Phụ nữ dùng khoảng 20.000 từ mỗi ngày, trong khi đàn ông chỉ dùng khoảng 7.000.
Ít ra đó là khẳng định của nhiều cuốn sách khoa học khá thịnh hành.
Thông tin trên, vốn dẫn nguồn từ nhiều chuyên gia tên tuổi, đã góp phần củng cố cho lối nghĩ trong xã hội rằng phụ nữ dành cả ngày để tán gẫu, trong khi đàn ông thì đi thẳng vào vấn đề, bất kể đó là vấn đề gì.
Thế nhưng thực tế có phải vậy?
Có nhiều cách để đo độ nhiều chuyện của mỗi người.
Bạn có thể mời nhiều người vào trong một phòng thí nghiệm, cho họ một chủ đề và ghi lại đoạn hội thoại. Bạn có thể ghi lại toàn bộ các cuộc hội thoại trong ngày của họ ở nhà. Bạn có thể tính tổng số từ hoặc thời gian sử dụng cho hội thoại, hoặc số lần họ lên tiếng trong một cuộc hội thoại.
Tuy nhiên khi tổng hợp kết quả từ 73 nghiên cứu đối với trẻ em, các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ cho thấy các bé gái dùng nhiều từ hơn các bé trai, nhưng không đáng kể.
Sự khác biệt nhỏ này cũng chỉ hiện rõ trong các cuộc đối thoại với phụ huynh, và không thể hiện trong các cuộc đối thoại với bạn bè.
Sự khác biệt này cũng chỉ bắt đầu được nhận thấy từ hai tuổi rưỡi trở đi, điều cho thấy có thể các bé trai và bé gái phát triển kỹ năng hội thoại ở tốc độ khác nhau.
Vậy còn ở người trưởng thành?
Khi nhà tâm lý học Campbell Leaper, từ Đại học California, Santa Cruz, nghiên cứu các thống kê liên quan đến chủ đề này, bà nhận ra chính đàn ông lại nói nhiều hơn.
Tuy nhiên sự khác biệt cũng không lớn.
Điều gây ngạc nhiên là kết quả nghiên cứu khi những người tình nguyện được cho các chủ đề để thảo luận trong phòng thí nghiệm lại khác với kết quả nghiên cứu từ thực tế.
Điều đó có thể là do nam giới tỏ ra thoải mái trong phòng thí nghiệm hơn là nữ giới.
Deborah James, một nhà nghiên cứu tâm lý xã hội, cũng đã công bố 56 kết quả nghiên cứu trong một cuốn sách xuất bản hồi năm 1993.
Chỉ có hai trong số các nghiên cứu của bà chỉ ra rằng phụ nữ nói nhiều hơn nam giới, trong khi 34 nghiên cứu trong số này chỉ ra rằng nam giới nói nhiều hơn.
Các cuộc đối thoại trong thực tế thường khó nghiên cứu hơn bởi vì người tình nguyện thường phải ghi lại tất cả các cuộc nói chuyện của mình.
Tuy nhiên nhà tâm lý học James Pennebaker, từ Đại học Texas , Austin , đã sáng chế một thiết bị cứ mỗi 12,5 phút lại thâu lại âm thanh vòng 30 giây.
Thiết bị này cũng không thể bị tắt, vì vậy những thông tin mà nó ghi lại là khá đáng tin cậy.
Trong kết quả nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khoa học năm 2007, Pennebaker cho biết trong 17 tiếng đồng hồ, phụ nữ nói trung bình khoảng 16.215 từ, trong khi nam giới nói 15.669 từ.
Một lần nữa, kết quả cho thấy sự khác biệt không đáng kể.
Tuy nhiên không phải cuộc nói chuyện nào cũng giống nhau. Có lẽ điều khác biệt là người nghe.
Một kết quả phân tích từ 100 cuộc họp, do Janet Holmes, từ Đại học Victoria , Wellington , New Zealand , cho thấy 3/4 số câu hỏi được đặt ra là từ đàn ông, dù họ chỉ chiếm 2/3 số người dự họp.
Ngay cả khi số lượng nam giới và nữ giới dự họp là ngang nhau, đàn ông vẫn chiếm 3/4 số câu hỏi.
Bất chấp tất cả những nghiên cứu trên, tất cả chúng ta đều nghĩ rằng phụ nữ nói nhiều hơn.
Trên thực tế, đó là một trong những khía cạnh của cuộc sống mà chúng ta cho là có sự khác biệt khá rõ rệt giữa hai giới tính.
Mặc dù vậy, khi xét những kết quả nghiên cứu, chúng ta thấy rằng đàn ông và phụ nữ giống nhau hơn nhiều người vẫn nghĩ.
Khi một kết quả nghiên cứu đối với các bé gái 4 tuổi được công bố hồi năm 2013, trong đó cho thấy não các bé gái chứa nhiều hơn 30% protein được cho là quan trọng đối với kỹ năng ngôn ngữ, truyền thông đã nhanh chóng chộp lấy điều này và diễn giải rằng đây là lý do vì sao phụ nữ không thể ngừng nói.
Tuy nhiên trên thực tế, nghiên cứu này không cho chúng ta biết gì về phụ nữ, hay thậm chí về đàn ông.
Ngay cả những người đứng đằng sau nghiên cứu này cũng cảnh báo rằng chúng ta không nên đào quá sâu vào nó.
Họ nói việc lượng protein này có tạo sự khác biệt trong kỹ năng ngôn ngữ hay không vẫn còn là điều cần được nghiên cứu trong tương lai.
Vậy thông tin đàn ông chỉ nói 7.000 từ mỗi ngày, so với 20.000 từ của phụ nữ, là từ đâu ra?
Thông tin này xuất hiện trong cuốn The Female Brain, xuất bản năm 2006, của Louann Brizendine, một nhà thần kinh học tại Đại học California , San Francisco , và được nhiều nguồn dẫn lại.
Khi giáo sư Mark Liebermann, từ Đại học Pennsylvania, đặt nghi vấn trước cách thức sử dụng các số liệu này, Brizendine đã đồng ý với ông và hứa sẽ gỡ những con số này trong lần tái bản tiếp theo.
Ông Liebermann đã truy nguồn gốc số liệu này và không gặt hái được thành công đáng kể nào, ngoại trừ một cuốn sách viết về những bí quyết trong hôn nhân xuất bản năm 1993. Có lẽ đây không phải là bằng chứng khoa học tốt nhất có thể có.
Claudia Hammond
0 nhận xét:
Đăng nhận xét