NGHĨ LAN MAN NHÂN NGÀY LỄ LỚN…




          Có hai việc vừa xảy ra trước ngày lễ 30 tháng 4 năm nay.

          Một là có một tấm pano ở thủ đô Hà Nội vừa bị hạ xuống, vì nó khiên cưỡng, làm lấy được và buồn cười.

          Hai là té ra cái việc tỉnh Quảng Nam công nhận ngôi nhà mẹ Thứ là di tích lịch sử cấp tỉnh lại chưa được các con của mẹ đồng thuận, xảy ra tranh cãi không đáng có, và cuối cùng thì cái việc làm tưởng là tốt đẹp ấy lại hóa ra cũng… buồn cười.
 

          40 năm đã trôi qua, năm nào cũng cờ hoa rợp trời, nhưng rồi những chuyện buồn cười như thế vẫn xảy ra. Có cảm giác như chúng ta làm vì phong trào, vì những điều ngoài ý nghĩa thực của nó.

          30 tháng 4 năm 1975 tôi đang học lớp cuối cấp 3 ở Thanh Hóa. Ba tôi đã mất ngủ nhiều đêm trước đó, để ngay khi biết việc cầu Hiền Lương không bị ngăn đôi như trước, đã hăm hở tìm mọi cách về quê, một làng nhỏ xinh xắn cách Huế hơn 30 cây số.

          Về quê ông gặp ngay 2 chuyện. Một là những người em gái ruột của ông, nhà nào cũng có 2 sắc lính, nhiều nhà trên bàn thờ cũng 2 sắc lính như thế. Ngoài đời là 2 sắc lính, nhưng trong lòng những cô em của ông, họ là những đứa con. Tất cả hương thắp hàng đêm là chia đều cho họ. Ông cũng cúi đầu thắp hương cho tất cả những người cháu của ông.

          Hai là, bà nội tôi bị một ông làm ở chế độ cũ truy bức, phải lang thang bờ bụi. Bà có 6 người con. 2 con trai tập kết ra Bắc. 4 con gái ở lại lấy chồng đẻ con. Có một cái nhà, và ông này muốn chiếm. Thế là một chiến dịch truy bức bà nội tôi vì tội có 2 con trai theo cộng sản, để khi bà chết, đau đớn thay, không chết ở nhà nào trong 4 người con gái của bà, mà trong một cái bụi, phải hôm sau mới phát hiện ra. Ba tôi về và nghe kể lại tất cả mọi chuyện. Gặp ông này tôi tưởng sấm sét sẽ nổ ra. Nhưng té ra lại không. Trước mặt cái ông đang lấm lét ấy là ba tôi, mặt đầy kiêu hãnh nhưng cũng rất hiền lành: Những gì đã qua thì đã qua, nhưng từ nay tôi cấm anh được lấn đất nhà tôi nữa. Cái nhà thờ ấy các cô tôi phải cắt người ngày đêm đến giữ trước sự lấn chiếm của ông kia. Sau ba tôi cho một đứa cháu về ở, ông mua một ngôi nhà khác và ở đến khi mất, hàng ngày vẫn chạm mặt ông hàng xóm truy bức bà nội tôi…

          Bây giờ cứ đến ngày này là chúng ta lại tưng bừng tổ chức lễ. Điều ấy đúng thôi. Sự kiện lịch sử mà. Nhưng có vẻ như, sự hình thức và lối mòn cứ lên ngôi, nó khiến cho có gì đấy khiến khiến chúng ta lười động não để nghĩ ngợi, để hồi ức. Tỉnh nào cũng tổ chức trọng thể ngày thống nhất nhưng có lẽ chỉ Đà Nẵng nghĩ ra việc cấp tiền cho các tổ dân phố liên hoan với nhau một bữa. Chỉ được liên hoan, không được chia nhau. Cả thành phố cùng vui, và cái vui nó cụ thể và nhỡn tiền, không phân chia, không đẳng cấp. Và theo tôi biết, bà con tự nguyện đóng thêm tiền cho bữa liên hoan nó xôm hơn, trọn vẹn hơn. Và nghe nói trong cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng sắp tới đây, giấy mời sẽ được gửi tới các tổ trưởng dân phố và bí thư chi bộ, những người gần, sát dân nhất, “vác tù và” nhiều nhất. Nó ý nghĩa hơn rất nhiều những buổi tổ chức nhiêu khê hoành tráng, hàng chục ngàn người đội nắng nghe diễn văn lê thê và… ngắm lưng người khác…
                                                              

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét