Vitamin DThiếu vitamin D sẽ làm cho xương dễ gãy và nghiêm trọng hơn là gây loãng xương. Một nghiên cứu xuất bản hồi tháng 7 năm ngoái trên tờ Y khoa nước Anh (The New England Journal of Medicine) chỉ ra rằng dùng liều cao vitamin D (800 đơn vị vitamin D - tính theo đơn vị quốc tế) mỗi ngày có thể giúp giảm 30% nguy cơ gãy xương hông ở phụ nữ cao niên.
Có thể hấp thụ vitamin D qua da, từ chế độ ăn và uống bổ sung vitamin D. Tuy nhiên khi lớn tuổi, khả năng hấp thụ ánh sáng mặt trời để chuyển hóa vitamin D của da giảm nhiều. Khi đó, có thể bổ sung vitamin D bằng sữa hoặc các sản phẩm từ bơ sữa mỗi ngày. Vitamin D còn có nhiều trong sữa chua ít béo, phô-mai, nước cam, các loại thực vật họ đậu hoặc uống vitamin bổ sung.
Calcium
Calcium giúp tạo tế bào xương mới. Nhưng khi phụ nữ có tuổi, khả năng tạo xương mới bị giảm nhiều. Ngoài sữa, còn có thể ăn các thực phẩm giàu calcium mỗi ngày. Phụ nữ lớn tuổi hơn nên hấp thụ 600 mg calcium bổ sung, hai lần mỗi ngày. Theo Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (The National Institute of Health), hai loại calcium bổ sung cần thiết là calcium carbonate và calcium citrate. Trong đó, calcium carbonate thì giá cả hợp lý và chỉ có hiệu quả tốt nhất khi dùng kết hợp với thực phẩm; còn calcium citrate thì đắt hơn nhưng có thể dùng khi bụng đói. Ngoài các sản phẩm bơ sữa, calcium còn được có nhiều trong đậu phụ (tàu hủ), ngũ cốc, đậu nành và rau cải.
Acid béo omega-3
Dùng nhiều omega-3 sẽ giúp làm giảm nguy cơ tim mạch, theo báo cáo của một nghiên cứu năm 2002 trên tờ Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (The Journal of the American Medical Association). Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (The American Heart Association) còn khẳng định omega-3 là một dạng chất béo không bão hòa đa giúp làm chậm quá trình làm nghẽn động mạch và cải thiện tình trạng huyết áp cao. Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy omega-3 có thể giúp làm tăng lượng cholesterol có lợi HDL và hạ giảm lượng cholesterol có hại LDL. Dầu ô liu cũng có chứa nhiều acid béo không bão hòa đơn có lợi cho sức khỏe.
Vitamin B12
Phụ nữ có tuổi thường bị thiếu vitamin B12, tăng nguy cơ thiếu máu. Một nghiên cứu gần đây thực hiện trên gần 73.000 phụ nữ cho kết quả, có 5.5% người bị thiếu máu. Các chuyên gia phát hiện rằng phụ nữ mắc chứng thiếu máu là do tiêu thụ ít protein, folate (vitamin B9), sắt, vitamin C và vitamin B12. Khi phụ nữ có tuổi, lượng vitamin B12 hấp thụ vào cơ thể thường thấp. Còn các trường hợp thiếu vitamin B12 khác là do dạ dày không có đủ aicd hydrochloric để hấp thụ vitamin. Dù chưa được xác chứng nhưng vitamin B12 còn được đề cập là có hiệu quả trong điều trị mất trí nhớ, cải thiện tình trạng tâm lý tiêu cực, tăng cường năng lượng và sự tập trung. Theo lời khuyên từ bác sĩ, mỗi ngày người trưởng thành cần 2.4 micrograms. Đối với phụ nữ ăn kiêng, ăn chay (không thể hấp thụ vitamin B12 qua cá, thịt, gia cầm, trứng) thì có thể dùng ngũ cốc hoặc tiêm bổ sung vitamin B12.
Acid folic (vitamin B9)
Acid folic rất cần thiết cho phụ nữ mang thai và cả khi phụ nữ lớn tuổi. Acid folic giúp bảo vệ hệ tim mạch và giúp hình thành mô mới. Acid folic hay folate là phức hợp vitamin B cần thiết cho việc tạo tế bào máu. Thiếu acid folic sẽ dẫn đến thiếu máu, giảm cân, ốm yếu, đau đầu và làm tăng mức độ homocysteine trong máu - một nguy cơ dẫn đến bệnh tim.
Một nghiên cứu năm 2005 trên tờ Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ khẳng định phụ nữ hấp thụ nhiều acid folic sẽ giảm đáng kể sự phát triển của bệnh huyết áp cao. Nghiên cứu so sánh tình trạng tiêu thụ acid folic của phụ nữ, một nhóm hấp thụ tối thiểu 1.000 micrograms và một nhóm hấp thụ ít hơn 200 micrograms acid folic mỗi ngày. Kết quả cho thấy rằng các phụ nữ cao niên mắc chứng cao huyết áp nhưng hấp thụ nhiều acid folic nhiều thì tình trạng cao huyết áp giảm 18%. Theo đó, mỗi ngày phụ nữ có tuổi cần 400 micrograms acid folic. Aicd folic có nhiều trong các loại rau cải có lá màu xanh, các trái cây họ cam quýt, bí, dâu, đậu hạt và dầu ô liu.
Trần Trọng Hiếu
(Theo The Live Science)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét