ÁM ẢNH "QUÂN KHU NAM ĐỒNG"


Tôi chưa có dịp tìm hiểu xem các bạn trẻ hôm nay có thích đọc cuốn này không, nhưng lứa chúng tôi, xấp xỉ đầu sáu, thì tìm thấy một thời của mình trong ấy. Nó vừa trong trẻo, ngượng nghịu lại vừa liều lĩnh bất chấp, vừa mong manh lại vừa ngoan cố, cứ thế nó làm thành một thế giới đầy sức níu khi đã mở cuốn sách...
---------------

 




          Ngày nhỏ tôi ở thị xã Thanh Hóa, mỗi khi ra Hà Nội đều được nhắc là hết sức chú ý 2 nơi, một là chợ Đồng Xuân, nơi hay bị móc túi, và hai là quân khu Nam Đồng, nơi hay… đánh nhau.

          Quân khu Nam Đồng thời ấy nổi tiếng đến mức, cách trang phục của họ chinh phục nhiều đô thị ở miền Bắc, và Thanh Hóa tất nhiên cũng có. Ấy là dép rọ hoặc cao su, áo quần bộ đội rộng thùng thình, và mũ cối, tất nhiên. Mũ cối vừa là trang phục vừa là vũ khí khi lâm trận (cũng với sanh tuya rông). Hồi ấy mà thấy một anh giai trang phục ấy, kính đen nữa, tay đút túi quần lừ lừ tới là tôi… lủi. Mà chả cứ tôi, nhiều thiếu niên thế hệ tôi đều thế.

          Sau này trang phục quân khu này phổ biến nhiều ở chợ trời Hà Nội. Chỉ ai gan cóc tía mới dám bén mảng tới nơi này. Còn Nam Đồng, tôi có ông bác ở đấy, về sau nó trở thành một khu tập thể dân lính lẫn lộn với đầy đủ đặc điểm thời bình của nó là cơi nới, chuồng cọp, tận dụng từng mẩu đất dựng quán, nhảy dù…

          Thế nên khi cuốn “Quân khu Nam Đồng” đến tay, tôi đã đọc một hơi, vừa đọc vừa thấy bóng dáng một thế hệ, một giai đoạn lịch sử vừa buồn đau vừa bi hài mà thế hệ tôi đã trải qua, chứng kiến, và đến giờ vẫn coi đấy là những tháng ngày đẹp nhất.

          Tác giả là một cái tên rất mới trong làng văn. Và có vẻ anh cũng không làm văn, bởi anh chỉ đơn giản là làm cái việc kể lại, hồi ức lại cái thời anh và bạn bè cùng sống. Nhưng trong nghề thì biết, tác giả đã rất dụng công, biết cách sắp xếp rất hợp lý để giữa đám đông rất nhốn nháo nghịch ngợm ấy, từng nhân vật vẫn hiện lên rất mạch lạc, có cá tính và phát triển tuần tự, khiến khi đọc ta không bị lẫn, dù có lúc cả “quân khu” ấy lộc ngộc đồng phục trên đường.

          Đấy là giai đoạn cả đất nước ra trận, ai ở lại thì cũng là mặt trận, tất cả mọi người như tan biến vào cuộc chiến tranh, người vào chiến trường đã đành, người ở nhà cũng vẫn là tự vệ, vẫn mỗi người một việc bình thường, và thay chồng nuôi dạy con cái. Nhưng thời gian dành cho chúng cũng rất ít. Thế là những đứa trẻ con tự lớn, tự chơi, nghĩ ra trò chơi, tự hình thành nhân cách, tất nhiên nhân cách ấy được hình thành trên cơ sở có sự ảnh hưởng của gia đình, xã hội. Chiến tranh như cơn lốc cuốn mọi người vào vòng xoáy của nó. Những đứa trẻ con quân khu Nam Đồng cũng bị ảnh hưởng và có cách để… hòa nhập, ấy là đánh nhau.

          Tôi là con cán bộ Miền Nam tập kết nên về mặt nào đó cũng có chút tự kiêu như quân khu Nam Đồng và cũng biết một số chuyện thời ấy, nên đọc những đoạn đánh nhau của quân khu Nam Đồng thấy… quen quen. Cái cách tả những trận đánh nhau của trẻ con quân khu Nam Đồng cũng rất… quân khu, ấy là trần trụi, khốc liệt nhưng lại cũng rất hồn nhiên, ngẫu hứng, nó cũng như khi ngứa thì gãi, buồn thì hát… nên có vẻ khốc liệt thế nhưng đọc vẫn cứ phải nhỏn nhẻn cười.

          Nhưng cái đoạn viết thư tình thì tài, cực tài. Thanh niên bây giờ có khi chả viết nổi những lá thư như thế, bởi điện thoại, email, facebook… đã làm thay. Tôi cá là tác giả… phịa những lá thư tình ấy, nhưng phịa trên cơ sở vô cùng thật, bởi thư thời ấy là thế, tôi cũng đã từng, bạn tôi cũng đã từng, nhưng không hay như thế, không khiến người nhận thư, và cả người đọc sách, thổn thức đến thế. Cái thời tán gái đẹp và trong sáng, lãng mạn đến tận cùng, khác hẳn những quả đấm, những  lê AK mới vung lên lúc chiều, cũng khác hẳn bây giờ chưa gì đã nhấm nháy đưa nhau vào nhà nghỉ…

          Rồi mỗi người mỗi ngả. Những mối tình chớm nụ, những trắc trở trái ngang, những ngọt ngào đang tới… tất cả như tan hết vào cái vòng chiến tranh khổng lồ cứ xoáy trên đầu mỗi người. Có kẻ hư có người nên. Có người vào tù. Đa phần là vào bộ đội, họ thành tướng thành tá thành liệt sĩ. Không ai có thể quên mối tình của Việt và Mai Hương trong cuốn sách. Một mối tình vừa đẹp thanh cao vừa hụt hẫng ngỡ ngàng. Cùng lao vào mặt trận tìm nhau rồi cuối cùng là mãi mãi phải tìm nhau với những nỗi ân hận giằng xé trong cuộc đời người ở lại.

          Tóm tắt lại cuốn sách này là việc không thể, bởi nó là cuộc sống thường ngày của một khu tập thể quân đội, cứ thế trôi qua trong một khung cảnh bất bình thường của đời sống, ấy là chiến tranh. Nhưng chiến tranh dài quá nên nó lại thành bình thường. Những đứa trẻ lớn lên, vắng bố, thiếu hụt mẹ, đi học và bày trò nghịch. Tuy vậy sâu thẳm trong từng con người vẫn là hừng hực dòng máu truyền thống của gia đình, dòng họ. Nhưng cách viết của tác giả đã khiến ai đọc cũng như thấy một phần của mình trong ấy. Tôi chưa có dịp tìm hiểu xem các bạn trẻ hôm nay có thích đọc cuốn này không, nhưng lứa chúng tôi, xấp xỉ đầu sáu, thì tìm thấy một thời của mình trong ấy. Nó vừa trong trẻo, ngượng nghịu lại vừa liều lĩnh bất chấp, vừa mong manh lại vừa ngoan cố, cứ thế nó làm thành một thế giới đầy sức níu khi đã mở cuốn sách. Có người bảo, tác giả cố tình không đẩy nó lên thành tiểu thuyết, và bản thân tác giả cũng đề nó là “truyện”, để chứng minh sự “kể lại” là chính xác, là một “hồi ký tập thể”. Thực ra thể loại gì không quan trọng, quan trọng là, cuốn sách này có bạn đọc, và đọc xong thì không thể quên ngay. Sự ám ảnh chính là thành công của cuốn sách…
                                                                            
  Viết 2 tuần rồi, nhưng đợi báo in rồi mới post được, để kiếm... NB, huhu. Hình như khi in có cắt bớt 1 ít. Chả sao miễn đừng cắt... xiền là được...



Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét