Đó không phải là một kỳ trăng mật bình thường. Sau khi đáp chuyến bay ở Canada , Margaret McKinnon và chồng mới cưới lên đường đến Lisbon , Bồ Đào Nha.
Khi chuyến bay của hãng Air Transat bay lên trên bầu trời giữa Đại Tây Dương, McKinnon đi vào nhà vệ sinh. Không hệ thống nào trong đấy hoạt động. “Thật kỳ lạ,” cô nói nhưng không hề suy nghĩ nhiều về điều đó.
Quay trở lại ghế ngồi, các tiếp viên phục vụ bữa sáng nhưng sau đó thông báo rằng họ sẽ hạ cách khẩn cấp. “Vào lúc đó tôi không thật sự hiểu điều đó nghĩa là gì,” cô nói. Sau đó cô đã nhận ra rằng các tiếp viên đã hướng dẫn hành khách mặc áo phao. Đèn chập chờn, sau đó tắt hẳn. Áp suất giảm. Mặt nạ dưỡng khí được thả xuống.
Các hệ thống của máy bay đã dừng hoạt động sau một sự cố rò rỉ nhiên liệu nghiêm trọng. "Họ la lên rằng chúng tôi sẽ đâm xuống biển,” McKinnon nhớ lại.
Sau nửa giờ đồng hồ chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, McKinnon nhớ lại ai đó la lên rằng họ đã hạ cánh xuống mặt đất.
Đó là Azores , một quần đảo cách biệt nằm cách bờ biển Bồ Đào Nha 1.360 km. Các phi công đã liên lạc được với Lajes, một căn cứ không quân quân-dân sự. Sau cú xoay 360 độ và nhiều lần đảo chiều gấp để giảm độ cao, các phi công đã hạ cánh được. Lửa tóe ra từ bánh máy bay.
Các hành khách và tiếp viên còn sửng sốt đã trượt qua đường thoát hiểm và chạy đến khoảng cách an toàn nơi có lính Mỹ đang cầm súng. Hai người bị thương nặng trong quá trình sơ tán khỏi máy bay nhưng tất cả 293 hành khách và 13 thành viên phi hành đoàn đều sống sót.
Tại sao ghi khắc?
Nhưng đối với nhiều người chuyến bay chưa kết thúc ở đó. Đối với một số người, trong đó có McKinnon – những trải nghiệm kinh hoàng hiện lại rõ mồn một và cô gặp ác mộng trong những tháng sau đó.
Chính trải nghiệm này đã khiến McKinnon, giờ đây là một nhà tâm lý học lâm sàng, nghiên cứu tác động của khủng hoảng tâm lý đối với não bộ – nó đã thay đổi trí nhớ chúng ta như thế nào và tại sao một số người có triệu chứng rối loạn tâm lý sau khủng hoảng (PTSD).
Trong những năm gần đây, cô và một số nhà nghiên cứu khác đã cố gắng tìm hiểu điều gì đã làm cho những trải nghiệm kinh hoàng khắc sâu vào tâm khảm chúng ta như vậy. Và nếu họ hiểu tại sao những khủng hoảng tâm lý lại có tác động sâu sắc và kéo dài như vậy đối với chúng ta thì có lẽ họ sẽ tìm ra cách giúp các nạn nhân đối phó tốt hơn.
Mối liên hệ giữa ký ức và sự sợ hãi đã lôi cuốn nhiều nhà nghiên cứu trong hàng chục năm.
Tuy nhiên, các dữ liệu vẫn còn không nhất quán. “Một số nghiên cứu cho thấy khi hồi tưởng lại những sự kiện kinh hoàng, ký ức của chúng ta được kích thích. Câu chuyện trở nên sống động và nhiều chi tiết được nhớ lại,” McKinnon nói.
Một số nghiên cứu khác cho thấy việc nhớ lại những ký ức kinh hoàng lại rất nghèo nàn và rời rạc với các chi tiết không ăn khớp với nhau.
Có ít nghiên cứu xem xét trí nhớ trong lúc xảy ra những tai nạn kinh hoàng, nhất là trong cùng một sự kiện mà nhiều người cùng trải qua.
McKinnon và các đồng sự của cô đã xem xét ký ức của 15 hành khách trên chuyến bay đáng sợ mà cô đã đi để so sánh họ nhớ đến đâu giữa ba sự việc: chuyến bay đó, một sự kiện bình thường không gây xáo trộn gì đến tâm lý xảy ra trong cùng năm và trải nghiệm của họ trong thời gian xảy ra vụ khủng bố ngày 11/9 ở Mỹ trong tháng sau đó.
Sáu trong số những người được nghiên cứu đã cho thấy các triệu chứng PTSD.
Chi tiết đâu đâu
Những người này được yêu cầu kể lại ‘tất cả những gì mà họ có thể nhớ được về chuyến bay’ và sau đó được kích thích bằng những câu hỏi gợi trí nhớ như ‘lúc đó đang nghĩ gì, đang cảm thấy như thế nào, ánh sáng trong máy bay ra sao?’
Những hồi tưởng này sau đó được so sánh với những gì đã được biết chính xác về chuyến bay đó và ký ức một nhóm các hành khách khác không bị chấn thương tâm lý.
Họ nhận ra rằng tất cả các hành khách, dù họ có bị PTSD hay không, đã nhớ lại rất rõ ràng và sống động sự việc. Điều này củng cố giả thiết cho rằng nỗi sợ hãi đã thay đổi cách não bộ xử lý trí nhớ.
Ở nhóm các hành khách bị PTSD, “họ kể lại rất nhiều những chi tiết lạ lùng ở đâu đâu, không phải chỉ trong vụ tai nạn kinh hoàng đó mà còn trong sự kiện ngày 11/9 cũng như những sự kiện bình thường khác,” McKinnon nói. Điều này cho thấy những người này gặp vấn đề trong việc xử lý những gì họ nhớ lại.
Vậy nếu những ký ức kinh hoàng được nhớ lại một cách sống động, thì điều gì đã xảy ra bên trong não bộ chúng ta khi chúng hình thành?
Có nhiều hệ thống của trí nhớ trong não, chẳng hạn như trí nhớ vật lý giống như khi chúng ta tập đi xe đạp. Nhưng nỗi sợ đã kích hoạt một hệ thống hoàn toàn khác: trung tâm kiểm soát khẩn cấp trong cơ thể chúng ta được gọi là amygdala, hay là hạch hạnh nhân.
Với cảm giác sợ hãi, hệ thống sinh tồn của chúng ta được kích hoạt và chúng ta có ký ức gọi là ký ức qua một lần trải nghiệm.
“Nếu thoát khỏi một con sư tử một lần hoặc nếu nhìn thấy người khác bị sư tử ăn thịt thì anh sẽ sợ con sư tử đó,” Kerry Ressler, giáo sư tâm lý và khoa học hành vi từ Đại học Emory ở Atlanta, Georgia nói.
Do sinh tồn
Khi chúng ta cảm thấy sợ hãi, chất adrenaline dâng lên kích hoạt một phản ứng được cho là kích thích việc ghi nhớ những sự kiện xảy ra ngay trước đó. “Hệ thống sợ hãi đã tiến hóa để giúp chúng ta sinh tồn,” ông Karim Nader, một giáo sư tâm lý tại Đại học McGill ở Montreal , Canada , cho biết.
Những trải nghiệm về nỗi sợ không phải lúc nào cũng để lại những ký ức mạnh mẽ.
Elizabeth Phelps, một giáo sư tâm lý và khoa học thần kinh ở Đại học New York, quan tâm đến cái gọi là ‘ký ức đèn chớp’ của sự kiện ngày 11/9. Đây không phải là những người mắc chứng PTSD ‘mà là những người bình thường đã trải qua ngày 11/9, là tất cả chúng ta’, ông Phelps nói. Bà nhận thấy rằng mặc dù những ký ức về ngày 11/9 rất sống động chúng không mạnh như chúng ta tưởng – chúng có thể thay đổi.
Phòng thí nghiệm của Phelps tại New York ở gần nơi xảy ra thảm họa.
Trong cuộc khảo sát quy mô lớn lần đầu tiên chỉ trong vài tuần sau khi xảy ra vụ 11/9, sau đó một năm, 2 năm rồi 10 năm, họ nhận xét rằng ‘mọi người rất tự tin về những chi tiết mà họ nhớ là chính xác’.
Không phải chi tiết sự việc xảy ra như thế nào mà là lúc đó họ ở đâu, ở với ai, nghe báo tin lần đầu như thế nào và họ làm gì sau đó. Tuy nhiên, sự hồi tưởng của mỗi người về các chi tiết bối cảnh của sự việc lại thay đổi theo thời gian.
Điều này cho thấy, theo Phelps, ‘ký ức đèn chớp’ khác với trí nhớ những việc bình thường không phải bởi vì chúng ta ghi nhớ chúng tốt hơn mà vì chúng ta nghĩ rằng chúng ta nhớ chúng rõ hơn.
“Với những sự kiện khủng hoảng chúng ta nghĩ rằng chúng ta có trí nhớ vô cùng chính xác,” bà nói, “Sự thật là, nhiều chi tiết mà chúng ta cho là chính xác hóa ra lại không chính xác. Cảm xúc đã làm chúng ta tập trung vào một số chi tiết hơn những chi tiết khác.”
Lesley Evans Ogden
0 nhận xét:
Đăng nhận xét