèo protein, so với thịt  và chứa không đầy đủ các acid amin thiết yếu. Do đó cần phải phối hợp các thức ăn :
                  + Mì nui (macaroni) với rau cải.
                  + Cơm với đậu, tương, chao, tàu hủ.
                  + Cần bổ sung sữa, bánh flan, sữa chua.
- Ăn thức ăn toàn vẹn (không xay xát quá mức)
             Sử dụng thức ăn toàn vẹn: gạo lức, đậu xanh hột còn vỏ lụa giàu sợi (celluloz) và  muối khoáng, đảm bảo cân bằng cho cơ thể. Nhưng hơi bất tiện : thức ăn toàn vẹn hơi khó tiêu. Vì vậy phải dùng ít lúc ban đầu, dần dần tăng lên. Phải nấu lâu hơn cho thức ăn mềm hơn.
- Cần bổ sung chất sắt :
              Chất sắc thực vật không được cơ thể hấp thu dễ dàng. Cơ thể chỉ hấp thu 3% chất sắt trong rau cải, trong khi cơ thể hấp thu đến 15% chất sắt trong thịt.
             Để đề phòng thiếu sắt, nên cung cấp vitamin C cho cơ thể (cam chanh, rau xanh, bắp cải, ngò ...) và bổ sung cho khẩu phần ăn các thực vật giàu chất sắt (sò, ốc, tôm, cua, gạo lức, đậu khô như đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu huyết).
- Nên thường xuyên thay đổi thức ăn :
   Ăn đủ loại rau cải. Nước ta có nhiều trái cây, rau cải quanh năm. Nên thay đổi rau cải ở mỗi bữa ăn, để có đầy đủ vitamin và khoáng chất. Nên dành ưu tiên cho đậu nành (sữa đậu nành, đậu phụ, giá)  rất giàu protéin.
- Rắc lên thức ăn mè, đậu phộng (lạc) :
               Ta có thể tăng giá trị dinh dưỡng các món ăn bằng cách rắc lên mặt thức ăn đậu phộng, mè (rất giàu lecithin, chất chống lại cholesterol xấu).
* Kết luận :
   J.Michel Lecerf chuyên viên dinh dưỡng viện Pasteur Lille (Pháp), có nhận xét : "Nếu được nghiên cứu kỹ lưỡng, chế độ ăn chay, ăn rau quả không ăn thịt, không có gì bất lợi cho sức khỏe. Ăn chay có thể điều chỉnh chế độ ăn uôïng của người phương Tây: ăn quá nhiều thịt, nhiều chất béo, mà lại thiếu chất xơ, rau quả tươi".
               ... Tại Manchester (Anh) một ngày lễ đại quy mô Végfest 1997  được tổ chức để đề cao chế độ ăn chay, để phổ biến cách nấu thức ăn chay do đầu bếp trưởng  nổi tiếng của Cookery School. Hiệp hội Người ăn chay Vegetarian Society thành lập vào năm 1847, nay đã có được 4 triệu thành viên. Mục đích của Hội là "không sát sinh, cải thiện cuộc sống, bảo đảm sức khỏe con người, bảo vệ môi trường".
Ăn chay là xu thế hiện nay, đã trở thành một phong trào của mọi tầng nhân dân trên thế giới. Ăn chay thể hiện một cách sống, một chế độ ăn uống không thịt nhằm bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái.
 (Theo Báo Thuốc Và Sức Khỏe số 97 ngày 1/8/1997).
Theo nhận định trên đây, thì cũng phù-hợp với lời dạy của Đức Chí-Tôn đã dạy cách đây hơn nữa thế kỷ rằng :
                            "Cao lương mỹ vị hại thân phàm"
           Ăn chay  để có được sức khỏe, để có cuộc sống an vui.
                             "Nếu muốn an vui theo lẽ Đạo,
                              Từ từ đừng vọng vị cao lương.
        Như vậy chúng ta nhận thấy rằng ngày nay ăn chay không còn trong phạm vi tôn giáo, mà đã xâm nhập vào các tầng lớp phi tín ngưỡng với nhiều mục đích khác nhau.




Đối với những hành-giả đang tiến bước trên đường Đạo, làm thế nào vừa lo việc ăn uống cho đúng cách và luyện-tập thân-thể, để nuôi dưỡng xác thân, vừa công-phu thiền-định, lễ bái, để nuôi dưỡng tinh-thần, rồi còn lo toan đến biết bao nhiêu việc xử-thế tiếp-vật để biểu-hiện con người có Đạo, sống Đạo với mọi người, thật là một nan đề. Nên không thể có một cách ăn uống, một thực đơn, một thời khắc biểu mẫu mực cho mọi người, nên mỗi chúng ta tùy theo căn-cơ, nghiệp-quả, mà có thể tự chọn một phương-thức dinh-dưỡng thích-hợp với nếp sống và cơ-thể của mình qua kinh-nghiệm dần-dà tự thu lượm được.
Theo khoa Dinh-dưỡng cổ-truyền cho rằng thức ăn là gốc rễ của sự sống, con người là hóa thân của thức ăn, nên trong sự sử-dung thức ăn có các yếu-tố quan-trong cần ghi nhớ sau đây:
- Cả tinh-thần và thể-chất đều chịu sự chi-phối một phần lớn bởi thức ăn. Nếu chúng ta thường-xuyên dùng thức ăn có bản-chất ra sao, thì một thời-gian ngắn,  bản-chất của thể-xác và tinh-thần của chúng ta cũng trở nên như thế ấy.
- Các quan-niệm về  dinh-dưỡng đã nêu trên đây cho thấy rằng từ thức ăn, đến thức uống, không có loại nào có thể dùng thường-xuyên một cách đơn-điệu và dài ngày  được, vì bổ ích tạng này sẽ làm tổn thương tạng khác.
- Thức ăn bình-hòa là ngũ cốc, là cốc loại chính dùng dinh-dưỡng hằng ngày, còn ngoài ra rau cỏ, hoa quả, và các thực-phẩm phụ-trợ phải luôn thay đổi, chứ dùng mãi một thứ cũng gây sự thiên-lệch, sẽ làm tổn-thương đến chính-khí.
- Sự thay đổi phương-pháp dinh-dưỡng cần phải có thời-gian chuyển-tiếp từng bước để cơ-thể kịp thíc-nghi.
*
*          *
Trên đây là nói chung về phương-pháp dinh-dưỡng có ảnh-hưởng quan- trọng đến đời sống con người trên bình-diện tổng-quát.  Còn đứng về lãnh-vực tu-hành, có một điều chúng ta nên nhớ rằng, sự ăn uống tuy quan-trọng cho sinh-lực, sự dinh-dưỡng sai lầm dẫn đến bệnh tật, và một sự điều-chỉnh đúng-đắn sẽ phục-hồi sức khỏe, nhưng không phải tất cả đều do sự ăn uống quyết-định, nó chỉ là một điều kiện ắc có mà thôi, mà điều-kiện đủ để đóng một vai trò trong sức khỏe, hạnh phúc và đạt đạo, đó là niềm-tin, tâm-tư, tình-cảm, ngay cả môi-trường sống và cả những năng-lực to lớn hơn của vũ trụ, cùng đạo-hạnh và công-đức của chính mình cũng đều có vai trò quan-trọng trong sự nuôi-dưỡng tinh-thần. Nên theo quan-điểm “Tâm Vật bình hành” của Đai-đạo Tam-kỳ Phổ-độ, chúng ta đừng dồn hết nổ-lực vào sự ăn uống một cách phiến-diện, mà phải đạt được các mục-tiêu tiến-hoá tinh-thần, vừa thăng-tiến cho bản thân, vừa giúp ích cho đồng loại, phụng-sự thiên-cơ, thì mới đủ công-quả.
Bởi thế cho nên chúng ta không nên mất nhiều thì giờ trong việc ăn uống, mà làm thế nào chỉ lo nấu nướng sửa-soạn thức ăn chỉ một lần là đủ dùng cho cả ngày, tỷ như chỉ cần nấu cơm, kho các thức ăn vào buổi chiều rồi để hâm lại cho ngày hôm sau, nhất là các thức ăn giàu đạm như đậu phụ, tàu hủ ky, nấm là những loại cần phải kho nấu lâu để dương hóa (vì các loại này thịnh âm) nên chỉ cần kho nấu một lần rồi hâm lại ăn trong nhiều ngày càng tốt. Lại còn có những thức ăn làm dưới dạng thực-phẩm khô, chỉ cần làm một lần là đủ ăn cả tuần, nên ít mất thì giờ.
Cứ  mỗi bữa ăn uống thanh-khiết, mỗi lần công-phu, cầu-nguyện, lễ-bái giao tiếp với Thiêng-liêng là chúng ta đã bước được một bước tích-cực, mang lại lợi-ích thiết-thực cho thể-xác và tâm-linh. Kết-quả này không cần phải đợi lâu ngày nhuần-nhuyển mới thấy, mà chỉ cần một ngày tinh-tấn là chúng ta đã bước được một bước vững-vàng và cứ thế tiếp-tục..., chỉ trong một thời-gian ngắn, nếu " chương trình sống " của mình được rà-xét để điều-chỉnh cho hội-nhập với cuộc sống giản-dị, bình-thường, giữa cá-nhân, gia-đình và cộng-đồng cùng hòa-nhập với nếp sống đạo thì chúng ta sẽ nhận thấy được kết-quả hửu-ích mang lại.
CHUNG










TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Thánh ngôn hiệp tuyển Q.I và Q.II.
- Đạo sử / Nữ Đầu-sư Hương-Hiếu sưu tập
- Hoàng Đế Nội-kinh/Tố vấn
- Bổn thảo cương mục/Lý Thời Trân
- Zen Dưỡng-sinh/Thái Khắc Lễ
- Tuyệt thực đi về đâu/Thái Khắc Lễ
- Vui sống tự nhiên (Living Well Natuarally) Nguyên tác Dr. Anthony J.Sattilaro bản dịch Ngô Ánh Tuyết, Lê Công Thìn và Huỳnh Văn Thanh.
- Vademecumclinique/O.Riter và V.Fattorusso).
- Phương pháp giữ gìn sức khỏe không dùng thuốc. Một nhóm Giáo sư, Bác sĩ Nhật biên doạn. Nhóm Dưỡng-sinh Việt Nam sưu tập phổ biến.
- Một số tài liệu về Tân dưỡng sinh của Giáo sư Ohsawa.

- Một số tài liệu trong các các tạp-chí Y-học và Dược-học của nhiều tác-giả.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét